(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi sinh ra ở miền Nam nơi vùng đất quê nghèo đồng chua nước mặn cuối miền Việt xa cách nghìn trùng thủ đô Hà Nội. Ngay từ thuở bé thơ còn học sơ cấp ở trường làng, tôi chỉ được cảm nhận về Hà Nội Thăng Long qua ca dao, sách Quốc văn giáo khoa thư và tác phẩm của văn nghệ sĩ : Thạch Lam, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Hồ Dzếnh, Hoàng Trọng, Phan Nhân …
Nhà văn Nguyễn Thanh
Sau này lớn lên, trong những lần về thăm quê mẹ nơi miền núi Tản sông Đà, tôi dần dần hiểu và yêu thêm Hà Nội vì nơi đó chính là chiếc nôi nguyên thủy của dân tộc Việt Nam trải qua suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, là bầu máu lớn ấm áp của dân tộc mình ở cả ba miền Nam Trung Bắc:
“ Hà Nội, Huế, Sài Gòn
Là cây một cội, là con một nhà”
(Ca dao)
Gái Hà Nội xinh đẹp, thông minh mà sâu sắc; trai Hà Nội hào hoa, dũng cảm mà kiêu hùng. Tôi yêu cảnh quan Hà Nội trữ tình với tóc liễu hồ Gươm lung linh trong sương sớm buổi giao mùa:
Sáng nay Hà Nội giao mùa,
Hồ thu tóc liễu, Tháp Rùa lung linh.
(Hồ Dzếnh–Hà Nội sang thu)
Tôi cũng say mùi hoa sữa ngan ngát lúc khuya về, đắm đuối với sắc vàng hoa cúc long lanh nắng mật hoặc màu tím hoa bằng lăng gợi nhớ và cũng chuếnh choáng với hương cốm Vòng dẻo thơm ngọt lịm mỗi độ thu sang. Tôi khát khao được nếm từng miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng) và chiêm ngưỡng trọn vẹn sắc màu muôn điệu của một Hà Nội Ba mươi sáu phố phường (Thạch Lam)
Tôi hằng mơ ước trong đời có dịp lại được ra thăm phố xưa với hồn cũ muôn năm khắp mặt đường rợp bóng mát cổ thụ (Phú Quang) hay khu Khâm Thiên nghệ sĩ văn hiến như phố Mont Martre ở Paris (Pháp). Tôi cảm nhận mình thân thiện nhiều với con người Hà Nội ấm áp đôn hậu với tình cảm gia đình nồng nàn mà chung thủy:
Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung
(Hồ Dzếnh–Hà Nội sang thu)
Dù yêu Thăng Long đẹp cả bốn mùa, nhưng chỉ riêng mùa thu Hà Nội với tôi cũng đã là một bài thơ tuyệt bút với thi tứ dạt dào, ngôn từ cổ kính âm vang cao rộng thẳm sâu như trời đất sông Hồng và vần điệu cũng đậm nét rêu phong như miếu đền vạn cổ.
Bất cứ nơi đâu và tự bao giờ, trong tâm khảm con cháu Lạc Hồng, tôi nghĩ tình cảm về nguồn khôn nguôi khiến mỗi người Việt Nam vọng hướng về Thủ đô Thăng Long thiêng liêng trải qua bao biến thiên hưng phế của triều đại cũng như tấm lòng hoài niệm triều Lê của Bà Huyện Thanh Quan:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
(Bà Huyện Thanh Quan–Thăng Long thành hoài cổ)
Những lúc bôn ba đi chinh chiến đây đó xa xôi nơi miền đất mới, con cháu Lạc Hồng vẫn mênh mang nghĩ về nơi Thăng Long đất tổ như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:
“ Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
(Huỳnh Văn Nghệ–Nhớ Bắc).
Ôi vĩ đại vô cùng chân dung một Hà Nội kiêu hùng, bừng bừng khí thế trong chiến đấu và chiến thắng những ngày toàn quốc kháng chiến:
“Hà Nội, tiếng reo hò bất tuyệt
Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương”
(Vũ Hoàng Chương–Nhớ về Hà Nội vàng son)
Và chói lọi hoành tráng vô cùng ngọn quốc kỳ tượng trưng cho hồn thiêng sông núi phấp phới tự hào, rực rỡ giữa lòng Hà Nội oai nghiêm trong ngày Cách mạng tháng Tám thành công:
“Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô”
(Vũ Hoàng Chương–Nhớ về Hà Nội vàng son)
Tôi vô cùng xúc động và cảm phục những người con yêu nước dũng cảm Hà Nội, mạnh dạn từ giã gia đình, gác lại sau lưng những tình cảm riêng tây ra đi vì nghĩa lớn trong mùa thu lịch sử:
“Tôi nhớ những ngày thu đã đi xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Người ra đi đầu không ngoãnh lại”
(Nguyễn Đình Thi – Đất nước)
Dấu ấn rực rỡ sắc màu lãng mạn của Hà Nội lung linh trong nỗi nhớ của những chàng võ trang thi sĩ đậm chất nhân văn đôi lúc dậy lên trong những khoảnh khắc lặng im trong tiếng súng khói bom. Những giờ phút mộng mơ, trí nhớ người chiến sĩ đa tình rất đời thường được dìu về với bóng dáng người thương còn cách trở nơi vùng tề:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
(Quang Dũng- Tây tiến)…,
mà đôi lúc không khỏi chạnh lòng lo lắng băn khoăn:
“Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có lạnh bên kia” (Quang Dũng- Đôi bờ)
Hồn nghệ sĩ rạo rực niềm vui vỡ òa với một tình cảm chung thủy ân tình. Từ các nẻo đường chinh chiến, cán bộ chiến sĩ có cơ hội trở về chiến khu xưa thăm lại vị Cha già kính yêu của dân tộc, nơi đó từng đau đáu ngày đêm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc:
“Vui sao một sáng tháng năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”
(Tố Hữu– Sáng tháng năm).
Và tôi tự hào về Hà Nội kiêu hùng trong những ngày nhân dân hiên ngang đánh Mỹ (Nguyễn Tuân– Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi).
Nhân dân tôi và văn nghệ sĩ mãi mãi dâng trọn con tim và khối óc của mình cho Hà Nội – Thăng Long – Nơi Thủ Đô Rồng Bay. Hà Nội là niềm tự hào về chiến thắng vinh quang của dân tộc mãi mãi còn đọng lại âm vang giọng nói ấm áp của lãnh tụ kiệt xuất- Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vườn hoa Ba Đình. Hà Nội, thủ đô hội tụ trí tuệ nghìn năm và sức xuân vô tận của cả nước. Từ quá khứ vinh quang, và của hôm nay và mai sau, nhân dân Việt Nam, người người luôn sẵn sàng tiến lên phía trước để bảo vệ và xây dựng nước nhà ngày một phồn vinh:
“Lòng ta chung một cụ Hồ”
trong một non sông thống nhất, đoàn kết với một niềm tin và hy vọng (Phan Nhân) nhân dân ba miền cùng một lòng một hướng về Hà Nội vàng son, thủ đô nghìn năm tràn ngập yêu thương:
“ Lòng ta chung một thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”
(Tố Hữu- Ta đi tới)
Ung dung bước chân trên đường phố Tây Đô đất mẹ mà tôi cảm thấy tâm hồn ấm áp thăng hoa nghe như mình đang đi giữa lòng Hà Nội yêu thương.
21.08.2020
N T
———————
Nguyễn Thanh
0918.746 104