Như một thời con gái của Phương Nguyễn

679

15.6.2018-11:45

 Tập thơ Như một thời con gái của Phương Nguyễn

 

Như một thời con gái… ân tình

      

NGUYỄN VŨ QUỲNH

 

NVTPHCM- Tôi đã có trong tay bản thảo tập thơ từ lúc chưa đặt tên. Tôi đọc thơ Phương Nguyễn người con xứ Nghệ, nhiều lúc lại nhớ đến câu hát: “Cứ nao nao lòng đứa con ở nơi xa”. Thơ Phương Nguyễn là những lời tự tình, là những kỉ niệm êm đềm về làng quê, là những tâm sự, sẻ chia với bè bạn của người con gái đi xa. Thơ Phương Nguyễn là những cảm xúc dâng trào, chất chứa những buồn vui và lắng sâu cái nghĩa ân tình.

   

Con sông quê lặng lẽ bến đò ngang

Người ấy đi chưa một lần trở lại

Bờ quê xưa như một thời con gái

Vẫn còn em thuở ấy đợi anh về

 

            (Như một thời con gái)

         

Bài thơ này được lấy tên đặt cho tập thơ: Như một thời con gái. Rồi đến cái ngày đi xa, cái ngày chân ướt, chân ráo xa quê, đi về nơi đất khách quê người. Chuyến phà trôi ngang dòng sông Tiền, sông Hậu mà trong tâm trí cô gái trẻ đi xa cứ vời vợi nỗi nhớ quê nhà. Phương Nguyễn viết:

 

Sóng vỗ rát đôi bờ

Lênh đênh trời xứ lạ.

 

    (Bến mới phương nào)

   

Sao mà nao lòng đến thế! Nhưng rồi đất phương Nam, mảnh đất tình đời đã thành bến mới của người con gái xứ Nghệ neo đậu lại nơi đây, phía cuối biển trời tây Nam Tổ quốc. Đứng trước biển phía Tây, chị đã viết thật lòng mình, chân thành mà thánh thiện:

 

Bỗng bất chợt em nghĩ thầm về biển

Ngắm biển thôi đừng ví biển là em

 

                   (Với biển chiều nay)

     

Như vậy cái ngày đi xa và ở lại là: Hạnh phúc trong tay trời đất giao hòa. Từ cái vốn văn chương của xứ ông đồ Nghệ, người đi xa đã tích tụ thêm tinh hoa của câu ngạn ngữ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Từ nơi thiên thời địa lợi nhân hòa ấy, đã nuôi dưỡng chấp cánh tâm hồn thơ của chị. Cái tuổi con gái đã lớn lên theo năm tháng cuộc đời, hứa hẹn một tương lai đẹp đẽ, ắp đầy những kỉ niệm nhân văn, lãng mạn. Để rồi cái ngày trở lại quê nhà, Phương Nguyễn đã ngân nga, tự sự với mình trên bến nước, bờ quê bằng những nội cảm xúc chân thực mà sâu sắc, duyên dáng, chất quê dâng trào:  

     

Gió Lào dưa muối hương quê

Cùng nghe răng, mô tê ngọt ngào

 

          (Biển Quỳnh ngày hội ngộ)

     

Viết về quê như vậy là đắt lắm, nghe như lâng lâng, xao xuyến lạ thường. Mảnh đất Quỳnh Lưu xứ Nghệ ân tình “như muôn dòng sữa mát nuôi con ấy,” đã dưỡng dục từ cái thuở trong ngần mà đẹp đẽ nên thơ. Chị đã trở về ôm ấp những yêu thương, trở về như thời con gái, trong sáng mà dung dị giữa làng quê yêu thương, bè bạn.

   

Bao năm rồi xa hạt gạo làng ta

Nỗi nhớ dòng sông bên bồi bên lở

Nhớ ngày xưa mối tình dang dở

Ai lỡ hẹn không về xin người ấy đừng trông

 

                       (Nỗi nhớ tháng Ba)

      

Trở về, vẽ lại bức tranh quê, nơi chôn rau cắt rốn, nơi mẹ cha, anh chị, xóm làng, nơi bến nước bờ quê, tình nghĩa và cái đẹp cứ canh cánh trong lòng những năm tháng đi xa.

     

Mỗi đông về khói thơm nồng mái rạ

Nghe ví dặm đò đưa, thương đến nao lòng

…..

Tóc khét trưa hè, mò cua cắt cỏ

Nhớ tên chợ, tên sông, tên đồng lúa quê nhà

 

            (Ơi quê hương sao mà da diết thế)

     

Những khó khăn gian khó xưa kia, những ngày đêm tuổi thơ đi học, những năm tháng chiến tranh ác liệt, vẫn ghi nhớ nguyên vẹn trong kí ức sâu xa:

     

Đêm thiếu chăn ẩn mình trong rơm rạ

Khóm trúc bờ tre kẽo kẹt những trưa về

 

                         (Một thời tuổi thơ)

     

Và bây giờ quê hương xứ Nghệ ân tình từ ngàn xưa vẫn nguyên vẹn thủy chung với bè bạn thân yêu, Phương Nguyễn đã viết lên cái thanh tao của ân tình xứ Nghệ. Ở nước ta chỉ có người Nghệ – Tĩnh mới dùng từ da diết lạ, sao mà hay đến thế, một thứ âm thanh cứ xao xuyến bồi hồi mà Phương Nguyễn đã ghi lại trong thơ. Rồi những đặc sản chè xanh, tương nhút, dưa cà, cả âm thanh tiếng quê cứ ngân nga như điệu ví quê nhà mời bạn về thăm:

     

Nghe răng rứa mô tê túm nhau cười rũ rượi

Anh sẽ vui lòng khi về tới quê em

 

                        (Mời anh về Xứ Nghệ)

     

Ở thời tuổi thơ và cái thời con gái là những dấu ấn đẹp đẽ không thể nào quên, nó khắc vào tâm trí bằng những kỷ niệm đẹp. Cái thời con gái của người phụ nữ Phương Nguyễn như dòng sông quê, những sáng ban mai trong xanh, chất chứa ắp đầy bao kỷ niệm, nguyên sơ dù cuộc đời đã mở ra những trang đời mới. Nhà thơ đã viết về tình duyên một thời đáng nhớ mà đẹp đẽ như mùa xuân về qua ngõ:

     

Hai tâm hồn hòa quyện vào nhau

Và như thấy mùa xuân về qua ngõ

 

                                 (Ái tình)

     

Tình yêu không thể tính toán, nó bất ngờ lắm như tia chớp lướt qua. Nó đánh thức con tim cứ thao thức lạ, đi tìm về cái ngày xưa ấy đẹp đẽ mà thơ mộng. Và rồi:

    

Con tim rung động bồi hồi

Long lanh ánh mắt tím trời chao nghiêng

Ngày xưa như đã ngủ yên

Tôi về tím lại đồi sim năm nào

 

               (Đi tìm ngày xưa)

 

Và:

 

Tóc thơm gội lá hoa rừng

Em hong trước gió ai từng ngẩn ngơ

 

                      (Mưa rừng)

      

Nhớ về thời tuổi trẻ, rồi chị lại nhớ mẹ, nhớ người đã sinh thành nuôi dưỡng tâm hồn thi ca cùa chị.người tần tảo quanh năm ngày tháng lo toan cho những mầm sống của mình lớn khôn khỏe mạnh mà quên đi cuộc đời mình. Phương Nguyễn viết thật về cuộc đời mẹ, cứ à ơi trong tiếng ru như còn văng vẳng đâu đây:

     

Mồ hôi trộn lẫn đắng cay

Chắt chiu có bát cơm đầy cho con

 

                               (Mẹ tôi)

    

Trong tập thơ nàỳ, Phương Nguyễn viết nhiều về thân phận phụ nữ, tôi cho đó âu cũng là cái phận thường tình nữ nhi. Viết cho bạn gái, viết cho người đi xa, viết về những mối tình trắc trở v.v. Thân thương và thiết tha đấy nhưng không nỗi trội bằng chị viết thời con gái đi xa của mình, viết về quê hương và viết về người mẹ, người chiến sĩ đã hy sinh trong kháng chiến đã qua. Tôi đã đọc tập thơ đầu tiên Cơn Gió Lạ của chị và hiểu thêm rằng, Phương Nguyễn có người bạn đời là anh Giải phóng quân, từng chết đi sống lại sau những trận đánh ác liệt ở mặt trận phía Tây Nam. Chị đã được nghe anh kể, dự đồng đội anh họp mặt, ôn lại quá khứ bi thương mà hào hùng một thời ra trận. Phương Nguyễn đã viết về đồng đội của chồng bằng sự xúc động:

     

Ánh mắt cười chen cả nỗi đau

Đồng đội hy sinh còn ở nơi đâu

Hơn bốn mươi năm chưa về tụ họp

 

              (Tháng Bảy cùng anh)

       

Phương Nguyễn đã nhận lấy trách nhiệm của người cầm bút viết lại những lời trăng trối từ đồng đội của chồng như những lời tâm sự bằng thơ mà da diết đến xao lòng.

     

Phần máu xương, phần đời gửi lại

Dưới đất này để Tổ quốc bình yên

 

                     (Lời anh gửi lại)

    

Còn gì xúc động hơn nhà thơ đã kịp ghi lai cái giờ phút thiêng liêng khi người thân và đồng đội đã tìm thấy mộ đồng đội của anh. Đau xót mà linh thiêng:

    

Ký ức còn đây hai đứa chung hầm

Miếng lương khô chia đôi giờ xung trận

“Nếu xui xẻo mình vẫn không ân hận

Chỉ thương mẹ già ngóng đợi nơi quê”

 

                (Mẹ ơi thằng út đã về)

    

Chia đôi giờ – không ân hận – đợi nơi quê những lời trăng trối cứ đau đáu làm sao? Tạo nên cái nghèn nghẹn trong tâm người đọc của miền xa thẳm ấy. Thế đấy! Phương Nguyễn người con xứ Nghệ đã làm nên tập thơ Như một thời con gái với một lẽ ân tình, mà cảm xúc dịu vợi. Chị đã chắt chiu dành dụm vốn liếng để dành cho thơ những lời đằm thắm yêu thương như những khúc dân ca âm vang da diết. Thơ Phương Nguyễn không chau chuốt cầu kì nhưng không thô ráp mà dung dị chất quê theo lối viết truyền thống, thẩm thấu vào tâm can người đọc. Tôi đã cảm nhận như vậy! Như một thời con gái, đây là tập thơ thứ hai sau tập Cơn Gió Lạ, đánh dấu sự thành công của Phương Nguyễn về thi pháp, sự rung cảm cũng như năng lực thơ được nâng cao, để chinh phục bạn đọc. Xin chúc cho thơ của chị ngày càng có sức lan tỏa, bay xa hơn đến với nhiều người yêu thơ.

 

          Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11.2017

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…