(Vanchuongphuongnam.vn) – Dù thời điểm trọng đại kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đã trôi qua, nhưng không gian hùng tráng như vẫn còn lan tỏa mạnh mẽ trong lòng mỗi người dân nước Việt. Khi nhìn lại hình ảnh những lá cờ đỏ tung bay, những câu chuyện được chia sẻ từ nhiều thế hệ, chúng ta lại hòa mình vào dòng chảy lịch sử của thời khắc lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được cắm trên nóc dinh Độc Lập, chính thức chấm dứt những chuỗi ngày chiến tranh đau thương, mở ra một nền hòa bình thiêng liêng và quý giá trên mảnh đất hình chữ S.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Để có những ngày cho chúng ta, những người mang trong mình dòng máu Việt Nam được sống trong thanh bình, khi non sông nối liền một cõi, là đã có biết bao xương máu của đồng bào đổ xuống qua nhiều cuộc chiến khốc liệt.
Thật khó diễn tả hết cảm xúc trước hình ảnh của những đội binh chủng, quân-dân được hội tụ, diễn tập ngay ở thành phố mang tên Bác, và càng sát ngày đại Lễ, khung cảnh càng trào dâng niềm hào khí ngút ngàn. Một lần nữa, những ký ức lịch sử lại ùa về trong lòng người dân nước Việt khi những đội quân của các khối ngành lực lượng vũ trang, quần chúng, những người đại diện cho tầng lớp nhân sĩ trí thức, mang trên mình một thông điệp đầy hùng tráng và cao cả, nghiêm trang bước qua lễ đài, dù chỉ là những buổi diễn tập nhưng đã thể hiện một tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trang nghiêm bởi một lòng yêu nước nồng nàn.
Những cô quân nhân trẻ tuổi trong những bộ quân phục, những chiếc nón đặc nhiệm nặng nề, qua những ngày tổng duyệt dưới cái nắng oi ả của miền Nam vẫn không làm mất đi nét đẹp tươi tắn rạng ngời dù mồ hôi ướt đầm trên gương mặt. Những người lính hiên ngang bước qua lễ đài từ khi nắng gắt cho đến khi bóng tối đã tràn xuống lòng thành phố, bỏ qua nỗi mệt nhọc, họ vẫn đi một cách dõng dạc, đồng đều. Dường như tất cả các khối diễn tập dù là ai, họ đến từ đâu, đại diện cho hình ảnh nào thì cũng trọn vẹn một sự đồng lòng cao độ.
Sài Gòn trong những ngày không ngủ, hai bên đường là hàng trăm nghìn người dân túc trực, họ trải những tấm bạt để nghỉ ngơi và thuận tiện hành trình theo dõi. Trung tâm thành phố bỗng hóa mái nhà chung, trước lạ sau quen, dù nắng, dù mưa nhưng ai ai cũng tràn ngập một niềm vui tươi, háo hức.
Lần đầu tiên những người sinh trong thời bình được chứng kiến những đoàn diễu binh đông đảo, chuyên nghiệp, hàng loạt xe binh chủng, phi cơ bay lượn trên bầu trời, đã thổi vào lòng người niềm tự hào và yêu nước mãnh liệt.
Thật xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những người Cựu chiến binh lớn tuổi với những huân, huy chương trên ngực áo, đứng lặng lẽ giữa dòng người đông đúc, có người không còn lành lặn vì một phần thân thể đã để lại chiến trường, họ được các bạn trẻ vây quanh, xin chụp những tấm hình dù không quen biết với nhau, làm người ta thấy lòng mình ấm lại. Đó mới thấy rõ “tình quân dân như cá với nước”
Trong những ngày Sài Gòn – mảnh đất với cái tên gọi ngày xưa, nay là trung tâm thành phố mang tên Bác, bao nhiêu con người từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về đây, không chỉ là trào lưu hay sự hiếu kỳ, mà đó là tất cả niềm tin yêu, kỳ vọng, hãnh diện, tự hào của những người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, yêu dân tộc và cùng nhau tri ân những đóng góp không có bút mực nào tả hết, cho những chiến công của những người đã nằm xuống, vì nền độc lập hôm nay.
Không có sự phân biệt giàu hay nghèo, già hay trẻ, tất cả cùng hòa mình vào dòng chảy lịch sử của một đất nước nhỏ bé nhưng kiên trung, anh hùng và bất khuất, để bất kỳ ai, dù là quốc gia nào cũng phải nghiêng mình thán phục.
Và khi những tiếng đại bác vang rền ở Bến Bạch Đằng, khi những chiếc trực thăng bay lượn ngay trên nóc nhà Thành phố với những bẫy nhiệt nối dài, những tiếng gầm vang như tái hiện lại bối cảnh 50 năm hành trình lịch sử, những chòm pháo hoa rực rỡ quần tụ khiến cho bất kỳ ai khi có mặt trong thời khắc đó đều dâng trào một cảm xúc thiêng liêng khó tả, để thấy Đất nước mình đã trải qua bao nhiêu binh biến, thăng trầm, bao nhiêu xương máu của cha ông đã đổ xuống, nơi mảnh đất này, nơi chúng ta đang có mặt. Thật bi hùng, đáng quý biết bao.
50 năm trôi qua, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, hòa trong niềm vui chung của dân tộc, tôi tin rằng những “nỗi buồn chiến tranh” sẽ ngày một phai mờ trong lòng của những người bên kia chiến tuyến bởi chiến tranh là điều không ai mong muốn, chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cũng là chấm dứt những tang thương thù hận, để mảnh đất không còn loang máu đỏ và người người không còn ngã xuống hy sinh.
Là một người con của dân tộc Việt Nam, dù không sống trong những ngày mưa bom bão đạn, nhưng câu chuyện về chiến tranh, về hành trình giữ nước qua lời kể của những người đi trước, từ những quyển hồi ký, tư liệu chân thực đã in sâu trong lòng những người con đất Việt, để bất kỳ ai, khi đã yêu quý nền hòa bình cũng đều bồi hồi và biết ơn sâu sắc.
50 năm đại Lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước sẽ không dừng lại trong một ngày mà là hành trình viết tiếp lịch sử đầy oanh liệt, một mốc son rực rỡ lưu danh bằng hồn thiêng sông núi, khắc chạm từ hùng khí, bi tráng của một dân tộc anh hùng. Là sợi dây kết nối tình đoàn kết quân-dân, là cơ hội để mỗi người nhìn lại mình, biết tri ân những giá trị thiêng liêng mà mình có được. Để từ đó rèn luyện cho mình tư tưởng tích cực, yêu quê hương và xây dựng đất nước, bởi không có gì quý hơn độc lập tự do.
Khi những lá cờ đỏ bay trên nhiều dãy phố, tôi lại nhớ đến câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”
Sống không phải là tồn tại mà là sống một cuộc đời sao cho ý nghĩa.
V.Đ.P.T