(Vanchuongphuongnam.vn) – Là một sao kép đẹp ca hay hàng đầu trên sân khấu cải lương Nam bộ, nhưng nam nghệ sĩ Thanh Tú gần như được nhắc tới nhiều nhất qua vai Nhuận Điền, nghĩa huynh của Trần Minh trong vở hát kinh điển Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu (sinh 1936 – ?), được trình diễn bởi đoàn Thanh Minh vào năm 1976. Thanh Tú đã sớm nổi tiếng là diễn viên chính của các đoàn hát lớn: Thanh Minh – Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Ánh Chiêu Dương (của Năm Châu),… và từng đóng cặp với những minh tinh thượng thặng như: Thanh Nga, Phượng Liên, Ngọc Giàu… và có dịp theo nhóm nghệ sĩ: Năm Châu, Phùng Há,… đi trình diễn ở hải ngoại: Pháp, Anh, Algérie… Thanh Tú là một trong 6 nghệ sĩ cải lương được tặng Huy chương Vàng giải Thanh Tâm (1963) cùng với Tấn Tài, Diệp Lang và 3 nữ nghệ sĩ: Bạch Tuyết, Kim Loan (Mộng Tuyền) và Trương Ánh Loan.
Nghệ sĩ Thanh Tú
Nghệ sĩ Thanh Tú (sinh 1939) tên thật là Mai Thanh Tú, gốc người đất Mũi, đệ tử ruột của nhạc sĩ Út Trong nên được thầy thương, giới thiệu gia nhập đoàn Thanh Minh -Thanh Nga (1961). Khi đó, nghệ sĩ điển trai Thành Được vừa rời đoàn Thanh Minh-Thanh Nga để cùng sầu nữ Út Bạch Lan lập đoàn Út Bạch Lan – Thành Được. Những vai tuồng trước đây do Thành Được đóng và những vai mới dự trù để Thành Được đảm nhận, được giao cho Thanh Tú thay thế vì anh có đủ điều kiện.
Nghệ sĩ Thanh Tú là một thanh niên đẹp trai, khuôn mặt chữ điền, cao ráo, có thể hình vạm vở, với những nét bắt mắt dễ gây cảm tình cho người khác phái (charmant et séduisant) là trường hợp hiếm gặp ở nam diễn viên sân khấu cải lương. Lúc bấy giờ, ở lĩnh vực màn ảnh có tài tử Anh Tứ cũng rất đẹp trai trông khá giống Thanh Tú. Nhưng sau đó minh tinh màn ảnh này đã tự tử vì thất tình với nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của nhạc sĩ nổi tiếng Hoài Bắc Phạm Đình Chương (1921-1991), trưởng ban Ca nhạc Thăng Long. Nghệ sĩ Khánh Ngọc – em dâu Thái Hằng, vợ nhạc sĩ PD – cũng từng bị dính vào nghi án ăn vụng tình cảm tại Nhà Bè giữa em dâu vợ – anh rể chồng. Nhờ có giọng ca truyền cảm, khi ở đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, Thanh Tú luôn thủ vai chính, đóng cặp với nữ hoàng sân khấu Thanh Nga trong nhiều vở: Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngả rẽ tâm tình, Đôi mắt chị Hằng, Đoạn tuyệt, Phấn bụi phù hoa, Tấm lòng của biển, Mưa rừng…. Không những thành công trong các vở tâm lý xã hội, nghệ sĩ Thanh Tú còn trình diễn nổi trội trong các vở tuồng lấy nội dung từ sử sách Trung Hoa: Võ Tắc Thiên, Khói sóng Tiêu Tương, Trăng rụng bến Từ Châu… Nhờ thế, Thanh Tú được tặng thưởng Huy chương vàng Thanh Tâm, giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực sân khấu cải lương lúc bấy giờ, qua vai diễn xuất sắc nhân vật Lưu Kiến Xuân trong tuồng Khói sóng Tiêu Tương trong một tình huống đặc biệt. Vì quá tuổi quy định cho các nghệ sĩ dự giải, danh ca Hữu Phước và nghệ sĩ Việt Hùng không dự tranh giải, nghệ sĩ Thanh Tú tham dự và đoạt giải vì Thanh Tú đã chinh phục dễ dàng ban Giám khảo bằng nghệ thuật ca diễn rất xuất sắc dù nghệ sĩ chỉ vào vai kép ba.
Từ đó, tên tuổi nghệ sĩ Thanh Tú nổi trội lên trong giới kép trẻ, được công chúng ngày càng hoan nghênh và các chủ hãng phim để ý, không bỏ qua cơ hội mời về tham gia. Có đủ điều kiện cần thiết về tài sắc cho một nghệ sĩ trên sàn diễn, Thanh Tú được các hãng phim Alpha và Dạ Lý Hương mời anh đảm nhận vai chính trong các phim: Trống Mái, Lan và Điệp, Phận má hồng, Chiều kỷ niệm, … Trong phim Trống Mái phỏng theo tập truyện cùng tên của tiểu thuyết gia trứ danh Khái Hưng (1896 – 1947) – một nhà văn cột trụ của Tự lực Văn đoàn – nghệ sĩ Thanh Tú đóng vai Vọi, một thanh niên làm nghề chài lưới. Đạo diễn khéo chọn đúng đối tượng, nghệ sĩ Thanh Tú mình trần, vai u thịt bắp, diễn xuất kéo chài, phơi lưới một cách thành thạo, không khác nào một ngư phủ lao động chuyên nghiệp nơi miền biển, không hổ danh anh là người con của rừng tràm đước Cà Mau, khiến khán giả màn ảnh nhựa khi ấy vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Một niềm vui rất danh dự xứng đáng cho Thanh Tú vì trong lịch sử sinh hoạt nghệ thuật sân khấu, ít có nghệ sĩ nào được mời sang lĩnh vực màn ảnh mà biểu diễn thành công vượt mức như nghệ sĩ Thanh Tú. Khi gia nhập đoàn Ánh Chiêu Dương (1969) của nghệ sĩ kháng chiến tài hoa Nguyễn Thành Châu, chàng nghệ sĩ đẹp trai này tiếp tục gặp may trên con đường phụng sự nghệ thuật. Qua các vở diễn : Sân khấu về khuya, Nước biển mưa nguồn, Vợ và tình, Thanh Tú biểu diễn càng tiến bộ nhờ được gần gũi, học hỏi nghề thêm ở các nghệ sĩ bậc thầy Phùng Há, Năm Châu và có cơ hội cùng các nghệ sĩ nổi tiếng ra biểu diễn ở nước ngoài.
Khi đã tạo được tiếng vang tốt, Thanh Tú luôn đóng vai kép chính với các nữ nghệ sĩ hàng đầu trên những sân khấu lớn. Ở đoàn Dạ Lý Hương, Thanh Tú là kép đẹp dáng với giọng hát trữ tình, Phượng Liên là đào có tiếng ca lảnh lót hào sảng, cả hai cộng hưởng nhịp nhàng thành cặp đôi uyên ương nghệ sĩ sân khấu ăn khách nhất của đoàn qua các vở tuồng mang tính xã hội: Bọt biển 3, Người dừng chân đêm mưa, Kẻ sợ tình, Gái điếm vợ hiền…. Tài nghệ Thanh Tú thăng hoa nhưng con đường tình duyên thì nghịch biến. Sau ba lần đổ vỡ gia đình với ba dòng con: lần 1, vợ mất vì bị lạc đạn, lần 2 và 3 vì cuộc sống nghệ sĩ quá khó khăn khi chồng chưa nổi danh mà các bà vợ đành phải lần lượt chia tay chồng. Cũng may được trời thương Thanh Tú, người nghệ sĩ hiền lành rất hiếu thảo với mẹ cha, nghệ sĩ Trang Bích Liễu vừa tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc, đang tập sự tại đoàn Thúy Nga thì gặp chàng như mối lương duyên tiền định. Buổi đầu chàng và nàng đã gặp phải rất nhiều sóng gió vì gia đình cha mẹ Trang Bích Liễu không tán thành cho con gái cưng thuộc gia đình khá giả lấy một người chồng nghệ sĩ đã qua ba đời vợ khiến Thanh Tú đã có lần định tự tử. Nhưng một thời gian khá lâu sau, thấy tình yêu của họ quá chân thành và sâu đậm nên cha mẹ Trang Bích Liễu cảm thông lại còn hết sức giúp đỡ cho con rể trong lúc còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sum họp buổi đầu.
Nghệ sĩ Thanh Tú sớm gia nhập làng cải lương đờn ca tài tử, đoạt huy chương vàng nghệ thuật danh giá Thanh Tâm khi mới trên tuổi đôi mươi, tạo được thế đứng vững vàng trên nhiều sân khấu nổi tiếng từ trước và sau năm 1975. Thanh Tú đã đóng cặp với những nữ nghệ sĩ hàng đầu trên sân khấu cải lương Nam bộ như: Thanh Nga, Phượng Liên…và có lúc cũng từng đứng ra lập đoàn hát (Thanh Tú-Trang Bích Liễu, Kim Tinh). Nhưng dấu ấn nghệ thuật sâu đậm nhất khiến khán giả không thể nào quên khi có nhắc đến tên anh là vai Nhuận Điền trong vở Bên cầu dệt lụa của nhà giáo-soạn giả Thế Châu được trình diễn trên sân khấu Thanh Minh năm 1976. Chính vai nghĩa huynh nông dân Nhuận Điền của Trần Minh đã thể hiện đủ tài năng và phong cách nghệ thuật của nghệ sĩ Thanh Tú trong suốt cả cuộc đời theo đuổi nghệ thuật cải lương và màn ảnh trước đó là vai Vọi trong phim Trống Mái.
Bên cầu dệt lụa của Thế Châu, dựa vào một câu chuyện dân gian đầy ý nghĩa, rất được phổ biến, ca ngợi lòng hiếu học đáng khen, tình yêu chung thủy và nghĩa kim bằng cao đẹp giữa ba nhân vật chính: Trần Minh khố chuối, Tiểu thư Quỳnh Nga (do Thanh Nga đóng) và anh bạn học nông dân Nhuận Điền của Trần Minh (do Thanh Sang giữ vai). Vì nội dung truyện mang tính cách giáo dục xây dựng, nên từ thập niên 1960 đã có vài soạn giả cải lương phóng tác: Thanh Cao (trình diễn trên sân khấu Tiếng Chuông), Hà Triều – Hoa Phượng (vở ‘Quán gấm đầu làng’- sân khấu Bích Sơn-Ngọc An). Vở Bên cầu dệt lụa của Thế Châu là sáng tác sau cùng được trình diễn vào năm 1976 trên sân khấu Thanh Minh : Tiểu thư Quỳnh Nga, ái nữ của quan huyện yêu Trần Minh, người học trò nghèo nhưng hiếu học và có lòng hiếu để với cha mẹ, thuận thảo với anh em. Cha mẹ hai bên giao ước kết mối thông gia, để sau này cho Quỳnh Nga và Trần Minh nên duyên chồng vợ. Không ngờ gia đình Trần Minh sa sút, quan huyện không giữ lời giao hôn. Quỳnh Nga buồn tủi, xin cha mẹ được ra mở quán và chăn tằm dệt lụa, tự lo liệu để giúp Trần Minh ăn học. Trời không phụ lòng người hiếu thảo giàu ý chí, sau thời gian sách đèn giồi mài kinh sử, với sự cảm thông, lo lắng và giúp đỡ hết lòng của bạn hiền Nhuận Điền, Trần Minh đỗ Trạng Nguyên vẻ vang, vinh quy bái tổ về quê, sum họp hạnh phúc bên hiền phụ Quỳnh Nga.
Sau ngày thống nhất đất nước, nghệ sĩ Thanh Tú vẫn tiếp tục hát cho các đoàn Thanh Minh, Phước Chung, Trần Hữu Trang, Văn Công. Trước khi vợ chồng được công nhận chính thức, đã có quá trình đứng sân khấu, tham gia nhiều tuồng với thành công tốt đẹp, Thanh Tú vẫn không có cơ hội được giới thiệu thu thanh, vô dĩa vì nghệ sĩ và Trang Bích Liễu phải lập gánh hát riêng, hoạt động xa nhà một thời gian khá dài để tránh khỏi áp lực gia đình bên vợ. Dù sao tiếng hát của một nghệ sĩ vóc hình sáng đẹp sân khấu, có giọng ca trữ tình như anh cũng đã để lại dư thanh nghệ thuật tốt và tình cảm nồng hậu trong lòng khán giả bốn phương. Khi từ giã sân khấu do tuổi cao bệnh hoạn, nghệ sĩ Thanh Tú cùng vợ đã mở quán “Bên cầu dệt lụa”, dấu ấn đậm nét cuộc đời nghệ thuật của mình, để anh có dịp gặp gỡ lại bằng hữu tri âm và những khán giả còn vương vấn với tiếng hát ấm trong, truyền cảm và nét son đạo nghĩa đậm tính nhân văn của ‘Nhuận Điền’ Thanh Tú. Tính cách cao quý mà nghệ sĩ Thanh Tú thể hiện ở vai Nhuận Điền trong vở hát “Bên cầu dệt lụa” của Thế Châu được coi là một vở hát mang nhiều giá trị về nghĩa vợ chồng, tình bằng hữu và chữ tín nghĩa ở con người, rất đáng được nhân cao lên trong một xã hội thiếu vắng đạo đức và tình người.
Tương Như