Những ánh mắt trùng khơi

810

Chị Thúy gọi cho tôi, bảo con gái của chị vừa sinh xong, mẹ tròn con vuông. Cũng nhờ các y bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Kiên Giang nhiệt tình hỗ trợ nên ca mổ diễn ra thuận lợi, chớ nếu để sinh ngoài đảo, không biết tình hình sẽ ra sao.

Chị nói thế, giọng vừa hồ hởi vừa run run. Con gái chị năm nay hai mươi lăm tuổi, tốt nghiệp đại học sư phạm xong về xã đảo Thổ Châu quê nhà dạy học. Dạy được tròn năm thì lấy chồng, một cán bộ làm công tác viễn thông ngoài ấy. Mấy tháng trước ngày con gái sinh em bé, chị Thúy đã lên kế hoạch sẽ đưa vào Rạch Giá. Chị nói điều kiện y tế ở xã đảo tuy mấy năm gần đây được cải thiện nhiều rồi, nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế. Chị muốn cháu ngoại được chào đời ở nơi có điều kiện tươm tất một chút, hoặc nếu có trục trặc gì thì còn trở tay kịp. Từ Thổ Châu vào tới đất liền phải năm ngày mới có một chuyến tàu đò, chị và con gái phải tranh thủ đi sớm, ở trọ Rạch Giá gần cả tháng trời. Bây giờ là đỡ rồi đó cưng, chớ trước đây có khi cả tháng mới có chuyến tàu, dân đảo lúc nào cũng thấy đất liền xa xôi diệu vợi, chị nói. Tôi tưởng tượng ánh mắt chị đang trìu mến nhìn đứa cháu ngoại, như khi chị nhìn về thăm thẳm biển xanh.

Tôi quen gia đình chị trong một lần đi đảo Thổ Châu, sau đó duy trì liên lạc, thân tình như người trong nhà. Kể cả lần này đưa con gái vào đất liền để sinh, chị cũng báo cho tôi biết từ mấy tháng trước, nói thời điểm đó nếu rảnh thì tôi có thể xuống Rạch Giá chơi, lâu rồi không gặp tôi nên anh chị nhớ…

Mỗi lần nghe giọng chị, tôi lại hồi tưởng lần đầu ra đảo. Lúc ấy, tôi ngồi tàu cao tốc từ Rạch Giá đến Phú Quốc gần ba tiếng đồng hồ. Khách xuống cảng Bãi Vòng – Phú Quốc phần lớn dừng lại ở đó, rồi đi tham quan du lịch. Riêng tôi ngồi vật vờ ở bến cảng, chờ mấy tiếng nữa sẽ đi tàu ra Thổ Châu. Có mấy người nói vui, dân đi từ đất liền muốn ra tới Thổ Châu thì phải quá cảnh ở Phú Quốc. Có khi gặp thời tiết bất ổn, thuyền trưởng thông báo dừng chuyến, khi nào chạy được sẽ báo sau, khách đành lang thang tìm nơi lưu trú bất đắc dĩ. Trời mưa gió vần vũ thì lòng người cũng đầy bão tố. Năm ngày, mười ngày, có khi nửa tháng, trời quang mây tạnh, tàu có thể vận hành trở lại, nhưng kinh phí lữ khách mang theo đã tiêu sạch ở Phú Quốc rồi, đành bắt tàu trở lại đất liền và hẹn Thổ Châu dịp khác. Nghe những câu chuyện đó, tôi thầm nghĩ Thổ Châu như một cô gái xinh đẹp nhưng đỏng đảnh, đâu phải lúc nào cũng dễ dãi đón nhận những hẹn hò. Ý nghĩ ấy khiến lòng tôi rộn vui, và càng vui hơn khi có nhiều người di chuyển về phía cầu cảng, nghĩa là chuyến tàu hôm nay sẽ không bị hoãn, tôi chắc chắn sẽ được diện kiến Thổ Châu.

Những thông tin tôi góp nhặt được trước chuyến đi cho biết, Thổ Châu là một xã đảo thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cách Phú Quốc khoảng 100km và cách đất liền nơi gần nhất tầm 220km. Quần đảo này có 8 đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Lớn là trung tâm hành chính của xã đảo, có diện tích khoảng 14km2, điểm cao nhất là 164m so với mực nước biển. Dân cư sinh sống chủ yếu trên Hòn Lớn, còn các đảo khác hầu như không có nhà dân vì thiếu nước ngọt, diện tích đảo nhỏ. Điển hình như Hòn Khô, chỉ khoảng 15m2, như một chỏm đá nhô lên giữa mênh mông xanh biếc.

Điều thú vị khiến nhiều người chú ý mấy năm gần đây chính là cuộc tranh luận về tên gọi Thổ Châu hay Thổ Chu. Một số giả thuyết cho rằng vốn dĩ lúc sơ khai, quần đảo có tên là Thổ Chu, nhưng khi Nguyễn Ánh bôn tẩu đến đây trú ẩn trong cơn biến loạn, dân chúng vì kị húy nên phải gọi trại âm thành Thổ Châu. Tuy nhiên, một số thư tịch thời phong kiến như Quốc triều chánh biên toát yếuĐại Nam nhất thống chí hay Gia Định thành thông chí đều thống nhất dùng tên Thổ Châu để chỉ quần đảo này. Từ Thổ Chu chỉ xuất hiện sau năm 1975, trong cách gọi của một số cán bộ vùng khác đến đây công tác và sinh sống. Sự nhập nhằng về tên gọi của xã đảo đã khiến không ít nhà báo, nhà nghiên cứu công khai quan điểm kêu gọi xóa sổ tên gọi Thổ Chu, trả về đúng danh xưng nguyên bản là Thổ Châu như cha ông đã đặt mấy thế kỉ qua. Thật ra, hiện nay các đơn vị hành chính đều viết là Thổ Châu. Điều này cho thấy quan điểm của các cơ quan chức năng là rõ ràng, còn tên gọi dân gian là gì thì còn tùy vào tập quán, không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.

Khi tôi đọc lại những dữ liệu này thì con tàu Thổ Châu 09 đang chạy xập xình từ Phú Quốc ra xã đảo. Trên tàu, hơn hai trăm người ngồi chen chúc ở các hàng ghế, trải chiếu nằm la liệt dưới hầm tàu, kể cả các lối đi. Chuyến tàu hôm nay đông khách, chớ bình thường chỉ chở dân địa phương và bộ đội ra vào thì vắng lắm, có khi hàng ghế cả chục cái mà chỉ có một người, hết ngồi rồi nằm vô cùng thoải mái, người phụ nữ bên cạnh tôi nói thế. Sau này tôi mới biết chị tên là Thúy, cán bộ ngoài đảo Thổ Châu vừa hoàn thành chuyến công tác dài ngày ở Phú Quốc. Chị còn bảo, đợt này có mấy đoàn ra đảo làm từ thiện kết hợp giao lưu với các đơn vị quân đội nên đông. Giờ tôi mới nhìn kĩ các hành khách chung chuyến tàu, đa số là những người trẻ, khoác áo Đoàn Thanh niên, đội nón tai bèo. Vẻ mặt ai cũng phấn khởi như sắp được khám phá những chân trời mới lạ. Ngoài kia, biển mải miết xanh một màu bất tận. Từng cơn sóng gối đầu lên nhau rồi lao về phía con tàu. Tiếng gió và tiếng sóng đập vào thân tàu át cả những tiếng trò chuyện rì rầm của lữ khách.

Chị Thúy lại quay sang nói, đợt này biển ít sóng đó, chớ những đợt gió lớn sóng to, dễ gì ngồi yên được như vầy. Thì ai cũng tìm cách chống chọi chớ sao, có người nằm bẹp xuống sàn tàu, có người ôm cột, có người dựa vách tàu. Đủ kiểu hết, nhưng ai cũng ói tới mật xanh, kể cả dân thâm niên ngoài đảo mà gặp sóng lớn cũng ói. Sợ chớ, ai mà không sợ khi vật vã giữa cuồng phong, với lại say sóng thì mệt lắm, thân thể rã rời, nhưng cũng phải đi thôi, chẳng lẽ ở mãi ngoài đảo sao. Mà đi thì có khi yên ả như thế này, có khi như chết đi sống lại. Kệ. Dân ngoài đảo nếm trải hết rồi. Chỉ có những du khách như cưng chắc chưa hiểu cảm giác đó đâu. Mà cưng ra đó du lịch à? Ngoài đó chưa phát triển du lịch đâu cưng. Sao cưng đi có mình vậy?

Dường như câu nào nói với tôi, chị cũng đệm thêm tiếng “cưng”, khiến tôi có cảm giác giống mấy bà chị ở nhà đang căn dặn tôi chuyện nọ chuyện kia. Tôi nói, em không phải du khách, chỉ tại nghe tên Thổ Châu từ lâu, tò mò muốn biết ngoài đó ra sao nên bắt chước người ta cưỡi sóng ra xem thôi. Chị cười, bảo người trong đó thích ra đảo không biết có giống cảm giác hồi nhỏ lúc nào chị cũng muốn về đất liền hay không. Rồi chị kể, gia đình theo đợt di dân đầu tiên ra đảo, đã hơn ba mươi năm rồi, khi ấy chị còn nhỏ xíu. Những đứa trẻ như chị tự dưng bị ném lên một hòn đảo hoang vắng, chỉ có sáu hộ dân từ bốn phương tám hướng xông pha ra đây, ai cũng ngơ ngác và lo sợ. Mắt chị lúc nào cũng dõi về phía đất liền, vì sợ hòn đảo giữa mênh mông sóng nước sẽ bị trôi ngày càng xa, không thể tìm đường về được. Chị còn kể, có một ông bác đi cùng chuyến với gia đình chị, cất nhà cửa ngoài đảo xong rồi, nhưng ông nhớ đất liền đến nỗi chiều nào cũng uống rượu say rồi ngồi khóc một mình. Mấy tháng sau, ông quá giang tàu đánh cá vào đất liền. Mọi người cứ nghĩ ông sẽ đi luôn, vì ông không chịu nổi cảnh chơi vơi ngoài hải đảo. Ai ngờ chưa đầy nửa tháng ông lại trở ra, mang theo mấy bao cá đồng, lươn đồng, cua ốc, ếch nhái còn sống ông thu mua được trong đó. Ông hí hửng khoe với mọi người, rồi đem số sản vật ấy thả nuôi ở con suối phía sau đền Thổ Châu bây giờ. Con suối nhận nước từ đỉnh Hòn Lớn chảy xuống, róc rách quanh năm. Đàn cá ếch gặp nước ngọt thì bơi lội tung tăng. Rồi mỗi khi chạng vạng, tiếng ếch nhái tạo thành một dàn đồng ca thiên nhiên phía sau nhà ông, chẳng khác nào chốn bưng biền ở Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên.

Ông lão từ đó tinh thần phấn khởi, sức khỏe tráng kiện và hăng hái cùng bà con cất nhà lập ấp, không còn u hoài tiếc nhớ đất liền nữa. Hóa ra, mỗi con người chúng ta đều có những cõi quê hiện hữu bất diệt trong thẳm sâu tiềm thức. Dù có bị bứng dời đi đâu, nỗi niềm cố xứ vẫn níu giữ tâm hồn mình. Nếu ví hành trình cuộc đời ta như những cánh chim thiên di, có thể ghé qua bao cánh rừng, trú ngụ dưới bao tán lá, nhưng làm sao ta quên được hơi ấm của chiếc tổ đầu tiên. Tôi chợt nhớ Đỗ Phủ có mấy câu thơ rất hay trong Thu hứng, tả nỗi niềm của kẻ li hương nhưng tấm lòng vẫn cột chặt chốn quê nhà: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/ Cô chu nhất hệ cố viên tâm (Khóm cúc hai lần nở hoa làm tuôn rơi nước mắt/ Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nơi khu vườn cũ)

Những ngày đầu ra đảo khó khăn lắm, nhưng bà con đùm bọc, động viên nhau bám đảo, quyết không chùn ý chí. Mà cưng ra đó rồi ở đâu, có nhà ai quen ngoài ấy không, chị bỗng hỏi tôi như vậy. Tôi nói không quen ai hết, định bụng tới đó rồi tùy cơ ứng biến thôi. Không được, ngoài đó không có nhà trọ gì đâu, người ta đi ra công tác theo đoàn thì thường ngủ nhờ các doanh trại của bộ đội. Còn dân thường ra thì đa phần phải có thân nhân ngoài này, hoặc liên hệ trước mới có nơi lưu trú, chớ không ai đi như cưng đâu. Thôi, trước mắt hôm nay cứ đến nhà chị ở. Con gái chị lấy chồng hơn một năm rồi, con trai chị đang công tác ở xã đoàn. Ông xã chị tên Đức, cũng là dân làm việc và mến khách lắm, cưng cứ yên tâm mà ở.

Tôi còn chưa kịp phản ứng với lời đề nghị của chị thì Hòn Lớn đã hiện ra xanh mướt trong ánh nhìn. Chị lấy điện thoại xem, nói gần tới đảo nên có sóng điện thoại rồi, sau đó chị gọi cho ông xã bảo chiều nay có khách ghé, chuẩn bị cơm nước cho tươm tất. Dĩ nhiên, lúc này thì tôi không còn lí do gì để từ chối lời mời của chị, đặc biệt là cách chị nói rất thân tình, cứ như tôi là đứa em ruột của chị chớ không phải một người xa lạ mới gặp trên chuyến tàu, thậm chí chị còn chưa biết tên tôi.

*

*        *

Mấy ngày sau đó, tôi lưu trú ở nhà chị, mọi chuyện từ ăn uống đến đi lại tham quan tìm hiểu hòn đảo anh chị đều tạo điều kiện tốt nhất. Hai đứa con của chị thuộc kiểu người trẻ năng động, ngoài công việc ở cơ quan thì cũng chạy đi hỗ trợ các đoàn làm từ thiện chớ ít khi ở nhà. Anh Đức, ông xã chị khá trầm tính, thỉnh thoảng nở nụ cười đôn hậu khi tôi kể những chuyện vui trong đất liền.

Chị Thúy nói gia đình anh chị thuộc thế hệ thứ hai sau khi tái lập đảo, còn thế hệ thứ nhất là ba mẹ của chị. Thấy tôi có vẻ không hiểu, chị kêu ông xã giải thích, còn chị xuống cầu cảng mua mớ cá mực tươi ngư dân mới đánh bắt về. Anh Đức cũng không giải thích gì thêm, chỉ đưa tôi mớ tài liệu liên quan đến lịch sử hòn đảo, rồi cặm cụi đi pha cà phê, để mặc tôi dán mắt vào những thăng trầm của Thổ Châu.

Sử liệu ghi lại, từ thế kỉ XVIII đã có dân sinh sống ở Thổ Châu, chủ yếu làm các nghề khai thác hải sâm, đồi mồi… Cho đến những năm 1970, cư dân trên đảo ước tính hơn năm trăm người. Thế nhưng, tháng 5/1975, trên khu vực biển đảo Tây Nam, lợi dụng những biến cố lớn, một tiểu đoàn Khmer Đỏ đã đổ bộ lên đảo Phú Quốc. Trước khí thế và sức mạnh của lực lượng cách mạng ở đây, quân Khmer Đỏ buộc phải rút khỏi đảo. Sau đó, ngày 10/5/1975, chúng lại lén lút chiếm đóng trái phép đảo Thổ Châu, bắt cóc hơn năm trăm đồng bào ta. Mặc dù sau đó, bộ đội Việt Nam đã tiến quân đánh đuổi, tiêu diệt bọn Khmer Đỏ ác ôn, nhưng sinh mệnh của hơn năm trăm dân lành thì không cứu được.

Thật tình mà nói, tôi không thích những số liệu thống kê sự thương vong của đồng bào ta trong chiến tranh. Bởi những con số thường là vô tri, còn mỗi mất mát hi sinh lại là bi kịch lớn lao. Chuyện thương tâm của hơn năm trăm người dân Thổ Châu năm 1975 vô tình gợi tôi nhớ lại vụ thảm sát ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) thời chống Mĩ. Đó là một buổi sáng ngày 16/3/1968, khi tiếng gà vẫn gáy chào ngày mới, bà con lục đục chuẩn bị nông cụ ra đồng như bao ngày, thì bọn giặc Mĩ ào ạt tấn công. Tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, tiếng súng, tiếng lựu đạn xé toạc không gian yên lành của làng quê nghèo đói. Tiếng kêu khóc vang lên, dậy cả đất trời. Chỉ trong một buổi sáng, cũng hơn năm trăm đồng bào ở Sơn Mỹ đã bị giết hại dã man.

Tôi đến khu di tích Sơn Mỹ một ngày mùa hè. Cái nắng miền Trung như thiêu như đốt, vậy mà nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của vụ thảm sát trong nhà trưng bày, tôi bỗng toát mồ hôi lạnh. Có những cụ già bị đạn xuyên qua giữa trán, máu tràn ra ruộng lúa mà miệng vẫn ngậm vành nón lá, ánh mắt trừng trừng đầy kinh hoàng, sờ sững. Những người phụ nữ mang thai bị hãm hiếp rồi giết hại, có chị còn bị bọn giặc Mĩ rạch bụng khiến những bào thai vô tội phải chết trong tức tưởi. Những đứa trẻ còn đỏ hỏn, những đứa trẻ sơ sinh chưa bao giờ thấy bầu trời vẫn không thoát khỏi lưỡi lê, họng súng kẻ thù, thử hỏi trên thế gian này còn điều gì đớn đau hơn nữa?

Mảng tối đầy đau xót trong lịch sử Sơn Mỹ và Thổ Châu khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Anh Đức đẩy li cà phê về phía tôi, kéo một hơi thuốc thật dài rồi từ từ nhả khói vào thinh lặng. Đôi mắt anh ngân ngấn nước, gương mặt đăm chiêu. Anh bảo, sau biến cố năm 1975, dân mình không dám ra đảo Thổ Châu. Mãi đến năm 1992, được chính quyền động viên nên 6 hộ dân đầu tiên mạnh dạn xông pha ra đây. Đó là thế hệ thứ nhất từ khi tái lập đảo, là thế hệ ba mẹ của anh chị, có người quá cố rồi. Ai còn sống thì năm nay cũng đã trên bảy mươi tuổi. Thấy đợt đầu tiên ra định cư khá ổn nên các năm sau những hộ khác lần lượt ra, gây dựng lại một xã đảo sung túc cho đến bây giờ.

Con anh chị là thế hệ thứ ba, cũng rất yêu quý biển đảo đồng thời có ý chí tiến thủ, quyết tâm đi học đại học cho bằng được. Xã đảo hiện chỉ có một trường mầm non và một trường ghép bậc tiểu học với trung học cơ sở. Đa số trẻ em trên đảo chỉ học đến hết lớp 9 là nghỉ, vì không có trường để học lên tiếp. Riêng con anh chị thì được gởi vào Phú Quốc và Rạch Giá để học cấp 3, sau đó đứa con gái đi học đại học ở An Giang, con trai học ở Cần Thơ. Tốt nghiệp đại học, nhiều cơ quan trong đất liền đề nghị tuyển dụng nhưng hai anh em không chịu, một mực đòi về đảo cống hiến. Tôi thấy ánh mắt anh sáng long lanh khi kể về hai đứa con thành đạt của mình, những bi thương trong quá khứ dường như đã bị sóng cuốn phăng đi. Hai đứa con là niềm tự hào của gia đình anh, cũng là những tấm gương sáng để các đứa trẻ khác trên xã đảo noi theo, không còn bỏ dở chuyện học hành khiến cuộc đời lận đận.

Mấy hôm sau, tôi gặp ánh mắt tương tự, của một tân binh tên là Hữu Dàng. Em vừa xong ca gác ở công sự gần bãi Ngự nhưng chưa về, đứng say sưa ngắm nhìn mặt biển xanh phẳng lặng. Ánh mắt em chứa đựng điều gì đó rất đỗi thiêng liêng, mãi đến khi tôi tới gần bắt chuyện em mới biết sự hiện diện của tôi. Hữu Dàng chỉ tôi hòn đảo trước mặt, nói đó là Hòn Nhạn, nơi đặt cột mốc A1 đánh dấu đường cơ sở quy định chiều rộng vùng lãnh hải nước ta ở phía Tây Nam. Xa hơn, những tàu hàng của các nước đang ngược xuôi trên đường biển quốc tế mà không cần ống nhòm chúng tôi vẫn có thể thấy được. Nghe những điều Dàng nói, tôi mới phần nào hiểu được niềm tự hào của người lính trẻ khi được giao nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương. Binh nhì Hữu Dàng mới hai mươi tuổi, xong khóa huấn luyện thì được điều động đến nhận nhiệm vụ tại Đại đội pháo, thuộc Trung đoàn 152. Như bao người lính trẻ khác, khi rời quê hương Sóc Trăng ra đây, Dàng cũng nhớ nhà, nhớ cha mẹ nhiều lắm. Nhưng tình yêu biển đảo và tình đồng đội đã giúp em nhanh chóng thích nghi, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ mà chỉ huy giao phó. Dàng còn nói, mai mốt xong nghĩa vụ, nếu có cơ hội thì em vẫn mong muốn được ở lại hòn đảo này. Giọng em chắc nịch, vang vọng trong gió biển, ánh mắt đầy cương nghị và rất chân thành. Nhìn ánh mắt em, tôi tin em nói thật, và cũng tin rằng tình yêu biển đảo vô cùng sâu sắc trong trái tim em.

Những ngày rong ruổi ở Thổ Châu, tôi còn gặp gỡ và chuyện trò với nhiều người, ai cũng nhiệt tình, cởi mở, như tôi đã thuộc về nơi này từ lâu. Người ta bảo mấy chục năm nay luôn như vậy, dân trên đảo và cả những chiến sĩ đang canh giữ biển bảo luôn tận tâm và mến khách. Cả hòn đảo như một mái nhà chung, quân dân sống chan hòa, tương thân tương ái. Đó là nguyên do khiến nhiều chiến sĩ khi xong nhiệm vụ đã chọn Thổ Châu làm nơi gắn bó cả cuộc đời, lập gia đình rồi định cư luôn ngoài đó. Biết đâu mai mốt Hữu Dàng cũng vậy. Ý nghĩ ấy thú vị như một bản nhạc réo rắt trong lòng tôi.

*

*       *

Ngày tôi rời đảo, chị Thúy và anh Đức ra tiễn tận cầu cảng. Chị hỏi tôi sao không mang gì về đất liền, tôi bảo trong những chuyến đi của tôi, thường hành trang khi bắt đầu như thế nào thì kết thúc cũng như vậy. Tàu rời bến, tôi vẫn thấy ánh mắt anh chị dõi theo, như đang tiễn đứa em ruột đi đâu đó, dăm ba bữa nó lại về nhà. Thực ra, nếu bảo không mang gì trở về là không đúng, bởi sau mỗi chuyến đi, hành trang tôi luôn trĩu nặng những nỗi niềm. Cũng như lần này, tấm lòng mến khách của gia đình chị Thúy làm sao tôi có thể lãng quên. Tôi vẫn luôn day dứt với ánh mắt của anh Đức sau làn khói mỏng, khi nghĩ về những bi thương của hòn đảo ngày nào. Và tôi quên sao được ánh mắt đầy thiết tha khi ngắm nhìn biển đảo của chàng binh nhì rất trẻ Hữu Dàng. Có rất nhiều, rất nhiều ánh mắt đang trìu mến nhìn hòn đảo này, để rồi thương yêu, rồi son sắt một dạ một lòng quyết tâm gắn bó, gìn giữ. Mai mốt đây sẽ là ánh mắt trong vắt của cháu ngoại chị Thúy, thế hệ thứ tư viết lên những trang mới mẻ cho xã đảo Thổ Châu.

Tàu càng xa, hòn đảo nhỏ dần trong tầm mắt, thoáng chốc chỉ còn một chấm xanh nhô lên sau từng đợt sóng. Nào ai biết, trên cái chấm xanh nhỏ xíu ấy lại có biết bao con người, bao thân phận tồn sinh cùng năm tháng. Và những chấm xanh ấy đã vẽ nên trọn vẹn hình hài Tổ quốc.

Trương Chí Hùng/ VNQĐ