Những câu thơ viết trong miên cảm

703

10.10.2017-10:45

Nhà thơ Hoàng Thuỵ Anh

 

Những câu thơ viết trong miên cảm

 

NGUYỄN MINH KHIÊM

 

NVTPHCM- Tre già từng đốt. Mía ngọt từng gióng. “người đàn bà sinh ra từ mưa” đã cho ta cảm nhận được những đốt tre già, những gióng mía ngọt…

 

người đàn bà sinh ra từ mưa/ ăn mùi hoàng hôn rớt lại của mùa đông trước/ ăn nhánh khô gầy trên môi gió/ ăn chồi buồn vừa nở trong đôi mắt ngập nước/ người đàn bà rướn mình vào bóng tối/ thấy đêm không thể thoát ra ngoài gương mặt bồ hóng cũ kỹ/ giống hệt sợi đau mãi nằm co ro giữa vùng trũng/ khép cơn sóng rỗng ruột sau tiếng thở dài” (người đàn bà sinh ra từ mưa).

 

Đây là những câu thơ tiêu biểu nhất cho bút pháp sáng tạo, tư duy duy cảm, gam màu sáng chủ đạo xuyên suốt hành trình thơ Hoàng Thụy Anh trong tập “người đàn bà sinh ra từ mưa” (nxb Hội nhà văn, 2017). Đặc điểm bao trùm thơ Hoàng Thụy Anh là chị không viết bằng mắt, không viết bằng tai. Thơ chị không phải là cái gì nhìn thấy, trông thấy. Ta không tìm thấy bất kỳ câu thơ nào liệt kê sự vật, sự việc.

 

Ngôn ngữ thơ chị là ngôn ngữ của trải nghiệm, của những cái mong manh chợt đến, chợt bắt gặp của con tim, của tâm trạng. Ngay tên chị đặt cho các bài thơ cũng rất mong manh: giấc rời, rời giấc, đêm quỳnh, người đàn bà ăn bóng tối, trang em, giấc ngủ nào đang thừa nước mắt, em ngồi gấp mép chữ làm chi… Sáu mươi chín bài thơ trong tập là sáu mươi chín khoảnh khắc chợt lóe, sáu mươi chín ô nhịp có chỗ đảo phách, nghịch phách, có chỗ trường ngân, luyến láy, nốt đơn nốt kép, có chỗ thăng giáng nhưng thống nhất trong một bản nhạc tâm thức tâm hồn chị. Có một cái gì đó sâu kín như hố đen, khoảng lặng đen, xung lực đen thôi thúc chị viết thôi thúc chị giãi bày hơn là thôi thúc chị yêu. Trên trang chữ của chị là tất cả những gì chị thâu tóm được hiện hình hay chưa hiện hình, dù được kiểm chứng hay chưa kiểm chứng: “ảo ảnh”, “dấu tích”, “tia nắng”, “chồi”, “bọc”, “tin”, “rót”, “và giấc mơ sẽ tươi hơn”… đều tuôn chảy. Có khi nó chảy tuôn trào. Có khi nó chảy miên man. Nó thôi miên tình cảm chị trong vô thức. Nó thôi thúc chị “nhấn enter đến khi nào sang trang mới thôi”. Gần như chị viết trong miên cảm. Những câu thơ viết bằng miên cảm. Hình như chưa bao giờ chị khao khát viết, khao khát bộc lộ, khao khát thể hiện đến thế. Tất cả rộ lên, tất cả cùng muốn trào tuôn. Nhưng khao khát bộc lộ, khao khát viết, khao khát thể hiện chỉ mới chứng minh được sức lao động trên số lượng, chưa phải là cái tạo nên giá trị bên trong của tác phẩm. Bước đầu chị đã tạo được cái riêng, cá tính, bút pháp Hoàng Thụy Anh.

 

Thơ chị không đề cập đến các vấn đề xã hội. Kể cả những bức xúc nhất của xã hội cũng vắng trong thơ chị. Toàn bộ câu chữ là sự bức xúc của tâm hồn, sự thôi thúc của câu chữ. Đọc câu thơ “em kỳ cọ đánh răng làm mới nỗi đau/ mới hay trong cuộc đối kháng này/ nỗi đau chưa hề biết ngủ bao giờ” (nỗi đau chưa hề biết ngủ bao giờ) ta thấy nỗi đau, nỗi dằn vặt, trăn trở về câu chữ nhiều hơn nỗi đau của tâm trạng. Nỗi đau nỗi niềm chỉ là cái cớ để chị tìm tòi, sáng tạo, đặt chữ, dụng chữ, thể nghiệm chữ. Tất nhiên, người làm thơ là để nói cái lòng mình, tình mình, suy ngẫm mình, ký ức mình, khát vọng mình. Nhưng một nhà thơ muốn đi đến đỉnh cao không phải thả hết được ẩn ức, mở hết được mọi tín hiệu ẩn ức là thành công. Sự trưởng thành của một cây bút còn phụ thuộc rất lớn vào phương diện đóng góp ở sự sáng tạo ngôn ngữ, khai phá nghệ thuật mang đến cái mới, sức sống mới cho nền văn học nghệ thuật mình đang hưởng thụ nó, chinh phục nó. “hãy cùng anh nhổ hết chán chường tuyệt vọng/ đừng để chúng mọc cánh và nhảy múa trong ngực em” (rót). Viết như thế là truyền thống. Viết như thế là thơ mặt phẳng. Đôi khi, chị phải từ cái truyền thống, cái mặt phẳng để hướng tới cái mới, cái lồi lõm không mặt phẳng “nhặt chuyện lỗi nhịp bên tách cà phê tập chảy kết thành một tràng/ 14/ 21/ hay 1080/ em cứu niềm tin đang rạc cánh trong chiếc phễu đời” (phục sinh).

 

Giở bất kỳ trang nào, dòng nào ta đều cảm nhận được giọng điệu Hoàng Thụy Anh, diện mạo Hoàng Thụy Anh, âm hưởng Hoàng Thụy Anh. Có thể hơi sớm để kết luận, nhưng rõ ràng nó lồ lộ một thi pháp Hoàng Thụy Anh. Hãy đọc những câu thơ này để thấy trường sáng tạo mang thương hiệu Hoàng Thụy Anh “đêm chìa tay đón những linh hồn hồi sinh sau tấm màn đêm/ nỗi nhớ cứ thế dâng đầy cào nát mặt đêm/ chưa kịp xóa đi vết xước rỉ máu chằng chịt đường thêu”(dấu tích) – “anh len em/ những dòng hôn vắt mình trên lớp thông khô/ rụng xuống đường cong dấu chấm ngọt” (mùa len); hãy đọc tiếp “gánh nắng ế ẩm lang bạt khắp cơ thể em/ có ai thương nhớ gì đâu khi mồ hôi cứ lần hồi rỏ nhịp/ đường truyền từ tim đến tim nghẽn mạch chẳng thể nào bay lên như những con diều mê say nuốt gió/ nắng và em xâu tay lần tìm dấu vết còn vương mùi đất cõi bên kia/ chỗ lồi chỗ lõm chỗ vuông chỗ tròn đều chà xát buồn vào nhau/ riêng góc chéo của anh vẫn định vị giờ yên ả”(mua nắng). Chưa cần hiểu, thực ra rất khó hiểu, có lẽ cũng không phải chị viết cốt để vừa lòng ai đó đọc hiểu, hãy cảm những câu thơ ấy. Những câu thơ là hang động của tâm hồn. Nhiều ngóc ngách. Nhiều khuất lấp. Nhiều mảng miếng. Nhiều tầng vỉa. Khuôn mặt chữ không hiện rõ khuôn mặt thời gian, khuôn mặt tâm trạng, khuôn mặt ký ức. Sự riêng tư dành riêng cho sự riêng tư. Thơ Hoàng Thụy Anh đầy mật mã. Những con chữ là những dòng tín hiệu. Có thể người đọc không hiểu chị viết cái gì, viết cho ai. Chỉ có chị biết chị viết cho ai, đang gửi thông điệp cho ai. Địa chỉ những câu thơ đến nằm trong tâm hồn chị, tâm thức chị. Trong cái mông lung của thơ ca thả giữa trời giữa gió, chị biết mình đang thả cho ai. Cũng như người gảy đàn, không phải tiếng đàn vang lên là cho tất cả. Đôi khi, tiếng đàn ấy gảy ngày này qua ngày khác chỉ cốt đến tai một người nào đó. Con người đó là con người trong tâm tưởng. Có thể nó có da có thịt. Có thể con người ấy chỉ là khát vọng. Mà có lẽ chính con người của khát vọng, của mộng ảo mới làm cho các nhà thơ đa thanh, đa ngôn, đa cung bậc tấu suất thi phẩm của mình.

Tập thơ “người đàn bà sinh ra từ mưa” của Hoàng Thụy Anh

 

Hoàng Thụy Anh có một nhân tình mộng ảo trong “người đàn bà sinh ra từ mưa”. Thơ chị đẩy đến tột cùng mọi cung bậc yêu cho hình bóng mộng ảo ấy. Hình như chị phát hiện ra thời điểm thôi thúc, thời điểm thăng hoa của cảm xúc của chính mình nên ta có cảm tưởng những bài thơ của chị liền một mạch. Tên bài thơ đôi khi đặt cho hay, cho có phân khúc, phân đoạn. Nhiều người đặt tên các bài thơ bằng cách đánh số 1, 2, 23, 24, 36. 37… Thế cũng chẳng sao. Thơ chị đánh số cũng được. Thực chất trong lòng chị, trong hồn chị chỉ có một dòng chảy yêu, nhớ, kỷ niệm, dâng hiến, chia sẻ. Chị liên tục ép cho mình chín, ép cho mình thơm, ép cho mình chìm đắm trong mê cảm, miên cảm. Nói ép không phải là gượng gạo, là giả. Ép mình làm việc ép mình chín là cách làm việc của một cây bút chuyên nghiệp. Phải biết gọi cảm xúc đến. Gọi con chữ đến. Gọi ký ức đến. Gọi hoài niệm đến. Đó là sự chủ động, cho “chiều gội tóc trong mưa/ cong cong buông khuy nằm đợi/ anh nghe lòng mình bung cánh thuở trăng non” (hướng nào cũng từ tim anh); “em yêu anh bằng trái tim tình si của người đàn bà cỏ may/ chỉ biết thêu cuộc tình bằng đường bay của gió/ anh trôi em/ em trôi anh/ đường thời gian xoáy lõm liên chương thương nhớ”(căn cước tình). Tôi không đánh giá tình yêu đạt mấy độ richter trong những câu thơ ấy. Mỗi người cảm nhận được một rung chấn riêng. Tôi quan tâm đến cách phát hiện, cách khai thác, cách biểu đạt từng khía cạnh, tình huống của các cung bậc tình cảm của tác giả. Cao hơn, tôi xem thơ già dặn đến đâu, chín đến đâu. Và từ những mô men thơ này, con đường thơ của chị sẽ dài hay ngắn. Cái mừng là, khi đọc thơ Hoàng Thụy Anh ta không hay chạm vào các mô đun thơ ta đã từng gặp. Ý thức tìm tòi, sáng tạo trên con đường thơ là rất rõ. Ta thường bắt gặp kiểu tư duy ngôn này của chị “cuống ngày non”, “ý nghĩ di cư”, “con rối lăn dấu vân tay”, “đóng dấu giáp lai bằng tráp lưỡi”… Khi đọc những câu thơ này “những ngã rẽ thong dong ngụp lặn/ những bóng cây đong đưa lần giở cúc/ những ánh nhìn như nút bần khao khát bay/ như cánh chim thênh thang gió nắng”(chờ); “cơn mưa diễn tập nhiều vở kịch tử tế/ thò đôi tay hoen rỉ ra ngoài giấc mơ/ chuốt lại cái miệng lê thê rác rưởi” (trò chuyện với hai chú cá về những điều ngoài cơn mưa) có ý kiến cho rằng cầu kỳ, kỳ quặc, lạm dụng sáng tạo. Thiên về lý luận văn học một chút, có người cho rằng đó là sự cố tình “lạ hóa”, “khác biệt hóa’, “dị biệt hóa” ngôn ngữ… Muốn nói gì thì nói, có được những điều cho là cố tình lạ hóa, khác biệt hóa, dị biệt hóa phải là một sự lao động vô cùng nghiêm túc, vất vả, cực nhọc. Không có quá trình khổ luyện đọc, sàng đãi, luyện lọc không thể có được những con chữ có gai có ngạnh như thế. Xét cho cùng phải có chữ nghĩa. Người khôn giả dốt được chứ người dốt không giả khôn được. Người không có chữ làm sao giả có chữ được. Viết như thế này có làm chữ không? “này anh đừng ẩn trong lời em/ đừng chòi đạp bằng những nhận định sần sùi/ còn nhiều lý do để túi bão thoát ra ngoài căn bệnh trầm cảm/ em chẳng chít lại giấc khập khiễng giữa đêm giá rét đâu” (nói với anh). Viết như thế này có làm chữ không? “đêm qua những giọt nước mắt em lẩn thẩn vắt ngang tờ giấy trắng/ búng vào đó vệt xước như một tiếng thở dài mùa cũ/ nhắc em về hình hài nắng thuở ban đầu”(giấc rời). Nếu không đủ sóng nội tâm, không đủ tri thức diễn đạt nội tâm, không đủ ngôn ngữ để sinh thiết nội tâm làm sao có được những câu thơ đa thức ấy. Càng giàu nội tâm, nội lực càng phải lớn. Càng lắm cung bậc, khúc thức tình cảm, tâm sự, tâm trạng, nỗi niềm càng cần nhiều chữ nghĩa chuyển tải. Yếu đi đường dài hay vấp. Ít chữ nói dài hay vập. Sáu mươi chín bài thơ trong tập “Người đàn bà sinh ra từ mưa” hầu như chỉ tập trung phô diễn một chủ đề, một vấn đề anh-em-yêu-nhớ-ký ức-khao khát. Ấy thế Hoàng Thụy Anh đủ ngôn ngữ, đủ vốn sống, đủ bản lĩnh làm chủ mà câu chữ từ đầu đến cuối tập thơ. Cao hơn thế, chị làm chủ một cách tự tin, chắc chắn, khỏe, trẻ, mạnh mẽ. Thơ giàu hình ảnh, giàu gợi mở, giàu sức sống, không vấp váp. Những câu thơ trong tập dồi dào cả khí và chất. Không có biểu hiện đoản hơi. Khí là độ căng, độ thăng, độ nén. Nó tạo nên cái sóng, cái gió, cái giông lốc. Chất là cái tình, cái ý, cái chí, nghĩa, cái tâm. Nó tạo nên cái muối cái hương thơm vị đậm của thơ. Thơ vỗ cánh bay cao, bay xa nhờ ở cái khí. Thơ sống lâu, sống bền, trường tồn ở cái tâm, cái chất. Hoàng Thụy Anh đang cố hài hòa giữa hai cái: khí và tâm.

 

Trong một cuộc hội thảo về Lý luận văn học, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng tạo ra một cá tính, một cái riêng trong văn học quan trọng hơn tạo ra một tác phẩm văn học. Quá trình sáng tạo Văn học Việt Nam đã chứng minh điều đó. Bao nhiêu nhà thơ xuất hiện trong thời kỳ thơ mới, bao nhiêu nhà thơ xuất hiện trong thời kỳ thơ chống Pháp, chống Mỹ, bao nhiêu nhà thơ xuất hiện trong thời kỳ sau chống Mỹ. Mỗi thời còn lại mấy tên tuổi vang lên trong trí nhớ? Rất ít. Họ là ai? Những gương mặt thơ ấy toàn là những cá tính mạnh, rất riêng. Bản thân họ không trộn lẫn với ai. Có trộn cũng không lẫn. Nghe thơ nhận ra ngay tác giả. Nó riêng thế, cá biệt thế. Về phương diện nhận thức lý luận, nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã nói đúng khi cho rằng tạo ra cá tính riêng, cái riêng biệt trong văn học quan trọng hơn tạo ra tác phẩm văn học. Là một cây bút chuyên nghiên cứu và viết lý luận phê bình văn học (Hoàng Thụy Anh đã có ba đầu sách về phê bình văn học) hơn ai hết, Hoàng Thụy Anh hiểu sâu sắc điều này. Có lẽ vì thế mà nét tạo cá tính, tạo cái ngôn ngữ riêng, giọng điệu riêng trong “người đàn bà sinh ra từ mưa” khá rõ. Nếu chọn ra chục bài thơ của chị làm trắc nghiệm, một hãy đánh dấu vào ô thơ hay, hai, hãy đánh dấu vào thơ có cá tính, tạo nét riêng tác giả. Tôi tin hơn hai phần ba số người tham gia trắc nghiệm sẽ đánh dấu vào ô thứ hai. Đó là một tín hiệu mừng. Khi người cầm bút ý thức được con đường đi của mình, tạo ra một lối riêng cho mình, mọi nghị lực dồn cho cái đích ấy, chắc chắn vườn quả gần tầm tay hái hơn, hoa thơm gần nụ cười hơn. Hiểu đó là tất yếu, chị dám đối diện với sự thật câu chữ, dám vượt qua sự thật câu chữ, dù đó là một sự thật cay đắng “đêm qua những con chữ rửng mỡ tiếp tục nhai lại bọt quá hạn/ khi bị tịt thế này/ thằng tôi nhảy xổ ra bảo cứ quất roi đen đét vào mông nó/ ký tự bất kham sẽ lồng lên/ vốc ra một nhúm abc/ kẹp cổ giật mũi bắt chúng nôn ra/ chúng không chỉ rỗng ruột mà còn đui điếc câm bẩm sinh” (may ra). Đó là sự nhận diện mình, thanh lọc mình, dám nạo vét rũ bỏ mình. Đó là cách chị làm mới chữ, làm mới thơ, làm nên nét cá tính riêng cho thơ. Là thi sĩ tất nhiên trong người cuồn cuộn dòng máu duy mỹ, duy cảm. Nhưng để bứt phá, đột phá, những câu thơ cho thấy Hoàng Thụy Anh đang duy ý chí. Dứt khoát người đọc sẽ nhớ, phải nhớ. Họ nhớ đến rỉa rói. Có thể cái nhớ ấy chưa phải để họ đánh dấu vào ô trắc nghiệm thơ hay. Đó là một cuộc thể nghiệm, một cuộc đánh vật với con chữ biến ảo, đầy khốc liệt, đầy bệnh hoạn “29 ký tự mũm mĩm trong trò chơi tính dục đích thị là giống cái/ em thấy chúng đẻ ra nhiều đám mây xám ngoẹt/ những con chữ đầu đông của em dẫu chưa đủ tuổi để cảm nhận cơn buồn nôn giấu trong họng phố/ chưa đủ chìa khóa để xoay lớp sương mù đầy mưu mẹo/ chưa đủ lạnh lùng để bóc tách từng cái mụn mủ dập dềnh ham muốn/ nhưng chúng chưa bao giờ đeo cái miệng bù nhìn” (những con chữ của em). Ngạn ngữ có câu “trước khi làm hãy nghĩ đến kết quả”. Hoàng Thụy Anh không những nghĩ đến mà nghĩ kỹ. Cái nghĩ đầu tiên là chị biết mình, hiểu mình, cân đo được năng lượng mình, hàm lượng quặng từng con chữ của mình. Cái nghĩ đầu tiên là phải xây đắp cho mình có đủ một nền tảng thể lực tri thức, cảm hứng, trí tuệ dồi dào, có một tầm kiến văn rộng rãi. Không thể đốt cháy giai đoạn đi đến thành công khi không tự luyện lọc mình, trong kho nguyên liệu của mình còn những chữ “chưa đủ tuổi”, “chưa đủ chìa khóa”, “chưa đủ lạnh lùng để bóc tách từng cái mụn mủ dập dềnh ham muốn”. Tre già từng đốt. Mía ngọt từng gióng. “người đàn bà sinh ra từ mưa” đã cho ta cảm nhận được những đốt tre già, những gióng mía ngọt. Ta tin sẽ có những đốt tre già tiếp theo, những gióng mía ngọt tiếp theo, bởi Hoàng Thụy Anh đã hình dung ra tất cả, nhìn thấy tất cả khó khăn, khốc liệt. Cao hơn điều đó, chị rất lạc quan, rất tin vào phía trước mình hướng tới, dù “trên chỏm đau/ những con chữ của em có thể bị xước bên này hoặc xước bên kia thậm chí bị giẫm bẹp rúm/ chúng vẫn tiếp tục chức năng sinh sản/ vẫn phơi phới nhũ hoa dậy thì/ quyến rũ núm đời đêm đêm” (những con chữ của em).

 

14.8.2017

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào? – Nguyễn Thanh Tâm

>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh

>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường

>> Về mái nhà xưa tìm thời đã mất – Phan Hoàng

>> Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt – Lưu Khánh Linh

>> Khuynh hướng LLPBVH ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam- Trần Hoài Anh 

>> Nhỏ mà không nhỏ – Phạm Đình Phú

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

>> Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – Huỳnh Như Phương

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…