Những chuyện kể của con: Phiên chợ nón lá lúc hừng đông

609

Đinh Chí Trung

Tôi đến đây với mong muốn viết tiếp những câu chuyện về trẻ em trên khắp đất nước mình, đặc biệt là những em nhỏ có tuổi thơ gắn với nghề truyền thống.

LTS: Từ năm 2018, Đinh Chí Trung đã khởi động dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam – Chuyện kể của con”. Trong suốt hai năm qua, chàng trai sinh năm 1988 (hiện sống ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) vẫn kiên trì lặn lội từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến miền cao để thực hiện những bộ ảnh đẹp, mà cũng là để vẽ lên cổ tích cho trẻ em nghèo.

Trong hành trình muôn dặm của mình, bước chân Trung đã đến với những vùng đất mà ở đó, có những đứa trẻ lớn lên, gắn bó với nghề truyền thống, bằng tình yêu và những giấc mơ đẹp…

Báo PN trân trọng giới thiệu loạt bài Đinh Chí Trung viết về những câu chuyện ý nghĩa này.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng ba mươi cây số, làng Chuông (huyện Thanh Oai) còn giữ được nhiều nét cổ kính, vẫn chung thủy với nghề làm nón lá suốt hơn ba thế kỷ. Tôi đến đây với mong muốn viết tiếp những câu chuyện về trẻ em trên khắp đất nước mình, đặc biệt là những em nhỏ có tuổi thơ gắn với nghề truyền thống.

Bé Uyên (chín tuổi) là một trong số đó. Cô bé nhỏ nhắn nhưng tháo vát. Tôi không ngờ có những chiếc nón lá lại được làm từ đôi bàn tay bé nhỏ như em. Câu chuyện này, tôi sẽ bắt đầu từ phiên chợ nón của làng Chuông.

Mẹ con bé Ánh – Uyên trong ngôi nhà xây dở

Để được tham gia phiên chợ nón lá làng Chuông, tôi phải xuất phát lúc ba giờ sáng từ trung tâm Hà Nội. Người mua kẻ bán tập trung ở đình làng rất sớm, việc trao đổi buôn bán diễn ra từ hừng đông cho đến khi trời sáng hẳn. Tiếng xe đạp lách cách. Nón lá và những nguyên liệu làm nón được thồ vào chợ. Tiếng xào xạc liên hồi do người mua lựa lá. Và sau cùng, chợ bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng mặc cả. Chợ phiên nón lá diễn ra đến tầm bảy, tám giờ sáng thì bắt đầu vãn, nhường lại một sân đình trống trải, lác đác vụn lá.

Vãn chợ, tôi lại tiếp tục men theo con đường nhỏ đi sâu vào làng. Qua mỗi bờ đê, sân nhà, đều bắt gặp cảnh người ta phơi lá hoặc đan nón. Tôi tìm đến nhà bé Uyên – ngôi nhà xây dang dở nằm lọt thỏm trong làng. Uyên mất cha từ sớm, ngôi nhà do cha em xây cũng chưa kịp hoàn thiện.

Chợ nón làng Chuông

Cô chị cả đi học may, còn Uyên và chị Ánh (mới học lớp Bảy) vừa đi học, vừa phụ thắt nón với mẹ. Mỗi ngày, mấy mẹ con làm chưa được hai chiếc nón lá, bán cho thương lái với giá chỉ năm mươi ngàn đồng một chiếc, thu nhập hằng tháng trừ hết các chi phí không tới hai triệu đồng.

Mẹ của Uyên chưa từng đi đâu quá xa ngôi làng, thế nên tôi là người miền Nam đầu tiên mà chị tiếp xúc. Chị gần như không nghe được giọng miền Nam. Bé Uyên trở thành “người phiên dịch bất đắc dĩ” của mẹ. Uyên giải thích với tôi về những công đoạn của việc làm nón, từ bức vòng (đan các vòng tre vào khung), quai (trải lá), thắt (khâu chỉ để cố định lá), nức (làm viền nón), nhôi (đan chỉ màu để làm nơi luồn dây nón).

Hai chị em Uyên

Việc làm nón đòi hỏi phải thành thạo và khéo léo, Uyên chỉ có thể phụ mẹ hoàn thành những công đoạn cuối. Nhiều lúc bị kim đâm, những ngón tay bé xíu bị hằn đỏ, chảy máu, nhưng cô bé vẫn thoăn thoắt tập trung vào công việc của mình.

Trưa đó, Uyên tự làm bếp. Cô bé đãi tôi món trứng rán mà cô rất yêu thích. Thật tình, tôi chưa từng trông thấy căn bếp nào nhỏ bé, xiêu vẹo đến vậy. Một căn bếp đắp bằng đá tổ ong sứt mẻ nằm ở góc sân đầy tro và mùn cưa. Uyên rán trứng bằng mỡ heo, một tay cho củi vào lò, một tay đảo trứng, miệng líu lo hướng dẫn tôi làm sao để rán trứng ngon.

Những đứa trẻ làng Chuông

Bé Ánh lớn hơn Uyên năm tuổi, nhưng dáng người nhỏ xíu. Trông hai chị em không nhỉnh hơn nhau là bao. Cô em lanh lợi bao nhiêu, thì cô chị đằm thắm bấy nhiêu. Khi tôi hỏi tụi nhỏ về ước mơ của mình, Ánh lắc đầu ngại ngùng, còn Uyên đáp ngay: “Ước mơ của em là trở thành thợ may”. Thật ra, ý Uyên muốn nói là trở thành một cô công nhân may ở các xí nghiệp.

Thanh Oai là một huyện vùng ven của thành phố Hà Nội, những năm gần đây các khu công nghiệp cũng bắt đầu hình thành, việc lao động ở các công ty đem lại cho người dân mức sống tốt hơn. Mức lương công nhân 5-8 triệu đồng/tháng trở thành mơ ước của nhiều người. Ước mơ đó đã truyền đến Uyên qua những câu chuyện của người lớn trong làng.


Tôi mong ước mơ của Uyên và Ánh sẽ thoát ra khỏi cánh cổng làng. Chiếc nón lá truyền thống cần được lưu giữ, nhưng nó cần được nâng giá trị lên xứng đáng với công sức, để truyền thống không bị đánh đổi bằng cuộc sống khó khăn của chính chủ nhân, những người làm ra nó.

Lúc tôi rời đi, ba mẹ con vẫn đang cần mẫn với những chiếc nón lá trong ngôi nhà xây dở, không biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Phiên chợ trăm năm

Phiên chợ nón lá làng Chuông mỗi tháng họp vào sáu ngày (mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch, cứ đều đặn như vậy hàng trăm năm nay). Làng Chuông là một làng cổ, với những ngôi nhà gạch kiểu xưa. Chợ nón diễn ra tại sân đình có tuổi thọ hàng trăm năm, khiến tôi như lạc vào một không gian đậm chất truyền thống.


Người đến chợ chủ yếu là người già và phụ nữ, phiên chợ còn là nơi các cô các dì gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Tiếng nói cười rôm rả một góc chợ. Khuôn làm nón của mỗi gia đình khác nhau, có loại chóp nhọn, có loại rộng vành, to nhỏ cũng có chút chênh lệch để đáp ứng sở thích của người dùng. Riêng nón quai thao đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, nên cả làng chỉ có hai hộ còn làm.

Tôi có trở lại thăm gia đình bé Uyên sau đó. Hai chị em Ánh – Uyên đã dạn dĩ hơn khi nói chuyện với tôi. Hôm ấy, bọn trẻ con ở làng kéo sang chơi chật kín nhà. Tụi nhỏ vui mừng khi được tôi tặng những bức ảnh đã chụp, những hộp tô màu… Những gửi gắm, động viên của bạn bè trong Nam tôi chia sẻ lại cùng các bé. Hành trình kể chuyện qua ảnh của tôi vô tình trở thành sợi dây kết nối những tấm lòng.

(Theo Phụ Nữ)