Những chuyện ‘thâm cung’ thời kháng Pháp thế kỷ 19: Người có công hay kẻ tội đồ?

644

Rõ ràng triều đình nhà Nguyễn chấp nhận sự quy hàng của đạo quân Cờ Đen và sử dụng họ như một lực lượng cơ hữu của mình, song nhiều quan lại vẫn tỏ ra e dè, hoài nghi thiện chí hợp tác của họ.

Tháng 10/1869, đã có chủ trương đưa đạo quân của Lưu Vĩnh Phúc qua khỏi biên giới Việt – Trung, trở về lãnh thổ Trung Hoa.

Tháng 8/1870, Đề đốc Phùng Tử Tài đề nghị cho Lưu Vĩnh Phúc về nước, Phúc sợ bị nhà Thanh truy sát, xin ở lại châu Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) để khai thác tài nguyên và hợp tác đánh giặc. Vua Tự Đức cho rằng “dùng người Man đánh người Man là một việc cần, Vĩnh Phúc vốn thù nhau với Hoàng Anh, nên khéo khích để dùng…” (Đại Nam thực lục – tập 7 – sđd – trang 1.238).


Phùng Tử Tài (Feng Zicai), Đề đốc nhà Thanh sang phối hợp với quân nhà Nguyễn.

Đúng như lời nhà vua phán, nửa năm sau khi quân Cờ Đen được tiếp tục sử dụng, vào tháng 2 âm lịch 1871, có tin Lưu Vĩnh Phúc đã giết chết Hoàng Sùng Anh, thủ lãnh đạo quân Cờ Vàng. Tỉnh thần Hưng Hóa đề nghị thưởng phẩm hàm cho Phúc, song tin chính xác cho hay, họ Hoàng chỉ bị thương trong trận đánh.

Vị quan lại cao cấp của triều đình tại khu vực phía bắc lúc bấy giờ là Lạng – Bằng – Ninh – Thái Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm (có tài liệu ghi: Hoàng Kế Viêm). Họ Hoàng rất tín nhiệm Lưu Vĩnh Phúc, vào tháng 9 âm lịch 1873 đã đề nghị triều đình cử họ Lưu làm Phòng ngự sứ (tòng ngũ phẩm), song vua Tự Đức không đồng tình, chỉ đồng ý xuất bạc kho ra để ban thưởng (Đại Nam thực lục – tập 7 – sđd – trang 1411).

Tháng 11/1873, một sĩ quan Pháp cao cấp là đại úy Francis Garnier (sử Việt gọi là An Nghiệp hay Ngạc Nhi) được cử ra bắc với danh nghĩa bề ngoài là dàn xếp những rắc rối do tên lái buôn Jean Dupuis (Đồ Phồ Nghĩa) gây ra, kỳ thực nhằm thực hiện ý đồ tấn công thành Hà Nội, mở đường cho việc đánh chiếm các tỉnh miền Bắc.

Ngày 20/11/1873, Garnier ra lệnh tấn công thẳng vào thành, quân triều đình dưới sự chỉ huy của Khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương chống trả quyết liệt, song trận chiến cũng sớm kết thúc trong ngày. Thiệt hại về phía VN khá nặng nề: cụ Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và mất sau đó, con trai cụ là phò mã Nguyễn Lâm tử trận…Thiệt hại của phía Pháp không đáng kể, và điều này cho thấy thực lực về quân sự giữa hai bên có sự chênh lệch quá lớn.


Lưu Vĩnh Phúc (1837 – 1917).

Tuy nhiên, có một điều mà thực dân Pháp đã không ngờ tới. Hơn một tháng sau khi đánh chiếm thành Hà Nội, ngày chủ nhật 21/12/1873, Francis Garnier dẫn một toán lính Pháp 12 người truy đuổi một nhóm quân Cờ Đen khiêu khích và chạy trốn tại khu vực ô Cầu Giấy thuộc phủ Hoài Đức. Không ngờ ông ta lọt vào ổ phục kích. Garnier té vào một hố sâu đào sẵn, trong khi lính Cờ Đen ào tới. Ông ta rút cây súng lục bắn đến viên đạn cuối cùng, rồi chịu chết. Ngay lập tức, đầu của Garnier bị quân Cờ Đen cắt rời và mang đi (Francis Garnier – Sa vie, ses voyages… – Édouard Petit – Paris 1894, trang 263-267).

Cái chết của viên sĩ quan từng lập nhiều công trạng này gây chấn động cả nước Pháp. Hàng chục năm sau, nhiều tượng đài, công trình tưởng niệm Francis Garnier được xây dựng trên khắp Đông Dương, và cả trên đất Pháp. Điều đó chứng tỏ sự tổn thất về nhân sự của Pháp là rất to lớn. Cùng tử trận với Garnier còn có một trung úy và một thiếu úy Pháp nữa (Đại Nam thực lục – tập 7 – sđd – trang 1422).

Chiến công này của quân Cờ Đen dưới quyền Lưu Vĩnh Phúc đã giải tỏa phần lớn mối nghi ngờ của vua Tự Đức và triều thần đối với họ Lưu. Tháng 2 âm lịch 1874, vua Tự Đức “chuẩn cho Lưu Vĩnh Phúc được nhắc bổ làm Phó lãnh binh quân thứ ấy. Đoàn quân ấy từ quản đội trở xuống thưởng cho thăng 3 trật và thưởng tất cả binh dõng đi trận ấy bạc lạng và tiền (bạc 345 lạng, tiền 3.000 quan), là xét công đánh trận ở Cầu Giấy” (Đại Nam thực lục – tập 8 – sđd, trang 18). Với chức danh Phó lãnh binh, hàm tòng tam phẩm, từ thời điểm này, Lưu Vĩnh Phúc đã chính thức trở thành một quan lại trung cao cấp của triều đình Huế.


Đại úy Francis Garnier (1839 – 1873).

Điều trớ trêu là cái chết gây chấn động của Francis Garnier lại xảy ra trong lúc Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Tường, đại diện triều đình, và đại úy hải quân Philastre (Hoắc Đạo Sanh hay Phi Lặc), đại diện phía Pháp, đang trên đường ra Hà Nội để dàn xếp mọi việc. Nghe được tin này, Philastre giận dữ, vỗ bàn và đùng đùng đòi quay trở lại.

Trước thái độ của viên quan Pháp, Nguyễn Văn Tường đã trổ tài biện luận sắc bén để thuyết phục y. Ông thong thả nói rằng “… trả lại thành (Hà Nội) để sớm định điều ước, là lệnh của quý tướng (tướng Dupré – L.N); lấy lại thành rồi sau mới nghị hòa là mệnh lệnh của vua nước tôi; bọn chúng ta chỉ biết theo mệnh lệnh ấy. Còn như Hà Nội giết An Nghiệp (tức F.Garnier – L.N), cũng như An Nghiệp giết Nguyễn Tri Phương, đó đều là do sự không ngờ, cũng không phải là bọn chúng ta làm ra… sao bằng đưa thư ngay cho Hà Nội… hoặc được hỏi rõ duyên do An Nghiệp bị chết, rồi sau sẽ báo, há chẳng càng ổn ư” (Đại Nam thực lục – tập 7 – sđd – trang 1425).

Lý lẽ của ông Tường khiến Philastre dịu lại và đồng ý tiếp tục hành trình.

Theo Lê Nguyễn/Báo Thanh Niên