“Không áo gấm con mãi còn lạc xứ”
(Thơ Lê Sa)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Những ngày tết cũ, mới nửa tháng Chạp, tôi, Tứ cùng bọn trẻ trong làng lên đường lộ. Chúng tôi ngồi trên thanh sắt bên vệ đường, vừa giống những chú chim đậu trên sợi dây điện, vừa giống những chú ếch ngồi trên bờ ao. Chị hai tôi đi may ở Sài Gòn, ba mẹ Tứ cũng làm ăn xa xứ. Người thân của bọn bạn cũng đi làm thuê tứ xứ. Chúng tôi ngồi, đợi những chuyến xe.
Nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên
Chuyến xe nào chạy qua cũng khiến lũ nhỏ nhà nghèo nín thở. Một chiếc xe xuất hiện chúng tôi đã thấy khi nó chỉ là một chấm mờ ảo. Chỉ cần là một chiếc xe đò, cả bọn đứng trên thanh sắt, líu lo và hi vọng. Những chiếc xe lướt qua như cơn gió vô tình. Có chiếc xe dừng, làm tim chúng tôi thắt lại, nhưng sự dừng lại đó chỉ là người trên xe xuống đi vệ sinh, hay xe bị sự cố. Và cũng có chiếc xe, sau khi dừng, một, hai người bước xuống. Một, hai đứa trẻ trong bầy con nít reo hò vui sướng. Ba, mẹ nó trở về. Nó có ba, có mẹ ngày tết, có quần áo mới… Ngôi làng tôi dù gần quốc lộ 1 nhưng là một ngôi làng nghèo. Bốn bề là ruộng. Những mảnh ruộng cằn cỗi vì hạn hán hoặc ngập úng vì bão lụt không nuôi nổi người làng. Người lớn bỏ làng đi làm ăn tứ xứ. Làng chỉ còn người già và con nít. Chỉ có tết người xa xứ mới trở về.
Khi chúng tôi ngồi bên đường lộ, con dốc dẫn từ làng lên bao giờ cũng xuất hiện một người bà. Bà ngoại Tứ, chống gậy, lọ mọ đi lên. Tứ thấy bà khi đầu bà vừa nhô lên khỏi con dốc. Nhưng Tứ không về ngay mà để bà khập khễnh leo lên con dốc dài. “Tứ ơi!”, bà gọi, nheo con mắt nhìn cháu đang ngồi chồm hổm trong bầy con nít, con mắt còn lại nhìn về phía xa. Bà cũng đợi mơ hồ một chuyến xe ngày tết.
Nghe bà gọi, Tứ nhảy phóc xuống, đi qua đường, theo bà xuống dốc. Những ngày nghỉ tết, bọn con nít trong làng có người thân đi làm xa càng lên đường lộ nhiều hơn. Trong cơn gió như bão cuối tháng Chạp, phong phanh áo mỏng, đứa nào đứa nấy mặt tái mét. Lạnh vì gió và lo lắng trong lòng. Gần tết rồi, những chiếc xe dừng sao không có người thân của mình? Có đứa hét lên vì sung sướng khi được gặp người thân. Nhưng cũng có đứa buồn vì mãi chưa thấy người thân trở về. Ngày đó dân quê nghèo không điện thoại, nhớ mong chỉ biết lên đường lộ, đợi những chuyến xe.
Dù ngóng ba mẹ nhưng Tứ phải theo bà ngoại đi gói bánh tét thuê. Ba mẹ Tứ li thân, mỗi người mỗi nẻo, chẳng ai gởi tiền về nuôi Tứ và bà. Ngoài mót lúa, bắt ốc bưu ngoài ruộng, những buổi chợ bà ngoại Tứ chống gậy vì bệnh thấp khớp, có mặt ở chợ làng từ sớm, ngồi chặt đầu cá, móc ruột cá. Cuối buổi, ngoài ruột, đầu cá, bà có được ít con cá về kho cho đứa cháu trai có ba mẹ mà như côi cút. Giáp tết, bà đi gói bánh tét dạo quanh làng. Bà gói bánh tét khá chặt tay nên người làng vì thương hoàn cảnh hai bà cháu hay kêu bà gói. Mỗi nhà bà được nhà chủ tặng một đòn bánh tét. Tứ đi khắp làng cùng bà, đổi bánh tét lấy ít mứt. Nhờ vậy hai bà cháu cũng có được vài cái tết.
Đã mấy cái tết ba mẹ Tứ đi biền biệt. Ngồi chờ những chuyến xe tết sớm nhất, Tứ là người thất vọng nhiều nhất. Ở nơi xa, ba mẹ Tứ ai cũng có gia đình mới. Nhưng tết nào Tứ cũng chờ trong vô vọng và hi vọng.
Chị hai tôi cũng có năm về ăn tết, năm không, tùy theo xí nghiệp may của chị có trả lương đúng hạn? Có năm, bị nợ lương chị chẳng có tiền về.
Tứ hay ngồi đồng trên thanh sắt, phóng xuống khi nghe tiếng bà gọi. Lau lá chuối cho bà gói bánh tét xong, lại chạy lên đường lộ như sợ mình bỏ lỡ khoảnh khắc nào. Đêm xuống, bốn bề ruộng đồng gió hú, bà ngoại lại chống gậy đi lên con dốc gọi Tứ. Hai bà cháu thất thểu đi về trong gió lạnh.
Cuộc đời những người bạn trong tuổi thơ đôi khi giống như cánh chim trong gió bão. Lớn lên, vì nghèo Tứ không theo đuổi việc học. Tứ lại giống ba mẹ, leo lên một chiếc xe đến xứ lạ, làm mướn gởi tiền về nuôi bà ngoại. Những chiều giáp tết, bà ngoại Tứ ngày càng già, không còn đi gói bánh tét thuê, lụm cụm chống gậy lên con dốc. Bà nhìn về hướng lũ trẻ nhìn, mắt đục mờ hi vọng. Gió quá lạnh nên bà không thể ở lâu. Bà chống gậy đi xuống con dốc, sau khi cố ngoái đầu vài lần để chờ điều gì đó xuất hiện.
Những ngày tết cũ trôi qua như thế, trong gió lạnh và mong chờ. Một tết, khi bà ngoại đã mất, Tứ về quê. Tứ ngồi trên thanh sắt giờ đã hoen rỉ, đăm đăm nhìn xuống con dốc. Tứ không chờ những chuyến xe trở về mà chờ bà lụm cụm đi lên con dốc, đầu bịt chiếc khăn cũ, dáng hình thấp tròn, cất giọng trầm gọi “Tứ ơi!”.
Nhưng chẳng còn tiếng gọi nào.
Trong gió lạnh, vun vút những chuyến xe ngày tết…
N.T.K.L