Những con đường nhân duyên – Tản văn của Lê Văn Huân

696

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ôi những con đường của bà, của mẹ ta xưa! Hôm nay làng quê ta nhiều nơi đã có những quãng đường trải nhựa, đổ bê tông cho xe pháo đi về. Những con đường ở quê giờ đây mỗi ngày lại dài, rộng thêm ra mà không phải do những cô dâu phải làm, những con đường làng hôm nay được lát bê tông, trải nhựa không phải theo lệ “nộp cheo”…

Tác giả Lê Văn Huân 

Trống đánh thình thình

Trống đập thình thình

Ông Chánh, ông Phó ra đình thu cheo

Ngày xưa, người con gái đi lấy chồng nghe tiếng trống đánh thình thình ở đình làng, ấy chính là lúc lòng cô gái cũng hồi hộp, xốn xang. Tai nghe tiếng trống làng, hòa cùng tiếng trống đập, của trái tim. Niềm vui sướng của hạnh phúc, nỗi lo âu của sự “làm dâu” sắp bắt đầu từ đây. Nộp cheo cho làng rồi, coi như là mọi việc về hôn nhân đã được hợp pháp. Lệ làng, phép nước mỗi nơi thi hành một cách khác nhau. Có nơi người con gái đi lấy chồng, nộp cheo bằng tiền, nên câu ca dao “Giúp em quan tám tiền cheo“ là như vậy. Có nơi người con gái nộp cheo bằng mâm đồng, mâm son, bát sứ tùy theo từng hoàn cảnh của địa phương mà chức dịch của làng đề ra. Điều đáng chú ý là ở nhiều làng, lệ nộp cheo này được qui định bằng những viên gạch hồng để lát những con đường trong làng, trong xóm. Số gạch nộp nhiều hay ít cũng tùy theo từng làng. Nhưng có một điểm giống nhau là mọi làng thu cheo của những người con gái đi lấy chồng ở làng khác phải nộp nhiều hơn so với người con gái lấy chồng cùng làng.

Khi trời bắt đầu những trận heo may, những cánh lá vàng bay chấp chới ngoài ngõ như những cánh thiếp của mùa sêu, mùa hỏi. Đó cũng là lúc trên những con đường làng  bận rộn và những viên gạch đỏ được kéo dài ra.

Mỗi con đường, người quê hương sớm tối đi về, những viên gạch hồng trên mỗi lối đi, mang kỉ niệm của mỗi người con gái bước chân về nhà chồng. Trong đó có những cuộc hôn nhân trọn vẹn mà đôi trai gái hưởng hạnh phúc đến mãn chiều, xế bóng. Con, cháu ngày tháng đi về trên những kỉ niệm của ông bà, cha mẹ cái thời làm cô dâu, chú rể và cũng có những cuộc hôn nhân tan vỡ, đứt gánh giữa đường. Người con gái làng đi lấy chồng ,dù cuộc hôn nhân ấy có được vui hay buồn, mất mát hay hạnh phúc dài lâu thì những viên gạch hồng nộp cheo ấy vẫn thành những con đường làng. Trên những viên gạch hồng ấy, có những giọt nước mắt của niềm vui, của tình yêu đích thực. Cũng có những giọt nước mắt của nỗi buồn gả bán, rơi thầm trong những buổi nộp cheo. Thế hệ này qua đi, thế hệ khác tiếp nối, những con đường làng luôn luôn dược tu bổ bằng những viên gạch tình yêu của tuổi trẻ. Và năm tháng trôi đi con đường làng luôn mang dáng dấp trẻ trung, dù người con gái nộp cheo xưa không còn trên cõi đời.

Bây giờ, cái thời người con gái phải nộp cheo để lấy chồng đã xa rồi có chăng chỉ là còn lại trong kí ức của những con người hoài cổ, cái tục lệ một thời đã có phần nào trói buộc, vướng víu bàn chân của những cô gái ở làng quê đi lấy chồng không còn nữa. Hai chữ “nộp cheo” chỉ còn trong ca dao, cổ tích. Nhưng thời gian chưa xóa hết những con đường làng được lát bằng những viên gạch nhân duyên của người xưa. Những làng quê đây đó, có nơi vẫn còn bóng dáng những hình ảnh của những mối tình xa xưa ấy. Có những quãng đường lát gạch nộp cheo bị sụt lở, sứt mẻ theo thời gian và cũng có những con đường đã đi theo người xưa, những viên gạch lại “hoàn thể” trở về làm cát bụi và những người con gái nộp cheo lấy chồng cũng không còn nữa.

Ôi những con đường của bà, của mẹ ta xưa! Hôm nay làng quê ta nhiều nơi đã có những quãng đường trải nhựa, đổ bê tông cho xe pháo đi về. Những con đường ở quê giờ đây mỗi ngày lại dài, rộng thêm ra mà không phải do những cô dâu phải làm, những con đường làng hôm nay được lát bê tông, trải nhựa không phải theo lệ “nộp cheo” của Ông Chánh, Ông Phó, mà đó là sự hòa hợp giữa “ý Đảng, lòng dân” giữa “nhà nước và nhân cùng làm” trong phong trào “bê tông hóa đường làng”. Hôm nay đi về trên những nẻo đường ở làng quê, lòng ta dâng lên nỗi bâng khuâng, một nỗi nhớ dịu ngọt êm đềm. Quãng đường nào có mồ hôi, sức lực của chị, của mẹ? Những đoạn đường bê tông dưới bàn chân ta hôm nay không có còn ngậm những giọt nước mắt buồn, không có còn ghi hình ảnh vai phồng của những cô dâu trong những buổi gánh gạch nộp cheo lát đường, mà ta chỉ nghe những âm thanh vui, hạnh phúc của những chuyến xe bò chở lúa, khoai về nhà, những tiếng nô đùa, hò reo của các cô cậu học trò chạy lon ton mỗi khi trống báo tan trường và cả những tiếng cười khúc khích trong trẻo của các cô gái làng đang  trên đường đến  công sở, xí nghiệp, công ty… Ta cũng đã đi nhiều trên con đường thiên lí của đất nước, nhưng mỗi lần đi về trên những con đường trải nhựa, lát bê tông ở các làng quê nó cứ níu gót bàn chân, làm ta bịn rịn đến ngẩn ngơ lòng.

L.V.H