Những con sao biển của cô giáo mầm non- câu truyện của những ký ức đã qua

251

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi cầm “Những con sao biển” trên tay, tôi cẩn thận lật từng trang, sách thơm mùi mực mới, vì là sách từ nhà in ra mà, chưa được vài tháng. Sách lên kệ các nhà sách một cách thầm lặng, như con người của tác giả Hồ Xuân Đà cũng lặng yên và làm công việc của mình. Tôi được biết Hồ Xuân Đà là một cô nuôi dạy trẻ, gặp và trò chuyện với cô ấy, mới biết công việc mầm non đòi hỏi phải luôn vui vẻ, thì trẻ em mới thấy gần gũi, cảm thấy được thân quen. Hồ Xuân Đà dường như sống hết mình với tất cả, với cuộc đời mà cô ấy đang sống. Những trải nghiệm trong cuộc sống được chắt lọc và gạn đục khơi trong đưa vào trang viết. Trang viết đẹp, như chính tâm hồn của một con người chưa bị những danh vọng, và đòi hỏi sự đền đáp của cuộc đời bất cứ điều gì. Chỉ vậy thôi, tôi cũng thầm tò mò để đọc những dòng văn của cô ấy viết cho tuổi mới lớn. Cái tuổi đẹp nhất, của đời người, cái tuổi mới lớn như vầng trăng vừa tròn, nhưng cũng sẽ gặp rất nhiều tổn thương do ảnh hưởng từ các vấn đề xã hội.

Ảnh bìa sách Những con sao biển- Nhà xuất bản Tổng Hợp Phát Hành 2022

Đại dịch CoVid19, đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân trên thế giới, và cả nước chúng ta. Đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên và cuộc sống của biết bao gia đình. Đứng trước sự đe dọa của sức khỏe cùng với sự sợ hãi của tinh thần, con người phải làm sao đây. Phải chăng, những thân phận của con người cũng như những con sao biển đang bị mắc kẹt trên bờ, cần tìm đường trở về sự sống, về với nước biển, về với môi trường tự nhiên thuộc về chúng.

Mở đầu của câu truyện, là thông báo giữa giờ ra chơi, các bạn học sinh phải gấp rút thi cử, và chọn phương án học online, buổi tiệc chia tay cũng phải thực hiện gấp rút, do thời gian cùng với hoàn cảnh sống trong dịch bệnh, khi các ca bệnh đang tăng nhanh, sự sợ hãi hoang mang như bao trùm hết bầu không khí lẽ ra nên vô tư nói cười của các em học sinh khối trung học cơ sở. Mà đâu phải riêng gì của các em học sinh của lớp 8A1 đâu, nó là không khí chung của tất cả các em học sinh, sinh viên các cấp học trong cả nước. Có lẽ, vì Hồ Xuân Đà, cô ấy là một giáo viên, một giáo viên mầm non, và là mẹ của những đứa con đang theo học các khối lớp, nên cô ấy cảm nhận rõ ràng từng phân đoạn của thời điểm gọi là lịch sử này. Lúc này, con người ta lo sốt vó trước sự an toàn của bản thân mình, gia đình, lo thực phẩm để sống trong đại dịch, chứ ai đâu mà ngồi đó để cảm nhận cái không khí của một thời kỳ lịch sử ra sao. Tôi chăm chú đọc từng chương của câu truyện, giọng văn rất bình thường, như đang là một người hàng xóm đang kể chuyện xã hội sau một ngày làm việc cho tôi nghe, giọng văn vô tư hồn nhiên như một đứa trẻ, đang trình bày suy nghĩ của mình, cũng như kể lại việc ở trường lớp cho cha mẹ nghe. Nhưng, chính những câu chuyện nhỏ nhỏ, xâu chuỗi lại một cách rất trình tự, logic, mạch lạc về thời gian con người trên thế giới và trong nước chống chọi và vượt qua con vi rút nhỏ xíu, vô hình vô dạng, không mùi không vị, mà có sức công phá, làm tê liệt biết bao hoạt động của con người. Hãy quay ngược thời gian để nhớ về những ngày đó: “Đâu phải còn xa lạ gì với Covid-19, khi một năm qua, bọn học sinh chúng tôi luôn đến trường với chiếc khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế… Tám tháng trôi qua, cứ tưởng mọi việc sẽ bình yên, dịch bệnh đã qua đi, chỉ còn nghe những ca bệnh nhập cảnh, được cách ly y tế ngay lập tức, trong lòng bọn học sinh chúng tôi ít nhiều cũng thấy an tâm, nên thoải mái vui chơi cùng các bạn, vô tư mà ngồi cùng bàn, không phải giữ khoảng cách.

Thực sự, việc giữ khoảng cách với mấy đứa trẻ vừa mới lớn, với bạn bè của mình quả là khó khăn, hay việc mang khẩu trang cũng rất ngột ngạt, thật phiền phức khi mỗi sáng nào thức dậy, khi tôi chuẩn bị đến trường, mẹ tôi cũng nhắc: “Khẩu trang, khẩu trang nha con!” Dịch bệnh mà, thầy cô giáo, ban giám hiệu cũng nhắc nhở hoài quy tắc 5k, bọn học sinh chúng tôi nghe theo răm rắp, mà không nghe sao được, đến trường mà không mang khẩu trang, thì bạn bè nhìn mình ớn ớn, lành lạnh. Vậy mà, tới giờ ra chơi thôi, là khẩu trang kéo xuống tận cằm. Hít chung một bầu không khí, thở chung trong một căn phòng, học tập thì phải thảo luận nhóm, phát biểu, vậy mà cô giáo cứ nhắc nhở mang khẩu trang. Sự bất cập này, không phải không có người nhìn ra, khi bước đầu phải học cách sống chung với Covid-19.”( Trích Chương 1- Những con sao biển- HXĐ).

 Chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào quên những tháng ngày thiếu thực phẩm, giãn cách xã hội, xa người thân, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu thương. Và chỉ biết chờ đợi từng quyết định, từng thông tin, mong ngày được tiêm ngừa, cùng với sự sợ hãi khi chứng kiến những cái chết, sự ra đi trong cô đơn lạnh lẽo của biết bao con người không may trong đại dịch COVID-19. Tiến trình ấy được ghi lại theo từng trang sách dưới cảm nhận của nhân vật ở tuổi mới lớn, tuổi ăn chưa no lo cho tới “Lúc này, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những video, hình ảnh người dân đi chợ, đi siêu thị để mua sắm, tích trữ lương thực phẩm, có nơi xô ngã cả hàng rào, bất chấp lời nói của bảo vệ. Những chiếc xe máy khệ nệ đầy hàng hóa của những bà nội trợ trở thành biểu tượng của người anh hùng bảo vệ gia đình.

Tôi vẫn thường nghĩ một mình, cái chết có đáng sợ không, đáng sợ như thế nào, ngay cả khi những thần tượng Kpop tôi yêu thích bên Hàn, một số đó rất thành công đầy đủ tiền tài, danh tiếng và có lẽ cũng sẽ hạnh phúc, nhưng tại sao họ vẫn từ bỏ cuộc sống. Cuộc sống là phải được vui, được nói cười, được giao tiếp, nhưng tôi nghĩ – thì tôi nghĩ – thì tôi nghĩ một mình, cho riêng mình về điều này, nhưng nếu tôi nói ra chắc ai cũng sẽ chửi tôi, họ sẽ mắng tôi vì không biết phòng dịch, không biết sợ chết, không hiểu hết sức ảnh hưởng của dịch bệnh.”. (Trích chương 7- Những con sao biển- HXĐ )

Đọc từng trang Những con sao biển của tác giả Hồ Xuân Đà mà bản thân tôi, không thể nào không ứa lệ thương cảm. Những câu chuyện làm tôi rưng rưng xúc động hồi tưởng về giai đoạn những tháng ngày ấy. Hồ Xuân Đà, một con người thầm lặng làm việc, bởi công việc của cô giáo mầm non, cùng trách nhiệm của người mẹ đâu cho phép cô đi học hỏi giao lưu văn thơ, như những người hưu trí như tôi. Chính vì vậy, mà cô ấy chiêm nghiệm những vấn đề xung quanh, và ghi lại dưới sự khách quan công bằng nhất, bởi cô ấy là nhà văn mà. Một nhà văn, do một độc giả như tôi yêu quý thương tặng, bởi tôi quý trọng ở cô ấy sự miệt mài lao động, như một người phụ nữ bình dân chân chất xây dựng cuộc đời, bởi nhiều lần trò chuyện với cô ấy, tôi cảm nhận được, cô ấy không mơ mộng với chức danh nghề nghiệp như một “Mỹ từ” , hai tiếng “Nhà văn” . Tuy nhiên, chính tác phẩm mang đậm chất nhân văn như Những con sao biển, Bồ công anh nhỏ, Đôi bàn tay mẹ, hay Khao Khát Bình Yên… thì Hồ Xuân Đà xứng đáng để đảm nhận vai trò trách nhiệm ấy đối với xã hội. Những dòng văn với ánh nhìn cuộc sống đầy tin yêu và hy vọng: “

Và đúng bảy giờ sáng tôi xuất phát đến trường, vòng xe đạp lăn bánh, cái cây bên đường cũng vui, vài bông hoa dại ven đường cũng rực rỡ, con chim nhỏ sải cánh bay giữa bầu trời giữa bình minh rực ánh mặt trời.”( Trích Chương 19- Những con sao biển-HXĐ

Những con sao biển- do nhà xuất Bản Tồng Hợp phát hành, vào những tháng cuối năm 2022, dù không có buổi trò chuyện giao lưu cùng với độc giả, vì nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên, là người đọc lâu năm, theo dõi những tác phẩm do cô giáo mầm non này thể hiện, tôi mong muốn giới thiệu đến tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn tuổi mới lớn. Thông qua, tác phẩm chúng ta càng biết yêu thương và trân trọng những giây phút được học tập, lao động cùng bạn bè. Tình cảm con người thật sự rất đáng được trân trọng và gìn giữ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất là trong những lúc khó khăn và bế tắc- sợ hãi. Chỉ có sức sống mãnh

 Chân dung cô giáo mầm non- Nhà văn Hồ Xuân Đà

liệt trong từng con người, mới giúp con người nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau, cứu hộ lẫn nhau để sự sống đâm chồi trở lại. Cho tới hôm nay, màu xanh đã rất xanh dần trở lại, trường học đầy ắp tiếng cười, nhưng những tháng ngày giông bão, như thuyền neo trước gió của đại dịch COVID-19 luôn là ký ức nhắc nhở chúng ta biết yêu thương trân trọng nhau thật nhiều. Vốn như cái kết rất tình người, đó chính là sự nhân văn trong một tác phẩm dành cho tuổi mới lớn: “Tôi đang đến trường với nụ cười rất đẹp, rất tươi, nhưng nó đã được che bởi lớp khẩu trang. Một ngày nào đó, không xa đâu, chiếc khẩu trang này sẽ là dấu tích lịch sử của một thời kỳ lịch sử xã hội loài người, về một tên gọi Covid-19, về những ngày con người cần nhau đến lạ kỳ.”(Trích Chương 19- Những con sao biển-HXĐ). Xin mượn những câu văn ở cái kết của câu truyện dài trong những tháng ngày giãn cách xã hội, để thấy yêu thương sự sống, cũng như những nhu cầu rất tự nhiên của mỗi con người.

Bùi Đức Ánh