Những con số ma – Truyện ngắn Kiều Huệ

747

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khốn khổ cái thân dì, tối đó số đề về ngay số 00 – con số mà dì định bụng sẽ đánh chiều nay. Chỉ tại cái con bé vé số. Trời ơi! Cả đêm hôm đó dì vò đầu, bứt tóc, quằn quại trong sự nuối tiếc vô hạn…

Nhà thơ Kiều Huệ

Ngôi nhà dưới phố bị giải tỏa một phần để mở rộng con đường. Diện tích còn lại quá chật hẹp, gia đình Hạnh đã bán hẳn căn nhà đang ở và tìm đến vùng ngoại ô để mua đất xây nhà mới.

Miếng đất mới có diện tích hơn 200 m vuông, trước đây là đất nông nghiệp. Thời điểm đất có giá, chủ đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng rồi rao bán. Dân cư nơi đây thưa thớt, chỉ có vài nhà qua lại thăm hỏi nên tình láng giềng khá thân thiết. Hạnh xây dựng một căn nhà nhỏ, giữ lại 3 cây xoài cho có bóng mát và có trái vườn.

Một buổi sáng đang loay hoay quét dọn phía trước nhà, bông xoài rụng trắng sân, có tiếng dì Tư hàng xóm hỏi thăm
– Cô giáo ơi, đã đi chợ chưa?
– Chào dì Tư, dì đi chợ sớm vậy? Mời dì vô nhà uống tách trà rồi đi cũng chưa muộn!
Dì Tư, người đàn bà nhỏ nhắn, nói tiếng Quảng khá nặng, hơi khó nghe. Không biết đã đến ở xóm này bao lâu. Nhưng, cứ mỗi sáng đều thấy dì đi chợ ngang qua nhà.
Hạnh vội dừng chổi, níu tay dì Tư mời vào nhà mình cho bằng được. Hôm nay, dáng vẻ dì Tư vội vã lắm!
Vào nhà uống xong ngụm nước trà, dì tâm sự:
– Chẳng nói giấu gì cô Hạnh. Như cô biết đấy. Ông xã tôi làm nghề sơn nước. Do bất cẩn, trợt té gãy tay từ hai tháng trước. Nay đã đến ngày tháo bột, ông chủ thầu xây dựng đã ứng phí hỗ trợ dư đủ. Nhưng do gia đình kẹt quá, liều chi xài vào khoản tiền đó. Hôm nay đi tái khám không có tiền, tôi định đem chiếc áo cưới ra tiệm cầm, lấy chút tiền để cho ổng đi bệnh viện.
Vừa nói dì Tư vừa lấy chiếc áo dài nhung cũ được gấp gọn gàng từ chiếc giỏ đi chợ. Hạnh nhìn thấy chợt mủi lòng:
– Dì Tư ơi, cần bao nhiêu thì đủ để đi bệnh viện?
– Hôm nay chỉ đi tháo bột ra, cần chừng 50 nghìn đồng cô Hạnh à!
Hạnh gấp chiếc áo để vào giỏ, dúi vào tay dì Tư tờ bạc 100 nghìn đồng rồi kêu dì về nhà đưa tiền cho chú Tư đi bệnh viện cho kịp kẻo trễ giờ. Dì Tư vui mừng, rối rít:
– Cảm ơn cô rất nhiều. Cô cho tôi mượn tạm, cuối tuần thằng Út lãnh tiền, tôi sẽ gửi lại cô nhé!
Hạnh nhìn theo bóng người đàn bà kham khổ líu ríu bước chân đi trên ngõ nhỏ, lòng ái ngại…
Từ sự quan tâm, chia sẻ đó, dì Tư và Hạnh tình láng giềng đã thân thiết hơn.

Từ nhà Hạnh qua nhà dì Tư cách nhau chừng 200m, ở giữa là khu đất trồng các loại rau, đi ngang thoảng mùi hương các vị rau thơm tía tô, húng cây, húng quế…
Trước kia gia đình dì ở ngoài miền Trung làm nghề nuôi trồng thủy sản. Sau một trận lũ lụt lớn, lúa đồng ngập trắng, nhà cửa bị sập, lâm vào cảnh nợ nần do vay ngân hàng nhà nước đầu tư vào mấy vuông tôm. Gia đình dì Tư đã chuyển vô thành phố Sài Gòn mưu sinh. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, được xây dựng đơn sơ, vách tường gạch chưa tô xi măng, nền nhà lót bằng những viên gạch đủ màu sắc. Đồ dùng trong nhà chỉ duy nhất 1 chiếc giường sắt lớn, vài chiếc ghế đẩu và 1 chiếc bàn ăn và một vài vật dụng cần thiết đã cũ mèm.

Kinh tế gia đình dì Tư khá chật vật, số tiền chi tiêu hàng ngày trông vào thứ bảy những người đàn ông đi phụ hồ lãnh lương đem về trang trải cho đời sống.
Chủ nhật, dì Tư thường ra chợ mua vài món nhu yếu phẩm cho gia đình. Thường, những ngày đầu tuần bữa ăn gia đình tương đối đầy đủ nhưng đến cuối tuần bữa ăn đơn giản hơn, vì số tiền ít ỏi cạn dần.

Dì Tư thường tâm sự số tiền lao động của mấy cha con phải chi tiêu nhiều việc, vừa kinh tế gia đình vừa phải trả góp tiền nợ vay làm nhà. Làm ra đồng nào tiêu xài hết đồng nấy, lỡ khi đau ốm lại thiếu hụt nợ nần thêm.

Đời sống gia đình quá thiếu thốn, luôn mong mình có cơ hội đổi đời, dì Tư dính vào giấc mơ những con số. Cứ buổi trưa Hạnh thấy đi ngang nhà. Hạnh gọi với theo, dì Tư vờ như không nghe, có vài người trong xóm kể lại mỗi ngày dì Tư đều đi đánh số đề. Được biết, số tiền có trúng cũng chỉ vài chục ngàn đồng. Trong suy nghĩ của dì, trúng số là may mắn, trúng nhỏ cũng mua được vài ký gạo. Thế nhưng, dì Tư đã quên một điều là mỗi ngày đều phải cống nạp cho con đề hết cả ký gạo rồi.

Dì Tư ghiền đánh số đề không ai có thể ngăn cản được. Ngày nào gặp Hạnh dì cũng hỏi hôm qua cô có nằm mơ thấy chuyện gì không?
Buổi sang, dì đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Còn chiều đến, dì đi vào xóm đề.
Hình dáng người đàn bà lầm lũi đi vào 1 con ngõ đỏ đen. Tuy chỉ vài nghìn đồng nhưng dì tư đã xén bớt tiền chợ để ném vào chiếc cầu may rủi.

Hạnh còn nhớ có lần thằng bé con ra vườn chơi bị ong vò vẻ chích. Cháu khóc rùm lên, dì xoa dầu rồi không quên hỏi thằng bé: “Con ơi, con thấy con ong lớn hay bé?” Hạnh hiểu ra con ong lớn hay bé sẽ đánh đề con số mấy đó mà.
Những con số cứ luôn ám ảnh dì Tư, đến tội nghiệp…

Một buổi chiều cuối năm, vừa ra tới đầu ngõ, dì Tư gặp ngay con bé bán vé số. Nó nài nỉ dì mua giùm 2 tờ vé cuối cùng với giá 5.000đ/vé. Nhưng dì Tư chỉ đủ tiền mua 1 vé. Ngày hôm đó, dì Tư cũng không còn tiền chơi số đề, dì tiếc hùi hụi vì định đánh con đề mà dì chắc mẩm là nó sẽ ra.

Khốn khổ cái thân dì, tối đó số đề về ngay số 00 – con số mà dì định bụng sẽ đánh chiều nay. Chỉ tại cái con bé vé số. Trời ơi! Cả đêm hôm đó dì vò đầu, bứt tóc, quằn quại trong sự nuối tiếc vô hạn…

Sáng hôm sau, dì Tư qua nhà Hạnh. Nhìn vẻ mặt thiểu não, đôi mắt quầng thâm của dì, lòng hạnh dấy lên một nỗi xót xa cho phận đời kém may mắn. Sau khi khóc lóc, chì chiết con bé vé số hôm qua đã làm mất đi cơ hội có thêm vài ký gạo của dì một thôi một hồi. Bỗng, dì nghiêm nét mặt, nói với Hạnh:
– Cô Hạnh ạ, ông trời quá bất công với tôi. Đã thế, từ nay tôi bỏ hẳn giấc mơ những con số cô ạ. Nghèo quá nên mơ mộng. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ làm khổ thêm cho người thân và chính mình.

Vừa lúc ấy, cô bé bán vé số hôm qua xuất hiện. Dì Tư định mắng mấy câu cho đỡ giận, nhưng lại nghĩ cô bé kia cũng nghèo khổ như mình nên lại thôi. Có ai ngờ chính cô bé ấy đã mang đến cho dì tin vui cuối năm mà ngay cả nằm mơ dì cũng không nghĩ đến. Dì tư trúng độc đắc 125 triệu đồng.

Cả xóm bỗng tưng bừng như hội, ai cũng vui mừng cho may mắn của dì Tư. Như đã hứa, dì Tư trả hết mọi khoản nợ vay trước đó. Sau khi sắm sửa một ít vật dụng cần thiết, dì Tư mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ. Và cũng kể từ đó, những con số ma cũng bị đẩy lùi bằng niềm hạnh phúc của dì.