Những cung bậc cảm xúc trong ‘Sắc nàu thời gian’

249

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ “Sắc màu thời gian” của Trang thơ Vệ Giang thi hữu do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2022 là tập thơ thứ hai sau tập thơ “Đôi bờ kí ức” (Nhà xuất bản Hội nhà văn – 2020).


Bìa tập thơ Sắc màu thời gian.

Đọc 189 bài thơ của 63 tác giả trong tập thơ “Sắc màu thời gian”, ta nhận thấy các tác giả đã hướng cảm xúc chủ yếu đến đề tài quê hương đất nước, gia đình, tình yêu lứa đôi.

Tình yêu quê hương đất nước của các tác giả thể hiện qua cách ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ Quảng: “Em cứ về đọc nhật kí Đặng Thùy Trâm/ Nhân ái, bao dung trên mảnh đất Sa Huỳnh/ Quảng Ngãi nhớ thương/ Em hát câu thương về Cổ Lũy/ Nét cô thôn uốn mình êm ả/ Vẽ cảnh chiều sông nước miên man” (Nguyễn Tấn Thuyên – Hương Quảng Ngãi), “Vẫn đậm nét hồn quê rạng rỡ/ Khúc hoan ca biển sóng dạt dào/ Bên triền đồi những chiều nắng, gió/ Ơi quê hương sao quá đỗi ngọt ngào.” (Trần Thị Kim Cúc – Có những chiều). Đó là hình ảnh của dòng sông Vệ đẹp và thơ mộng: “Quê hương em nơi đó có dòng sông/ Nước hiền hòa mênh mông êm ả/ Vệ Giang ơi như người con gái/ Buông tóc thề nghiêng bóng chờ trông” (Nguyễn Tấn Minh Triều – Hành Thịnh quê em).

Yêu quê hương, không chỉ là ca ngợi mà các tác giả còn bộc lộ nỗi nhớ về một miền quê cũ: “Nay ta về kí ức cứ trào dâng/ Xa dòng sông vơi đầy bao nỗi nhớ/ Dù tha hương vẫn luôn còn nặng nợ/ Ôm ấp trong lòng muôn thuở tình quê” (Kí ức sông quê – Lê Thị Huệ). Có tác giả ghi lại những những kỉ niệm tuổi thơ trên dòng sông quê “Dòng sông tuổi thơ tôi tắm mát/ Lững lờ trôi bao câu hát trẻ trâu/ Dấu chân ghi trên từng bước nông sâu/ Bao kỉ niệm như đeo sầu miền nhớ” (Nhớ mãi dòng sông – Ngô Hữu Hùng). Có tác giả ghi lại nỗi nhớ những mùi vị ẩm thực dân dã: “Nhớ quê luộc ngọn cải nồng/ Nấu nồi canh hẹ hỏi lòng nguôi ngoai?/ Vị quê cải đắng hẹ cay/ Theo tôi suốt những tháng ngày li hương” (Nhớ quê – Phạm Dương), Những câu thơ trên tuy ngôn ngữ của các tác giả bình dị, dân dã nhưng đã thổi hồn quê vào từng con chữ khiến người đọc cảm thấy xao xuyến.

Đọc “Sắc màu thời gian” ta không thể nào quên những câu thơ viết về cha mẹ rất chân thành, giản dị: “Con tìm trong khúc ca dao/ Cha về đội nắng hanh hao nón cời/ Gió lùa trong chiếc áo tơi/ Lưng còng thửa ruộng bời bời hạt mưa” (Lê Thị Lệ Thủy – Cho con ru lại câu hò ngày xưa), “Những đêm trăng mẹ thức suốt canh dài/ Be mương nước cho kịp mùa vụ mới/ Mình mẹ dưới ruộng sâu/ mặc đạn bom cày xới/ Cây lúa ngậm đòng bóng mẹ già thêm” (Đoàn Thế Đôn – Bóng mẹ), “Ánh mắt lại cay cay/ Đêm ngày con nhớ mẹ/ Mùa vu lan năm nay/ Áo con cài hoa trắng” (Võ Thị Ánh Hoa – Nhớ). Với giọng thơ khắc khoải, ưu tư, những câu thơ trên đã nói lên nỗi khổ cực của cha mẹ cả một đời gắn bó với ruộng đồng để nuôi con khôn lớn, đồng thời cũng thể hiện lòng biết ơn của con cái đối với công lao to lớn của cha mẹ.

Trong tập thơ này một đề tài nữa cũng chạm được trái tim người đọc, đó là tình yêu đôi lứa. Đề tài này được thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc. Có tác giả thể hiện cảm xúc nhớ nhung: “Em có về thăm lại chốn thu xưa/ Thăm bến đợi đã bao mùa nước cạn/ Con đò cũ buông chèo xuôi quá vãng/ Dòng sông đau mang nỗi nhớ riêng mình” (Hoàng Thân – Thu đã là em). Có tác giả trách cứ nhẹ nhàng khi người yêu rẽ lối sang ngang: “Vội vàng rẽ lối em đi/ Vườn yêu gợi nhớ mỗi khi đông về” (Ngọc Cẩn – Mùa hoa cải trổ ngồng). Có tác giả thể hiện cảm xúc đợi chờ “Em ơi đến bao giờ/ Ta cùng chung lối mộng” (Huỳnh Phúc Đạo – Sang Ngang). Viết về tình yêu lứa đôi, đa số các tác giả đều mong ước một cuộc tình trọn vẹn: “Tôi muốn mãi mãi bên em/ Kề vai trên biển quê mình/ Vỗ về trôi êm tiếng sóng/ Tựa đầu ngồi ngắm bình minh” (Nguyễn Hoàng Anh – Tôi muốn), “Sông tình lúc ngập khi vơi/ Chiều nghiêng bóng xế một đời có nhau.” (Chính Lê – Sông tình), “Đông đã về gieo buốt giá muôn nơi/ Vùng mây xám trên trời bay lãng đãng/ Tình ta sẽ ấm êm thêm tỏa rạng/ Mãi bền lâu năm tháng chẳng phai màu” (Võ Xuân Diệu – Tình khúc mùa đông). Có một vài tác giả nữ lại bộc lộ nỗi niềm cô đơn: “Đêm xuống rồi thời gian dần qua vội/ Mắt thẫn thờ lặng ngắm ánh sao xa/ Nơi cuối trời còn lại riêng mình ta/ Cà phê đắng giọt rơi buồn nhấp cạn…” (Trần Định – Phương Nam nơi cuối trời). Những câu thơ nói lên nỗi buồn cô đơn khiến người đọc thương cảm.

Tập thơ “Sắc màu thời gian” mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi người viết có cảm xúc và lối sáng tạo, dẫn dắt riêng. Nhưng chung quy đều là những giãi bày tâm tư được chưng cất từ cuộc sống quá khứ và hiện tại.

P.V.H