Vừa qua, Công ty cổ phần Sbooks liên kết với NXB Văn học cho ra đời 2 cuốn sách thể loại ký – ghi chép “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” của nhà văn Sương Nguyệt Minh và “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” (nhiều tác giả). Gần 2 năm từ khi xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), đại dịch COVID-19 khiến toàn thế giới chao đảo, trong đó có Việt Nam. Với nhiều tác phẩm văn học ở các thể loại ra đời trong thời gian qua là minh họa sinh động của việc văn chương – nhà văn không đứng ngoài cuộc mà đã phần nào thể hiện được vai trò đồng hành với đất nước, với nhân dân…
1. Cuốn “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” gồm gần 30 bài viết được nhà văn Sương Nguyệt Minh viết từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát cho đến những ngày gần đây, khi TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với những ngày tháng đau thương khi số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên mỗi ngày. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã theo sát diễn biến nóng hổi đầy tính thời sự của các đợt dịch và phản ánh lại trong các bài viết của mình qua lăng kính của nhà văn như “Qua đại dịch mới hiểu lòng người trong đục”, “Hà Nội, một đêm mất ngủ”, “Lời nói dối đi nửa vòng trái đất”, “Người lính và những hi sinh thầm lặng”, “Tết COVID-19 thời chiến… ám ảnh thắt lưng buộc bụng”, “Áp đặt “luật chơi” với loài người, COVID-19 thắng hay thua”, “Hàng xóm cháy nhà, không thể “bình chân như vại””, “Ấn Độ ngập trong tang tóc”, “Sài Gòn thương nhau, cả nước thương Sài Gòn”, “Về quê tránh dịch”, “Nhân loại bị trả giá, con người bớt kiêu ngạo”…
Qua “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi”, có thể thấy Sương Nguyệt Minh là một nhà văn hết sức nhạy cảm với thời cuộc, anh có cái nhìn sắc bén, thấu đáo và nhân văn trong nhiều câu chuyện theo dòng thời cuộc: Trong lúc đồng bào cả nước oằn mình chống dịch, thì một số kẻ lợi dụng thời cơ “đục nước béo cò”, trục lợi, thổi giá trang thiết bị cao chót vót để tham ô tham nhũng; có những ông quan y tế huyện cưới con giữa đại dịch; có ông quan huyện quậy tưng bừng ở chốt kiểm dịch; có ông đại gia thay người đánh tráo cách ly; những người lao động thủ công như thợ hồ, nhặt ve chai, đạp xích lô và công nhân cứ “ráo mồ hôi là hết tiền” bị cách ly – phong tỏa nên mất việc, hết tiền hết gạo phải tháo chạy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km về quê tránh dịch…
Nhiều đầu sách văn học đã ra đời trong đại dịch COVID-19.
Theo chia sẻ của nhà văn Sương Nguyệt Minh, trước đó anh không hề có ý định sẽ viết về cơn đại dịch này để tập hợp và in thành sách, mà ban đầu anh viết chỉ đơn thuần như một nhu cầu cần giải tỏa, cần chia sẻ về một vấn đề, một góc nhìn trong những sự việc cụ thể nào đấy. Đến khi nhà văn Võ Thị Xuân Hà đề nghị anh gửi một số tác phẩm để chọn lọc cho cuốn sách “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” thì anh mới phát hiện ra mình đã viết đến gần 30 bài và dữ liệu này đủ để trở thành một cuốn sách độc lập. Vì thế, 2 cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” và “COVID19 và cuộc chiến sinh tử” do nhà văn Võ Thị Xuân Hà tổ chức bản thảo đã ra mắt đồng thời.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh tâm sự: “Lúc đầu, tôi chỉ viết về những vấn đề mình thích, về những câu chuyện đang có tác động mạnh mẽ đối với xã hội, viết như một nhu cầu để giải tỏa bản thân… Không ngờ là dịch bệnh lại kéo dài quá lâu, phát sinh nhiều vấn đề khiến tôi suy nghĩ, trăn trở. Tôi đã nghĩ rằng, đã đến lúc mình phải viết với trách nhiệm của một nhà văn, một người cầm bút đối với cuộc sống xã hội: viết để góp phần thay đổi nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác chống dịch có thể còn kéo dài; viết để động viên, cổ vũ các lực lượng tham gia chống dịch đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ đang đêm ngày vất vả hi sinh để cứu chữa cho bệnh nhân và viết để tiếp thêm niềm hi vọng về cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường…”.
2. Nếu cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” là góc nhìn cá nhân của nhà văn Sương Nguyệt Minh sau gần 2 năm thế giới và Việt Nam đối mặt với đại dịch toàn cầu, thì “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” là cái nhìn đa chiều của các nhà báo nhà văn về những chiến sĩ áo trắng, những người lính ở mọi miền Tổ quốc, những nhà báo xông pha tuyến đầu, những nhà hảo tâm và cả những bệnh nhân đã được chữa khỏi cùng chung sức chống dịch… Chính vì thế, đọc cuốn sách “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử”, độc giả cũng sẽ nhận được năng lượng yêu thương chia sẻ ấm áp từ những tấm gương vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát hi sinh lớn lao qua những ngày tháng thử thách cam go này.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – người tổ chức bản thảo cho cuốn “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử” chia sẻ: “Trong quá trình tập hợp các bài viết liên quan, nhóm biên soạn cũng gặp không ít khó khăn. Trải qua gần 2 năm với những đợt dịch liên tiếp trên thế giới và ở Việt Nam, khiến nhóm biên soạn phải nỗ lực hơn tìm kiếm, tổ chức, biên tập để có được cái nhìn xuyên suốt và tổng thể. Có những trang nhật ký của bác sĩ, bệnh nhân gửi cho người thân bạn bè, khi có được trong tay cần phải có xác lập bản quyền nhưng khi gọi điện lại có trường hợp không bắt máy. Có thể bác sĩ ấy đang tập trung cấp cứu bệnh nhân, có thể đang quá mệt mà ngả người đâu đó nghỉ tạm, có thể bệnh nhân đó đang ngủ thiếp đi sau cơn nguy kịch… Rồi những khó khăn khi liên tiếp các đợt giãn cách tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các nhà in không được phép hoạt động do không sản xuất các mặt hàng thiết yếu… Chúng tôi vừa làm vừa lo lắng, chia sẻ với những tình hình biến động của đại dịch. Vì thế, tôi mong độc giả đọc được cuốn sách này hãy giữ tinh thần lạc quan để góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống miễn dịch cơ thể, đẩy lùi dịch bệnh. Hãy bình tĩnh sống, thay đổi thái độ sống. Đây chính là thời điểm chúng ta sống chậm, sống khác một cách tích cực nhất có thể…”.
Hai cuốn sách do Công ty cổ phần Sbooks liên kết với NXB Văn học ấn hành.
3. Với cuốn truyện ký “Paris+14”, Tiến sĩ Cù Thu Hương đã trở thành người Việt Nam đầu tiên xuất bản truyện ký về những biến động của cuộc sống và những trải nghiệm của bản thân sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán và lan ra toàn cầu. Từ những trải nghiệm đặc biệt của mình trong đại dịch COVID-19 khi trở về với quê nhà từ châu Âu, đi khu cách ly quân sự, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân thực những điều mình chứng kiến, cảm nhận và cảm xúc buồn vui trong suốt hành trình.
Sau “Paris+14”, cuốn “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” bác sĩ Ngô Đức Hùng được nhiều người tìm đọc và thích thú. Trong đó, “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” đã kể nhiều câu chuyện trực quan, sinh động, nhiều câu chuyện đã xảy ra trong quá trình làm việc của bác sĩ Hùng, cung cấp cho bạn đọc không chỉ cái nhìn đa chiều về cuộc chiến đấu dịch bệnh của các y, bác sĩ, mà còn lan tỏa thông điệp yêu thương và sự cảm thông, chia sẻ đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Cũng trong thời gian qua, nhiều cuốn sách lấy cảm hứng, khai thác dữ liệu từ đại dịch COVID-19 đã liên tục ra đời như: “Đảo bạo bệnh” của Đức Anh, “Đi qua mùa dịch” của Dy Kha, “Giữa muôn trùng nguy khó, vẫn có lối ra” của Nam Kha, “Giỏ trái cây” của Liêu Hà Trinh, “Sài Gòn còn thương thì về” của Tống Phước Bảo, “Những ngày cách ly” của Đào Quang Thắng, trường ca “Sự sống và lòng biết ơn” của Phạm Phương Thảo, tiểu thuyết “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” của Iris Lê, “Nhật ký mùa dịch” (nhiều tác giả), “Covy tự sự – Gió tình yêu vẫn thổi” (nhiều tác giả)…
Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho không khí văn chương trong nước qua những tháng ngày trầm lắng. Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, khác với các loại hình nghệ thuật khác, văn học cần có “độ lùi” về thời gian để nhà văn có thể nghiền ngẫm, suy tư trước khi trở thành tác phẩm chứ văn học không thể đáp ứng tính thời sự hay lập tức phải bày tỏ quan điểm trước vấn đề thời cuộc. Tuy nhiên, sự quan tâm, “nhập cuộc” của một số nhà văn trong thời gian qua đã cho thấy những trăn trở, trách nhiệm của người cầm bút trước những vấn đề lớn của xã hội, của thế giới liên quan đến thân phận con người là rất đáng trân trọng. Dịch bệnh có thể còn kéo dài chưa biết đến khi nào mới chấm dứt hoàn toàn, nên con người ở các quốc gia trên thế giới có thể phải học cách “sống chung với virus”. Và văn học chắc chắn cũng không thể tách rời khỏi hiện thực đó.
Theo Nguyệt Hà/VNCA