Phùng Hiệu
Theo sử sách, dòng họ Phùng đã có mặt tại Việt Nam từ trước Công nguyên. Trong quá trình hình thành phát triển đất nước, họ đã tham gia chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xuyên suốt từ hàng ngàn năm qua.
3 Danh nhân Họ Phùng: Phùng Hưng, Phùng Tá Chu, Phùng Khắc Khoan được thờ tại Nhà thờ Họ Phùng Việt Nam
Biết tài năng và khí phách kiên trung của Phùng Thị Chính, Hai Bà Trưng thu nạp bà làm nữ trinh sát. Với vai thiếu phụ mang thai, bà thường cải trang thành thường dân đến giả làm người hành khất, lân la gần đồn địch để dò tin tức. Quân của Tô Định không thể ngờ người đàn bà bụng mang dạ chửa ấy đã lợi dụng sơ hở của chúng mà nắm vững cơ binh, địa hình trong ngoài thành Luy Lâu thuộc như lòng bàn tay. Người báo về cho bộ chỉ huy một cách mau nhanh lẹ chính xác. Cũng từ đó tạo mọi thuận lợi cho việc hai bà Trưng tiến đánh thành Luy Lâu – thủ phủ của tên Thái thú Tô Định.
Có một huyền thoại còn lưu truyền, đó là khi đang chỉ huy trận địa bà chuyển dạ sinh con. Nhưng nỗi đau mất nước đã giúp bà qua cơn vượt cạn nhanh chóng, sinh con ngay giữa trận tiền. Ngay lập tức bà xé vạt áo, lấy dây lưng buộc con vào bụng, phất lên lưng ngựa hai tay hai kiếm xông vào bọn giặc Đông Hán chém giết làm hàng trăm tên địch. Chiến công này góp phần không nhỏ trong việc làm cho tên Thái thú Tô Định trở tay không kịp, phải chui vào ống đồng tháo thân về nước.
Với tinh thần gan dạ, chí tiến thủ và sức khỏe phi thường của người nữ tướng quả cảm, Phùng Thị Chính làm nức lòng nghĩa sĩ. Bà được nghĩa quân tôn kính là NỮ CỪ SÚY – Vị nữ tướng kiệt liệt, được Hai Bà Trưng phong làm nữ tướng, tước là Nội thị Tướng quân Trung lương tướng.
Sau khi quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, Hai Bà Trưng xưng vương, Phùng Thị Chính cùng với những binh thân sĩ tín của Bà lui về thôn Tuấn Xuyên, xã Vạn Thắng – huyện Ba Vì ngày nay – lập ấp dạy dân việc nông trang và nuôi quân sĩ.
Ba năm sau (năm 43 sau Công nguyên) vua Hán Quang Vũ sai Mã Viện mang 15 vạn binh mã sang tái chiếm nước ta. Bà Phùng Thị Chính chỉ huy một đạo quân lớn, đánh trả cánh quân giặc do tên Hồ Điển chỉ huy. Do thế giặc quá mạnh, bà phải tả xung hữu đột, phá vỡ vòng vây, chạy về Tuấn Xuyên (nơi thái ấp của Bà). Sáu tháng sau, sau khi đạo quân của Hai Bà Trưng thất thủ, tướng giặc Hồ Điển biết Bà Phùng Thị Chính còn sống nên mang quân lên định bắt sống Bà. Thấy quân giặc quá đông, bà biết không thể thoát khỏi vòng vay quân giặc nên đã giao những vật báu cùng đứa con trai yêu quý cho sáu nữ binh rồi chạy thẳng về ngã ba Hạc (Việt Trì) tuẫn tiết. Hôm đó là ngày 6/9/43 sau Công nguyên. Thương tiếc vô hạn người nữ tướng tài ba, dân làng Tuấn Xuyên lập đền thờ Bà tại làng Tuấn Xuyên. Đời sau có thơ rằng:
Trung với Vua, vẹn nghĩa với chồng
Tiếng thơm còn mãi với non sông
Nàng Phùng tuy mất danh còn đó
Đền miếu lưu truyền với núi sông.
Ngày nay, đền thờ nữ thần tướng Phùng Thị Chính vẫn tọa lạc bên bờ hồ bốn mùa lung linh sóng nước ở giữa làng Tuấn Xuyên xã Đồng Thái.
2- Hữu Tướng Quân Phùng Thanh Hòa
Vào thập niên 20 thế kỷ thứ 6, ở trang Hồng Vinh quận Nam Xương (tức Bắc Bộ ngày nay) có gia đình ông Phùng Thủy và bà Hoàng Thị Mai được tiếng ăn ở hiền lành, đức độ, được nhiều người kính trọng. Hễ nhà nào trong làng có việc gì hệ trọng, họ thường tìm đến hỏi ý kiến Phùng ông. Cũng trong thời gian này, ông bà sinh được quý tử. Phùng ông vô cùng sung sướng đặt tên con là Phùng Thanh Hòa. Từ lúc lọt lòng, Hòa nhanh ăn chóng lớn, đôi mắt ngời sáng, vầng trán cao rộng, tai to mặt vuông chữ điền, biểu lộ rõ một con người thông minh đĩnh ngộ.
Càng lớn Thanh Hòa càng giống tính cha mẹ, cư xử lương thiện với bạn bè, lối xóm, hay giúp đỡ người nghèo khó. Đặc biệt, từ nhỏ Phùng công tử rất ham thích đọc sách và luyện tập võ nghệ, tiếng nói sang sảng, mạnh mẽ bước chân khi lên rừng lội suối, sớm nổi tiếng thần đồng và có lòng yêu nước thù giặc.
Năm 544, Thanh Hòa hăng hái triệu tập các nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng cuộc dấy binh cứu nước của Lý Bí. Thời ấy, nhà Lương sai Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem thiên binh vạn mã sang cướp nước ta. Nhìn thấy muôn dân lầm than lao khổ dưới chế độ hà khắc của quân giặc, Thanh Hòa trăn trở ngày đêm, tìm phương kế cứu nước. Với ý chí yêu nước, thương dân lại có tài thao binh luyện võ, không lâu sau ông xây dựng được cánh quân hùng mạnh gia nhập vào đoàn quân của Lý Bí, đánh đuổi giặc Lương, lập nên nhiều chiến công vang dội khiến cho quân giặc thua to, phải rút về nước. Sau chiến thắng, ông tiếp tục phò tá Lý Bí dựng nên vương triều Tiền Lý, giữ vững nền độc lập, tự chủ nước nhà.
Đầu năm 546, Phùng Thanh Hòa được Lý Bí phong là Hữu tướng quân cùng Triệu Quang Phục là Tả tướng quân. Cả hai là những võ tướng đầu triều uy chấn thiên hạ, quân giặc nghe danh mấy phần lo sợ. Về sau Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục rút về căn cứ ở đầm Dạ Trạch và xưng là Triệu Việt Vương, còn Phùng Thanh Hòa mang quân tìm vùng đất mới để lập ấp, nuôi quân, chiêu mộ thêm binh mã để tiếp túc chiến đấu với quân Lương, bảo vệ nền độc lập nước nhà.
Thuở đầu, An Hòa Trang nơi ông trú đóng đất rộng người thưa, ruộng đồng hoang hóa, dân lành khổ sở. Ông gom dân, mở mang điền trang, dạy dân làm canh nông, mở chợ… cuộc sống dân hiền được nâng lên ngày một khởi sắc nên An Hòa Trang ngày càng đông đúc. Về sau, thôn trang này đổi thành Phùng Gia Trang – Phùng Thôn – Phùng Xá. Tưởng nhớ công ơn và đức cao vọng trọng của Người, nhân dân Phùng Gia Trang hưng công xây đình làng và lập hương án long ngai bài vị thờ Người là Thành hoàng làng.
3- Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng
Phùng Hưng sinh ngày 5 tháng 1 năm 761 – mất ngày 13 tháng 8 năm 802. Ông sinh ra tại Đường Lâm, Giao Châu (tức xã Đường Lâm, huyên Sơn Tây, Tp Hà Nội ngày nay) trong một gia đình có 4 anh chị em là Phùng Thị Thảo, Phùng Hưng, Phùng Dĩnh và Phùng Hải, là con trưởng của cụ Phùng Hạp Khanh, một hào trưởng hiền tài đức độ từng theo Mai Thúc Loan chống quân Đường vào năm 722. Càng lớn Phùng Hưng càng thể hiện được chí khí yêu nước, thương dân, căm thù quân giặc. Với mưu cao, tài trí, võ nghệ cao cường, sức khỏe vô song, ông có thể vật ngã trâu, đánh chết hổ, vì thế ông được mọi người nể phục, theo về phò dưới trướng rất đông để cùng chung chí hướng đuổi giặc phục quốc. Lúc bấy giờ, nước ta đang bị quân giặc nhà Đường đặt phủ đô hộ, dân ta bị chính quyền đô hộ đặt ách cai trị hà khắc, bóc lột và đàn áp dã man.
Nhìn thấy người dân cơ cực dưới sự thống trị tàn ác của bọn giặc phương Bắc, để cứu dân ta thoát khỏi sự cai trị và xâm lược của giặc Đường, Phùng Hưng đã cùng 2 người em là Phùng Dĩnh và Phùng Hải dựng cờ, phát động cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ nhà Đường. Chỉ vài tháng sau, cuộc khởi nghĩa lan rộng, anh em Phùng Hưng lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ Đường Lâm rối đánh chiếm được cả một vùng rộng lớn, xây dựng thành căn cứ chống giặc.
Phùng Hưng được nhân dân tôn xưng là Đô Quân, Phùng Hải là Đô Bảo và Phùng Dĩnh là Đô Tổng, cả 3 anh em chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp cả chục năm vẫn không thể đánh thắng được nghĩa quân do Phùng Hưng lãnh đạo, ngược lại quân Đường ngày càng hao binh tổn sức, lâm vào thế bế tắc.
Đầu năm Tân Mùi (791), khi đã xây dựng và phát triển được lực lượng vững mạnh, Phùng Hưng đưa quân xuống thành Tống Bình (Hà Nội) cùng với các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ An Hàn, Bồ Phá Cần tổ chức 5 đạo quân vây đánh thành Tống Bình, phủ đô hộ của Cao Chính Bình. Cao Chính Bình đem 4 vạn quân ra nghênh chiến. Sau 7 ngày đêm xung sát quyết liệt, quân giặc yếu thế, bị hao tổn lực lượng, tinh thần hoang mang, lo sợ phải rút vào thành cố thủ. Nghĩa quân Phùng Hưng bủa vây khắp 4 mặt thành. Cao Chính Bình lần cuối cùng tập hợp lực lượng, liều lĩnh đưa quân ra ngoài thành đánh trả nghĩa quân nhưng bị thua to nên đã quá lo sợ, phát bệnh mà chết.
Tháng 7 năm 791, Phùng Hưng giành được thắng lợi hoàn toàn. Ông đưa quân thành Tống Bình, chấn chỉnh việc nước, lên ngôi Quân trưởng xây dựng nền độc lập lâu dài. 7 năm sau ông lâm bệnh rồi mất, nhân dân thương tiếc suy tôn là Bố Cái Đại Vương (tức cha mẹ nhân dân). Nhớ công ơn to lớn của ngài, nhân dân lập nhiều đền thờ ở chính quê hương ngài và trên khắp mọi miền đất nước. Hiện nay, lăng mộ của ngài ở phố Kim Mã, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
4- Quan Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu
Phùng Tá Chu sinh năm Nhâm Tý (1192) tại thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con của cụ Phùng Tá Thang, một danh sĩ trí thức thời bấy giờ.
Ngay từ khi còn là một thiếu niên, Phùng Tá Chu tỏ ra là người am hiểu binh lược, thế sự, có tư chất thông minh, lanh lợi và nhiều mưu lược. Lớn lên, ông được tiến cử vào làm quan trong triều. Không lâu sau, với tài năng của mình, ông lập được nhiều công trạng nên được vua Lý Cao Tông phong làm quan Thái phó đầu triều. Ông nhanh chóng trở thành một công thần thanh liêm, mẫu mực và uy tín được văn võ trong triều nể trọng. Ở triều Lý, ông làm quan qua các đời vua Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng. Tuy nhiên, bấy giờ cũng là lúc nhà Lý đã bắt đầu suy vong. Triều đình chia nhiều phe phái, giặc giã nổi lên khắp nơi khiến cho Phùng Tá Chu phải tìm ra kế sách nhằm tránh cho dân tộc một cuộc đổ máu vì nội chiến. Vì vậy, ông đã chủ trương cùng với Trần Thủ Độ làm cuộc “đảo chính” nhằm thay đổi triều đại.
Là một công thần có mưu lược và tài trí hơn người, sau nhiều năm giúp vua Lý trị nước nhưng không mang lại hiệu quả, Phùng Tá Chu thức thời nhìn thấy rõ nhà Lý đã đến thời suy vong và ông đang phò tá một vị vua không phải là bậc anh minh, đức độ, yêu nước thương dân như ông mong muốn.
Suốt thời gian dài, ông chứng kiến cảnh nhà vua ham mê tửu sắc, bắt dân xây hàng loạt đền đài, cung điện xa hoa lãng phí khiến cho trăm họ lầm than khốn khổ. Đã vậy, vua lại tham lam, thích đi săn bắn, bỏ bê chính sự làm cho đất nước suy tàn, lòng dân oán hận. Trong triều phân chia phe phái, ngoài cõi giặc đem quân cướp phá. Nhiều lần ông vạch ra kế sách an dân, dẹp loạn. Ông khuyên nhà vua tập trung vào chính sự, phân phát lúa gạo cho nhân dân đang lâm vào nạn đói nhưng vua Cao Tông đều bỏ ngoài tai.
Sau khi vua Lý Cao Tông mất, tình hình đất nước lại càng rối ren. Thái tử Sảm, tức vua Lý Huệ Tông phải nhờ đến thế lực của họ Trần mới lên ngôi trong hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc về quyền lực. Lúc này các phe phái càng chống đối đánh nhau, xâu xé, tranh giành quyền lực, chia cắt đất nước. Phe phái họ Trần khống chế Huệ Tông chiếm Thăng Long, Thiên Trường. Phía Bắc sông Hồng, Nguyễn Nộn chiếm giữ và tự xưng là Hoài Đạo Vương. Phía Đông thì Đoàn Thượng chiếm cứ Châu Hồng, không chịu sự sai khiến của triều đình, đất nước lâm vào cảnh nội chiến triền miên. Vua Huệ Tông bất lực trong việc bình định các cánh quân nổi loạn, chỉ biết dựa vào thế lực họ Trần để mong dẹp loạn. Điều này đã tạo đều kiện cho họ Trần có cơ hội chuyển giao quyền lực và thâu tóm thiên hạ.
Thấy được nguy cơ nhà Lý đã thật sự suy vong, bắt đầu từ thời vua Lý Cao Tông, bản thân Phùng Tá Chu cũng không thể nào giúp được nhà Lý cứu vãn tình thế. Ban đầu, ông khéo léo giữ sự trung lập với các sứ quân và âm thầm theo dõi. Cuối cùng, ông nhận ra thế lực của họ Trần mới có khả năng bình được thiên hạ nên cùng với nhóm nho sĩ tri thức Long Hưng tuy vẫn phò vua Lý, nhưng “bắc thang” đến với họ Trần. Đây cũng là việc hết sức khó khăn nhưng vô cùng sáng suốt của ông.
Sau khi Trần Tự Khánh mất, quyền hành lọt vào tay Trần Thủ Độ. Thủ Độ tuy là người ít học nhưng lại nhiều mưu lược, quyết đoán và biết dụng người tài, trọng kẻ sĩ, biết chớp thời cơ. Ông giữ Huệ Tông trong tay và khống chế như một vị vua bù nhìn nhằm mục đích bình định và thu phục các sứ quân đang các cứ, ra sức vỗ yên thiên hạ.
Thấy tình hình không thể cứu vãn được nhà Lý, khi vua Hiển Tông cũng không đủ tài lực, trí đức để điều hành đất nước, Phùng Tá Chu đã quá hiểu thời vận của nhà Lý đã đến lúc suy tàn. Ông sáng suốt trong trong vai trò kẻ sĩ, vì trong bối cảnh này, ông không thể làm vị quan ngu trung, không muốn nhìn thấy cảnh đất nước điêu tàn, nhân dân lầm than, đói khổ trong cuộc nội chiến sẽ kéo dài nên ông âm thầm cùng với Trần Thủ Độ tìm cách phế truất vua Lý, thay đổi triều đại để cứu nguy dân tộc.
Cuộc thay đổi triều đại được dàn xếp hết sức chi ly, khéo léo và đầy mưu lược. Một kịch bản được dựng lên và nhân vật Lý Chiêu Hoàng được triều đình trong đó Phùng Tá Chu và Trần Thủ Độ là những người giữ vai trò chính, lập lên làm Hoàng Thái Nữ theo kế hoạch đã vạch ra.
Năm 1224, Lý Huệ Tông phải nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng lên ngôi khi mới vừa 7 tuổi, cũng là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Tiếp theo là một cuộc chuyển giao quyền lực, thay đổi triều đại một cách khá nhẹ nhàng và thuận lợi khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh được diễn ra theo sự sắp đặt khá hợp lý của Trần Thủ Độ và Phùng Tá Chu bày sẵn. Một vương triều cũ suy yếu nhanh chóng được thay đổi bằng một vương triều mới có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh nhất lúc bấy giờ trong sự công nhận hợp lý của các quần thần, tướng sĩ và điều quan trọng là lấy được lòng dân vào thời điểm bấy giờ.
Một triều đại mới được mở ra mà không gây ra sự đổ máu, và nhanh chóng lớn mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam là triều Trần. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà Trần đã dẹp yên các sứ quân, bình định được thiên hạ trong tình hình quân Mông Nguyên phương Bắc đang lớn mạnh và bành trướng trên khắp châu lục. Một triều đại ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên giữ yên bờ cõi. Có thể nói công đầu thuộc về hai vị đại thần Phùng Tá Chu và Trần Thủ Độ.
Sau khi trần Thái Tông lên ngôi, Phùng Tá Chu tiếp tục lập được nhiều công lớn. Ông được nhà Trần trọng dụng, được quyền ban chức vị cho người dưới quyền rồi tâu sau. Năm 1226, vua Trần Thái Tông cử ông đi trấn thủ Nghệ An rồi được phong tước Hưng Nhân Vương, năm Bính Thân (1236), lại được gia phong Hưng Nhân đại Vương. Năm 1239, ông làm Nhập nội Thái phó, trông coi việc xây dựng cung điện. Ông chính là kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam. Và ông cũng là người ngoài hoàng tộc được phong tước vương, lại được phong khi còn sống, chứng tỏ nhà Trần rất coi trọng những đóng góp của ông cho vương triều..
Năm 1241, công thần Phùng Tá Chu mất, thọ 50 tuổi, để lại sự tiếc thương lớn của triều đình nhà Trần, đặc biệt là người học trò, nay đã là một vị vua anh minh. Trần Thái Tông thân đến viếng, liệt ông vào hạng đệ nhất công thần, cho tìm nơi đất tốt để an táng, lại cho tổ chức tang lễ trọng thể. Đặc biệt sau đó, vua Trần luôn cho tiến hành các sách lược mà Phùng Tá Chu đã vạch ra, thực hiện triệt để, càng cho thấy sự nhớ tiếc hiếm có của vua Trần đối với vị Thái phó lưỡng triều. Nhớ công lao của ông, triều đình phong Phúc Thần, dân chúng thờ ông làm Thành Hoàng ở đình làng Quảng Bá, cùng thờ chung với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Từ Tống quân Từ Mục.
Hiện tên của ông được đặt cho một con đường ở phường An Lạc A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.
5- Hộ Bộ Thượng Thư Phùng Khắc Khoan
Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (Thuộc TP Hà Nội ngày nay). Vì ông sinh trưởng ở làng Bùng nên còn gọi là Trạng Bùng. Cha của ông là Phùng Quý Công, một vị quan dưới triều Lê sơ. Ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1552, ông đỗ Tam trường dưới triều nhà Mạc, nhưng không làm quan cho nhà Mạc. Năm Canh Thìn 1580, thời vua Lê Thế Tông ông đổ tiến sĩ và được trọng dụng dưới triều Lê – Trịnh.
Trong cuộc đời làm quan, ông có rất nhiều đóng góp cho triều đình, được giao làm Chánh sứ trong chuyến đi sứ năm 1597. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Khắc Khoan đến Yên Kinh, vừa gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, dâng 30 bài thơ lạy mừng. Anh vũ điện đại học sĩ thiếu bảo kiêm thái tử thái bảo Lại bộ thượng thư nhà Minh là Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng: Người hiền tài ở đâu mà không có. Trẫm xem thơ, thấy hết lòng trung thành của sứ thần Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi. Liền sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép những ứng xử ngoại giao khéo léo của Phùng Khắc Khoan khi đi sứ, đã đem lại những thành quả tốt đẹp cho triều đình và đất nước.
Không chỉ nổi tiếng là một lương thần, một danh nho, Phùng Khắc Khoan còn là một thi sĩ tài hoa. Tác phẩm của ông để lại xứng đáng tầm vóc một tác gia lớn của nền văn học sử Việt Nam. Cho đến nay, giới sưu tầm đã xác định được trên 500 tác phẩm như văn tế, văn bia, kinh truyện… nhưng đặc sắc hơn cả là thơ. Tác phẩm còn lại của Phùng Khắc Khoan hiện nay tiêu biểu là bốn tập thơ chữ Hán: Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai lĩnh sứ hoa thi tập. Chỉ riêng với bốn tập thơ trên đã khẳng định và tôn vinh tầm vóc Phùng Khắc Khoan, danh nhân thi sĩ từng được nhân dân yêu mến phong tặng là Trạng Bùng.
Lịch sử đã khẳng định công lao và tầm vóc của một danh nhân đặc biệt, tên tuổi Phùng Khắc Khoan đi vào sử sách. Năm tháng thời gian đi qua, lớp hậu thế càng trân trọng và đồng cảm với văn chương của ông. Tình cảm của nhân dân Việt Nam với danh nhân, danh thần, thi sĩ họ Phùng ngày càng nồng đượm. Từ một trí thức biết chọn đúng đường; từ một học trò tự học, được học các bậc danh nho biết xuất xử, tiến lui, công danh, tiết tháo đủ đầy; từ một người con bình dị Kẻ Bùng, Phùng Khắc Khoan dần khẳng định mình nơi trung tâm quyền lực, làm rường cột quốc gia, trọng thần của triều đình trải mấy triều vua chúa, không chỉ lẫy lừng trong nước mà còn vang danh Bắc quốc, lân bang đủ cho thấy tài năng và đức độ của ông quả là hiếm có. Ông mất năm 1613, thọ 86 tuổi. Ngày nay, tên của ông được đặt làm tên đường, tên trường ở các thành phố và vùng miền trên cả nước.
Theo Môi Trường và Đô Thị