Những điều phi thường trong “Thế giới bình thường”

307

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bộ tiểu thuyết Thế giới bình thường (tác giả Lộ Dao) gồm 3 tập, mỗi tập khoảng 400 trang, là bức tranh toàn cảnh về nông thôn Trung Quốc từ thời hợp tác xã tập thể đến thời khoán đất về từng hộ gia đình. Trong đó, kể về rất nhiều nhân vật, già trẻ trai gái, gắn với các ngành nghề khác nhau, cho thấy sự vận động, phát triển từ cá nhân đến toàn xã hội.

Truyện có nhiều mạch đan xen, đầu tiên là mạch truyện về sự trưởng thành. Mạch truyện ngày gắn với các nhân vật Tôn Thiếu An, Tôn Thiếu Bình, Tôn Lan Hương. Các nhân vật luôn có sự thay đổi về mặt nhận thức, số phận, công việc. Ví dụ, Tôn Thiếu An là một người nông dân điển hình, không được đi học, phải trở về nuôi gia đình nhưng đã phấn đấu trở thành một hộ nông dân tiêu biểu bằng con đường làm giàu từ nông thôn. Nhưng cũng có những ngả khác, cũng xuất thân từ nông dân, nhưng họ nỗ lực mở rộng tầm hiểu biết của mình, như Tôn Thiếu Bình, một người học hết cấp 3 nhưng không cam phận làm một nông dân mà vượt qua không gian làng quê, đi ra ngoài làm thuê, làm thợ mỏ. Hay em gái của Tôn Thiếu An, Tôn Thiếu Bình là Tôn Lan Hương, hai người anh đã chịu khổ dồn kinh tế để nuôi em gái, sau này cô đỗ đại học, trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên Trung Quốc. Đó là những con đường vươn lên của giới trẻ. Tác phẩm thể hiện những vật vã khó khăn của họ, nhưng cho dù thế nào, họ đều rất yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Gắn với mạch truyện này, Thế giới bình thường mang cảm hứng ca ngợi lao động, lao động khiến họ cảm thấy ý nghĩa cuộc sống, quên đi cuộc sống khó khăn của cá nhân. Ví dụ trong tập 2 có đoạn miêu tả Tôn Thiếu Bình làm việc trong hầm mỏ rất tối tăm, có đoạn nhà văn viết: đó là một thế giới đen nhưng bằng lao động, họ đã thắp sáng lên cả đất nước. Mỗi hòn than vì sao lại rực hồng như vậy, vì nó không chỉ có mồ hôi mà còn có cả xương máu. Màu hồng rực của hòn than là màu của máu.

Mạch thứ hai là mạch tình cảm. Qua mạch tình cảm này, người đọc thấy được muôn mặt đời sống nông thôn, và còn mở ra cả phía thành thị liên quan đến bước chân của nhân vật. Có những tình yêu lãng mạn mang màu sắc lí tưởng như tình yêu của Tôn Thiếu Bình và Điền Hiểu Hà. Gọi là tình yêu lí tưởng vì Tôn Thiếu Bình và Điền Hiểu Hà từng học cấp ba với nhau nhưng nguồn gốc xuất thân khác nhau. Điền Hiểu Hà là con của Điền Phúc Quân, bí thư địa khu, một nhà cải cách. Về sau Điền Hiểu Hà học trung cấp sư phạm. Tôn Thiếu Bình học cấp ba, về sau đi làm thuê bên ngoài. Tuy làm thuê nhưng cậu rất hay đọc sách, mang trong lòng nhiều khát vọng, suy nghĩ của kẻ sĩ, khác với anh trai là Tôn Thiếu An, cũng nhiều khát vọng nhưng là khát vọng của nông dân. Cũng có những cuộc tình đầy dang dở như tình cảm của Tôn Thiếu An và Điền Nhuận Diệp. Điền Nhuận Diệp sau khi chia tay phải lấy Lý Hướng Tiền, Lý Hướng Tiền chỉ là lái xe nhưng là con quan, cô chỉ yêu Tôn Thiếu An chứ không yêu chồng. Nhưng khi biến cố xảy ra, Lý Hướng Tiền bị tai nạn ô tô, phải cắt hai chân, lúc ấy Điền Nhuận Diệp đã lựa chọn quay lại chăm sóc chồng. Chính trong hoàn cảnh này, Điền Nhuận Diệp lại tìm được sự bình an trong cuộc sống với chồng.

Có một mạch khác khá xúc động trong truyện, đó là mạch tình người, đặc biệt là tình cảm của những người trong gia đình yêu thương, chăm sóc, chia sẻ lẫn nhau, như anh em Tôn Thiếu Bình, Tôn Thiếu An chăm sóc em gái Tôn Lan Hương.

Tác phẩm cũng nói đến nhiều mặt trái trong sự phát triển của nông thôn Trung Quốc. Mặt trái về cơ chế, lợi dụng quan hệ, đường sau cửa trước, trong lúc nhà nhà đi làm kinh tế cũng có những người làm ăn không chân chính như móc túi, làm hàng giả,…

Quá trình Thế giới bình thường viết về nông thôn Trung Quốc có rất nhiều điều có thể chia sẻ được với nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Như chính cái tên của tác phẩm, nhà văn Lộ Dao thể hiện tư tưởng: trong cuộc sống bình thường của chúng ta, lại ẩn tàng bao nhiêu điều vô cùng vĩ đại.

Thế giới bình thường viết theo xu hướng tương đối lạc quan, khẳng định giá trị của lao động, niềm tin vào tình người và sự phát triển của xã hội. Về mặt nghệ thuật, Thế giới bình thường mang vẻ đẹp của sự giản dị, chân thành. Sức hấp dẫn của tác phẩm là ở chính bản thân hiện thực mà tác giả đưa vào trong truyện.

Nhà văn Lộ Dao (1949-1991)

Tác giả Lộ Dao (1949-1991), tên thật là Vương Vệ Quốc, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1949 trong một gia đình nông dân nghèo khó tại huyện Thanh Giản, thành phố Du Lâm tỉnh Thiểm Tây, vì gia đình nghèo khó nên 7 tuổi đã phải đến làm con trong nhà bác trai ở nông thôn huyện Diên Xuyên. Ông từng học trường trung học của huyện Diên Xuyên, năm 1969 về quê làm ruộng. Trong thời gian này ông đã làm nhiều việc mang tính thời vụ, đồng thời dạy cho một trường tiểu học ở nông thôn một năm. Năm 1973 ông học ở khoa Văn Đại học Diên An, và bắt đầu sáng tác văn học. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm biên tập cho tờ Văn nghệ Thiểm Tây. Năm 1980 ông công bố tác phẩm Một màn kinh thiên động địa, tác phẩm này đoạt giải thưởng truyện vừa xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1982, ông công bố truyện vừa Cuộc sống, sau đó chuyển thể thành điện ảnh, chấn động toàn quốc.

Năm 1988, ông hoàn thành tiểu thuyết dài hơi Thế giới bình thường, đây là tiểu thuyết hoành tráng như một bộ sử thi, đã thể hiện toàn cảnh những biến động to lớn trong đời sống xã hội và tư tưởng tình cảm của con người ở nông thôn Trung Quốc, khi chưa hoàn thành đã được phát trên đài truyền thanh nhân dân Trung Ương, và năm 1991 đoạt giải thưởng Mao Thuẫn lần thứ 3. Lúc tiểu thuyết Thế giới bình thường mới viết được 2/3, Lộ Dao bị ốm nặng, bác sĩ yêu cầu ông phải gác lại công việc và nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhưng, để hoàn thành tác phẩm, Lộ Dao đã lựa chọn liều chết chạy đua với thời gian. Ông “Làm việc cật lực, đốt cháy hết mình như đất mẹ”, muốn mang lại một tác phẩm hoàn chỉnh cho độc giả, cuối cùng nhà văn đã thực hiện lời hứa bằng chính sự sống của mình. Và ngày 17 tháng 11 năm 1992 ông đã qua đời do bệnh nặng tại Tây An khi mới 42 tuổi.

Bộ tiểu thuyết 3 tập Thế giới bình thường lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt, sẽ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in ấn và ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Minh Thương