Những đôi dép của “Sen”

934

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Sứ mạng con người là sống. Sống thật hăng say, sống thật ý nghĩa cho đời”. Là thông điệp của Hạt Mầm mà tác giả Nguyễn Bảo Trung đã gởi đến bạn đọc trong phần một của Sen.

Tác phẩm Sen của Nguyễn Bảo Trung

 Ơn Sen thơm ngát giữa bùn

Ơn bùn thầm lặng vun trồng cho sen

Ơn nhau vì một chữ duyên…

Tác giả mở đầu tập sách bằng thơ lục bát khuyết, bởi anh cho rằng mình không phải là là một nhà văn, anh chỉ viết những gì cảm nhận được trong cuộc sống hàng ngày, có vui, có buồn, có nước mắt, có nụ cười, có thực, có mơ… Và đó là những dòng đầu tiên tôi chia sẻ đến bạn khi cầm trên tay quyển tạp văn “Sen” của tác giả Nguyễn Bảo Trung, sách do nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2018.

Sách chia làm 3 phần: Hạt mầm, Trong bùnHoa sen. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đề cập đến phần thứ nhất, bởi những câu chuyện này với tôi đã đầy chất sống. Và điều thú vị hơn, nó được kể không bằng một nhân vật là một người cụ thể nào đó mà bằng một đôi dép. Từ đôi dép hàng hiệu, tình yêu, thành công, từ bi, hạnh phúc, dối lừa… đến cả những đôi dép nhiều chuyện.

Bạn đọc bị lôi cuốn vào từng câu chuyện bởi cách kể dung dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, có cả nỗi đau cắt cứa bên trong, sự chiêm nghiệm giá trị sống của cuộc đời thông qua một cách nhìn chân thật, yêu thương, sẻ chia đầy trách nhiệm trước những lát cắt của con người và hiện thực xã hội hôm nay.

Cuộc sống ngày nay người ta không chỉ ăn no mặc ấm mà còn ăn ngon mặc đẹp, lẽ đó thương hiệu hàng hóa cũng khẳng định tên tuổi của mình mà gắn mắc cho những sản phẩm thời trang, và “Đôi dép hàng hiệu” của Nguyễn Bảo Trung cũng được ra đời từ một nhà tạo mẫu lừng danh Rober Tèo, “Nghe cái tên đã dị ứng, chẳng ra Tây mà chẳng ra ta. Chưa kể mái tóc nhuộm vàng, cắt lia chia kiểu Hàn của anh ta. Một số người gọi đó là phong cách. Còn tôi, tôi chỉ biết nói: Gia tài của mẹ, một bọn lai căng”. Tác giả giới thiệu đôi dép hàng hiệu vừa mỉa mai, vừa chua chát, nhưng buộc phải chấp nhận nó là hàng hiệu vì “Niềm kiêu hãnh của hoa hồng, thường là nỗi đọa đày của đám hoa giấy. Điều đó không có gì sai. Chỉ sai khi mà chúng ta cố giành được chỗ an toàn, tốt đẹp cho mình bằng cách giẫm đạp hay đẩy người khác về phía giông bão” mà thôi. Và rồi đôi dép hàng hiệu được thử với nhiều đôi chân của các người đẹp, hoa hậu, diễn viên… bất ngờ một ngày nằm dưới đôi chân của người đàn bà nghèo khổ bán vé số, vì ông chủ tiệm dép phát hiện ra nó đã lỗi mốt, hết thời.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, không chỉ chuyển tải thông điệp mọi thứ trên thế gian này không có gì là vĩnh cửu, hôm nay bạn ở đỉnh cao của thương hiệu thì ngày mai bạn cũng sẽ nằm dưới chân của một người khác để ngước nhìn lên, mà bạn đọc còn được cùng đồng hành mà sẻ chia với những chặng đường mưu sinh gian khó của người mẹ nghèo ấy, rong ruổi hàng ngày để kiếm tiền từng đồng lẻ mà nuôi con trên giường bệnh ung thư. Đứa con đã rơi nước mắt khi chứng kiến mẹ mình phải vất vả từng giờ trên đôi dép khá rộng không vừa đôi chân bà mà lê la khắp con đường ngõ phố để bán từng tờ vé số. “Tôi thích chìm trong vòng nước mắt. Vì bây giờ người ta vô cảm với nhau quá. Biết đâu vài năm nữa khi tôi kể về những giọt nước mắt là như tôi kể về một câu chuyện cổ tích xa xôi nào đó”.

Bạn có bao giờ chú ý đến đôi dép của mẹ?” Câu hỏi nghe giản đơn, nhưng sẽ không ít người giật mình vì bàn chân mẹ mình size mấy, có ai biết không?

Nếu như đôi dép hàng hiệu được kết thúc bằng tình thương mẹ dành cho con, thì “Đôi dép tình yêu” lại là nỗi đau của một cuộc đời bất hạnh. Đôi dép chứng kiến cuộc sống hôn nhân của vợ chồng Lam dường như không hạnh phúc. Đôi dép và người đời phản đối khi thấy Lam hy sinh cuộc đời mình để chăm sóc cho người chồng, người đàn ông mà đôi dép nhiều lần muốn đập thẳng vào mặt hắn, người đàn ông tồi, hắn lọc thận định kỳ bằng chính đồng tiền bán thân của Lam hằng đêm, đã vậy nhiều bữa ăn hắn còn nôn thốc vào mặt Lam. Cớ sao Lam phải âm thầm chịu đựng hắn? Vậy mà… “Ngày hắn mất, Lam lịm đi. Bàn tay cô cào cấu nấm mồ mới đắp. Bàn tay gầy trơ xương. Cô không khóc bằng nước mắt mà bằng nụ cười của người điên”. Người ta lôi cô đi “Thằng đó có gì mà tiếc, mày khùng à? Tình yêu của mày bệnh hoạn quá. Mày hy sinh cả đời con gái cho nó chưa đủ sao?”. Người ta thương xót mà buông lời cảnh tỉnh, nhưng không ai hiểu được người đàn ông đó đã cứu vớt cuộc đời Lam ra khỏi vũng lầy của những ngày bán thân nuôi mẹ và em. Người đàn ông đó yêu Lam bằng một tình yêu trong sáng và chân thành. “Tình yêu ấy nở hoa trên những bụi nhơ của quá khứ, làm kết tinh giọt sương mai trong lành của cuộc đời Lam”. Ngày anh ngã bệnh, Lam làm sao có thể bỏ anh mà đi chứ! Lam có sung sướng không khi đến với người đàn ông khác mà bỏ mặc anh nằm một chỗ bất lực, đau thương? Anh ta cộc cằn thô lỗ với Lam cũng chính vì quá yêu Lam, muốn cho Lam căm ghét, chán chường mà rời xa anh. Anh xua đuổi bởi không muốn nhìn thấy Lam vì anh mà khổ. Một đêm, Lam đi tìm khách kiếm tiến lọc thận cho anh, thì ở nhà anh đã cắt đứt động mạch cổ tay mình.

Tôi muốn được yêu với tình yêu như thế. Tôi muốn được chết với cái chết như thế”. Và tôi muốn được khóc vì câu chuyện của Đôi dép tình yêu!

Nếu đôi dép tình yêu là một câu chuyện đẹp đong đầy nước mắt lung linh, thì “Đôi dép thành công” lại là một thực trạng xã hội đau lòng mà người ta cứ mãi mê chạy theo những khát khao để có được thành công cả đời mơ ước.

Tôi thường băn khoăn tự hỏi: Thế nào là thành công? Ở đời này, đánh giá sự thành công của một con người dựa vào đâu? Tài sản? Học vị? Hay gia đình?”. Liệu có hạnh phúc không khi người chồng suốt ngày tất bật với công việc cơ quan, về đến nhà là lăn ra ngủ cùng mùi bia rượu nực nồng, bỏ mặc người vợ nằm cạnh bên với ánh mắt xa xăm, câm nín. Rồi một ngày anh chồng vừa được bổ nhiệm chức danh giám đốc, sâm banh sẽ được khui, nếu hoa sẽ được thắp lên, nhưng vừa về nhà mở cửa phòng thì… “Trời đất sụp đổ, trước mắt anh, người vợ không mảnh vải che thân đang quằn quại phía dưới một thằng đàn ông khác”.

Mục đích cuối cùng của thành công có phải là hạnh phúc? Nhưng sao chúng ta lại sẵn sàng đánh mất hạnh phúc để có thành công? Vết thương liệu có lành theo tháng năm khi hai chữ thành công không tròn vẹn? Khi tình yêu không xuất phát từ sự chân thành, trái tim không hướng về nhau, thì hạnh phúc có cố tình tìm kiếm, níu kéo cũng không tài nào viên mãn được.

Tôi khép nỗi đau đổ vỡ của thành công mà lật tiếp từng trang sách Sen nhiều tầng ý nghĩa, chợt nghe ấm áp trong lòng khi đọc câu chuyện của “Đôi dép từ bi”. Đôi dép không sắc màu rực rỡ, không tem, không mác, không ai lựa chọn, ngắm nhìn, nên có nhiều thời gian chìm trong thinh lặng mà suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống.

Đó là cuộc sống của người đàn bà nghèo chạy tất tả trên phố tìm một chỗ trú mưa, bà rét run, hai hàm răng va vào nhau khi đến được nhà ga. Nhưng hàng ghế chờ có một người đàn ông đang nằm trong tình trạng nguy kịch. Sức nhỏ bé của bà không đủ để kéo ông dậy, hay cõng ông đi. Bà tất tả chạy gõ cửa từng nhà thương xin giúp đỡ, nhưng tất cả đều lắc đầu, vì không ai chữa bệnh cho người không tiền. Nước mắt bà rơi lã chã. Giọt nước mắt trân quý của một người dưng dành cho một người dưng chỉ tuôn chảy khi nó rung động đến tận cùng của nỗi đau người khác. Người đàn ông đã chết trong một đêm mưa vì thiếu vắng tình người. Tôi bàng hoàng khi đôi chân bà khuỵu xuống. Bà khóc ngất vì mình vô dụng. Bà là Tesera Calcutta, người phụ nữ không có nhan sắc lộng lẫy của người mẫu, hoa hậu, không có quyền lực để sai khiến người khác, cũng không có tiền. Nhưng bà có một thứ mà ít ai có được, đó là trái tim biết khóc. Đôi dép từ bi đã được may mắn theo chân bà đi khắp thế giới để cứu vớt những cuộc đời.

Trong cuộc sống, không ít người trang hoàng cho mình xinh tươi, làm ra vẻ quan trọng, nhưng trái tim là gỗ mục, là sỏi đá vô tri, họ chú trọng bề ngoài của mình bằng những thương hiệu, bằng sự thành công, bằng những toan tính, kể cả sự dối lừa mà “Đôi dép dối lừa” đã một lần chứng kiến.

Lẽ thường, khi người ta bước lên nấc thang danh vọng, được đứng kiêu hãnh sau những lần quỳ mộp hai chân thì tự tạo cho mình hai từ đẳng cấp, để rồi những kẻ nịnh bợ tung hê mà a dua theo bất cứ chuyện gì cũng đều xum xoe một câu: “Anh nói chí phải”.

Một quý bà sang trọng mua về một đôi dép không tem, không mác mà tự khoe với mọi người hàng xịn của Hồng Kông, để rồi đủ thứ lời tâng bốc, lừa dối nhau để mà sống đẹp giả tạo trên thương hiệu dỏm của mình. Liệu rồi lừa dối nhau để lòng luôn bất an, thấp thỏm sợ bị phát hiện thì có lợi ích gì? Thế nhưng, cuộc sống này không ít người cứ nhìn vào cái mác bên ngoài mà tung hê, nịnh bợ, “Không ai nhìn sâu thẳm vào bên trong con người của nhau để hiểu, để yêu thương”.

Những câu chuyện của đôi dép liệu có quá nhiều chuyện không khi nó chứng kiến hàng ngày những người mang nó. Họ đủ mọi giai cấp, mọi thành phần, mọi lứa tuổi, mọi tâm tánh khác nhau, và mỗi người một trái tim, một cảm xúc. Có thể là hạnh phúc, có thể là khổ đau, miễn sao đừng dối lừa nhau, đừng sống giả tạo từ vật chất đến tinh thần, để tâm hồn luôn được an yên.

Bà Tư đi chùa, miệng lầm rầm khấn vái: “Cầu Trời, cầu Phật cho ông nhà con năm sau kiếm được nhiều tiền, không bị dòm ngó, cho con vẫn béo tốt nhé, và nữa, cho thằng con của con đang du học bên Mỹ khỏe mạnh, đừng ăn chơi. Nếu Trời Phật độ, rằm nào con cũng đến đây cúng trả lễ và thả chim phóng sinh”. Nếu được thì mới trả lễ. Đến Thần Thánh còn sòng phẳng như thế thì việc con Lan người ở mướn chở bà đi chùa với đôi dép sứt quai, cái áo rách phông phanh thì bà bỏ mặc, quan tâm làm gì khi nó không đem lại lợi lộc cho bà. Bà bỏ tiền mua chim phóng sinh, nhưng không bỏ một đồng bánh mì, mặc cho người làm công của mình đang đói lả. “Tôi có tiền tôi có quyền làm những gì mình muốn, miễn không vi phạm pháp luật là được. Ai nghèo, ai khổ là chuyện của người ta”.

Sứ mạng con người là sống. Sống thật hăng say, sống thật ý nghĩa cho đời”. Là thông điệp của Hạt Mầm mà tác giả Nguyễn Bảo Trung đã gởi đến bạn đọc trong phần một của Sen.

Tôi xin mượn mấy câu trong lời mở đầu tập sách để kết thúc cho bài viết này: “Cảm ơn mọi người đã lặng nghe, đã đồng cảm và đi cùng mình, dù chỉ là một khoảng thời gian hay một chặng đường ngắn ngủi”.

Muôn loài muôn sự dung thông

Hiểu rồi sẽ thấy trong bùn có sen

Ngoài sân chiếc lá an nhiên

Khép đêm tịch lặng cửa thiền nắng lên

L.N.M.H