Nhắm mắt lại mà tưởng tượng, chợt thấy mình được trở về vòm trời ấu thơ, trong tiếng chim non ríu rít, trong hương thơm dịu nhẹ thanh tao từ muôn hướng đường xuân rộng mở.
Cảm giác mướt mát, tươi non, nồng ấm… cứ dâng ngập, bao bọc lấy những dấu chân. Tôi nhớ thời thơ nhỏ, chiều tháng Chạp, đám trẻ lăng xăng từ nhà chạy túa ra đường, sương từ dãy đồi sau làng tràn cả xuống cánh đồng trơ gốc rạ, bò lan lên con đường cỏ đã úa và hoa xuyến chi tim tím nở bừng. Rồi cứ thế, bước chân trẻ chạy tới đâu, sương như tan loãng dần, nắng mơ màng chiếu rọi. Từng tia sáng dịu dàng, dè dặt.
Nhà thơ trẻ Lữ Mai.
Mỗi khi nghĩ về những tia sáng ấy, tôi thường nhớ mẹ. Khi chúng tôi hỏi mẹ: “Khi nào xuân về?” Mẹ luôn nói: “Mùa xuân đợi sẵn đằng kia, khi nào tán cây gạo đầu làng gọi về đàn sáo, nghĩa là xuân đến thật rồi”. Cuối năm, trời lạnh và nắng hanh đến héo hắt. Mẹ tôi ngồi xếp lại tủ quần áo cho cả nhà, phân loại ra, cái đem vắt sổ lại, cái cắt thành khăn, cái gấp ngay ngắn cho vào chiếc rương kỷ niệm… Cũng có khi, mẹ tôi xay bột nếp, hong khô, từng nong từng mẹt tròn xoe bày kín khoảng sân hút gió.
Lũ trẻ chúng tôi vẫn cứ mê mải với những con đường đất. Đường ruộng kẻ dọc, kẻ ngang như bàn cờ, cỏ ba lá ken dày, lên bông mảnh mai gầy guộc. Đường đê lồng lộng mà mỗi khi chạy chơi hoặc ngồi yên nhìn dòng sông mùa cạn, bao nhiêu tưởng tượng ùa về. Bên kia sông, chỉ cách một chuyến đò, mà xa tít tắp. Bác gái tôi lấy chồng bên ấy, tôi còn được mẹ chỉ cho chiếc nhà ngói nâu bé tin hin cũng nép dưới bờ đê. Nhà bác đó, tôi khôn nguôi tưởng tượng, bác sống thế nào, các chị có đang chạy chơi như tôi, đường đê bên ấy có nhiều lỗ dế, châu chấu voi và đàn bươm bướm trắng rập rờn bay nương theo gió.
Ảnh minh họa.
Có một con đường in sâu trong trí nhớ tôi mà dân làng vẫn gọi: Đường Thiêng. Không biết ở những ngôi làng khác có con đường này không, và họ có cách gọi thế nào, nhưng đường Thiêng trong mắt tôi đến tận bây giờ vẫn chất chứa bao điều bí mật và gợi mở. Con đường ấy chia đất làng thành hai thế giới âm – dương. Bên này làng mạc, ruộng đồng, bên kia ngập tràn cỏ hoa, sườn đồi là nơi an nghỉ của người đã khuất. Từ tháng Chạp tới mùa xuân, lũ trẻ rất thích băng qua con đường nhỏ, thơ thẩn chơi đùa. Bà tôi kể chuyện, nơi ấy không chỉ có người làng nằm lại, mà thời chiến tranh, các chú bộ đội vào chiến trường chưa qua được bờ bên kia sông Mã đã gặp đạn bom, nằm mãi nơi này. Dưới tận sâu lòng đất, có phải bởi thanh xuân, nguồn sống vẫn bừng lên, mà cỏ hoa đường Thiêng rực rỡ, nồng nàn.
Sau này, sống ở phố phường, vào mùa xuân, vẫn có những con đường khiến tôi rung động, cảm giác mềm mại, mướt mềm và khấp khởi hệt tháng ngày tuổi thơ. Nhưng phải chờ qua tháng Chạp, khi lòng người đang miên man nỗi nhớ khoảng trời quê nền nã sắc tím hoa xoan, đỏ bừng hoa gạo thì đường phố trước nhà hoa sưa đã lác đác rụng rơi. Vì sao loài hoa này có cái tên kỳ lạ như vậy? Cho đến bây giờ đó vẫn là điều bí ẩn. Sưa ở Hà Nội không nhiều, rải rác ven hồ Ngọc Khánh, phố Phan Đình Phùng, công viên Bách Thảo. Riêng đường Cổ Ngư xưa chỉ còn độc một cây sưa trắng, phố Cầu Gỗ cũng còn vài ba cây kề nhau, hoa lá vương vít cả lên ban công một ngôi nhà cổ màu sơn tường úa vàng xen lẫn phong rêu. Ở nhiều câu đối trong đình Ngọc Hà có nhắc nhiều đến những cây sưa cổ thụ trên Núi Sưa, Bách Thảo với những giấc “mộng ứng” giữa khung cảnh “chín tầng mây buông thấp”, “nước lặng sông yên”.
Ai từng trú chân ở mảnh đất Hà thành qua những mùa hoa, có thể nhớ da diết một con đường rất nhiều cây cơm nguội vàng trên phố Yên Phụ, hay lối Cổ Ngư với “đường phượng bay mù không lối vào” nhưng người quyến luyến với hoa sưa thì lại không nhiều lắm. Đơn giản bởi loài hoa này chẳng dễ mang đến một niềm choáng ngợp về thị giác, một cảm xúc mạnh mẽ thoáng qua mà ai trót thầm thương trộm nhớ hoa sưa sẽ cảm nhận được nỗi mong manh, chơi với như trước mắt ta là một mùa mây lạ. Điều kỳ diệu nhất là mùa hoa sưa chỉ về sau những cơn mưa nơi phố thị. Ấy thế nên có những người đặt cho loài hoa này cái tên “Hoa đón mưa”. Nếu không có mùa hoa chỉ vẻn vẹn một đôi tuần, có lẽ loài sưa đã an phận khép mình giữa ồn ào phố thị để rồi sắc trắng, sắc xanh cứ lặng lẽ hòa vào nhau trong sự thanh khiết như thể lắng đọng bao tinh túy của đất trời.
Vài người bạn phương xa chưa từng đặt chân đến Hà Nội cứ hỏi mãi tôi: “Con đường hoa sưa Hà Nội có đẹp không, đẹp như thế nào?” Nhưng sắc hoa trắng bồng bềnh, dịu nhẹ kia dễ khiến ngôn từ bất lực. Loài hoa ấy mải miết, quyến luyến con người bằng linh giác, cả khi ta nhắm mắt lại, nhất là trong những giấc mơ. Những ngày xuân không nồm ẩm, mây mù. Những ngày trời trong và nhẹ, hoa sưa mở cánh vừa khi sương sớm từ giã mặt hồ, những luồng nắng xuyên tàng cây tựa hồ bện trong khói… Nhà văn Băng Sơn từng ví von, có lẽ loài hoa này là linh hồn một cô gái ngàn xưa kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ xuân về lại nhớ tình lang nên hiện ra mơ hồ rồi lại bay về hư ảo. Tôi thì hình dung ra dáng dấp của một nàng cung nữ mười mấy tuổi, sắc nước hương trời chịu cảnh cô quạnh chốn lãnh cung. Nàng thoát tục trong bộ xiêm áo trắng muốt, nhẹ như mây. Nàng mãi mãi thuộc về cõi trinh thiêng, lặng lẽ. Để rồi cứ mỗi mùa hoa, bao nhiêu cặp mắt ngước nhìn là bấy nhiêu nỗi bâng khuâng ở lại.
Chính độ xuân căng tràn, diệu vợi, những loài hoa mỏng mảnh như mây vờn quanh từng con đường. Tàn hoa rụng vương vít từ hè phố đến tàng cây vì thân phận mỏng manh, dịu nhẹ. Giữa khoảng chơi vơi, lơ lửng của nỗi niềm ai đó chờ mưa, muốn gom mây lại mà đưa nhau về thì mùa hoa đã sắp sửa qua đi với những giọt mưa hồi sinh trong đáy mắt.
Sau những mùa hoa, tôi có thói quen, dạo bước trên đường phố Phan Đình Phùng ngắm những loài cây đang vào mùa trút lá. Cái vẻ ngoài gầy guộc, mong manh kia gieo vào lòng người sự trắc ẩn rất mông lung. Thế mà sấu vẫn đan lá kết vòm xanh rì trên cao như bức tường thành bất chấp. Loài cây duy nhất phó mặc giá lạnh, bão giông. Kể cũng lạ, sấu lúc xanh thì xanh đến kiệt cùng, khi trút lá vàng thì ráo riết như chẳng có gì phải tiếc thương, và đặc biệt, mùa hoa bao giờ cũng đến dịu dàng, khiêm nhường trong tít sâu vòm lá. Nhắm mắt lại mà tưởng tượng, chợt thấy mình được trở về vòm trời ấu thơ, trong tiếng chim non ríu rít, trong hương thơm dịu nhẹ thanh tao từ muôn hướng đường xuân rộng mở.
Theo Lữ Mai/Vanvn