“Nếu không học nữa thì về đi hót phân chó, mỗi ngày phải được một cần xé!”. Đó là câu “chốt hạ” của bố tôi với chị gái thứ bảy trong nhà, năm đó chị học lớp 7 nghe đâu cũng có ý định theo trào lưu “Đông tiến”, ý định rời miệt xứ Cà Mau đi lên miệt đất đỏ bazan để làm rẫy, trồng cà phê, hái tiêu, thu hoạch điều… chứ ở miệt nước phèn này nghèo đói mãi.
Lúc ấy tôi bé tý ti, nhưng cũng kịp nghe và nhớ được câu chuyện đó, kết thúc câu chuyện cũng không ai còn nghĩ đến việc đó nữa, bởi do bị “ảnh hưởng kéo theo” nên chị tôi mới như vậy. Tôi còn nghe câu chuyện giữa bố và mẹ, hai người nói về tình trạng bỏ học của giới trẻ lúc ấy. Cũng nhờ bố tôi kỳ quyết chứ không thì anh Hai của tôi cũng nghỉ học hành nghề chạy đò tốc hành.
Chẳng phải tài cao học giỏi thế nào, nhưng bố mẹ tôi đều muốn các con được học hành tử tế. Cứ hết lớp 12 hướng nghiệp theo nghề giáo, con nào không nổi thì hết lớp 9, học 9+3 ra dạy cấp 1. Tình cảnh cũng có nhiều luồng dư luận trái chiều, bởi do tích cực nên bạn bè các anh chị tôi cũng theo nhau đi học sư phạm, một số gia đình khác trong xóm cũng hướng nghiệp cho con họ theo nghề giáo dục. Một số người tiêu cực thì họ cho rằng “học sư phạm dễ muốn chết, học làm gì? ở nhà đi làm mướn sướng hơn”; “Cái bằng Đại học làm sao bằng mấy hec đất của tao”…. thế là một số anh chị giới trẻ nghỉ học.
Nhưng chẳng sao cả, “dẫu cầu có sập thì đoàn người vẫn cứ đi”, lần lượt các anh các chị tôi học xong, ra trường kiếm được hỗ dạy ổn định, có miếng cơm no, manh áo lành lặn để mặc, không phải cơ cầu ngược xuôi chạy vạy khó nhọc mưu sinh.
Lần lượt đứa lớn xong, đứa bé bước theo, từ một bờ vực thẳm tưởng không đường cứu vãn bố mẹ tôi đã hướng nghiệp cho anh em chúng tôi băng qua. Những anh chị lớn dìu dắt nuôi nấng các em nhỏ hơn, đỡ đần cho bố mẹ bởi nhà đông con nghèo khó.
Từ đôi bàn tay trắng, các anh chị tôi dần vươn ra khỏi chính mình, các gia đình giáo dục cứ thế nảy nở sinh sôi, hết con trai con gái rồi đến dâu rể thậm chí cả sui gia cũng trong ngành giáo dục, khiến đại gia đình chúng tôi như một “Hội đồng sư phạm”.
Các anh chị lớn là điểm tựa, có chốn nơi lập nghiệp rồi dìu dắt em út, chăm lo phụng dưỡng bố mẹ già, điều đó tuy có nhiều cập rập nhưng cơ bản cũng thực hiện xong để tạo nên những giá trị cốt lõi.
Giờ cứ ngồi lại nhắc ngày mới vào miền Nam lập nghiệp mẹ tôi rùng mình lắc lắc, năm ấy bố mẹ tôi rồng rắn gần chục đứa con vào mảnh đất toàn lau sậy, muỗi vắt. Chập choạng tối là phải mắc mùng ngồi ăn cơm kẻo muỗi nó “ăn gỏi cả nhà”, cũng chẳng biết bao nhiêu phen giọt nước mắt chảy về quê cũ.
Sông ngọi chặng chịt, đường xá cũng lầy lội nhá nhem, ngày vào bố mẹ tôi tiếp cận mảnh đất Mũi Cà Mau bằng một ngôi nhà lợp tạm bằng lá trầm đóp, dừng vách đất sình trộn với rơm mong dữ ấm và tránh đỉa, muỗi, vắt…
Sinh sống một thời gian rồi cũng quen dần với đời sống nơi đây, tinh mơ dậy cuốc đất gieo đám mạ, Trưa ra phát ruộng ủ năn, để đó khi nào năn thối lắp bờ cào để be kên đống thành bờ dòng. Trời nhá nhem, trong khi đợi đóng cửa chuồng gà thì tranh thủ mài cây phảng cặm đó, sáng mai ra chế lại mảnh ruộng một chút chờ đưa mạ về cấy mấy công lúa mùa.
Mỗi năm chỉ một vụ lúa, mọi chi tiêu gia đình cuộc sống đều đổ vào đó, hụt ăn triền miên. Bố tôi cũng đã từng có ý định rời bỏ mảnh đất đồng năn Minh Hải để tìm vùng đất hứa khác tiềm năng hơn, nhưng cứ đắn đo mãi bởi chỗ khác có chắc hơn nơi này không nữa hay là thất bại toàn tập. Thế là ông quyết định bám trụ ở lại nghĩ kế sinh nhai nuôi dạy con cái.
Hai ông bà cũng đã nghĩ ra nhiều việc, nhiều nghề để cải tiến thu nhập, cải thiện đời sống nhằm cho con cái yêu lao động hơn, học tập vươn ra để thoát nghèo, thoát dốt.
Hết xuân này rồi đến xuân kia, miền Nam chỉ hai mùa rõ rệt nhưng cũng có những cung bậc tuyệt vời. Cứ mùa lạnh qua thì xuân ấm áp lại về, mùa đói kém năm trước qua đi thì mùa ấm no năm sau lại đến. Mẹ tôi bảo “đất không phụ lòng người – có làm là có ăn”, câu nói chất phác của người “nông dân lai”.
Anh em chúng tôi dần khôn lớn, có được cuộc sống không quá giàu sang nhưng cũng đỡ hơn thời của bố mẹ tôi một bậc. Hai ông bà vui lắm, mãn nguyện lắm, bởi chúng tôi cơ bản không phải quá lam lũ để có cuộc sống ấm no. Từ nghề bố hướng nghiệp – mẹ nuôi nấng, chúng tôi lao động và được nhận những đồng lương từ Nhà nước… vậy là ổn định rồi, không quá cơ hàn.
Trải qua 40 năm an cư lạc nghiệp ở đất miền Nam, chúng tôi cảm nhận và gặt hái được nhiều thứ. Đầu tiên là phải cảm ơn chính sách của đảng và nhà nước lúc bấy giờ, đã có đường lối để các tỉnh ngoài Bắc trong Nam kết nghĩa với nhau, trao đổi chia sẻ, rồi di dân để giao thoa học hỏi và đùm bọc lẫn nhau.
Điều tiếp theo, đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” của thế hệ 8X chúng tôi, bởi chúng tôi có cả một khung trời tuổi thơ mênh mông trên cánh đồng phương nam cò bay thẳng cánh. Nơi mảnh đất cho tôi biết con muỗi, con đỉa, con vắt… tổ ong , con cá rô đồng đen kịt…. những buổi chiều ngồi ăn cơm trong mùng. Còn hẹn nhau đi xúc cá lia thia về đá dạo, lui cui lật những gốc năm tìm cặp dế lửa đang gáy to te rồi cho chúng cắn nhau ngay trên vạt áo.
Quan trọng hơn, trong vai trò đầu tàu của người bố bắc bộ trên mảnh đất đồng phèn phương nam, ông bà đã kỳ quyết không cho con mình nghỉ học giữa chừng mặc dù khó khăn chất chồng. Từ những khó khăn đó, bố đã xếp những viên gạch từ cục đất sét, để mẹ nung thành những khối kết cấu chắc lọi, đỏ hồng xây dựng nên những thành luỹ êm ả như hôm nay.
Mong rằng dẫu có gì đi chăng nữa anh em cũng luôn kính trên nhường dưới, quý trọng thành quả bố, sức lao động của mẹ để đùm bọc thương yêu lẫn nhau./.
Trọng Bình