Những kẻ trộm chó

538

Thời tôi mới gặp vợ mình, cô là kiểu người sống như có thể chết vào bất kỳ lúc nào. Thậm chí tôi ngỡ cô đang mắc bạo bệnh chẳng còn mấy thời gian nên phải tranh thủ từng ngày hét vào mặt cuộc đời. Khi đói, cô ăn ngấu nghiến, hết burger đến mì Ý, chẳng để tâm đến lượng calo nạp vào và chỗ nước sốt đọng trên mép. Tôi không nhớ lúc ấy có thấy cô đẹp hay không, sau này đã phải lòng nhau đương nhiên tôi thấy cô rất đẹp, song thuở mới gặp có lẽ tôi chỉ cảm thấy cô đặc biệt. Trước hết là ở thói quen ăn uống, như tôi đã nói.

Sau khi thưởng thức bữa ăn ngon lành như kẻ vừa nhịn đói bảy ngày, cô gọi người phục vụ tới tính tiền, dặn anh giữ lại tiền thừa vì anh quả là một người phục vụ chu đáo. Anh đã chủ động mang nước lọc, châm thêm tương khi thấy hai tay cô phủ đầy nước sốt. Lẽ dĩ nhiên phần ăn của cô sạch bong, không một mẩu vụn. Bấy giờ tôi cũng dùng xong bữa tối, không sạch sẽ như cô nhưng áng chừng cũng làm đầu bếp hài lòng, bèn thanh toán rồi lấy xe về. Như đã đợi sẵn, cô đứng bên cạnh xe tôi với một tay cầm mũ bảo hiểm, cười như không cười.

– Anh cho em quá giang được không?

Thời đó tôi không có bạn gái, không có nhiều bạn bè để tụ tập và cũng chưa chính thức đi làm nên nhìn chung là luôn trong trạng thái rảnh rỗi, đứng trước một đề nghị như thế ít nhiều phân vân.

– Tại sao? Tôi đặt câu hỏi dở tệ nhất đời nhưng nó cứ thế bật ra, không ngăn được.

– Vì lòng tử tế, anh thấy sao?

Thôi được, tôi nghĩ, con người nên tử tế với nhau khi có dịp. Tôi để cô ngồi sau và lái chậm như rùa bò vì cô chẳng thèm chỉ đường, chỉ tới khi ngã rẽ sát ngay trước mũi cô mới hô lên “Rẽ trái” hoặc “Rẽ phải”. Điều đáng ngạc nhiên là tôi không thấy bực mình, tôi chỉ nghĩ mình đang hành thiện theo quy chuẩn đạo đức căn bản. Và dẫu sao thì việc cho cô gái trẻ quá giang trong một tối mùa hè không phải loại chuyện đáng bực mình. Song tới lần thứ tư cô bảo cua gấp thì tôi buộc phải lên tiếng.

– Sao em không đưa ra chỉ dẫn từ sớm nhỉ? Chúng ta sẽ đỡ gây phiền hà cho mấy người phía sau hơn đấy.

– Vì anh đặt sai câu hỏi từ đầu. Giọng cô rất mềm mại và dễ nghe, đối lập với lối cư xử có chút tùy tiện của chính chủ.

– Anh đã hỏi gì?

– Khi được đề nghị cho quá giang, nếu muốn đồng ý anh nên hỏi “Tới đâu?” thay vì “Tại sao?”

– Anh cần biết lý do để quyết định nhận lời hay không.

– Thế anh có tính từ chối không?

Tôi nghĩ hai giây rồi đáp: “Không.”

– Thì đấy.

Hóa ra lỗi nằm ở tôi. Đến đó thì tôi không thể hoạnh họe gì nữa, đành câm họng đi theo hướng dẫn. Cô cũng bắt đầu tỏ ra tử tế hơn khi báo trước nơi nào cần rẽ và đoạn đường có ổ gà nên đi chậm lại. Chúng tôi còn trao nhau vài câu đùa. Tôi đã nghĩ đó là một đêm không tồi cho tới khi chúng tôi nhìn thấy cảnh hai thanh niên kéo lê một chú chó phía sau xe máy. Hẻm rộng, tối và vắng, không có camera, con chó không phát ra tiếng kêu nào nên lúc đó tôi đoán nó đã kiệt sức hoặc tệ nhất là đã chết. Người ngồi phía sau lạnh lùng nhấc con chó áng chừng bảy, tám ký lên cho vào cái bao đã chuẩn bị sẵn. Nom gã rất khỏe. Gần đó có nhà đang hát karaoke khá ồn nên họ không nghe xe chúng tôi chạy phía sau. Tôi đang không biết làm gì trong tình huống ấy thì nghe tiếng cô gái.

– Chạy lên. Còn hơn một trăm mét nữa là ra đường lớn, anh không đuổi kịp đâu. Chạy lên và cố ép chúng vào. Nhanh.

– Chúng ta không đối phó được với dân chuyên nghiệp. Bọn họ khỏe lắm.

– Em không quan tâm.

Cô nói rồi bấu mạnh lên vai tôi và trong khoảnh khắc ấy tôi buộc phải vặn ga xe bởi tôi biết nếu mình không làm cô sẽ chồm lên làm thay và tình huống ấy tệ hơn nhiều. Phải nói thêm lúc đó tôi chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp đang sắp thành nhân viên văn phòng, tay tôi trói gà có thể chặt nhưng đối diện với đám người này thì tôi không tin mình có thể gây khó dễ cho họ. Nhưng cô gái đang ngồi sau lưng tôi xem ra chẳng nghĩ gì cả. Xe chúng tôi trờ tới cũng là lúc hai gã kia nhận ra. Tôi bóp mạnh tay thắng và ngoặc đầu xe nhanh nhất có thể. Hoàn toàn bị bất ngờ, chiếc xe loạng choạng ngã nhào vào bức tường bên cạnh. Mồ hôi tôi túa ra như tắm sau gáy, mặt mũi nóng ran vì căng thẳng. Cô gái nhanh chóng nhảy xuống xe và làm hai việc cùng lúc với vẻ mặt không biến sắc. Cô giằng mạnh lấy cái bao chứa con chó, miệng hô hoán liên hồi “Trộm chó, trộm chó”. Điều tôi lo sợ đã đến, hai gã kia sớm lấy lại bình tĩnh và bắt đầu phản ứng lại bằng cách lom lom áp sát chúng tôi bằng vẻ đe dọa. Khỏi phải nói, lưng áo tôi ướt đẫm. Gã khi nãy ngồi phía sau đang sắp giành lại thành quả của mình từ tay cô thì vài cổng nhà bỗng hé mở và những khuôn mặt ngẩn ngơ ló ra. Tôi có cảm giác như mình vừa đầu thai sang kiếp khác khi nhìn hai gã luống cuống phóng xe đi mất, không quên ném lại cái nhìn hằn học. Sau lưng tôi, cô gái ôm chặt bao tải và chậm rãi mở ra. Vài người dân tò mò vây quanh.

– Chúng đi rồi à?

– Chó nhà ai đây?

– Chết chưa? Tội nghiệp.

Tôi ghé đầu xuống chỗ con chó, hồi hộp đợi phản ứng. Cô gái, trái lại, hoàn toàn bình tĩnh và dịu dàng nới lỏng cái thòng lọng, tay vuốt nhẹ lớp lông đen nhánh trên lưng sinh vật tội nghiệp. Mất một lúc sau mới có tiếng rên khe khẽ phát ra. Con chó vẫn còn sống, đang cố hít thở bầu không khí một lần nữa. Không hẹn mà tất cả những người ở đó đồng loạt thở phào.

– Về nhà thôi. Cô nói vào tai nó.

Tôi không rõ nó hiểu bao nhiêu nhưng ánh mắt đã bớt dần vẻ sợ hãi. Mọi người túa về nhà riêng, còn tôi trải qua đêm dài nhất đời khi chở cả hai quay lại khu dân cư để gõ cửa từng nhà. Con chó kiệt sức nằm yên, tôi có thể cảm nhận bụng nó nhịp nhàng thở sát lưng mình.

– Nó không đeo vòng cổ. Có thể là chó hoang. Tôi ái ngại nói.

Một con chó giống ta bình thường, mặt mũi khó gọi là đáng yêu và bộ lông đã cáu bẩn khiến tôi không nuôi nhiều hy vọng sẽ tìm lại được chủ. Nhưng cô thèm vào để ý lời tôi, đến nhà nào cô cũng gọi cửa và trình bày đầu đuôi khi nâng con chó trong lòng. Đến căn nhà thứ chín tôi đâm chán nản, hy vọng đã tụt xuống mức rất thấp. Cô gái làm công việc kia càng lúc càng thuần thục và chẳng có vẻ gì mệt nhọc.

– Trời ơi, Sâm.

Tôi toan nhấn chuông căn nhà thứ mười thì nghe tiếng reo hớt hải phía sau lưng. Người mở cổng cho cô là một phụ nữ áng chừng ba mươi, mặc áo khoác hờ ngoài đồ bộ. Chị thốt lên mấy tiếng rồi ôm con chó vào lòng. Nhìn cái đuôi nó xoáy tít, chúng tôi biết cuộc hành trình đã có hồi kết.

– Cám ơn hai em. Cám ơn nhiều lắm. Chị vẫn chưa hết xúc động.

Xóm này đó giờ an toàn nên chị ỷ lại, nãy chỉ kịp nghe tiếng kêu mà không biết sự tình. Ông xã chị đang chạy đi kiếm nó. Chị tưởng mất nó luôn rồi. Sâm ơi

– Cẩn thận hơn là được. Em nghĩ họ không quay lại đâu.

– Hai em đợi chị chút. Chị ôm con Sâm vào nhà rồi trở ra với một tờ giấy bạc mệnh giá hai trăm nghìn dúi vội vào tay cô.

– Chị biết không đáng bao nhiêu nhưng hai em coi như tiền uống nước, nghen. Chị cám ơn hai đứa, con gái chị sẽ vui lắm.

– Tụi em không làm vì…

– Cám ơn chị. Tôi chưa dứt câu thì cô đã nhận tờ bạc và xin phép cáo lui cùng nụ cười tươi. Tôi không tài nào hết ngạc nhiên trước những hành động của cô trong tối ấy. Chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ cô đã làm những điều mà tôi không hình dung mình sẽ làm, hay thậm chí một lần mục kích trong đời. Xuất hiện như một cô gái dễ chịu có phần lả lướt, cô bất chợt trở thành một người với lý tưởng trừ gian diệt bạo, dốc lòng làm chuyện tốt đẹp bao đồng và sau rốt vui vẻ nhận thù lao cho việc đó.

– Anh tưởng em chỉ muốn làm việc tốt. Tôi cố dùng ngữ điệu không ra vẻ mỉa mai nhất có thể.

– Người tốt nên được báo đáp chứ anh. Cô bình thản nhún vai. Bọn mình có hai trăm nghìn, anh muốn uống gì không?

Đó là cách chúng tôi bắt đầu cuộc hẹn đầu tiên. Không giống như hình dung trong đầu tôi về buổi hẹn hò lý tưởng song đêm càng sâu chúng tôi càng nói được nhiều chuyện và tôi phát hiện mình gặp một đối tượng vô cùng đặc biệt. Cô thích xem phim của Woody Allen, đọc thơ của một thi sĩ trẻ chưa có tên tuổi, ghét việc bỏ phí thức ăn, ghét những người hành hạ thú nuôi và không tin rằng việc ăn chay sẽ khiến thế giới tốt đẹp hơn.

– Trước tiên cứ tử tế với nhau cái đã, anh thấy sao?

Còn sao nữa, đương nhiên tôi đồng tình. Tôi không quan tâm tới việc người ta ăn gì, thứ thật sự quan trọng là lối hành xử của họ.

– Nhưng có một việc em mãi không biết nên đặt nó ở cán cân bên nào. Cô thở dài ra chiều nghĩ ngợi rồi tiếp.

– Làm một việc không tốt để chống lại cái xấu. Đơn cử là trả thù. Phim ảnh đã nhiều lần kể về những cuộc trả thù tỉ mỉ và công phu của nạn nhân dành cho kẻ ác. Giả dụ anh giết kẻ đã giết cả gia đình mình. Nhân danh pháp luật, anh sai, không chừng sẽ bị xử bắn đấy nhưng phần nào trong anh nói rằng anh phải làm thế, có đúng không? Nhà văn em yêu thích từng nói trả thù là một việc không khiến cho ai hạnh phúc nhưng đó là việc phải làm. Phức tạp nhỉ.

Gần ba năm sau chúng tôi kết hôn, cả hai không bao giờ nhắc lại chuyện đó. Cuộc nói chuyện khá kỳ lạ ấy đã chìm vào dĩ vãng vì đời sống hôn nhân của chúng tôi nhìn chung khá viên mãn, không có ai khiến chúng tôi muốn gây hấn hoặc trả đũa. Chúng tôi chia sẻ với nhau hầu hết là những mẩu chuyện vui về công việc, đồng nghiệp, hay những cảnh tượng tức cười thường xuyên xảy ra ở ngã tư. Cuộc hôn nhân của tôi không có gì đáng phàn nàn ngoài một điểm rất nhỏ song chưa từng biến mất: tôi luôn cảm thấy bản thân chưa hiểu hết vợ mình. Chúng tôi với xuất phát điểm là hai người xa lạ va phải nhau giữa đời, bắt đầu tìm hiểu từng chút, từng chút và khi kết hôn thì tôi đoan chắc mình đã hiểu cô hơn tám mươi phần trăm. Sau đám cưới là quãng đời sống chung, con số lên tới chín mươi khi tôi biết thêm việc cô thích dọn dẹp, hay quên hồi âm tin nhắn, ghét mạng nhện, ghét nước rửa tay và chỉ dùng xà bông cục, chưa sẵn sàng có con vì cho rằng trẻ con quá bí ẩn. Nhưng mười phần trăm còn lại vẫn là một bức màn phong kín mà tôi chưa tìm được dịp để hỏi cô cách vén lên. Một phần con người cô đối với tôi vẫn bí ẩn như cách cô nhìn lũ trẻ. Chúng tôi chưa biết đó là gì nên vẫn khoan sẵn lòng dấn thân cho một thứ sâu sắc hơn.

Lý do tôi có cảm giác ấy là bởi lẽ những gì tôi nhìn thấy nơi vợ mình chỉ tuyền những điều tốt đẹp, hay chí ít là những thứ rất dễ cảm thông. Cô không muốn có con, điều ấy tôi hiểu. Cô khá dễ nổi nóng khi khách hàng không biết điều, điều ấy tôi cũng hiểu. Cách cô sẵn lòng ném xe qua một bên để lao tới giúp người khác giữa đường, chuyện ấy quá tốt. Cô thích rửa chén hơn là nấu ăn, việc này càng hợp ý tôi. Khi mọi thứ có vẻ trơn tru và dễ dàng, tôi bắt đầu muốn biết thêm về một mặt khác của vợ mình. Chúng tôi chỉ là con người, muốn làm đúng phải từng mắc sai lầm, phía sau những điểm sáng rạng ngời ắt hẳn phải có những thứ không muốn để ai biết tới. Vì chúng tôi đã thề sẽ thành thật với nhau từ giây phút bước vào mối cam kết bền bỉ này, tôi muốn biết toàn bộ con người mình đã chọn chung sống cả đời. Dù thế nào đi nữa, tôi đã yêu cô và nghĩ mình sẽ mãi yêu cô dù có xuất hiện vài điểm xấu hay quá khứ bí mật được hé giở. Chúng tôi có khối thời gian tâm sự trong bữa cơm và trước khi đi ngủ nhưng cái khe hở thoáng ẩn hiện kia thì tôi mãi không len vào được. Và tôi đoan chắc nó đã manh nha xuất hiện từ buổi đầu gặp gỡ, đáng lý ngày hôm ấy tôi nên làm một kẻ tò mò và hỏi sâu hơn về cái đang ở trong đầu cô. Đáng tiếc đó là khoảnh khắc không thể tua ngược và bây giờ chúng tôi không thể thình lình ném ra một chi tiết cũ rích chẳng liên quan gì lên bàn ăn luôn rúc rích tiếng cười.

Đêm ấy bắt đầu bằng một tiếng rên la rền vang kéo dài. Không cần có nhiều kinh nghiệm tôi cũng biết đó là tiếng khóc than của một con chó. Cộng với âm thanh ầm ĩ huyên náo của những bước chạy xôn xao, tiếng xe máy rít ga mỗi lúc một xa, không còn nghi ngờ gì nữa: một vụ trộm chó. Theo lẽ thường tôi toan xỏ dép chạy ra trước nhà ngó nghiêng sự tình, tiện thể hỏi thăm về tung tích con chó xấu số. Vợ tôi vừa rửa tay xong, cô đang đứng ngay mép cửa nhà tắm thì âm thanh ấy dội tới. Tôi quay lại nhìn cô, định bụng hỏi cô có muốn ra xem xét chút đỉnh hay không thì nhận ra cô đang đứng như trời trồng với khuôn mặt thất thần như bị yểm bùa. Bên nhau bốn năm tôi chưa một lần nhìn thấy biểu cảm đó của cô. Nói theo đúng cảm giác của tôi nhất thì đó là loại biểu cảm phi thực. Rất đau đớn nhưng lại không hình thành nước mắt, như thể cô vừa bị đẩy lui về ngay vùng ký ức thương tâm nhất mà trí nhớ đã cố tình phong kín.

– Em, sao thế?

Tôi lay cô mấy cái vẫn không có tiếng hồi đáp đành kéo cô vào phòng khách, ấn cô ngồi xuống sofa và ngồi yên bên cạnh. Cô vẫn không nói tiếng nào. Gần nửa tiếng sau tôi mới hỏi lại lần nữa.

– Người ta lại bắt chó đi à? Cô hỏi, tiếng nói chẳng có chút trọng âm.

– Ừ. Nhưng nói anh nghe chuyện gì xảy ra với em trước được không? Mình từng đối mặt với một vụ. Lúc đó em khác lắm. Không phải anh cưới nhầm một cô khác đấy chứ?

Câu cuối cùng là một lời đùa tôi thốt ra cốt làm giãn bầu không khí nhưng lập tức thấy hối tiếc. Có điều cô không để tâm, mắt cô vẫn đang tìm một điểm nhìn tận đâu.

– Hôm ấy con Sâm không kêu.

– Sao hả em?

– Lúc mình phát hiện, con Sâm không kêu tiếng nào. Con chó lúc nãy kêu to quá.

– Nó mới bị bắt, em biết đấy. Đáng tiếc. Anh cũng không muốn…

– Chuyện ấy lại xảy ra…

Đến đây tôi đâm lo tợn. Vợ tôi đang phản ứng như một người mất hồn. Chúng tôi từng cãi vã vì tủ lạnh không còn đủ thức ăn cho bữa tối, từng chứng kiến nhau say khướt giành lấy nhà tắm nôn thốc nôn tháo, từng chỉ cho nhau khuyết điểm kém hấp dẫn nhất trên cơ thể, song tôi chưa một lần nhìn thấy vợ mình rơi vào cơn hoảng loạn lặng ngắt như lúc này.

– Em có thể nói anh nghe cái gì đang xảy ra với em không? Tại sao phản ứng của em lại kỳ lạ thế? Nói anh nghe đi em.

– Anh sẽ ghét em sau chuyện này.

– Anh nghĩ mình sẽ bất ngờ, nhưng vợ chồng không ghét nhau em ạ. Yêu thêm hoặc bớt yêu hoặc không yêu chút nào nữa, chỉ có ba trường hợp ấy.

– Anh là người an ủi tệ nhất em từng biết.

– Coi nào. Chuyện gì đã xảy ra với em?

Cô thở dài rồi lại hít vào một hơi đầy, chậm rãi hé bức màn bí mật.

– Em mười một tuổi, hay mười, không chắc nữa, lâu quá rồi. Nhà em có một con chó rất quấn người. Nó tên Kéo, tên mẹ em đặt. Sau khi nuôi nó được một năm thì mẹ em đi công tác tỉnh dài hạn, ba cũng bận việc luôn, hầu như chỉ có em và Kéo ở nhà. Khu ấy khá an ninh nên chiều chiều lũ trẻ chạy chơi không cần nhiều người lớn trông chừng là chuyện thường. Hôm ấy con đường trước nhà chỉ có hai bọn em chạy giỡn với nhau. Họ tới rất nhanh, không rõ là từ đâu và đi về đâu. Họ túm được con Kéo trong lúc em quay lưng lại. Em chỉ nghe tiếng nó kêu rít lên và thấy nó bị lôi đi như một túi cát. Em sợ tới mức không dám chạy theo và không dám khóc. Em cứ đứng yên như thế, cứ như là em đợi một lúc thì họ sẽ trả nó về. Nhưng không ai trả con Kéo cho em. Tối đó ba về rất muộn. Ngồi một mình trong nhà em vẫn như nghe thấy tiếng con Kéo kêu thét bên tai. Nó nhỏ con nhưng giọng rất khỏe. Dù bị ba em phạt nó cũng không kêu to đến thế. Rồi đột nhiên em nhớ ra cách nhà bốn dãy phố có một khu trại chó. Thỉnh thoảng ba chở ngang qua em vẫn thấy người ta nhốt lũ chó ở khu vườn phía sau, em nhìn chúng qua hàng rào mắt cáo rồi quay mặt đi.

– Lạy trời, em đã làm gì?

– Em tới đó, anh ạ. Tối lắm rồi, nhưng em biết phải đi trước lúc ba về. Em đi bộ qua mấy dãy phố, em nhớ là lúc đó mình bỗng không còn sợ bóng tối. Em chỉ muốn tìm Kéo vì em nghĩ nó đang đợi em như lúc chiều em đợi nó. Em đi vòng ra phía sau trại. Con đường đó vắng lắm, nó là đường tắt chỉ ít người biết. Họ đã đóng cửa, đèn đóm tắt tối om. Lũ chó nghe động nhưng lạ kỳ là chúng chớ hề sủa. Chỉ những tiếng rít rống riết trong cổ họng chúng. Em khẽ gọi tên Kéo nhưng không biết nó là con nào trong số chúng hay nó có ở đó hay không. Em bò quanh và lần tay dưới bờ rào mắt cáo, phát hiện một chỗ hổng lớn hơn bình thường. Chỉ lớn hơn chút xíu không đủ cho con nào chui lọt. Nền đất rất cứng. Em dùng hết sức bình sinh của một đứa trẻ bẻ cong một thanh thép lên. Trong bóng tối em thò tay túm được một con chó nom nhỏ nhất bầy, lập tức lôi nó ra. Em không biết mình đã làm thế nào nhưng em đã lôi được con chó ra sau một tiếng kêu vì cổ nó mắc kẹt.

– Và?

– Em ôm nó chạy về lại hướng nhà mình. Em không biết con chó trông ra sao, thuộc giống gì. Nó nhẹ hơn con Kéo một chút. Em vừa ôm nó chạy mãi trong đêm vừa khóc và tới một lúc nó trở nên nặng khủng khiếp nhưng em không thể buông nó xuống. Chúng em đều hoảng sợ, kiệt sức và hoàn toàn cô đơn giữa chốn ấy. Chỉ còn một con hẻm nữa là tới khu em ở thì em lả đi. Em ngất. Lúc đó tay em vẫn ôm con chó nhưng khi tỉnh lại trên giường nhà mình thì ba nói em được một người hàng xóm đi bộ khuya phát hiện nằm ngất trên đường một mình. Ông không truy hỏi thêm gì sau khi em nói đã để mất con Kéo.

– Em tin chuyện đó không?

– Chuyện gì hả anh? Tất cả đều đã xảy ra. Tiếng hét của Kéo. Tiếng rên xiết trong cổ họng của lũ chó sau hàng rào. Cơ thể nhỏ bé đầy lông mịn của con chó mà em kéo ra từ cái lỗ nhỏ xíu. Sức nặng của nó. Tiếng thở của chúng em. Em vẫn nhớ hết những thứ đó, vẫn nghe những âm thanh đó trong đầu. Em vẫn nghĩ mình đã cứu được nó và trả nó về với thế giới đẹp đẽ mà nó và con Kéo thuộc về. Rốt cuộc chẳng ai biết số phận của chúng.

– Em ơi sao em lại nghĩ chuyện này sẽ làm anh ghét em? Em đã làm hết sức theo bản năng một đứa trẻ.

Cô ghì chặt tay vào thái dương rồi vuốt hết tóc ra sau. Giờ tôi mới thấy mắt cô ướt đẫm.

– Chuyện em làm là sai. Ai đó bắt mất con Kéo của em và em bắt đi một con chó khác. Em muốn làm điều đúng, em tin mình đã làm đúng nhưng khi tỉnh dậy em không thấy chỗ nào có hậu cả. Kéo vẫn biến mất và con chó kia cũng thế. Và em, hoàn toàn đơn độc từ đó về sau.

Tôi rót cho cô một ly nước, bấy giờ ngồi sát bên cô, choàng tay ôm lấy cơ thể cô vào lòng. Chúng tôi không thường ôm nhau theo cách ấy nên tôi ngạc nhiên nhận ra cả người cô rất nhỏ bé. Tôi đã bị ấn tượng ban đầu về một cô gái rất khỏe, can đảm, giàu năng lượng và lương thiện đến kỳ quặc bủa lấp suốt từ dạo ấy. Hóa ra cô cũng là một người phụ nữ bình thường nặng không đến bốn lăm ký lô, một con người bình thường lớn lên từ những kỉ niệm vui lẫn những ký ức thương tâm. Một người từng cô độc như tất cả mọi người trên thế gian.

– Này em, để anh nhắc em nhớ. Em không cần phải cảm thấy cô độc nữa. Em có bạn bè, đồng nghiệp, và luôn có một người chồng. Chồng em vẫn sẵn lòng cùng em làm những điều phi thường và kỳ quặc như cái thằng thanh niên lông bông buổi đầu ấy. Và chuyện em làm với con chó kia, anh tin nó không còn nằm trong giới hạn đúng – sai nữa, nó là một điều mà khi ấy em thấy mình phải làm. Chúng ta không được lập trình bởi con số 0 và 1, không phải bài toán hình học với điểm A và B. Đến cơ thể chúng ta còn không đối xứng hoàn toàn. Em đã làm điều em phải làm. Anh không ghét em.

Và rồi đột nhiên dòng năng lượng của gã trai trẻ thơ ngây ngày ấy chạy dọc cơ thể tôi lần nữa, tôi nâng cô đứng dậy, khoác áo cho cô và cho mình, dúi vào tay cô mũ bảo hiểm và chìa khóa. Tôi làm những chuyện đó trong chưa tới năm phút trong khi vợ tôi một lần nữa đứng như trời trồng.

– Anh đang làm gì? Khoan, em đặt sai câu hỏi rồi, anh muốn làm gì?

– Chúng ta đi tìm xem có thể giải cứu bất kỳ con chó bất hạnh nào, được chứ?

– Đó là chuyện phải làm?

– Ngay lúc này, đúng vậy.

Cô không nói gì nữa, lẳng lặng leo lên xe và vòng tay ôm chặt tôi. Lúc cả hai ra khỏi căn hẻm hẹp, tôi nghe tiếng cô thì thầm sau lưng, cảm giác vừa quen vừa mới lạ.

– Anh có nghĩ mình đã bớt trẻ cho chuyện này không?

Trời đã tối lắm nhưng phố vẫn sáng đèn. Chúng tôi vừa ra tới đường lớn với hai ngã rẽ mở rộng trước tầm mắt. Tôi hít một luồng không khí đêm căng tràn buồng phổi, nói mà không quay lại.

– Chúng ta vừa đi vừa thử nghĩ về điều đó xem, được không em? Giờ thì em muốn rẽ trái hay phải?

– Bên phải. Cô đáp, giọng dứt khoát.

Chúng tôi rẽ phải. Con phố đêm mở đèn sáng choang, lấp lánh với hàng trăm con hẻm mà chúng tôi sắp sửa biết tên.

 Lương Khả Tú/Văn nghệ