Những kèo củi chữ A – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

619

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều xuống, đỉnh Bạc Má như có ai cầm cây chổi to quét vội những giọt nắng cuối ngày xuống chân dốc. Khói đá hay sương núi tỏa lên trắng nhờ nhờ bao trùm cả một vùng rừng núi vốn cố hữu gần như quanh năm là một màu xanh thẫm. Bức tranh thủy mặc được điểm những bông hoa Pơ Lang đo đỏ, cứ nhay nháy như những vì sao giữa bầu trời.

Nhà văn Võ Văn Trường 

Nhìn cảnh cứ liên tưởng vậy, còn trước mặt thầy giáo Thành Tâm bây giờ là những người đàn bà với gánh củi nối nhau xuống khúc cua con đường. Nếu có máy ảnh, đúng là những khoảnh khắc hiếm hoi… hơn tám năm gắn bó vùng cao này Thành Tâm cũng chỉ mới nhận ra cái dòng di chuyển độc đáo này.

Với người Dẻ Triêng, củi không chỉ đem bán mưu sinh mà nhiều phụ nữ đi củi còn để làm tài sản “sính lễ” hứa hôn. Khi đến tuổi biết yêu đương, các cô gái thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó để sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ.

Thành Tâm chợt nhớ một nhà thơ có bài thơ rất hay về những gánh củi của người dân vùng này anh gọi là “Những kèo củi chữ A”. Nó giống hệt chữ A. Hai đầu bó củi bó chụm lại, gốc choãi ra vững chải.

“… Những gánh củi như những chữ A/ Chữ đầu tiên ngày tôi đến lớp/ Té ngã đường trơn dọc đường phân bò phân trâu dính lá/ Bữa đói bữa no khoai sắn đỡ lòng/ Bạn bè lông nhông/ Dạt trôi mấy nẻo/ Có đứa nào sung sướng được nhiều đâu/ Có những ước mơ như những chiếc cầu/ Vắt qua bờ đất lở/ Chông chênh may rủi một đời” (Những kèo củi chữ A – Thơ Thái Bảo – Dương Đỳnh)

Có phải, hình ảnh làng quê núi non cố hữu bao đời, những người dân lam lũ, những buổi chiều nhá nhem sang tối, những con đường ngoằn ngoèo đất đá, những kèo củi, những người đàn bà… đã in sâu đậm vào tâm trí anh, khắc vào đấy những dấu lặng vô ngôn để rồi bất ngờ nó bật lên những lời thơ đầy trăn trở, hoài niệm.

Bản Lấp Loa, Mơ Hương là cô gái đẹp nhất vùng. Nước da trắng sứ, khuôn mặt trái xoan, hàm răng tăm tắp như bắp mùa vào hạt… mái tóc dài đen buông hờ hững ngang vòng eo thắt gọn nhưng tròn mẩy. Đã thế Mơ Hương lại là con gái Trưởng bản, tính tình dịu dàng, hòa nhã, với mọi người nên ai cũng quý mến.

Tuổi 15, Mơ Hương như vầng trăng của bản Lấp Loa, của núi rừng. Nhưng rồi ngày tháng tiếp theo cuộc đời Mơ Hương ông trời không cho bình lặng. Cái tin Mơ Hương có bầu cũng đã lan ra khắp bản. Già Mơ Xây trưởng bản là ba Mơ Hương phạt con gái rất nặng, ông trói con trong nhà cả mấy ngày, không cơm nước…nhưng rồi, cái gì đã xảy ra vẫn phải xảy ra.

Nghe Mế già cuối bản bảo cái nạn của bản đã dồn vào người con gái ấy. Giàng phạt Mơ Hương vì đã mạo phạm tắm ở suối Linh Lan trên đỉnh miễu ông Đụn Bà Che vào đúng ngày có việc của người đàn bà trinh trắng.

Theo Mế già, từ bản Lấp Loa nhìn lên đỉnh Bạc Má, đi qua cánh rừng nữa là suối Linh Lan. Dòng suối không biết từ đầu đổ về đây, chìm dưới những tán cổ thụ cả nghìn năm tuổi. Suối rẻ về bản bằng hai nhánh, giữa thế núi kiến tạo toàn loại đá mài, trơn nhẵn mọc đâu dưới lòng đất một khối đá y hệt cái của quý đàn ông, nhìn xa như bức tranh kiểu hòn trống mái… Từ tạo tác đó, người dân trong vùng đặt cho tên, “ông Đụn bà Che”– tức ông thì đụn lên, bà thì che lại. Bao năm rồi, con suối rất linh thiêng, con gái lên gội đầu thì tóc xanh, da trắng, con trai lên tắm, thì da dẻ hồng hào, đùi ngực phổng phao…

Một ngày nọ Mơ Hương đã lên suối Linh Lan… và thần suối đã bắt tội. Ngày Mơ Hương sinh nở cũng là ngày trưởng bản Lấp Loa Mơ Xây bỏ ra đi biệt tích.

Bỏ mặc tiếng đồn đoán dị nghị và sự xa lánh của dân làng với Mơ Hương, Thành Tâm – một giáo viên cắm bản, vẫn qua lại nhà Mơ Hương để chăm sóc hai mẹ con sản phụ.

Dạo ấy vào mùa lên nương, dân làng thức dậy rất sớm, từ khi có tiếng con hoẳng giữa thung tát lên mấy tiếng giữa khuya, đến khi tiếng con gà đầu bản cất tiếng gáy, đỉnh Bạc Má dần ăn hết ông trăng, thì nhà nhà sẵn sàng liềm hái, cuốc thuổng, lên rừng lên rẫy bắt đầu điệp khúc “cuốc, đốt, chọc, tỉa”… mãi tới khi đỉnh Bạc Má ăn hết ông mặt trời mới lại trở về. Nằm trên gường, căn nhà trưởng bản bên lối đi lên rừng của bản Lấp Loa, Mơ Hương nghe rõ âm thanh, tiếng nói cười nói… một ngày mới lên, nhưng không sao gượng dậy được.

– Đặt tay lên trán đứa bé, đúng là nó hâm hấp sốt. Mơ Hương tắt sữa không có cái cho bú nên nó cứ ngằn ngặt khóc… cả mấy ngày trời.

– Lúc mặt trời quá đòn gánh, thì Thành Tâm đến. Người mẹ đã thiếp đi vì mệt. Đứa bé oặt ẹo úp mặt vào ngực mẹ lặng thinh không một tiếng động. Có lẽ vì đói. Tâm xuống bếp nhóm lửa bỏ gạo vào nồi, canh lửa đến khi cháo chín múc vào tô lay Mơ Hương dậy rồi mới lại đi vào rừng. Anh nhớ mang máng, Mế già từng mách cho anh những vị thuốc từ cây lá ở nơi đây, trong đó có cây chè vằng giúp người phụ nữ khi sinh không bị mất sữa.

Chè vằng cây thân leo, mọc sâu ở trong rừng, đặc biệt là vùng núi này có hai loại chè vằng: loại lá to thì gọi là chè vằng trâu và loại lá nhỏ gọi là vằng sẻ. Loại lá nhỏ thì uống thơm và ngon hơn. Sau khi lấy về Tâm rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô rồi sắc nước cho Mơ Hương. Theo lời Mế già, uống chè vằng sẻ càng đặc thì sữa càng nhiều.

Việc xong đâu vào đấy, Thành Tâm lại tất tả lấy xe máy về xuôi mua mấy cái giò heo… lụi bụi công việc như người chồng có vợ mới sinh. Có đồng nghiệp đùa anh, anh chỉ lại ừ à cho qua chuyện, bởi đầu óc anh là căn lều, là Mơ Hương là đứa trẻ mà cả bản bảo Giàng đang phạt.

Giò heo đã có, Thành Tâm quay xe về môt cách hập tấp, khi đến con đường mòn thì anh nghe người nhẹ hẫng, khi thấy những bóng người trong bản vào ra thăm hỏi hai mẹ con Mơ Hương. Từ xa họ quan sát khi biết thầy giáo Thành Tâm qua lại giúp đỡ mẹ con Mơ Hương mà không bị Giàng quở phạt. Họ lại cùng thầy giáo giúp đỡ Mơ Hương.

Đêm về, trong giấc ngủ Thành Tâm lại mơ về những đường nét hút hồn của cô gái Dẻ Triêng. Dù mới qua kỳ sinh nở được hơn tháng, nhưng cái nhan sắc trời cho cứ lồ lộ ra ngoài, mỗi lần đến, đôi mắt ấy lại càng như hút hồn Thành Tâm hơn. Thành Tâm choàng tỉnh giấc.

– Đứa bé ấy có là con của mình không nhỉ.

Thành Tâm lại nhớ về một đêm trăng sáng, núi đồi như lồng lộng, hương ngát ra từ làn tóc ấy phả vào mũi anh, mê dại. Thành Tâm nhủ lòng, Mơ Hương vẫn còn là cô gái chưa đến tuổi vị thành niên.

Bàn tay ngà ngọc như những nhánh thiên thần ấy gì đầu anh vào ngực, trăng non nõn nà… tất cả như một cơn mê. Rồi cả Thành Tâm và Mơ Hương lên suối Linh Lan, rồi Giàng bắt phạt…

Thành Tâm chỉ còn biết giấu kín trong lòng bởi có đặt câu hỏi với Mơ Hương, cô cũng sẽ không trả lời được. Ngoài Thành Tâm còn có bao chàng trai từng ngả đầu vào khuôn ngực trăng non của Mơ Hương cơ chứ.

Cuối năm ấy, thầy giáo Thành Tâm về xuôi, mang theo bao tâm trạng vui buồn, đau đáu trong lòng anh về tất cả những gì đã xảy ra nơi bản Lấp Loa. Cuộc sống mới nơi phố thị, từ vai trò thầy giáo chuyên môn trở thành một hiệu phó, rồi hiệu trưởng một trường học có uy tín ở xuôi đã chiếm hết thời gian và cả suy tư phía núi của Thành Tâm. Hay nói cách khác, đố ai biết Thành Tâm nghĩ gì, ngoài công việc của một giáo viên quản lý có năng lực, sống tình cảm nên rất được đồng nghiệp và học trò yêu mến.

Lại nói về bản Lấp Loa, sau khi Thành Tâm đi thời gian ngắn, Suối linh Lan được quy hoạch thành một thủy điện bậc thang của vùng. Lấp Loa bước vào thời kỳ hưng thịnh của vùng công trình. Một kỹ sư tên Tính dưới xuôi lên đã đem lòng yêu Mơ Hương, bất chấp Mơ Hương đã một lần lầm lỡ. Khi công trình hoàn thành Tính lại đi theo một công trình mới. Chuyện cứ y như, tuồng tích về xuất xứ một bài hát về người con trai đi xây những chiếc cầu. Cầu bắt qua sông xong thì người ra đi, chỉ còn cây cầy yêu đương hạnh phúc là gãy đổ.

Ngước mắt, nhìn lên đỉnh Bạc Má những bậc thang nước trắng xóa trên cao, những chiều Mơ Hương lại ra hàng hiên đứng ngóng, nhưng lâu rồi vẫn chưa có người đàn ông nào trở về. Ba mùa rẫy đi qua, hoa mua, hoa sim nở tím ngát, hoa xoan bung trắng nõn bay bay, hoa mười giờ đỏ tươi, hoa lan về đêm thoang thoảng… Mơ Hương vẫn chưa nhận lời lấy ai dù đã có những người đàn ông đánh tiếng cưới nàng làm vợ.

Vùng rừng núi xưa giờ cũng khác nhiều. Rộn rịp hơn, đông đúc hơn, hàng quán cũng nhiều hơn. Có lẽ phục vụ số đông lao động tứ xứ về đây không chỉ làm công trình mà nhiều người về đây nghe đâu họ đi tìm gỗ quý, tìm trầm, tìm vàng, thi công tuyến giao thông sẽ đi ngang qua bản Lấp Loa…

Chiều về quán rượu nhỏ bên chân núi bản Lấp Loa đông đúc hơn. Thành Tâm nghe ai đó gọi tên mình. Rồi họ cùng nhau uống rượu.

– Sao anh biết tôi. Mơ Hương kể về anh, mới nhìn tôi cứ ngờ ngợ, phải đúng thầy giáo Thành Tâm không.

Không biết sao lúc đó Thành Tâm lặng lẽ gục đầu.

– Thế anh là Tính.

– Vâng. Mới gặp lần đầu mà cứ y như họ đã biết nhau từ lâu lắm.

– Tâm thông cảm mình đi đây đó, thương Mơ Hương thì có thật nhưng biết làm sao. Cứ theo công trình nay đây mai đó…

Có khác gì mình đâu, lại là hoàn cảnh. Lẽ nào mình cũng là thằng đàn ông như vậy. Một dòng suy nghĩ, làm Thành Tâm chợt thấy xấu hổ với chính mình. Im lặng, không ai nói gì, cả hai cùng như theo đuổi những suy nghĩ riêng.

Trở lại Lấp Loa lần này với Thành Tâm cũng không hoàn toàn chủ ý tìm gặp lại mẹ con Mơ Hương. Trước ngày đi, chiều đó anh chỉ bảo đồng nghiệp văn phòng. Mai tôi đi tỉnh công việc chỗ Sở. Mấy thầy cô trong ban giám hiệu có hỏi, cô báo giúp tôi. Xe đến ngã rẻ, không biết sao, Tâm không đánh lái theo đường về tỉnh mà bẻ ngoặc lên tuyến ĐT huyện lộ rồi về Lấp Loa.

*

Nhìn những người đàn bà rời núi, những gánh củi chữ A cứ xếp hàng đi qua, chợt Thành Tâm bỏ ly rượu chạy ra, đón đỡ một phụ nữ trượt chân xuống dốc. Chưa kịp ngước mặt lên, Thành Tâm nghe giọng nói thật quen thuộc như từ dưới lòng đất vọng lên.

– Anh Tâm đấy ư. ..

– Mẹ con em vẫn chờ anh mãi!

Thế rồi, họ riết ríu lấy nhau, để những chữ A khuất dần chỉ còn lại là con dốc bàng bạc ánh trăng phủ lên ký ức núi đồi, làng bản…

Tay trong tay, má kề má, môi kề môi mà cứ ngỡ một giấc mơ đâu đó không có thật trên đời. Giấc mơ bên những kèo củi chữ A. Thành Tâm như nghe đâu đó những câu thơ cứ vang vang trong đầu. Có những ước mơ như những chiếc cầu/ Vắt qua bờ đất lở/Chông chênh may rủi một đời.

Tam Kỳ đêm 15.6.2020

V.V.T

* Tên truyện ngắn được lấy từ tên tập thơ của nhà thơ Thái Bảo – Dương Đỳnh