Trầm Thanh Tuấn
(Vanchuongphuongnam.vn) – Bước vào thế giới nghệ thuật của Văn Triều, người đọc dễ dàng nhận ra một miền quê trong kí ức bộc lộ ngay từ nhan đề bài thơ: Nhớ dấu chân trâu, Xóm cũ, Cánh đồng thương nhớ, Tuổi thơ tôi, Tiếng gà tuổi thơ, Tôi về bên sông, Quê cũ, Tôi về chốn cũ… Những tiêu đề ấy đã mở ra một miền kí ức quê luôn nằm sâu trong tâm tư của anh, một người con nặng lòng với những kỉ niệm đẹp thời thơ dại nhọc nhằn.
Nhà thơ Văn Triều
Tôi đến với thơ văn Triều khá muộn, mãi đến năm 2014, khi tôi được anh tặng tập Tôi về bên sông. Dẫu biết ngày trước, anh đã bộc lộ tư duy thơ độc đáo qua những sáng tác đăng tải trên tạp chí Văn nghệ Trà Vinh từ những năm vừa mới tái lập tỉnh.
Bẵng đi một thời gian chiêm nghiệm để ngày trở lại, bằng những cảm xúc đã chất chứa trong khoảng thời gian dài, anh cho ra đời liên tục hai tập thơ có giá trị, tập Tôi về bên sông (2014) và Người đàn bà đi lạc (2015)
Bước vào thế giới nghệ thuật của Văn Triều, người đọc dễ dàng nhận ra một miền quê trong kí ức bộc lộ ngay từ nhan đề bài thơ: Nhớ dấu chân trâu, Xóm cũ, Cánh đồng thương nhớ, Tuổi thơ tôi, Tiếng gà tuổi thơ, Tôi về bên sông, Quê cũ, Tôi về chốn cũ… Những tiêu đề ấy đã mở ra một miền kí ức quê luôn nằm sâu trong tâm tư của anh, một người con nặng lòng với những kỉ niệm đẹp thời thơ dại nhọc nhằn.
Có thể nói kí ức quê trong tâm tư của Văn Triều đong đầy cảm xúc về người mẹ. Những câu thơ cháy lòng như “Tuổi thơ tôi là lời ru khản tiếng của mẹ” luôn để lại trong lòng người đọc những dư ba sâu lắng.
Người mẹ trong thơ Văn Triều gắn với nỗi cơ cực ruộng đồng, những bươn chải lo toan cho bầy con thơ dại: “Mẹ đối diện với đất nhọc nhằn chôn vào cánh đồng trăm ngàn dấu chân nhỏ nhoi, nứt nẻ””. Tôi đã cất công xác thực sự xuất hiện hình ảnh người mẹ trong thơ anh. Kết quả: trong tập Tôi về bên sông có đến 17 bài thơ; trong tập Người đàn bà đi lạc là 12 bài có nhắc đến mẹ. Một sự trở đi trở lại có ý thức, một tiếng vọng của những nỗi niềm đầy day dứt trăn trở của người con xa quê, xa mẹ.
Hình tượng người mẹ là một hình tượng lớn trong thơ Văn Triều. Tác giả khai thác hình ảnh người mẹ quê với rất nhiều cung bậc cảm xúc, cảm nhận vẻ đẹp của người mẹ ở nhiều góc độ. Lẽ tất nhiên với văn chương cổ kim đông tây, người mẹ luôn là một hình tượng lớn. Để có thể tìm được những nét mới quả thực không phải là điều dễ dàng gì. Tuy nhiên, với Văn Triều, tôi cả quyết rằng, hình tượng người mẹ trong thơ anh sẽ có những đóng góp mới mẻ qua những câu thơ giàu hình ảnh
– Nhìn hoa sậy mà thương tóc mẹ (Tôi về bên sông)
– Mẹ già mong manh như vạt nắng cuối ngày (Thơ viết ngày bệnh)
– Mẹ tôi như thân cây khẳng khiu
không đủ sức đàn hồi,
ngã rạp
(Có một giấc mơ)
– Tôi chợt bàng hoàng nhận ra mẹ đã già
Như trái cau tầm vung trước ngõ
(Cánh đồng thương nhớ)
Kí ức quê trong thơ anh còn là những gì đặc trưng nhất của miền quê mà anh đã từng gắn bó cả một khoảng trời tuổi thơ lam lũ. Đó là cánh đồng quê đằm sâu trong kí ức của anh để “Tôi nhớ cánh đồng như nhớ mẹ tôi” (Cánh đồng thương nhớ). Cánh đồng gắn bó với tuổi thơ anh là cánh đồng “Đất phèn cháy vàng những bàn tay lam lũ”. Tôi đã vô cùng hào hứng với câu thơ độc đáo của anh Giấc ngủ xa quê tôi như con ốc đeo hờ gốc rạ (Cánh đồng thương nhớ). Với anh, nỗi đau lớn, nỗi đau âm ỉ khôn nguôi phải chăng đó là cuộc sống bươn chải đã khiến anh phải rời khỏi vùng đất mà anh đã từng gắn bó. Từ đó mới thấy, anh yêu quý quê hương biết chừng nào.
Ra chợ gặp một mớ hoa điên điển anh cũng ngậm ngùi, như gặp lại một cố nhân
Chiều nay
Nơi đất khách quê người
Bất chợt gặp em
Bán hồng nhan giữa chợ
(Bông điên điển)
Kí ức quê trong thơ Văn Triều vô cùng phong phú. Đó là tiếng gọi đò bên sông, đó, đó là tiếng cuốc kêu khắc khoải (mà anh gọi là con Quốc). Kí ức quê còn là những năm tháng tuổi thơ của anh gắn với những trò chơi con trẻ “Tuổi thơ tôi là căn chòi cạnh gốc đủng đỉnh cuối vườn”, là trò chơi trốn tìm, là đám cưới giả để rồi thành một nỗi đau khôn nguôi cho cuộc tình thời thơ dại. Tôi thích hình ảnh cây đủng đỉnh kết nối quá khứ và hiện tại, tôi tự thấy tuổi thơ mình ở đây.
Trong một miền xưa xa của nỗi nhớ trong anh, độc giả còn đong đếm được biết bao nhiêu cảm xúc khi anh về Xóm cũ. Đó là những ám ảnh về những “con nước leo bờ” khiến cho “Hột lúa lừng nhợt nhạt – Bữa cơm thất mùa lạt ệu nước sông sâu” (Xóm cũ). Đó là Tiếng gà tuổi thơ để anh tự chất vấn mình “Tôi mắc nợ tiếng gà, gà có đòi đâu – Nhưng suốt đời tôi không trả nổi”.
Anh đã viết những vần thơ đầy ân tình về hạt gạo dòng sông, những gì thân thuộc nhất nuôi lớn tâm hồn anh:
Và đã bao hừng đông
Mẹ tôi nhóm bếp
Hạt gạo đồng khô, nước sông Bát Sắt
Âm thầm thành máu trong tôi
(Lửa)
Đọc bài thơ Màu hoa đỏ, tôi có cảm giác như Văn Triều đang “tổng hợp” tất cả những kí ức quê trong miền thẳm sâu trong anh. Đó là bếp lửa hồng của mẹ, từ nồi cơm trắng gắn với cánh cò trên mảnh đất phèn chua cơ cực. Đó còn là bến sông quê với bên bồi bên lở và “Nắng vãi bờ sông, con trâu về nghé ngọ”. Tất cả hiện lên thật sống động, thật trong lành nhưng cũng chất chứa bao niềm day dứt khắc khoải trong anh.
Trên dòng suy tư về nỗi nhớ quê trong thơ anh, trí tôi đã neo thật lâu ở bài thơ Tiếng nấc.
Đêm mưa ngập vườn
Tiếng ễnh ương trôi lênh đênh vào lòng tôi
Cư trú.
Gà gáy tàn canh
Tôi ngồi dỗ dành tiếng nấc
Như tiếng trẻ thơ
Ai hiểu được lời ễnh ương khắc khoải tiếng
rao buồn.
Đêm mưa dầm, nước ngập
Tiếng ễnh ương như những linh hồn đi gõ cửa.
Mưa tạnh
Nước rút
Tiếng ễnh ương còn mắc cạn giữa lòng người.
Bài thơ với mã nghệ thuật quan trọng “Tiếng ễnh ương”, bài thơ không nói gì đến nỗi lòng nhớ quê nhưng người đọc vẫn nhận ra sự đong đầy cảm xúc tư hương trong từng dòng thơ qua hình tượng tiếng ễnh ương khắc khoải. Phải những con người đã từng sống nơi thôn quê mới hiểu được tiếng ễnh ương kêu vào những đêm mưa là thứ âm thanh đặc trưng kéo tâm tư con người đắm chìm vào thứ không gian buồn của những đêm mưa dưới mái lá nghèo nhưng đong đầy tình cảm. Bài thơ đã gây trong tôi sự xúc động sâu xa.
Không gian quê trở đi trở lại trong cảm xúc của anh còn là những cánh đồng quê với “Đất phèn cháy vàng”, “cánh đồng quê mằn mặn hăng hăng”, “Ngoài kia là cánh đồng cằn khô cưu mang mùa vụ”, “giọt sữa bắt dầu từ thớ đất phèn chua”. Anh viết nhiều về cánh đồng tuổi thơ với bao nhọc nhằn gian khó, với người mẹ nghèo đã chắt chiu từng giọt sữa mát lành nuôi anh lớn khôn chính trên cánh đồng chua phèn cằn khô ấy. Để anh có hẳn một bài thơ luận về Đất với những hình ảnh thơ độc đáo
Đất của cánh đồng mùa khô như manh áo rách
Nứt nẻ từng vùng thịt da.
(Đất)
Tôi đã từng ao ước mình có được một khung trời tuổi thơ thật trọn vẹn với rơm rạ, lạch sông, đồng bưng, gió lộng. Nếu với tôi đó là cả một niềm ước ao thì với anh đó là sự trọn vẹn của những kỉ niệm của thời tuổi dại. Trong kí ức quê của anh, người đọc như được trở lại với tuổi thơ mình. Sống động, tinh khôi! Hãy đọc bài thơ Quê cũ của anh để cảm nhận thật trọn vẹn những đêm mưa tiếng ếch hòa vào tiếng đọc bài của trẻ, mùi hương chuối chín, ánh trăng quê, tiếng chó tru, hoa lục bình và cả những ngày rằm anh cùng bạn bè đi bắt cá bống dừa trong bẹ lá.
Tôi xin phép được kết lại bài viết nhỏ này bằng câu thơ của anh “Ba vẫn nghe một vùng kí ức còn đau” (Bài thơ đầu cho con). Nỗi đau ấy phải chăng chính là những day dứt không nguôi khi người con bị “bứng” khỏi ruộng đồng làng quê vì kế mưu sinh với những nhọc nhằn cơm áo gạo tiền? Và cũng phải chăng vì thế mà thơ Văn Triều lại đong đầy cảm xúc?
Tân Hiệp, những ngày đầu năm 2017
T.T.T