Những mầm cây đợi nắng

92

Bước chân ra khỏi phòng hiệu trưởng, Quỳnh đã suýt khóc. Quỳnh ngăn dòng nước mắt chực trào ra khi chợt nhớ rằng mình đang ở trong sân trường và có bao nhiêu cặp mắt học trò đang nhìn.

Khi bước vào lớp, Quỳnh đã muốn bùng nổ, muốn xách tai cậu học trò tai quái luôn làm trò nghịch dại để Quỳnh phải chịu bao nhiêu lời phàn nàn của thầy cô bộ môn và bây giờ là thầy hiệu trưởng. Với cái giọng thật chậm rãi nhưng từng lời sắc như mũi dao, thầy nói Quỳnh thiếu năng lực quản lý lớp, phải có biện pháp chứ không kiểu này sẽ kéo thành tích của cả trường xuống. Quỳnh nén tiếng thở dài, cô không biết phải làm gì với Lĩnh nữa. Ngay ngày hôm qua, Lĩnh đã đặt một con gián lên bàn giáo viên khiến cô dạy Toán đã hoảng hốt rồi giận dữ đến mức nghỉ dạy. Còn Lĩnh, khi Quỳnh hỏi chỉ đáp lại một câu hết sức đơn giản: “Chỉ là con gián bé tẹo thôi mà cô!”.

Lĩnh giấu sổ đầu bài. Lĩnh thụi vào bụng một bạn trong lớp. Lĩnh xé bài kiểm tra. Lĩnh bỏ học. Lĩnh leo lên bẻ mấy nhánh cây trong sân trường. Lĩnh cãi nhem nhẻm thầy cô giáo. Ngày nào cũng là Lĩnh, tuần nào cũng là Lĩnh! Quỳnh đã dùng nhiều cách. Nặng có nhẹ có, cả khuyên răn, thỏ thẻ bên tai mà cậu học trò tai quái ấy không hề thay đổi. Thật lạ lùng, Quỳnh có cảm giác Lĩnh thích bị phạt. Có lần bị bêu tên đứng trước cờ, Lĩnh bước lên hiên ngang cứ như thể sắp nhận một phần thưởng to lớn vậy. Lần khác, cô giáo tiếng Anh phạt Lĩnh ra đứng trước cửa lớp vì không học bài cũ. Lĩnh “dạ” một tiếng rõ to rồi ba chân bốn cẳng đi ra, tới gần cửa Lĩnh quay đầu vào nhe răng cười với tụi bạn trong lớp ra vẻ rất vui. Quỳnh phải làm gì với Lĩnh đây? Ra trường hai năm, kinh nghiệm còn non nớt. Cái hăm hở xông pha của cô giáo lần đầu làm chủ nhiệm gặp phải cậu học trò cá biệt như Lĩnh chợt ỉu xìu như cái bánh đa nhúng nước.

*

Buổi chiều, Quỳnh lái xe máy qua cánh đồng, men theo bờ sông tìm nhà Lĩnh. Ven đường, cỏ may xơ xác. Từng cơn gió lạnh thổi u u bên tai làm Quỳnh thấy lạnh. Trời đã chớm đông, lá của hàng cây mọc ven sông đã ngả sang vàng. Đã đôi ba lần, Quỳnh lật sổ liên lạc, gọi điện cho phụ huynh Lĩnh theo số điện thoại ghi trên đó. Sau khi nghe Quỳnh phàn nàn về chuyện Lĩnh quậy phá, đầu dây bên kia lạnh lùng “cô muốn đánh, muốn phạt gì nó cũng được”, rồi cúp máy cái rụp. Bao nhiêu lần Quỳnh hoài nghi, sao cha mẹ lại có thể vô tâm, sao nhãng với chuyện học hành của con cái đến như vậy? Hôm nay, Quỳnh phải đến tận nhà, phải nói chuyện trực tiếp với cha mẹ Lĩnh.

Cái sân đất đầy rác, lục tục tiếng gà. Con chó nằm thiu thiu ngủ chợt sủa váng lên khi thấy người lạ. Quỳnh cất tiếng gọi vài ba lần vẫn không thấy ai thưa. Trong nhà im ỉm, cái cửa gỗ cũ mèm chỉ khép hờ chứ không khóa. Không có ai ở nhà, Quỳnh ngồi lên yên xe máy chờ đợi. Con chó sau một hồi sủa váng, thấy Quỳnh ngồi im nó gầm ghè phát ra từng tiếng trong cổ họng rồi lại làm biếng nằm xuống sân, đôi mắt vẫn không rời khỏi Quỳnh. Phải mất nửa tiếng sau mới có người về nhà. Người đàn bà đưa đôi mắt hoài nghi, quét một lượt từ đầu tới chân Quỳnh. Khi biết cô giáo chủ nhiệm của Lĩnh, nhanh như cắt, mặt bà đanh lại: “Ôi giời, thứ mất dạy đó tôi đánh biết bao nhiêu lần mà nó có chừa đâu. Cô nói với tôi cũng bằng thừa”. Rồi bà ta vơ vội cái chổi rễ dựng ở góc sân, vừa quét mớ rác rưởi vừa la om sòm mấy con gà, con vịt kéo vào sân phóng uế. Quỳnh đứng ở góc sân, tần ngần. Ngay lúc đó, Quỳnh đã muốn giật lấy cái chổi trong tay bà, nói với bà rằng hãy có trách nhiệm với con của mình. Bà vứt mạnh cái chổi vào góc sân khi quét xong, thấy Quỳnh còn đứng đó bà buông thêm một câu: “Cô yên tâm, lát nữa nó về tôi nện cho một trận”.

Thấy bà ta quầy quả vào nhà, lăng xăng dọn hết cái này đến cái kia Quỳnh biết chẳng thể nói chuyện tiếp nên quay xe về. Lòng Quỳnh hỗn độn như mấy cụm mây đen trên bầu trời. Lòng Quỳnh trào lên niềm thương cảm với cậu học trò nhỏ. Có đứa trẻ nào ngoan được khi sống với một người mẹ như thế? Dòng suy nghĩ miên man khiến Quỳnh suýt đâm vào một cậu nhóc đang vác một bao gì to tướng trên lưng. Cái bao nặng, khiến mặt cậu nhóc cứ cúi gầm xuống đất. Khi cậu nhóc ngẩng mặt lên, Quỳnh kêu lên: “Trời đất, Lĩnh, em đi đâu đây?”. Lĩnh há mồm khi thấy cô giáo, thả cái bao nặng trịch xuống đất rồi ngượng nghịu trả lời: “Em đi cắt khoai nước cho heo cô ạ”. Rồi Lĩnh lí nhí hỏi: “Có phải cô đến nhà em không?”.

*

Hôm sau Lĩnh nghỉ học. Quỳnh sốt ruột nhìn cái bàn Lĩnh ngồi trống huơ. Hôm sau Lĩnh cũng không đến lớp. Quỳnh nghĩ bụng nếu Lĩnh vắng ba buổi học liên tiếp thì sẽ đến nhà tìm Lĩnh. Đến hôm thứ ba, Quỳnh thở phào khi thấy Lĩnh xuất hiện. Khác với ngày thường, Lĩnh lặng lẽ ngồi vào bàn học mà không chạy vù ra sân như mọi hôm, còn kéo cái nón trên đầu che gần kín đôi mắt. Vào tiết văn, Quỳnh yêu cầu Lĩnh bỏ nón ra, trong lớp mà đội nón như thế thì trông chẳng ra sao. Lĩnh nói, kệ em đi cô. Cơn giận dữ bùng lên, Quỳnh đi xuống, nhanh như cắt đưa tay gỡ cái nón của Lĩnh ra. Và Quỳnh suýt kêu lên. Đầu tóc Lĩnh bị cắt nham nhở, có mảng lòi cả da đầu. Rồi cả một vết thương dài, máu bết lại đã kéo thành màu nâu sẫm. Học sinh trong lớp xì xào. Ngay lập tức, Quỳnh đội lại cái nón cho Lĩnh và kéo em ra ngoài hỏi chuyện.

Lĩnh kể, sau khi cô giáo tìm đến nhà thì tối đó Lĩnh bị đánh, bị cắt tóc. Lĩnh vừa bị đánh vừa bị gọi là thằng mất dạy, thằng báo đời, thằng chuyên làm khổ đời người khác. Một nhát kéo lỡ chạm vào đầu làm Lĩnh chảy máu. Quỳnh run bần bật vì tức giận: “Sao mẹ em lại quá đáng đến như thế?”. Lĩnh đưa đôi mắt buồn thiu nhìn Quỳnh: “Đó đâu phải là mẹ em. Mẹ em chết rồi! Ba em lấy vợ khác. Nhà em nghèo, ba em đi làm xa lắm. Nghe nói phải ngồi xe đò một ngày một đêm mới tới nơi đó cô!”.

Lòng Quỳnh xao xác như cây bàng đang rụng lá lả tả trong sân. Quỳnh dẫn Lĩnh vào phòng y tế, nhờ cô y tá kiểm tra vết thương. May mắn là Lĩnh chỉ bị xây xước ngoài da. Quỳnh lấy bông gòn, thấm nước muối sinh lý, lau nhẹ lên vết thương. Ngoài vết thương trên đầu, sau cổ Lĩnh còn có mấy vết bầm tím. Mặt Lĩnh tỉnh bơ, nói em bị đánh riết quen rồi, ba cái vết thương nhẹ hều á mà. Rồi Lĩnh ngước lên nhìn Quỳnh, chưa bao giờ Quỳnh thấy đôi mắt cậu học trò tinh nghịch hiền đến như thế: “Cô này. Mẹ em cũng tên Quỳnh đó. Với lại, mẹ em cũng hay mặc đồ mầu tím giống cô”. Có cái gì như nghẹn lại trong lòng Quỳnh.

*

Những cơn mưa kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Đất trời u ám khiến lòng người cũng chùng lại. Lĩnh đã không còn bị mẹ kế đánh nữa. Ngay chiều hôm đó Quỳnh đã tới nhà, nói với người đàn bà rằng, Quỳnh sẽ viết đơn gửi chính quyền tố bà bạo hành trẻ em nếu tiếp tục đánh Lĩnh. Người đàn bà đưa chổi, vụt vào đám gà trong sân định xổ một tràng chửi rủa nhưng khi thấy sắc mặt nghiêm túc của cô giáo, bà đã im lặng.

Quỳnh đã từng nghĩ rằng, chỉ có người lớn mới cô đơn thôi nhưng Quỳnh đã lầm. Có những đứa trẻ cô đơn vô cùng tận! Đó là một buổi chiều, khi Quỳnh lôi chai dầu bôi vào cái cổ khàn đặc vì viêm họng của Lĩnh thì đột nhiên Lĩnh nói: “Từ hồi mẹ em chết, chưa có ai bôi dầu cho em cả”. Quỳnh nghe sống mũi cay cay, rồi quay mặt bảo dầu này sao cay quá làm cô chảy cả nước mắt.

Lĩnh kể, dì Hoa nói với Lĩnh nếu Lĩnh bị đuổi học thì khăn gói vào nam đi làm với ba, học làm gì cho tốn cơm tốn của. Đó là lý do Lĩnh bày vô số trò để gây rối, phá phách cho mau bị đuổi học. Lĩnh nói, em cũng chẳng biết miền Nam là ở chỗ nào nhưng ít ra trong đó có ba em. Quỳnh lục giỏ xách, trong đó có mấy liều thuốc cảm bảo Lĩnh uống đi, từ nay ở đây còn có cô nữa, dại dột bỏ học sớm đi làm thì sau này cực lắm, vả chăng mới lớp 8, người nhỏ xíu, chẳng ai người ta nhận đâu.

*

Cô dạy Toán môn trong giờ giải lao đã hỏi Quỳnh phạt cách nào mà Lĩnh thay đổi nhanh như thế? Lĩnh như biến thành một con người khác hẳn. Quỳnh nói, không phải Lĩnh thay đổi đâu mà vốn dĩ xưa nay mình nhìn nhận không đúng về Lĩnh. Chẳng có đứa học trò nào hư đến nỗi không thể dạy nổi cả. Có những đứa trẻ xù xì, thô ráp nhưng cô đơn vô cùng. Cô dạy Toán đăm chiêu bảo Quỳnh dạy văn nên nói toàn những điều khó hiểu quá!

Một buổi chiều nhập nhoạng, Lĩnh đạp xe tìm đến nhà Quỳnh để trả mấy cuốn sách tham khảo và một cuốn truyện. Lúc đó Quỳnh đang lui cui nấu bữa cơm chiều. Nồi cá đồng kho với lá nghệ liu riu trên bếp. Lĩnh căng mũi hít hà nói y chang mùi cá kho mẹ em nấu ngày xưa. Quỳnh cười, đói bụng thì ở lại ăn cơm với cô.

Chiều đó, căn bếp nhà Quỳnh rộn tiếng cười nói của Lĩnh. Khi bữa cơm dọn lên, Lĩnh thắc mắc tại sao chỉ có hai cái chén, nhà cô không còn ai nữa sao? Quỳnh ngậm ngùi: “Mẹ cô cũng như mẹ em, cũng thành mây trắng bay xa lắc xa lơ rồi đó. Người lớn hay con nít cũng đều như nhau trong nỗi mồ côi”. Thấy mặt Lĩnh buồn thiu như sắp khóc, Quỳnh gắp vào chén Lĩnh con cá rồi bảo: “Nhưng nhờ có Lĩnh mà cô hết cô đơn rồi nè!”.

Theo Nguyễn Thị Như Hiền/ Báo Thời Nay