Những mảnh ghép nỗi niềm phụ nữ

227

Sau tập truyện ngắn “Ranh giới” (NXB Phụ nữ, 2018), cô gái miền cao nguyên đá Hà Giang Trần Mỹ Thương vừa xuất bản cuốn sách “Cửa sinh cửa tử” (NXB Hội Nhà văn, 2023).

“Cửa sinh cửa tử” gồm 12 truyện ngắn tái hiện một xã hội thu nhỏ, với nhân vật chủ đạo là những người phụ nữ trong thời hiện đại đang lo lắng vun vén, chăm sóc cho gia đình. Những người phụ nữ được khắc họa toát lên vẻ đẹp, tính cách, cảm xúc bình dị như trong cuộc sống thường nhật. Với hoàn cảnh sống khác nhau, với cảm xúc của yêu thương, hờn giận, ghen tuông… Và những khó khăn khi đối mặt với nghịch cảnh, sóng gió, bão giông cuộc đời.

Bằng những ngôn từ giàu cảm xúc, Trần Mỹ Thương khiến độc giả cảm thấu nỗi đau thẳm sâu của nhân vật qua những lát cắt cuộc sống. Đó là nỗi niềm day dứt xót xa trong sự chia ly của tình yêu; sự tan vỡ trong cuộc sống hôn nhân, gia đình khi giữa hai người từng “chung chăn sẻ gối” không tìm được tiếng nói chung (Căn nhà của bố); những lo lắng của Thường (Trong những ngày dịch) khi phải đối mặt với sự cô đơn khi chồng vào miền nam chống dịch. Hay đó là những dằn vặt nội tâm của Ngọc (Tìm An) khi chồng mình là Chiến nghiện ma túy đá… Phía sau mỗi nhân vật phụ nữ trong “Cửa sinh cửa tử”, chúng ta sẽ gặp những người đàn ông được tác giả xây dựng bằng tính cách khác nhau: người quan tâm – kẻ vô tâm, người ấm áp – kẻ lạnh lùng, người lãng mạn – kẻ khô khan, người nắm lấy – kẻ buông bỏ… Nhưng chính sự đối lập ấy tạo nên cho từng truyện ngắn những nút thắt éo le giữa các mối quan hệ xã hội của đàn ông và phụ nữ.

Và câu chuyện được Trần Mỹ Thương đặt làm tựa đề cho tập truyện ngắn “Cửa sinh cửa tử” như điểm nhấn để độc giả thấu hiểu nỗi vất vả, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ khi trải qua cuộc “vượt cạn”. Trong lòng họ biết rằng, để thực hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng sẽ phải chịu đựng muôn ngàn khó khăn, đau đớn. Nhưng Hạnh (đại diện cho những người phụ nữ) vẫn vì gia đình, vì người đàn ông mình yêu thương mà chấp nhận bước vào lằn ranh giới sinh tử, để vượt qua bằng nghị lực của mình.

Bằng lối dẫn dắt tự nhiên từ những mảnh ghép tưởng chừng vụn vặt, nhỏ bé của người phụ nữ, độc giả như được chứng kiến nỗi đắng cay, sợi dây áp lực cứ dần siết lấy, kéo người phụ nữ về phía ranh giới sinh tử để chị một mình ngụp lặn, vật lộn trong cuộc trầm cảm sau sinh. Nhưng rồi chính nỗi đau của họ đã được dịu xoa bằng thứ tình cảm thiêng liêng mà con người dành cho nhau.

Kiều Xuân Quỳnh/ Báo Thời Nay