Những mảnh vỡ của tấm gương

594

Bản dịch của Trương Văn Dân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi kéo lê đôi chân trong đôi ủng của mình, giữa những chiếc lá úa vàng, ẩm ướt và nứt nẻ bởi cơn mưa mùa thu. Bước đi mà hầu như tôi không cảm thấy chút mệt mỏi nào vì đầu óc đang bị choáng ngợp bởi những suy nghĩ ngổn ngang.

Tôi tiếp tục suy nghĩ, cố tìm một giải pháp mà thực ra là không tồn tại.

Một chiếc taxi đưa tôi đến trước một chiếc cổng lớn và tôi yêu cầu tài xế đợi. Tôi sẽ cố làm mọi việc nhanh chóng, để sau đó ông ấy có thể đưa tôi đến một khách sạn trong thị trấn. Có lẽ ông tài xế taxi cũng muốn được nghỉ ngơi trong buổi chiều mưa ướt át và thê lương.

Bây giờ thì tôi đã đi hết quảng đường dài và có thể nhìn thấy các bậc thang và ánh đèn từ các cửa sổ của một tòa nhà lớn. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh này là tôi bình tĩnh lại, dù sau một chuyến bay dài, chờ taxi và đi bộ. Tôi chỉ dừng lại một chút để thở và chuẩn bị khuôn mặt của mình cho phù hợp trước khi leo lên các bậc thang và bước vào.

Chiều thứ sáu là đến lượt tôi, còn thứ tư là phiên của chị tôi. Anh trai thì sống cách đây chỉ vài cây số nên có thể đến vào cuối tuần. Tất cả chúng tôi ai nấy cũng đều bận bịu vì công việc nhưng đã cùng cam kết là cố gắng tôn trọng ngày giờ và thời gian quy định.

Anh bảo vệ tử tế bước đến gần:

– Chào cô, để tôi cầm giúp ô và áo mưa cho cô nhé!

– Cảm ơn anh nhiều, tôi có thể tạm gửi chiếc va ly nhỏ này trong vào kho một lát được không?

– Tất nhiên, cô đến sảnh lớn thì sẽ tìm thấy mẹ cô đang ở đó. Những ngày này tôi thấy bà khá hơn dù bà không thích mưa, nó khiến khung cảnh buồn hơn bình thường.

Tôi đi về phía sảnh lớn trung tâm, nơi mẹ tôi đang sinh hoạt. Tôi biết khá rõ những căn phòng trong ngôi biệt thự lớn của giới quý tộc được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, nay được biến thành viện dưỡng lão. Trước đây chúng tôi có tìm được một nơi trong thành phố nhưng mẹ tôi không thích, bà từ chối thức ăn, ngồi hàng giờ để nhìn bức tường của ngôi nhà đối diện qua khung cửa sổ. Sau một thời gian tìm kiếm, chúng tôi lần ra được căn biệt thự cách nhà anh tôi không xa, có khu chuyên biệt để chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt.

Rất nhiều lần anh em chúng tôi đã thảo luận về sức khoẻ và tình hình của mẹ. Góa chồng khi còn khá trẻ, và thời gian gần đây bà thường quên các cuộc hẹn với bác sĩ, các thời hạn thanh toán điện nước trong nhà… những thứ đơn giản mà thoạt đầu chúng tôi tưởng do lơ đãng và biện minh rằng đó chỉ là những phiền toái nhỏ nhặt. Nhưng sau đó thì chúng tôi thấy là bà bắt đầu không phân biệt được sáng hay tối, bà ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ nhưng ánh sáng xam xám vào buổi sáng cũng giống như buổi chiều ở trong thành phố lớn. Bà ngủ khi nào buồn ngủ, ăn khi nào thấy đói. Chúng tôi đã cố gắng đến thăm để gần gũi mẹ nhưng bà không chấp nhận chúng tôi. Nói nghe có vẻ khó tin nhưng đây chắc chắn là điều gây sốc nhất: mẹ không muốn chấp nhận sự giúp đỡ của chúng tôi, không muốn chúng tôi lảng vảng trong nhà vì đối với bà, chúng tôi là những kể lạ đến chiếm nhà bà. Bà không còn nhận ra chúng tôi và có khi cư xử hung bạo, hất tung những đĩa súp mà chúng tôi chế biến để cố dỗ bà ăn. Chỉ sau những biểu hiện thường xuyên như thế thì chúng tôi đành chấp nhận ý nghĩ ​​rằng mẹ mình đang mắc phải hội chứng Alzheimer.

Lời chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa như một bản án nặng nề vì căn bệnh của mẹ không có khả năng chữa khỏi: trong một số ngày bà có vẻ minh mẫn, vào mùa xuân, các y tá thường dắt bà đi dạo trong khuôn viên rộng lớn của viện giữa những con đường đầy hoa. Khi chúng tôi đến thăm mẹ vào buổi chiều, bà còn kể cho chúng tôi nghe về các loài hoa, bà nhớ màu sắc và đôi khi còn nhớ cả tên của chúng. Từ thuở nhỏ mẹ đã rất thích hoa, đặc biệt là hoa violet nhỏ với mùi hương đặc biệt. Nhưng ngày càng có nhiều ký ức về quá khứ của bà biến mất. Nhiều lần chúng tôi cố nhắc bà về khuôn mặt của cha tôi, những chuyến đi mà họ đã cùng nhau, những kỳ nghỉ trên bãi biển với chúng tôi trong những giai đoạn khác nhau của thời thơ ấu. Lúc đầu, mẹ phản ứng bằng một nụ cười khi cầm trên tay bức ảnh của cha chúng tôi, tình yêu lớn của bà, hoặc của tôi hay các anh em khác trong các bữa tiệc sinh nhật. Những khuôn mặt tươi cười hạnh phúc với biểu hiện hài hước khi chúng tôi phùng mang để thổi tắt những ngọn nến. Nhưng thời gian càng trôi qua, mẹ càng phản ứng dữ dội, không dung thứ cho sự khăng khăng của chúng tôi. Mỗi cố gắng ngày càng trở nên vô ích.

Mà có lẽ chính chúng tôi mới là những kẻ cố chấp, đã không hiểu mà cứ khăng khăng muốn tìm lại những ký ức về một quá khứ đã mất.

Khi còn nhỏ, tôi thích chơi xếp hình (puzzle), ghép các “viên gạch khảm” lại với nhau để tạo nên hình ảnh một con vật hoặc một phong cảnh đẹp. Với mẹ tôi cứ nghĩ rằng mình có thể sắp xếp lại những ký ức trong tâm trí bà, giống như những mảnh vỡ của một chiếc gương. Nhưng kết quả chỉ là một hình ảnh không hoàn chỉnh, bị gãy như những mảnh vụn, giống như cuộc đời của mẹ hay của tất cả chúng tôi.

Rồi cùng với căn bệnh của mẹ, cuộc sống của chúng tôi cũng đã thay đổi theo. Tôi và chị gái quyết định không sinh con, để một ngày nào đó không rơi vào hoàn cảnh giống mẹ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và theo một số chuyên gia, căn bệnh Alzheimer có khả năng di truyền. Vậy thì tại sao chúng tôi còn dám mạo hiểm?

Tất cả tình yêu thương hoặc bản năng làm mẹ chúng tôi đã dành cho cháu, con trai của anh chúng tôi. Đây cũng là một sự lựa chọn để không bị ràng buộc bởi gia đình và cho phép chúng tôi được tự do và luôn có thể gần gũi mẹ.

Mỗi người trong chúng tôi đều phải hy sinh bản thân mình trong ký ức đẹp đẽ về tình cảm mà mẹ dành cho các con cho đến khi nào mẹ còn nhận biết được điều đó. Đây là điều quan trọng nhất có thể giúp gắn kết những mảnh vỡ ít ỏi của số phận lại với nhau.

Hôm nay tôi đến và mang cho mẹ một món quà đặc biệt, dù đối với bà ngày nào cũng giống ngày nào.

– Mẹ ơi, đây là món quà Giáng sinh cho mẹ.

– Ôi, đẹp quá! Thật mềm mại và dịu dàng!

Tôi run run xúc động khi thấy bà tháo lớp giấy bọc và ôm chặc con búp bê xinh đẹp vào lòng:

– Đến đây Giulia! Ôi Giulia của bé bỏng của mẹ!

Khi đi dọc theo con đường để đến chỗ đậu taxi, tôi nhận ra mình đang khóc. Tôi khóc cho chính mình, cho tương lai tan nát, cho một tương lai mà mẹ tôi không còn có thể có. Nhưng tôi cũng khóc vì sung sướng vì mẹ đã gọi con búp bê ấy là “Giulia”. Mẹ đã nhớ và gọi đúng tên tôi.

Milano, 01/2022
(Nguyên tác: Frammenti di uno specchio)
Bản dịch của Trương Văn Dân