(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhớ về tuổi thơ không biết sao tôi lại chạnh thương tiếng gáy khan cô độc của chú cào cào ma nào đó trong bãi nhút giai giữa buổi chiều tà. Ba tôi bảo gọi cào cào ma hay châu chấu ma tên nào cũng đúng, nhưng riêng tiếng kêu của nó về đêm chỉ đúng nhất với tên gọi “vạc sành”. Với tuổi thơ tôi chỉ mập mờ về sự giải thích của ba, tôi chỉ biết loài sinh vật này chấp nhận sự rỏ máu của cơ thể mình để cất lên tiếng kêu nghe thống thiết lạ lùng.
Tác giả Võ Văn Trương
Tiếng Vạc Sành tuổi thơ đã đưa tôi đến những mảnh vườn nhà đậm, nhạt ký ức về những câu chuyện gắn với những tháng ngày đã qua. Là người quê mấy mươi năm do chiến tranh lưu lạc, từ nơi xa xôi ba dẫn anh em tôi về lại mảnh đất một thời chôn nhau cắt rốn. Ở đó bà con thân thuộc chẳng còn ai, nhưng các phần mộ thì nhiều lên hầu như mảnh vườn nào ít nhất cũng có từ hai đến ba ngôi mộ. Năm nào cũng vậy đến ngày giỗ chạp ba vẫn thường dẫn anh em tôi đi thăm mộ ông bà. Cứ thế, mỗi ngôi mộ là một câu chuyện kể. Có câu chuyện ông như truyền cho anh em tôi niềm tự hào khí phách những vị tiền bối, tổ tông; có câu chuyện là nỗi tiếc thương pha lẫn niềm hối hận với các bậc sinh thành, dưỡng dục ba tôi nhưng bây giờ ông không bao giờ đáp đền được nữa. Dần dà anh em chúng tôi hiểu ra vì sao ngay sau ngày đất nước thống nhất ba tôi lại vội vã đưa gia đình về quê và nửa cuối đời về chiều ba tôi lại gắn bó với những mảnh vườn đến vậy.
*
Nhà tôi khi ấy có đến mười mấy mảnh vườn, mỗi mảnh một tên. Mảnh vườn sở dĩ có tên “Nền Nhà” ba tôi bảo trước đây nguyên là nhà của nội, thứ bậc tôi gọi là cố. Trải qua mấy đời hưng vong nền nhà xưa cũng biến thành gò hoang, cỏ cây bao phủ um tùm. Khi sửa sang ra vườn canh tác ba tôi chuyên trồng chỉ có một cây họ mè. Mảnh vườn đáng nhớ với tôi là những tối tháng Tư, tháng Năm chong đèn dầu đi bắt ve sầu lột xác, bắt rầy lên ăn lá mè. Giấc mơ của tôi, đứa con trai miền đồi trung du có những chú rầy mè bay loạn xạ, tiếng côn trùng sũng ướt những đêm trăng thanh vàng say sương huyễn hoặc. Hay những đêm tối trời đầy ma trơi lập loè đom đóm. Không hiểu sao đom đóm lại nhiều đến thế. đom đóm bay cả vào nhà, sa cả vào nắp bồ thóc, rơi xuống cả chân phản ngựa chỗ ba tôi nằm. Dõi theo những con đom đóm tôi lại lan man nghĩ về câu chuyện của cậu học trò hiếu học không có dầu đèn phải dùng ánh sáng đom đóm để học bài. Chuyện dại dột của con vật có đèn lại để sau đuôi.
Đó là mảnh “Đá Đen” ba dành riêng cho anh em tôi trồng sắn, trồng chuối để lập quỹ học tập. Tuy cần mẫn vun xới, phân bón nhưng do rợp nhiều bóng cây nên những hàng sắn, rồi cả chuối cứ lớn vổng lên, vòi vọt. Tôi quyết định thay đổi sang trồng gừng nghệ, rồi khoai lang như không cây gì cho ra dáng. Trong lúc gặm nhấm nỗi buồn mất mùa như một nông dân thứ thiệt tôi phát hiện trên tảng đá đen bờ cao của mảnh vườn có một đường rạn nứt, từ bao giờ đã mọc lên một cây lá đa đa. Đa đa là loại cây lá nhỏ, thân giai, tính bình nhưng rất đắng. Người trong làng vẫn dùng lá đa đa sắc nước rửa ghẻ lỡ rất công hiệu. Mọc trên đá nhưng cây lá đa đa lại xanh tốt đến không ngờ. Đêm về tôi hỏi ba, ông không nói gì mà chỉ cười bảo: “Gia đình mình bây giờ cũng như mảnh đất Đá Đen… các con làm sao phải như cây lá đa đa”. Và rồi vượt lên nghèo khó kết quả học tập của anh em tôi làm cả nhà nhất là ba tôi mừng lắm.
Mảnh “Đất Lở” giản đơn mùa mưa nào đất cũng lở. Lạ thay trời chẳng chọn ở đâu, bao đời rồi đất đã có tên đất lở. Cực nhọc nhất với ba tôi là những lần như thế ông lại mất ngày cuốc xẻng dọn dẹp lại những ngôi mộ bị phủ lấp, đều đặn cần mẫn từ năm này sang năm khác. Còn nhớ, những đêm mưa nằm nghe một tiếng đánh ào, ba tôi lại thức trắng đêm vào ra như kiến bò trong bụng. Bẳng đi một thời gian tôi không nhớ là bao năm chỗ lở của mảnh vườn được trồng vào đó một bụi tre. Tre lên xanh tốt, đến mùa bầy chim dột dột lại về kiến thiết những chiếc tổ thật công phu. Nói về chim tôi chưa thấy loài làm tổ đẹp như vậy. Chót vót tận ngọn tre nhưng tổ chim vẫn rất bền chẳng xá gì mưa to gió lớn. Nhìn lũ chim ríu rít trên cao ba tôi như vui ra hẳn. Những lúc như thế ông thường bảo: “Con chim còn có tổ có tông huống chi con người”… Giờ đây ba tôi đã đi xa, bản thân tôi đã có gia đình làm việc ở phố thị. Mỗi khi công việc mệt nhọc hay có chuyện riêng tư phiền não tôi lại về quê đi thăm lại những mảnh vườn xưa giờ cây cỏ đã mọc um tùm nhưng trong lòng lại nghe thư thái, yên bình đến lạ.
V.V.T