Những mất mát lớn của văn chương thế giới

388

Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất mát vô cùng to lớn khi Hilary Mantel và Javier Marías qua đời ở tuổi 70. Sự mất mát này đã khiến nước Anh mất đi một người thổi hồn vào trong lịch sử, còn người Tây Ban Nha không còn tác giả lớn nhất kể từ thời đại văn hào Cervantes.

Người thổi hồn vào trong lịch sử

Hilary Mantel, một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất nước Anh, người có bộ ba cuốn sách nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình lẫn thành công về mặt thương mại, viết về cuộc đời của Thomas Cromwell – Lâu đài sói, Đến đoạn đầu đài và The Mirror and the Light (tạm dịch: Gương thần và ánh sáng), đã qua đời hôm thứ năm (22/9) tại một bệnh viện ở Exeter, Anh, hưởng dương 70 tuổi.

Cái chết của bà theo sau một cơn đột quỵ vào hôm thứ hai khi mà trước đó bà đã chịu đựng những cơn đau mãn tính kéo dài trong phần lớn cuộc đời của mình. Mantel, tác giả của 17 tác phẩm và đã hai lần đoạt giải Booker, bán được hàng triệu bản sách… có một con đường vô cùng gian nan để đạt đến đỉnh cao này.

Bắt đầu với một tuổi thơ tràn đầy khó khăn, Mantel viết trong cuốn hồi ký năm 2003, Giving Up the Ghost (tạm dịch: Từ bỏ hồn ma) rằng mình đã phải chịu đựng rất nhiều vấn đề sức khỏe, khiến ngay cả một bác sĩ cũng phải gọi bà vào thời điểm đó là một “cô bé không bao giờ khỏe”.

Căn bệnh này khiến bà suy nhược đến mức không thể giữ được công việc thường xuyên, do đó bà được mở lối đến với văn chương. Ngay cả khi đó thì thành công cũng chỉ đến khi bà đã bước sang độ tuổi 50. Những cuốn sách về Cromwell là một bước ngoặt, khi mà các nhà phê bình cho rằng bà đã viết những cuốn tiểu thuyết lịch sử như một tác phẩm văn học cao cấp, miêu tả đối tượng không phải là những hào quang từ nhiều thế kỉ trước, mà là những con người thực sự của mâu thuẫn và tâm lí phức tạp, có thể phóng chiếu đến mọi thời đại, và độc giả đã bị cuốn theo khả năng kể chuyện của bà.

Tiểu thuyết gia Hilary Mantel và bộ 2 tác phẩm về Thomas Cromwell của Hilary Mantel đã được chuyển ngữ ở Việt Nam.

Hilary Mary Thompson sinh ngày 6 tháng 7 năm 1952, tại một ngôi làng ở Derbyshire, nước Anh và lớn lên trong một gia đình Công giáo Ireland.

Mẹ bà sau khi li hôn với chồng đã chuyển đến sống với Jack Mantel, một người kỹ sư, từ đó Mantel lấy họ của cha dượng. Năm 18 tuổi, bà chuyển đến London để học luật tại Trường Kinh tế London, nhưng không đủ sức hoàn thành khóa học. Sau khi kết hôn với Gerald McEwen, một nhà địa chất, bà trở thành giáo viên và bắt đầu viết lách.

Ở tuổi 20, Mantel đã được chẩn đoán mắc bệnh lệch nội mạc tử cung. Vào thời điểm đó, bác sĩ đã yêu cầu bà ngừng viết. Thế nhưng phản ứng của bà như được thuật lại trong cuốn hồi kí, đó là: “Nếu tôi nghĩ được cốt truyện nào đó, thì tôi sẽ viết nó”. Ở tuổi 27, dẫu được phẫu thuật can thiệp kịp thời, thế nhưng biến chứng từ căn bệnh ấy vẫn luôn hiện diện và ám ảnh bà. “Nó thu hẹp các lựa chọn của tôi trong cuộc sống này,” bà nói, “bao gồm cả việc viết lách.”

Bà đã hoàn thành tiểu thuyết đầu tay A Place of Greater Safety (tạm dịch: Một nơi thật an toàn hơn), lấy bối cảnh là Cách mạng Pháp, thế nhưng ban đầu đều bị các nhà xuất bản từ chối. Lúc đó bà chưa có được danh tiếng, và cuốn tiểu thuyết lịch sử dài hơn 700 trang không phải là thứ thị hiếu lúc đó ưa chuộng. Thế nhưng cuốn sách thứ hai, một cuốn tiểu thuyết đương đại xuất bản năm 1985, đã mang đến những thành công đáng kể, và trong những thập kỉ tiếp theo, bà đã liên tục viết lách.

Tuy nhiên Mantel đã không có được một sự công nhận rộng rãi cho đến năm 2009, khi Lâu đài sói cùng với bộ phim chuyển thể về Cromwell, con trai của một thợ rèn đã vươn lên trở thành một trong những cận thần đáng tin cậy nhất của vua Henry VIII ra mắt. Tờ The Times gọi đây là “cuốn tiểu thuyết tiểu thuyết phong phú, trang nhã, giàu chi tiết”.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với The Times, Mantel cho biết bà đã bị cuốn hút bởi Cromwell sau khi học ở trường trung học về vai trò của ông trong việc giải thể các tu viện Anh theo lệnh của Henry VIII. Tuy nhiên, khi đọc tiểu thuyết về ông, bà thấy ông thường vẫn được trình bày như một khuôn mẫu nhân vật ghê tởm. “Tôi nhận ra rằng có thể làm giàu thêm trí tưởng tượng từ người đàn ông này,” bà nói.

Cromwell trở thành nhân vật thống trị trong bộ ba tiếp sau. Không chỉ “đánh thức” độc giả về cuộc sống của Cromwell trong tiểu thuyết của mình; bà cũng đã giúp “chuyển thể” để đưa ông lên sân khấu broadway. Bà cũng đã đồng biên kịch chuyển thể cuốn cuối cùng trong bộ ba lên sân khấu kịch.

Ngay cả khi đã trở nên nổi tiếng, Mantel vẫn chưa bao giờ trở thành một nhân vật “cố định” trong bối cảnh văn học London. Bà sống một đời yên tĩnh ở Budleigh Salterton, một ngôi làng trên bờ biển Devon, nơi bà và chồng có phần kín đáo mỗi khi bà tập trung vào việc viết lách. Vào năm 2015, Vua Charles III đã “xức dầu Thánh” cho Mantel với danh hiệu Tư lệnh Dame, tương đương với tước Hiệp sĩ.

Sau khi hoàn thành bộ ba phim về Cromwell, Mantel mô tả đây là quá trình “vô cùng mệt mỏi” và chia sẻ rằng bà thấy mình không đủ sức để thực hiện tiếp một dự án viễn tưởng lịch sử lớn nào khác. Thay vào đó, bà dự định tập trung vào phương diện mới – thể loại kịch nghệ.

Đại diện của bà cho biết đến khi qua đời, Mantel vẫn đang viết dở ít nhất là một vở kịch và có nhiều tác phẩm khác nhau trong các giai đoạn hoàn thành khác nhau, nhưng “không có cuốn tiểu thuyết hay sách phi hư cấu nào có thể được cho xuất bản”.

Nhà văn đương đại lớn nhất Tây Ban Nha

Javier Marías, tiểu thuyết gia người Tây Ban Nha nổi tiếng với các tác phẩm viết về bí ẩn, sự phản bội và sức nặng đạo đức của quá khứ, đã qua đời hôm Chủ nhật (18/9) tại nhà riêng ở Madrid ở tuổi 70. Nhà xuất bản của ông, Alfaguara, cho biết nguyên nhân là do viêm phổi.

Mặc dù không nổi tiếng đặc biệt ở Hoa Kỳ, thế nhưng Marías là một trong số ít nhà văn kết hợp những lời khen ngợi từ giới phê bình với lượng độc giả bán chạy. Ông đã bán được khoảng 8 triệu bản với 14 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn và hàng chục tuyển tập tiểu luận. Sách của ông đã được dịch ra 46 thứ tiếng.

Marías có được danh tiếng trong nền văn chương Tây Ban Nha mà tác giả nào cũng ao ước có. Tiểu thuyết của ông được chào đón như những “bộ phim bom tấn mùa hè”, ông thực tế đã nhận được mọi giải thưởng dành cho một nhà văn Tây Ban Nha, và ông thường xuyên được dự đoán là chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn học. Hầu hết các nhà phê bình coi ông là nhà văn Tây Ban Nha vĩ đại nhất còn sống, một số người khác thì nói là vĩ đại nhất từ sau thời Cervantes.

Javier Marías và hai tác phẩm được biết đến sớm của ông.

Không chỉ là tiểu thuyết gia, Marías cũng đã đảm nhận chuyên mục hàng tuần trên báo El País, tờ báo hàng đầu của Tây Ban Nha, nơi ông viết ra suy nghĩ của mình về mọi thứ, từ làn đường dành cho xe đạp cho đến chính phủ Tây Ban Nha đương nhiệm.*

Javier Marías Franco sinh ngày 20 tháng 9 năm 1951 tại Madrid, là con trai của Julián Marías, một triết gia và Dolores Franco, một tiểu thuyết gia. Khi Javier được vài tháng tuổi, gia đình của ông chuyển đến Massachusetts, nơi cha ông có học vị giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Wellesley. Một vị trí tạm thời khác vài năm sau đó đã đưa họ đến New Haven, Connecticut, nơi cha ông dạy học tại Yale.

Gia đình Marías là người phóng khoáng và trí thức, còn Javier thì ngấu nghiến sách, đặc biệt là những câu chuyện phiêu lưu của Joseph Conrad và Robert Louis Stevenson. Vào năm 1973, ông trở lại Tây Ban Nha để học tại Đại học Complutense của Madrid, tốt nghiệp với bằng triết học và văn học.

Sự nghiệp phiên dịch của Marías lên đến đỉnh cao từ năm 1983 – 1985, khi ông giảng dạy tại Đại học Oxford về lý thuyết dịch thuật. Sau Oxford, Marías trở lại Madrid, và ngoài chuyến du ngoạn hiếm hoi với tư cách là một giáo sư thỉnh giảng ở Anh, ông ít nhiều ở Madrid và sống trong một căn hộ đầy bụi bặm và sách trên một trong những quảng trường lâu đời nhất của thành phố này.

Vào đầu thế kỷ, Marías đã trở thành nhân vật văn học hàng đầu không thể tranh cãi ở Tây Ban Nha, với Your Face Tomorrow, một sử thi mà các nhà phê bình so sánh với bộ Đi tìm thời gian đã mất của Proust hay Ulysses của Joyce. Tuy thế ông lại coi nhẹ sự nổi tiếng của mình, và nói đùa rằng những so sánh như vậy không khiến tài năng của ông tăng lên, mà còn làm giảm thành tựu của các tác giả lớn khác.

Khi The Infatuation đoạt giải Sách quốc gia do nhà nước trao tặng, một trong những giải thưởng văn học cao nhất của Tây Ban Nha, ông đã từ chối số tiền thưởng 20.000 USD, vì ông không muốn “mắc nợ chính phủ dưới bất kỳ hình thức nào”. Tại Việt Nam, hai tác phẩm Trái tim bạc nhược và Người đàn ông đa cảm của ông đã được chuyển ngữ cũng như giới thiệu từ rất sớm.

THUẬN NGÔ dịch từ The New York Times/VNQĐ