‘Những miền đất nhớ’ trong hồn người xa xứ

720

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bạn yêu thơ biết đến Đặng Tuyết trước hết ở tấm lòng thiện nguyện cao đẹp của chị. Là người con của Hà Tĩnh xa xôi nhưng duyên may đã đưa chị đến với Cần Thơ – vùng “gạo trắng nước trong” và xem đây là quê hương thứ hai của chị. Con người đam mê thơ và đầy lòng nhân ái này luôn lấy công tác xã hội làm niềm vui. Chị tham gia Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ phường Hưng Lợi, làm cố vấn Hội người khuyết tật Thành phố Cần Thơ, là người sang lập Câu lạc bộ Thiện nguyện hơn 10 năm nay. Chị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện nguyện “Nối vòng tay lớn”, trực thuộc Viện Võ học Việt Nam. Chị được xem như “người mẹ” hiền của những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn trong xã hội, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ họ và mong rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tất cả những ước nguyện, niềm vui và nỗi nhớ được chị chuyển vào những vần thơ dân dã mà  hiện đại và đậm tính nhân văn.


Nhà thơ Đặng Tuyết.

Đặng Tuyết đã xuất bản ba tập thơ: “Quê hương – nỗi nhớ trong tôi (NXB Hội Nhà văn, 2015) “Điệu ví tình quê” (NXB Văn học, 2016), “Về miền sông Hậu” (NXB Hội Nhà văn, 2020) đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng bạn đọc gần xa. Sức viết khỏe, cảm xúc thơ luôn thăng hoa trong tâm hồn chị để rồi “đứa con” thứ tư lại chào đời “Những miền đất nhớ” (NXB Hội Nhà văn – 2022) với 60 bài với đủ thể loại: lục bát, tứ tuyệt, Đường luật, thơ tự do… với các chủ đề “Miền đất nhớ”, “Những ngày giãn cách”, “Thơ cho mẹ và cháu”…

Với Đặng Tuyết, thơ trước hết là cuộc đời, như nhà văn Nam Cao đã nói “Sống đã rồi hãy viết”. Thơ đối với chị như khí trời, nước uống không thể thiếu được, bởi chị muốn dùng thơ để làm vơi đi những nắng lửa, trăn trở băn khoăn của cuộc sống. Thơ như một điểm tựa, chắp cánh cho chị đi trên mỗi bước đường. Đặng Tuyết đến với thơ mong giãi bày những ẩn ức, vui buồn của cuộc đời. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường chị đã rất yêu thơ. Và giấc mộng văn chương ấy cứ đeo bám chị trên mỗi chặng đường.

Trong mỗi chúng ta ai mà chẳng có một quê hương để thương, để nhớ, và nếu ai đó “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người” (Đỗ Trung Quân). Nhà thơ người Nga Ilia Erenbua đã viết: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vonga. Con sông Voga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Đặng Tuyết đã viết mấy chục bài về quê hương ở cả ba tập thơ, và những vùng đất đã qua trong những chuyến đi làm từ thiện về miền Trung bão lụt hay đi cứu trợ cho những vùng bị covid nặng, ta càng thấy tình quê hương đất nước và nghĩa cử vì đồng bào ruột thịt trong chị cao đẹp biết dường nào.

Tập “Những miền đất nhớ” của chị vẫn tiếp nối mạch nguồn cùng dòng chảy ở ba tập thơ trước “Quê hương, nỗi nhớ trong tôi”, “Điệu ví tình quê” và “Về miền sông Hậu” viết về đề tài: quê hương, gia đình, xã hội, về Đảng, Bác, Tổ quốc, viết về những mảnh đời bất hạnh, về người mẹ kính yêu, về tình bà cháu. Người đọc thấy rõ hơn những rung động của con tim về nỗi nhớ quê dằng dặc luôn thường trực trong người đàn bà đa cảm: “Đi tìm/ một chút hương quê/ Để người xa xứ/ tìm về chốn xưa/ Vẳng nghe/ Khúc hát đò đưa/ Xa/ Nghe thăm thẳm/ Giọt thưa giọt dầy/ Đung đưa/ mây gió hao gầy/ Hương đồng gió nội/ Làm ngây ngất lòng/ Bao giờ/ trở lại dòng song/ Nghiêng/ theo dòng nước/ Thong dong tháng ngày” (Hương quê).


Tập thơ “Những miền đất nhớ” của Đặng Tuyết.

Nguồn sữa nuôi dưỡng thơ chị là tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, là nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, là sự hiến dâng tự nguyện cho hạnh phúc cộng đồng. Từ những rung động vi mô đến những rung động vĩ mô của con tim đều ẩn chứa trong thơ chị. Cảm xúc thường trực, da diết nhất ở chị là người mẹ thân thương với bao tảo tần nơi Sông La với bốn mùa mưa nắng, nơi có ngọn gío Lào cháy bỏng và những cồn cát khô để nuôi chị lớn khôn. Những câu thơ về mẹ, về quê luôn đằm một nỗi nhớ, hấp dẫn bạn đọc ở nhiều cung bậc tình cảm:

Ta bâng khuâng thương nhớ rặng tre ngà

Sông Ngàn Sâu những chiều quê tắm mát

Bờ đê cong uốn khúc ruộng xanh màu

Nhớ mẹ lưng còng sớm trưa cày cấy.

(Đông lại về).

Nhiều buổi chiều chị thẫn thờ ngồi đếm vệt thời gian hay chút nắng hoàng hôn nhuộm vàng dáng quê để gom nỗi nhớ gửi về cho mẹ chia sớt cái lạnh mùa đông trên đất Bắc. Và vẳng vẳng đâu đây tiếng mẹ đằm thắm bên tai:

Nhớ lời mẹ dặn chúng con

Giàu sang nghèo khó phải tròn nghĩa nhân.

Trong đại dịch covid, chị luôn cầu mong cho mẹ và mọi người đừng ai bị F1, F0:

Mong đừng F một, F không

Để con bên mẹ thỏa lòng nhớ mong.

Đúng như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Những vần thơ về mẹ và quê hương của chị góp phần làm vơi nỗi nhớ của những người con xa xứ.

Từ Cần Thơ xa xôi, chị vẫn “nối vòng tay lớn” tới nhiều vùng miền của đất nước để làm thiện nguyện:

Tình người kết nối niềm tin

Miền Tây sông nước nghĩa tình bốn phương

Tôi luôn cầu mong cho chị “chân cứng đá mềm” để góp phần làm vơi nỗi đau của bà con Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phan Thiết, Đak Nông, Thái Nguyên, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…

Đây là những cung đàn vang ngân của tâm trạng vui buồn, sướng, khổ, ngậm ngùi, luyến nhớ khi qua mảnh đất miền Trung đang oằn mình trước cơn đại hồng thủy mà thiên nhiên vùi dập:

Trắng trời mây nước bao la

Đồng không nhà trống mẹ cha ngóng chờ

Sân trường vắng bóng em thơ

Nghẹn lòng bao cảnh bơ vơ không nhà.

(Thương về miền Trung)

Buồn thương và đau xót nhất trong thơ chị là những vần thơ viết về nỗi vất vả cực nhọc của những “thiên thần áo trắng” đã quên mình xông vào tuyến đầu của trung tâm dịch để cứu chữa cho bệnh nhân, họ luôn xem “chống dịch như chống giặc”. Có những y, bác sĩ đã hy sinh trên trận tuyến thầm lặng mà rất cam go này:

Thầy thuốc như những mẹ hiền

Đảo xa cho tới đất liền khắc ghi

Đôi ta đang tuổi xuân thì

Hy sinh thầm lặng còn gì đẹp hơn.

Tình người còn đẹp hơn khi trao cho nhau những chiếc khẩu trang là trao bao yêu thương ân tình:

Trao yêu thương gửi nụ cười

Ân tình đọng mãi rạng ngời mai sau.

Dù mưa gió bão bùng xối xả những “thiên thần áo trắng” ngành y hay các chiến sĩ công an vẫn bám trụ trên mỗi vọng gác, chung tay gìn giữ cho cuộc sống bình yên:

Trên trận tuyến covid từng giờ không ngơi nghỉ

Chiến trường không lửa đạn nhưng quyết liệt gay go.

Với hàng nghìn người dân từ thành phố Hồ Chí Minh rồng rắn về quê để tránh dịch covid bằng đủ mọi phương tiện, họ bất chấp gió sương, đường xa giãi nắng dầm mưa tìm về quê nhà, Đặng Tuyết  đã tỏ lòng xót thương, chia sẻ: “Cơn mưa chiều nặng hạt/ Những bước chân vội vàng/ Mong về lại bến xưa/ Ngọt phù sa sữa mẹ” (Người về từ phố xa). Nỗi đau của chị còn gửi tới cố nghệ sĩ Phi Nhung và biết bao liệt sĩ còn tên và chưa tìm thấy tên trên mọi nẻo đường Tổ quốc mà chị đã đi qua, để lại trong ta nhiều thương cảm về tình ngườ, tình đời:

Ngậm ngùi trước mộ không tên

Đâu đây những ánh sao đêm hẹn hò.

Bên cạnh nỗi nhớ quê hương, nhớ những vùng đất đi qua nạn dịch, chị dành nhiều vần thơ để nhớ con, thương cháu. Các cháu làm vui lòng bà, xoa vợi đi nỗi đau thường nhật. Thơ viết về thiếu niên của chị vừa hồn nhiên vừa dí dỏm như chính tâm hồn trẻ thơ vậy:

Ngày nắng mới đón bình minh

Cháu là tất cả niềm tin tự hào.

Một vầng trăng sáng, một tiếng trống trường, một tiếng gà gáy sáng, hay tiếng một con cún sủa, hoặc một tia nắng ban mai, một trận mưa đầu mùa đều làm xao xuyến hồn thơ nhạy cảm:

Hoa mưa đẹp lắm mẹ ơi

Từ trên cao xuống rụng rơi sân nhà

Bé ngồi đếm một hai ba

Hoa mưa tắm mát bông hoa trong vườn.

(Hoa mưa)

Trong thơ Đặng Tuyết có nỗi nhớ niềm thương, có nỗi đau về nhân tình thế thái, có những trăn trở, hoài vọng và niềm tin, cứ trải dài theo mỗi bước chân của chị trên mỗi cung đường. Thơ chị mang tính thời sự nhưng không kém phần lãng mạn, trữ tình. Có bi nhưng không hề lụy, luôn lạc quan yêu đời. Có niềm vui trào dâng nước mắt, có tiếng reo vang của trẻ thơ và biết bao âm thanh, sắc màu của cuộc sống luôn ùa vào theo cảm xúc thơ.

Gương mặt thơ Đặng Tuyết qua nhân vật trữ tình đến với bạn đọc để lại nhiều cảm mến. Tác giả đã vượt lên những đa đoan của cuộc đời để bước từ bóng đêm ra ánh sang. Chị đã nói hộ sự thổn thức con tim của biết bao người về quê hương, về gia đình, bè bạn, về tình thầy trò, về tình yêu lứa đôi. Chúng ta hy vọng sẽ được đón chào nhiều bài thơ hay của chị ở những tập thơ tiếp theo. Chúc chị luôn vững bước trên mọi nẻo đường đất nước để tiếp tục công việc thiện nguyện và sáng tác thơ. “Thơ và đời, đời và thơ” trong chị luôn là một “hằng số bất biến” đã “mặc định”, là thông điệp đa sắc đa thanh tắm mát tâm hồn người nghe. Xin trân trọng giới thiệu “Những miền đất nhớ” cùng bạn đọc.

L.X