Những miền xúc cảm trong thơ Lê Thị Bạch Huệ

231

Nguyễn Quế

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cựu Nhà giáo Ưu tú, nhà thơ Lê Thị Bạch Huệ là người con của Lái Thiêu, địa danh gắn liền với thương hiệu trái cây đặc sản nổi tiếng của thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.   

       Tác giả Lê Thị Bạch Huệ 

     Cựu Nhà giáo Ưu tú, nhà thơ Lê Thị Bạch Huệ là người con của Lái Thiêu, địa danh gắn liền với thương hiệu trái cây đặc sản nổi tiếng của thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Có lẽ vùng quê giàu hoa thơm trái ngọt đã nuôi sẵn trong lòng chị tình yêu đối với văn chương nghệ thuật. Tuy vậy, Bạch Huệ đã dành phần lớn thời gian và tâm sức của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Sau khi nghỉ hưu, chị mới thực sự đến với thơ ca, tích cực tham gia sáng tác và được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương vào năm 2017. Từ đó, chị trở thành một trong những cây bút thường xuyên có thơ đăng trên cuốn tạp chí của Hội và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sau những năm tháng miệt mài sáng tạo, chị vừa ra mắt tuyển tập Hương đất Bình Dương, do Nhà xuất bản Văn học ẩn hành. Nội dung chính của tuyển tập gồm 70 bài thơ, 8 tác phẩm văn xuôi, 21 bài hát được phổ nhạc từ thơ của chị và một số cảm nhận của bạn đọc. Riêng thơ được chị chia thành 5 chủ đề: Mẹ là vầng trăng quê hương, Hương đất Bình Dương, Tình yêu và người lính, Xuân về trên quê hương, Ươm những mầm xanh, Tình yêu và nỗi nhớ.

     Điểm nổi bật trong thơ Lê Thị Bạch Huệ là dù phản ản nhiều mặt của đời sống tình cảm (như chị đã phân định một cách rạch ròi), các sáng tác của chị bộc lộ  niềm cảm xúc chân thật, sâu sắc và không kém phần mãnh liệt. Trước hết, đó là sự kính trọng và tri ân đối với các bậc sinh thành. Hình ảnh người mẹ trong thơ Bạch Huệ hiện lên khá đậm nét. Đó là người phụ nữ giàu tình yêu thương và trách nhiệm đối với con cái, tần tảo bán lưng cho trời trong nắng cháy, dãi dầu bão tố phong ba, hy sinh cả cuộc đời mình vì con. Tác giả ngậm ngùi, xót xa bởi trên khuôn mặt và dáng hình của mẹ in đậm nỗi vất vả, gian truân:

                                    “Hạ nắng cháy bạc phai màu tóc mẹ

                                     Thu hắt hiu gồng gánh buổi chợ chiều…

 

                                      Dẫu nhọc nhằn vẫn một đời cam chịu

                                      Hứng gió sương vầng trán nếp nhăn nheo 

                                      Quên tháng năm gầy guộc dáng liêu xiêu

                                      Thời gian vẽ nét sầu lên đôi mắt”

                                                     (Mẹ là vầng trăng quê hương)

   Trong suy nghĩ của chị, sự hy sinh ấy lớn lao đến nỗi cỏ cây cũng cảm nhận rõ và muốn đáp đền. Nhìn màu măng cụt, chị cho rằng do thương mẹ chăm bẵm vun trồng, trái măng đã hóa thân vào màu áo của mẹ. (Phía sau màu măng cụt). Mỗi khi mùa Vu Lan tới, nữ nhà thơ không quên cài bông hồng lên ngực áo. Từ nơi xa, chị hướng lòng mình về bên mẹ hiền với nỗi niềm ray rứt:

                                       “Tháng bảy về lãng đãng khói hương bay

                                        Ở nơi xa vẫn nhớ mẹ từng ngày

                                         Như thấy mẹ ngồi bên gian nhà nhỏ

                                         Con chưa về xin mắt mẹ đừng cay”

                                                        (Tháng bảy về thương mẹ)  

    Từ cõi lòng mình, chị cảm nhận sâu sắc rằng, dẫu cuộc sống còn đầy vất vả, lo toan, mẹ vẫn luôn dành cho chị sự quan tâm lo lắng và thấp thỏm chờ mong mỗi khi chị  cất bước đi xa. Chính vì vậy, với niềm kính yêu mẹ vô bờ, sau mỗi lần chia cách, chị lại nỗ lực chạy đua với thời gian để sớm được trở về bên mẹ:

                                     “Hoàng hôn khuất núi con nhanh bước

                                       Thấp thỏm lo âu mẹ ngóng chờ”

                                                 (Mùa đông của mẹ)

   Thật cảm động khi ta đọc những câu thơ tác giả kể lại một kỷ niệm lúc còn nhỏ:

                                        “Thuở xưa mẹ thích ăn trầu

                                         Không tiền mua nổi miếng cau cho dày

 

                                         Dọc đường mỗi buổi sáng mai

                                         Xe cau chở rụng nhặt đầy túi con

                                         Về nhà tặng mẹ trái tròn

                                         Têm trầu mẹ nói… cau non… tình đầy”

                                                            (Những trái cau rơi)

   Tuy là câu chuyện nhỏ trong cuộc sống thường ngày nhưng cả tấm lòng hiếu thảo của tác giả cùng tình cảm rộng mở, bao dung của người mẹ thể hiện trong câu “cau non… tình đầy” đều thật đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc.

    Nhưng rồi dưới sự tác động tàn nhẫn của thời gian, mẹ ngày càng già yếu, mỏi mòn. Hình ảnh thương tâm ấy tạo nên nỗi đớn đau như những vết dao khứa sâu vào lòng chị, và chị linh cảm nỗi bất hạnh lớn sẽ đến với mình:

                                             “Đèn vàng hiu hắt bóng liêu xiêu

                                               Tóc mẹ ngày thêm bạc nắng chiều

                                               Thời gian đi vội không dừng lại

                                         Con sợ một ngày mất mẹ yêu”                                               

   Chị tha thiết cầu mong sự đồng cảm, chia sẻ của thiên nhiên để nỗ lực giữ yên giấc ngủ của mẹ:

                                             “Đông ơi đừng khóc nữa nha đông

                                               Để mẹ ngủ yên trọn giấc nồng

                                               Và con bên mẹ làm chăn ấm

                                               Bằng cả yêu thương một tấm lòng”

                                                                    (Mùa đông của mẹ)

     Bên cạnh người mẹ hiền, hình ảnh người cha kính yêu hiện lên trong thơ Bạch Huệ bằng những nét chấm phá độc đáo:

                                             “Cha cõng rét trân mình đi cấy sớm

                                              Nứt nẻ chân quen năm tháng lội bùn

                                              Mưa bao mùa nhuộm trắng dần mái tóc

                                              Cũng vì con khổ cực hứng gian truân”

                                                         (Có những tình yêu như thế)

   Chị bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của ngày xưa yêu dấu:

                                              “Nhớ khi xưa còn bé…

                                               Cứ đến rằm tháng Tám con nhắc cha:

                                               “Mua cho con chiếc lòng đèn con cá màu ngà

                                                có chiếc đuôi pha màu vàng rực rỡ”

 

                                                Cha suy tư nhiều đêm thức trắng

                                                Nắn nót làm lòng đèn hình chú cá đẹp xinh

                                                Ngọn đèn thêm rực rỡ lung linh

                                                Cá như đang tung tăng trong bể rộng”

   Và thật bất ngờ:

                                               “Chiếc váy cá đã giúp con bơi vào cuộc sống

                                                Ánh mắt cá rạng ngời cho con thấy khoảng trời xanh 

                                                Nuôi dưỡng trái tim biết rung động chân thành

                                                Gian khổ vượt qua, khó khăn không lùi bước”

                                                                   (Quê hương mình giờ đẹp lắm)

   Có lẽ, chỉ tình phụ tử thiêng liêng mới hóa được phép màu như thế!

    Tuyển tập Đất và người Bình Dương

Nỗi vất vả, hy sinh của các bậc cha mẹ trong thơ Bạch Huệ và lòng yêu thương kính trọng chị dành cho các bậc sinh thành, nuôi dưỡng mình thật đáng trân trọng, và hình ảnh của họ luôn gắn bó máu thịt với vùng đất quê hương yêu dấu của chị. Qua những trang thơ, Bạch Huệ cho chúng ta thấy chị yêu biết bao nhiêu mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, nơi đã in dấu chân và hình bóng chị từ buổi ấu thơ. Chị da diết nhớ một thời áo trắng; không nguôi kỷ niệm với bao thế hệ học trò một thời chị đã dành hết tình thương và trách nhiệm của mình để góp phần giáo dục, dìu dắt họ thành người. Chị trân trọng từng dải đất quê hương, nơi quả ngọt trái  thơm đã nuôi dưỡng tâm hồn và thắm hồng da dẻ chị. Đó là xứ sở Lái Thiêu, nơi chị vẫn hằng lưu giữ trong lòng một góc quê hương, là Cầu Ngang – cây cầu thơ mộng gắn liền với khu du lịch nổi tiếng, là những vườn chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon trái trĩu cành tỏa hương vị ngọt lành trong mùa trái chín… Rộng lớn hơn, đó là Bình Dương đất mẹ đang đổi thay mau chóng và ngày một đẹp giàu:

                                            “Bình Dương ươm màu đất mẹ

                                              Ngất ngây màu nắng công trình

                                              Đô thị đèn đêm rực sáng

                                           Tô ngàn sắc áo lung linh”                                                    

                                                (Bình Dương sắc áo quê hương)

   Trong tâm thức nhà thơ, từng tấc đất quê hương thấm đượm biết bao mồ hôi, xương máu của cha anh. Ngày mẹ đưa chị qua sông tới trường, chị hình dung: “Vẫn chiếc thuyền con mong manh ấy/ Chở bao du kích ngược xuôi dòng” (Bình Dương trong trái tim tôi). Mỗi khi nhìn trái măng cụt, chị lại liên tưởng “Múi trắng ngọt thơm như tấm lòng bất khuất” của “Những người con thủy chung thề giữ đất” (Phía sau màu măng cụt). Từ cảm thức ấy, chị trân trọng từng chiến tích lịch sử của cha anh và trân quý các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ  biển đảo, đất trời thiêng liêng của Tổ quốc. Từ hậu phương, chị bày tỏ nỗi lòng mình với sự vất vả hy sinh của người chiến sỹ nơi biên ái xa xôi:

                                         “Trăng soi vằng vặc miền biên giới

                                          Cây cỏ chìm vào giấc ngủ say

                                          Núi đồi quạnh quẽ anh còn thức

                                          Sương rơi thấm lạnh giữa đêm dài”

                                                    (Người lính miền biên giới)

      Thơ Lê Thị Bạch Huệ không chỉ thăng hoa về cảm xúc mà còn giàu hình ảnh, nhạc điệu. Tùy nội dung, văn cảnh, tác giả vận dụng khá nhuần nhuyễn các bút pháp tượng trưng, nhân cách hóa, so sánh, ẩn dụ…, làm cho câu thơ có sức lay động, lan tỏa. Tuy nhiên, đôi khi tác giả sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ còn gượng ép hoặc chưa hợp lý. Ví dụ, khi đọc câu thơ “Muốn là mây giữa lấp lánh ngàn sao/ Ôm lấy mẹ ánh trăng vàng bát ngát” trong bài Mẹ là vầng trăng quê hương, người đọc cảm thấy bất ngờ. Sao lại muốn làm mây ôm lấy ánh trăng vàng của mẹ? Bởi lẽ, dù là áng mây đẹp như mây trắng, mây hồng… vẫn đối nghịch với ánh  trăng. Hoặc như câu thơ “Nếu ngày ấy mẹ không sinh ra con/ Con là gì mẹ nhỉ?” trong bài Sinh nhật nhớ mẹ cũng gây cho người đọc cảm giác hụt hẫng… Mặt khác, bên cạnh những câu thơ hay, ngôn ngữ thơ có lúc còn sáo mòn, trùng lắp.

    Tuy còn những “hạt sạn” như đã nói ở trên, thơ Lê Thị Bạch Huệ đã tạo được ấn tượng đẹp đẽ trong lòng bạn đọc. Những miền xúc cảm trong thơ chị thật dạt dào,  sâu lắng. Đọc Lê Thị Bạch Huệ, ta có cảm giác được hòa mình với niềm yêu thương, đồng cảm và sẻ chia. Đó là điều đáng quý ở thơ chị.

N.G