Những mùa hoa chung

1009

Nguyễn Thị Phụng

            (Đọc Những mùa hoa anh nói – Thơ Trương Anh TúNXB Hội Nhà văn 2018)

(Vanchuongphuongnam.vn)Những mùa hoa anh nói là tựa đề tập thơ của Trương Anh Tú (NXB Hội Nhà văn 2018) có 90 bài. Mỗi tứ thơ được sắp xếp liền mạch theo bảy chủ đề khác nhau hay chuỗi liên kết hình tượng nghệ thuật thi pháp đầy cảm hứng. Là không gian hiện hữu tuổi thơ đến góc nhìn được mở rộng để nâng cao đời sống tâm hồn. Từ trong mọi khoảnh khắc không lí giải mà thể hiện cái nhìn mách bảo điều phải tránh, sự dấn thân hòa nhập rung động cái đam mê khát vọng điều nên làm với thế giới quanh ta. Những mùa hoa anh nói đã thành Những mùa hoa chung trong vườn thơ đất Việt hôm nay.

Tập thơ Những mùa hoa anh nói của nhà thơ Trương Anh Tú, NXB Hội Nhà văn 2018

1. Cái đẹp luôn tồn tại trong nhiều lĩnh vực đời sống con người. Cái đẹp trong nghệ thuật, nhất là ngôn từ thi ca đã làm nên phong cách sáng tác riêng của một Trương Anh Tú lay động cảm hứng. Dễ dàng gì có được tình yêu đến với thơ đầu tiên gần gũi thân thương (Giấc xanh, Nhớ bà) là hiện thực của cảnh vật không gian gần (Chú ếch và mùa thu, Giấc xanh, Giấc mơ tuổi thơ, Những đứa trẻ, Đêm Trung thu…) chắp cánh ước mơ cùng sự tồn tại nếp nhà bài học vỡ lòng mở ra: Hôm xưa, mẹ tôi bảo/ Con hãy yêu màu xanh của cây/ Màu hồng của lửa/ Những gương sắc tuyệt vời// Bên mẹ/ Tôi đã lớn lên với những bức tranh chứa đầy ánh sáng/ Hôm nay, khi xa mẹ tôi nhặt được cả những chiếc lá đổi màu/…” (Mẹ tôi). Không gian và thời gian thực tại đã nhuốm màu tâm trạng nhân vật “tôi” khát vọng ước mơ tận hưởng và hụt hẫng mất mát. Ngỡ bất biến lại hư vô: “Mẹ tôi vẫn âm thầm sau giá vẽ” (Mẹ tôi) trong chùm Giấc mơ tuổi thơ là không gian đủ sắc màu tha hồ lựa chọn từ những chiếc lá, cánh hoa, mặt trời… Sự năng nhặt của một con kiến dại khờ quên cả thời gian tha về đầy tổ. Ngỡ cái tổ vĩnh cửu cùng con người, cuối cùng thi nhân nhận ra: “Rồi cánh đồng chợt ngả mầu vàng/ cả những cánh hoa/ những chiếc lá của tôi cũng thế/ tôi giàn giụa bên những giọt sương/ những giọt nước mắt ấm nồng của đất// Chỉ có bầu trời là mãi trong xanh” (Giấc mơ tuổi thơ) trời xanh hiện hữu và bất biến là tất yếu. Con người có ngộ ra để nhận về phần mình điều cần và đủ, nên hay không cũng đầy thử thách.

2. Hiện thực Đôi mắt chính là sự hấp dẫn thị hiếu cuốn hút vào guồng máy sinh hoạt văn hóa con người. Lời thảng thốt mà cảnh báo (Vô đề, Cơn lũ) nhưng lại là sự bao dung tình người (Phiên tòa, Ngôi sao và con đường) duy trì, âm thầm bền bỉ giữa cho và nhận song hành, thôi thúc sẻ chia tựa nhu cầu không thể thiếu. Phải chăng đây là sự lí giải rất nhân sinh, rất khoa học: “Chỉ tình yêu muôn thuở/ Chẳng chịu tối bao giờ/ Mặt trời trong đêm vắng/ Giấu mình vào ánh trăng” (Ngọn lửa) hiện hữu vốn tự nhiên của con người và trời đất. Và nếu như sự luân hồi ấy trong khuôn khổ nào đó, đành thôi chấp nhận (Thăm chợ cá cảnh) làm mất đi sự phóng khoáng. Năng động và sáng tạo là bản chất cần được khai thác mở rộng. Đôi mắt đã biết nói từ trong ngợi ca (Hoa hậu). Hoa hậu không còn là vẻ đẹp riêng trầm trồ nhan sắc, mà là hình tượng nghệ thuật cái đẹp được nâng niu, gần gũi, là hơi thở nhịp sống cần duy trì, khẳng định: “Em là ban mai buổi sớm/ Ngôi sao vẫn thức bên trời/ Em là bông hoa của đất/ Long lanh như hạt sương rơi”. Cũng mong manh dễ vỡ: “Người lẫn trong đêm/ Nhặt lên chiếc bóng/ Bên người vô vọng/ Đêm… bỗng tàn đêm” (Lão ăn mày trong phố cổ) thoáng chút mơ hồ xa xăm, đau đáu không riêng ai. Vậy Đôi mắt đâu chỉ chính mình, còn là cái nhìn về phận người đâu đó trong Những mùa hoa anh nói khác nào nhà tiên tri thấy trước sự âm ỉ bùng nổ đại dịch hôm nay, Đôi mắt đã bị phong tỏa trong điểm nhìn thi nhân lúc bấy giờ.

3. Những mùa hoa anh nói là Mặt đất và bầu trời hóa thân: “Anh hóa bầu trời/ Anh cũng là mặt đất”. Nếu như bầu trời thăm thẳm xanh thì mặt đất có khác gì bầu trời. Anh-người trung gian giữa bầu trời và mặt đất mà quan niệm Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân đã có từ xưa. Thật bền vững biết bao trong lặng lẽ kết nối tận hưởng, tri ân: “Cây lặng im thiu ngủ/ nghe hồn dưới đất sâu/ qua bao mùa lá rụng/ vẫn trời xanh trên đầu” (Cây mùa đông). Thi pháp thời gian của Trương Anh Tú không đoạn tuyệt những gì đã qua, trở thành kí ức lưu lại. Cái khoảng lặng là dấn thân, lấp lánh khát vọng: “Bao giờ tôi như lá/ Dưới trời xanh tôi nằm/ Những vì sao xa quá/ Rơi vào tôi nghìn năm” (Chiếc lá). Những mảng trời xanh, chiếc lá, hạt sương là của tự nhiên được tương tác sáng tạo làm nên chất liệu thi pháp hình tượng nghệ thuật, tồn tại trong chùm tứ thơ Mặt đất và bầu trời đồng hành guồng quay vũ trụ. Thơ Trương Anh Tú không đề cập đến nỗi mất mát mà chỉ nhớ, ngợi ca thi nhân (Nhớ Hữu Loan, Nhớ Hoàng Cầm, Tiễn nhau trong chiêm bao) trong sự đúc kết: “Biển xanh thì rất trẻ/ Núi tư lự rất già// Để bao đời vẫn thế/ Sóng là lời chia xa” (Tứ tuyệt ở biển).

Tầm tay với Mặt đất và bầu trời Trương Anh Tú đã là người hạnh phúc cho sự bao dung, độ lượng. Cái hạnh phúc được bình phương là sự cho đi không nuối tiếc. Như trái đất lặng im chứa dòng sông, mặt biển, cánh buồm cho con người thong dong đây đó. Nhưng cũng có lúc an nhiên tự tại như núi xanh ngàn đời, bỗng chốc mở miệng tuôn trào nóng bỏng dòng nham thạch vô tư xâm thực đất đai cây cỏ. Bầu trời và mặt đất đã thành môi trường sự sống cần bảo vệ, nâng niu gửi lại: “Ngửa cổ uống vầng trăng/ Cho vơi đi nỗi nhớ/ Dang tay ôm biển rộng/ Cho nỗi buồn ra khơi/…/ Nghe một nốt nhạc xanh/ Trong hạt sương buổi sớm/ Trái tim như trẻ lại/ Tan ra thành ban mai” (Lời trái tim).

4. Lời tình yêu chắp cánh ước mơ từ Một trái tim lặng lẽ dư âm đọng lại tha thiết, trân trọng vô ngàn. Em của hôm nay hay thời điểm nào chăng nữa, em vẫn là em. EmAnh đã là cặp đôi khác giới được duyên trời định, trong lời tình yêu ở mỗi tứ thơ hòa quyện (Bến mơ, Định lý,…) những dấu yêu đã thành hoài niệm ngà ngọc: “Hỏi từng con đường cũ/ Đâu dáng em ngọc ngà…/ Đâu những trang giấy trắng/ Thức bao mùa phượng xa/ Tiếng đàn từ độ ấy/ Tan vào trời bao la/…” (Xanh mùa trong nhau). Cả chùm thơ Lời tình yêu ngự trị trong mỗi cung đàn, không lỗi nhịp, ngân rung mênh mang những đớn đau và hạnh phúc, rất thực tế “Trong tiếng dương cầm/ chúa quên mình trên thánh giá/ bỏ lại cuộc đời sau cánh cửa trần gian// Phút bên anh/ em quên đi tất cả/ bỏ lại cuộc đời sau tấm áo che thân” (Nốt nhạc trần gian). Cho sự công bằng khác nào cái đẹp ngợi ca tận hiến cháy hết mình:

“Tình yêu như cánh chim

bay đi phía cuối trời

cho đi không lấy lại

như ngọn lửa trong đời…”

(Lời tình yêu)

5. Với thi nhân dễ dàng gì đánh mất tình yêu, Những mùa hoa anh nói thân thiện biết baoThi pháp chính trong chủ đề này ngoài điệu nói bộc lộ mà kín đáo bày tỏ mẩu đối thoại trong Những mùa hoa anh nói, còn chính là lời của anh – thi nhân, một Trương Anh Tú đã yêu là yêu hết mình, đã sống là sống hết tình đâu riêng gì cho em, cho anh mà còn cho tất cả. Ấm áp hơn cả thi ảnh: “Lửa trời xanh/ rụng về ngực đất/ Hoa gạo âm thầm/ thả những môi hôn” (Hoa gạo) hay rung ngân một Nốt nhạc mùa thu: “Thu buông lá rơi/ Từng giọt mật vàng// Bao nhiêu nốt nhạc/ Quên mình ngân vang”. Còn là cái khát sự sinh tồn, khi thấu hiểu tất yếu đứng giữa thực tại đã thấy quá khứ vừa buông, cái tương lai cần giữ. Nếu nói đến buông và giữ là nói đến nhân quả, cống hiến vô tư cho lẽ phải và công bằng. Đâu thể lí giải theo tôn giáo ràng buộc tạo nghiệp dương trần nhận về sự giải thoát mai sau. Chủ đề Những mùa hoa anh nói đã là vẻ đẹp tồn tại thể chất và tâm hồn, nên thấu hiểu “Người ta là hoa đất” (Tục ngữ), ví em Như một loài hoa, nhà thơ rạo rực chất vấn hết mình: “Sao em chẳng lạnh lùng/ cho lòng anh tắt lửa/ hết đêm này đêm nữa/ ôi rạo rực hồn ta”. Những mùa hoa anh nói lãng mạn đầy vơi xao xuyến “Đẹp sao những loài hoa/ Đã một lần thật sống/ Để đi hết bầu trời/ Của tận cùng sự sống”. Cái tận cùng sự sống đánh thức trái tim nhân hậu trong mẩu đối thoại bày tỏ mà dứt khoát:

Tôi yêu những mùa hoa/ Nhựa căng từ lòng đất/ Hương được hong từ gió/ Sắc được hái từ mây/ Cả hoa và cả lá/ Từ giọt sương vơi đầy

Cô bán hàng tư lự/ Chợt buồn rồi xa xôi/ Những mua hoa anh nói/ Phải tự trồng anh ơi!”.

Những mùa hoa anh nói là điệu tâm tình trong sự chuyển hóa khách quan ngợi ca khuyên nhủ dẫn dắt: “Phải tự trồng anh ơi” là hình tượng tác giả mới tiêu biểu cho cái nhìn nhân sinh hiện đại vô cùng.

6. Nguồn cội quê hương chính là điểm nhấn trong Ngẫu hứng sông Hồng. Có thể nói vì sao Trương Anh Tú dành nhiều bài cho chủ đề này. Chắc chắn rằng sông Hồng đã khơi mạch cảm xúc đầy hào hứng thi vị nhất trong tập thơ anh. Chẳng là ưu ái, nhưng dòng sông bến nước đi và về đều từ đây đậm màu Ký ức ùa về. Đó là từ một tình yêu trong sáng hồn nhiên của cô gái Việt: “Giếng trong là bởi đất thôi/ Lắng bao nước mắt để trồi mầm xanh” (Giếng ngọc). Đó là những nam thanh nữ tú đất Việt làm rạng danh quê mình trong rèn luyện thể chất (Giấc mơ, Sức nặng, Ngôi sao băng, Bay lên Việt Nam). Đó là nôi văn hóa trái tim dân tộc, là sự đồng lòng bền bỉ kiên cường tự hào từ thuở sơ khai đến giờ. Nơi anh biết gọi mẹ đầu tiên, chăm bón anh từng giọt sữa trong lành cho tình yêu là lòng dũng cảm, là sự sẻ chia tâm tình biết ơn sâu nặng. Đâu riêng gì anh mà của chung người Hà Nội, của đất quê mình (Ngẫu hứng sông Hồng, Hồng Hà mùa xuân, Hà Nội yêu thương,…). Hà Nội trong anh cứ mặn nồng mồ hôi nước mắt vơi đầy. Nơi có mẹ và em, nơi những bàn tay lao động chăm chút yêu thương không nguôi theo từng nhịp thơ như phù sa mùa nước cuồn cuộn: “Sông Hồng ơi!/ Chảy về đâu/ Cho phù sa bồi hồi nỗi nhớ/ Bồi hồi dòng sông/ Bồi hồi lá cỏ/ Bồi hồi lời ru… những cánh đồng” (Khúc hát nhớ Hà Nội). Hà Nội trong anh dễ gì có được nếu không bắt đầu một Tiếng sóng, từ Sông Thương trong lời thi nhân:

Mai làm một dáng em xa

Ru em thôi đã cũng là trăm năm

(Mai làm hạt mưa)

 7 .Ru em thôi đã… nối nhịp Hát với trời xanh. Màu xanh vời vợi quyến luyến. Có thể nói trải dài bất tận: “Thênh thang trong cõi vô thường/ Lẫn trong dâu bể… con đường màu xanh” (Con đường màu xanh). Cõi vô thường được mất. Dâu bể lắm gian nan. Hình tượng nghệ thuật con đường màu xanh ấy vì sao cuốn hút cuộc chen chân không điểm dừng mới lạ. Chưa có câu trả lời thỏa đáng. Từ lúc Tóc xanh quên mình đang bạc. Và anh cho rằng bầu trời và trái đất cũng lặng im và không nói (Hãy nở cùng tôi). Thế nguyên nhân nào trời gầm đất lở làm cho nhân loại đau khổ. Rồi bao cuộc hành hương, bao lần rửa tội… Trương Anh Tú không giải đáp, chỉ dẫn dụ về mối quan hệ: “Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa/ Không có bầu trời trái đất về đâu!”. Thế giới ơi, hãy vì nhau trong cuộc sống này. Rồi những bàn hội nghị kết nối bang giao, nhưng vì sao thi sĩ thảng thốt: “Những lá cờ ơi/ Mẹ khóc nhiều rồi/ Bao đứa con ra trận lại bắn vào bao người mẹ khác// Bắn vào lời ru/ Bắn vào nước mắt/ Bắn vào bầu trời xanh những giấc mơ!…”. Và khẩn cầu vạch ra khát vọng độc lập, tự do: “Những lá cờ ơi/ Lửa cháy nhiều rồi// Hãy nhìn trời cao/ Mây không biên giới/ Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ/…” (Thơ viết bên những lá cờ Liên hợp quốc). Bài thơ còn là thông điệp hòa bình thế giới của Trương Anh Tú, người Hà Nội xa quê.

Trở lại mạch thơ năm chữ, thể tự do cũng là thế mạnh thi pháp của Trương Anh Tú, có cả nhạc và họa, bức thời gian ngân nga ngỡ nhẹ tênh theo mỗi chủ đề trong cùng Những mùa hoa anh nói cất lên Tiếng hát: “…Tôi có con thuyền nhỏ/ Neo bến giữa biển đời/ Mênh mang mênh mang sóng/ Dâng buồm lên chơi vơi/…/ Tôi yêu cuộc sống này/ Không hẹp như bàn tay”. Và vì quá yêu cuộc sống nên đâu chỉ an yên sống, không hề tiếc nuối tháng ngày qua. Sự cộng hưởng cùng nhịp đời dẫu đôi lúc chênh vênh, sự mất mát nào dẫu đắng cay rồi cũng bù đắp ngọt ngào hạnh phúc. Những mùa hoa anh nói thiết thực đậm chất trữ tình, trầm tư mà cũng đầy trách nhiệm: “Đời có bao nhiêu vốn/ tiêu cả với trời xanh// mai tìm tôi em hỡi/ trong hạt mưa yên lành” (Tìm tôi em hỡi) hội tụ và kết nối cho Những mùa hoa chung san sẻ.

24.05.2021

N.T.P

(Hội VHNT Bình Định)