Những nàng tiên áo trắng

869

Tặng BS. Nhật Minh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếng xao xác của con chim chìa vôi hiền lành và những chú vành khuyên liếng thoắng báo hiệu đêm tàn trước nhà khiến Văn bàng hoàng tỉnh giấc. Văn thong dong chổi dậy với thói quen dùng những ngón tay gầy guộc cuồn cuộn gân xanh, dụi dụi lại đôi mắt, rồi giở mùng đưa mắt nhìn ra giàn hoa thiên lý quen thuộc trước nhà. Qua tấm rèm the mỏng nơi cửa số hằng đêm không bao giờ khép, Văn chợt càm thấy khó khăn để nhận ra màu tươi thắm của hoa như có điều gì lạ xảy ra trong tâm thức còn ngây ngây chưa tỉnh ngủ. Văn nhận thấy ngưa ngứa ở đôi vành mắt, từ đó rịn ướt ra một dòng nước âm ấm hai bên khóe đôi mắt, bộ phận trọng yếu được coi là cửa sổ của tâm hồn. Trong khoảnh khắc, Văn chợt liên tưởng:

– Hay là sau bao sóng gió cuộc đời, dù tóc ta chưa thành mây trắng nhưng đã trót nhìn cảnh thế sự thăng trầm và cuộc đời với bao đổi trắng thay đen, nên đôi mắt ta giờ đây đã…! Văn chợt cảm thấy nao lòng, bắt đầu đau đáu lo cho đôi mắt trữ tình trên khuôn mặt đẹp tựa Tống Ngọc, Phan An – đôi mắt mà thời sinh viên đã một lần bị hôn trộm trong lúc Văn vờ say rượu ở cư xá sinh viên Sài Gòn. Thoáng chốc, Văn nghe dậy lên ở lòng mình một nỗi băn khoăn khôn tả.

Nghe lời khuyên chân tình của những người bạn tốt, dù bận rộn, Văn cẩn thận sắp xếp gọn gàng công việc thường nhật ở cơ quan và mạnh dạn lên phương án chuẩn bị cho một ngày vào bệnh viện.

Mấy hôm sau, vào một buổi sáng sớm trời còn lớp sương mờ giăng phủ, Văn nhờ con gái mình chở xe máy đưa Văn khám bệnh tại nhãn khoa (Ophthalmology) bệnh viện Đa khoa  Tây Đô.

Sừng sững đứng vươn mình nơi một ngả Sáu trù mật, rộng lớn như một quãng trường đêm ngày dập dìu xe cộ và người qua lại, với chín tầng cao vút, đầy đủ tiện nghi máy móc hiện đại, bệnh viện được coi là nơi hội tụ những lương y đáng tin cậy của đủ chủng loại bệnh nhân từ bốn phương.  Nhìn cảnh tượng ngày đêm sinh hoạt của y sĩ cán bộ rộn ràng lui tới cơ quan và cảnh bệnh nhân cùng người thân tấp nập ra vào, Văn cảm thấy yên lòng ngay khi chàng vừa tới cổng bệnh viện. Văn tìm chỗ ngồi trên dãy băng ghế nhựa san sát bên nhau như bàn phiếm, chờ bác sĩ gọi đến lượt mình. Cử chỉ nhanh nhẹn dịu dàng của những cô y tá mặc áo blouse trắng nơi các phòng mặt tươi vui niềm nỡ bên cạnh bác sĩ, khiến Văn thấy gợn lên ở lòng mình một cảm giác dễ chịu với niềm tin trong sáng. Văn cảm thấy yên tâm, miệng cười vui tìm cách gợi chuyện với những người bệnh ngồi bên cạnh mình. Nỗi hoang mang lo sợ về sinh hoạt dao kéo nơi phòng mổ sau này không còn hiện hữu ở lòng Văn.

Không khí mát mẽ dễ chịu của buổi sáng, với màu sơn trắng dịu. Phòng khám của các khoa không rộng, trở nên ấm cúng, thân tình. Với sự hỗ trợ tích cực của những cô điều đưỡng trẻ tuổi ân cần, với khuôn mặt hiền lành vui vẻ như các soeur nơi chủng viện, bác sĩ chuyên khoa Nhật Minh, thái độ từ tốn dùng chiếc máy xinh xắn lần lượt soi rõ, quan sát từng đôi mắt người bệnh và quyết định. Bước xét thị lực đầu tiên của một nam y tá trẻ tuổi năng nỗ kết thúc là giai đoạn xét nghiệm cơ bản về huyết áp, máu, nước tiểu, chụp x- quang…tại phòng thủ thuật cho bệnh nhân. Vài người bệnh cao tuổi có vẻ ngờ nghệch, lẩm cẩm nhưng với lời nói ngọt ngào và cử chỉ từ tốn, những cô cán sự tỏ ra bình tỉnh, không bực bội, mà vẫn tiếp tục thao tác chuyên môn bằng những trang bị y khoa hiện đại ở các phòng nằm san sát cạnh nhau khiến mọi người cảm thấy tin tưởng. Văn thầm nghĩ: Thật đúng với ý nghĩa là nhà thương. Trời đứng trưa, ánh mặt trời  chiếu long lanh vào từng ô cửa kính, BS Nhật Minh hẹn Văn ngày đến phẩu thuật mắt.

Sau buổi tối được ăn đầy đủ, Văn lên giường mong ngủ sớm. Dù được dỗ giấc ngủ với viên thuốc séduxen chuẩn bị sự tỉnh táo cho ngày hôm sau lên bàn mổ, Văn vẫn chập chờn suốt đêm với bao nhiêu suy nghĩ mông lung. Trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, Văn nghĩ đến vận mệnh của đôi mắt mình. Nếu chẳng may, Văn sẽ đánh mất đi một thứ gì quan trọng nhất trong đời. Văn thường tự hào với đôi mắt sáng mà trong quá khứ lắm bão giông của mình, nó đã giúp Văn biết bao nhiêu điều ý nghĩa. Nhờ đôi mắt, Văn không còn phải băn khoăn mãi giữa hai dòng nước, Văn đã ý thức được con đường đi đúng đắn của đời mình, cảm nhận rõ được chân dung đích thực của người dẫn đường sáng suốt, được coi là thần tượng vĩ đại, thánh thiện của dân tộc trải qua bao gian khổ vinh quang của đất nước. Văn ước mơ mọi sự sẽ diễn ra trong suôn sẻ để mình không trở thành một Cyclopes  ác độc, thuộc loại “người hai con mắt, nhìn đời một con”.

Sáng sớm đúng ngày hẹn, mặc bộ y phục bệnh nhân màu trắng nhạt, Văn được đo lại huyết áp.  Giáng Tiên, một cô điều dưỡng trẻ tuổi xinh xắn, với lời lẽ dịu dàng, tay cầm hồ sơ gọi tên hướng dẫn người bệnh đến phòng chờ bên ngoài phòng mổ… Bệnh nhân ngồi đợi ở phòng ngoài cũng được nhỏ thuốc thêm một lần trước khi vào phòng chính của bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mắt. Phòng mổ chính được bố trí hai giường. Thoạt tiên, Văn được gọi vào nằm ở giường gần cửa vào, theo làm theo lời cô cán sự nằm chờ chích thuốc tê…

– Chú gắng chịu đau một chút. Lời thì thào của Giáng Tiên như để động viên an ủi. Những ngón tay xinh xắn của cô nhẹ nhàng lau sạch bên ngoài vòng mắt Văn để chuẩn bị cho khâu chích thuốc tê. Nhắm nghiền đôi mắt, Văn không nhận ra cảm giác đau đớn khó chịu mà chỉ nghe như bị kiến cắn. Vì Văn đã từng quan niệm.

– Với văn nghệ sĩ còn sung mãn năng lực sáng tạo thì chỉ hiện hữu có màu xanh tươi thắm và sức xuân sáng tác mãnh liệt mà không bao giờ bị hạn chế bởi những con số khô khan về tuổi tác của đời thường. Thể lực họ có thể tiêu hao đi theo năm tháng, mái tóc xanh họ có thể ngã màu, nhưng tâm hồn họ vẫn chứa chan bao điều cao đẹp và con tim họ vẫn mãi mãi đọng lại với màu xanh bất tử của nghệ thuật.

Sáng sớm một ngày trở lại tái khám để được xuất viện, Văn vẫn không băn khoăn lo cho kết quả ở đôi mắt mình.

– Bộ đôi mắt thầy hay nhìn người đẹp lắm nên… Ở phòng tái khám, Bác sĩ Nhật Minh nhìn Văn mỉm cười, nói vui khiến các cô điều dưỡng khúc khích cười, lấy tay che mặt.

– Thưa bác sĩ, mắt tôi yếu chắc là do bệnh nghề nghiệp. Thú thật, tôi trong cuộc đời cầm cọ của họa sĩ, tôi cũng đã không ít lần đối diện tập trung điều tiết để quan sát người đẹp trong những lần sáng tác chân dung phụ nữ.

Anh cán sự trẻ nhanh nhẹn kiểm tra lại thị lực Văn lần cuối vừa xong, Bác sĩ khám lại thấy kết quả tốt cho Văn xuất viện.

Không gian bên ngoài bệnh viện, bỗng chốc trời nắng rực lên màu thủy tinh trong vắt, chiếu long lanh từng ô cửa. Văn cảm thấy yêu đời hơn, đưa mắt nhìn ra không mênh mông thành phố Cần Thơ với bệnh viện Đa khoa Tây Đô nơi ngả Sáu nội ô thành phố. Văn đưa mắt trông sang công viên rộng lớn cây cối tươi xanh, mang tên một nhạc sĩ yêu nước tài danh. Trên đài cao phía trước, chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với nụ cười thân ái, gần gũi đang vẫy tay chào bệnh viện và nhân dân thành phố mùa xuân. Tầng cao tiền sảnh bệnh viện, những cao ốc lênh khênh như muốn thách thức với trời xanh là những lá cờ sao rực rỡ sắc hồng đang phất phơ vẫy gọi như những cánh đại bàng. Xa xa, cầu Cần Thơ với những nhịp kết chặt nhau như nối vòng tay lớn, hiên ngang nằm vắt mình qua dòng sông Hậu hiền lành bốn mùa lặng sóng, như một niềm tự hào là chiếc cầu thế kỷ của Tây Đô. Văn cảm thấy vô cùng hạnh phúc về thành phố mình đã sống và đã yêu nó với một tình yêu thương vô tận. Trong niềm vui sướng tự tại, Văn khe khẽ ngâm: “Cần Thơ đẹp như một trái tim/ Đã cho và nhận máu trăm miền/ Từ nay, Nam Bắc thôi ngăn cách/ Cầu nối đôi bờ những nhịp duyên”. Rồi Văn thấy dậy lên trong lòng mình một niềm tự hào khi nhìn xuống nơi giao thoa của con đường 30/4 (xưa là đường Mạc Tử Sanh), đại lộ Hòa Bình với con đường mang tên nhà giáo cách mạng yêu nước Châu Văn Liêm còn in dấu ấn những ngày bão nổi của những đoàn Sinh viên Học sinh yêu nước Cần Thơ trong đó Văn đã có dịp đóng góp một công sức nhỏ bé của tuổi thanh xuân đời mình.

Tựa tay vào thanh cửa kính, Văn không coi đây là bệnh viện mà là nhà thương… đúng nghĩa là nhà thương. Vì đây là nơi hội ngộ tình thương bao la của muôn người từ mọi miền đất nước. Họ đến đây để biết cảm thông, san sẻ những dòng máu nóng từ sâu thẳm trái tim mình và để mãi mãi được yêu thương trong tình yêu đồng bào và tình nhân loại. Văn cảm thấy ở đó có những tâm hồn vô cùng đẹp đẽ cao quý, xứng đáng được tôn vinh là những hậu duệ tài hoa của những thần y như Hippocrate hay Biển Thước, Hoa Đà.

Từ trên vọi vọi tầng cao, bầu trời đứng trưa xanh, trong long lanh màu thủy tinh, chiếu thẳng vào những ô cửa kính khiến trong phòng trở nên ấm áp như chứa chan hơi ấm tình người. Văn lững thững bước xuống từng bậc thang, xuất viện với đôi mắt sáng và tâm trạng sảng khoái hơn bao giờ. Văn tin tưởng với tâm trạng trong sáng lạc quan và bâng khuâng tự thầm hỏi: Làm gì hơn, ở ngày mai khi ta lành hẵn bệnh/ Vì cuộc sống là thiên đàng bất tuyệt. Rồi Văn lẫm bẫm một mình:

– Chắc chắn mai đây ta sẽ được hạnh phúc trở lại trên bục giảng với viên phấn trắng tinh khôi trước đám học trò thân yêu đang đợi thầy về. Văn cảm thấy sung sướng, yên tâm rồi đây những ngón tay anh sẽ lại được thoăn thoắt bay lượn trên bàn phiếm. Và đứng trước giá vẽ (chevalet), khi Văn cầm lại những chiếc cọ quen thuộc, bên những tuýp màu xinh xắn dễ thương thơm ngan ngát mùi sơn, đôi mắt sáng của Văn cũng sẽ giúp mình nhận định tinh tế hơn những lúc anh phối hợp sắc màu hợp lý cho những họa phẩm đầy tính sáng tạo mang tiêu chí chân thiện mỹ  với nội dung nhân văn của mình. Đôi mắt Văn cũng sẽ được nhìn thêm rõ hơn thành phố mùa xuân mỗi lúc càng rạng rỡ thăng hoa. ngày đêm hôm nào cũng như buổi hội xuân, Và Văn cũng được thấy lại đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh/ gương mặt người ai cũng sáng long lanh với những ánh mắt trong lành ấm áp tràn ngập thương yêu. Trong đó, chắc hẵn nơi bệnh viện sẽ có thêm những thầy thuốc như mẹ hiền, đầy lòng nhân ái, bên cạnh có sự xả thân hỗ trợ đắc lực của những nàng tiên áo trắng với cử chỉ từ tốn, lời lẽ dịu dàng – Tất cả đều là những hậu duệ tài hoa của thần y Hippocrate mãi mãi coi bệnh nhân hơn một nửa trái tim mình.

Nguyễn Thanh