Những người lính ước mong TP Nha trang có phố Hà Vi Tùng

763

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa hè 1969, từ những mái trường phổ thông, những nhà máy xí nghiệp, những luống cày dang dở ngoại thành, những con đường thơm hương hoa sữa… hàng trăm thanh niên Hà nội lên đường nhập ngũ và được đưa về huấn luyện tại sư đoàn 320 B – một sư đoàn được tách ra từ sư đoàn 320 (Đồng bằng) thuộc Quân khu Hữu Ngạn chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sỹ vượt Trường sơn vào Nam chiến đấu. Khi ấy, miền Bắc cũng đang trong chiến tranh, nhiều khó khăn gian khổ, nhưng việc chi viện sức người sức của cho chiến trường là nhiệm vụ hàng đầu.

Sư đoàn trưởng của chúng tôi ngày ấy là đại tá Hà Vi Tùng. Lính tráng truyền tụng ông đánh vùng rừng núi rất giỏi, từng tham gia những trận đầu tiên diệt quân Mỹ ở Tây nguyên. Ông gốc người thuộc làng Đa Phúc, Sài sơn, xứ Đoài. Cha ông đi làm ăn ở đất Tuyên, chọn đất Tuyên làm quê hương. Ông Tùng sinh ra ở đây. Được gíác ngộ cách mạng và tham gia Việt minh cũng ở đây. Tháng 10 /1945, tròn 20 tuổi, ông là chỉ huy một tiểu đội tự vệ tham gia cướp chính quyền, rồi được cử đi học trường Quân chính khóa 1 tại Hà nội. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu như thế, và rồi trọn cuộc đời ông là cuộc đời của một chiến binh quả cảm, của một người lính dạn dày trận mạc, của một cuộc đời binh nghiệp với nhiều chiến tích rất vẻ vang…

Sau khi tốt nghiệp khóa quân chính, ông xung phong Nam Tiến, là những người lính lên tầu Nam tiến đầu tiên chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ, Khánh hòa. Người sỹ quan 20 tuổi này từng là chỉ huy một tiểu đoàn rất nổi tiếng thuở ấy là tiểu đoàn Lá mít, kể như “307” của chiến trường Liên khu Năm. Ông trưởng thành qua từng trận đánh, qua từng chiến dịch, từ cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, đến trung đoàn. Năm 1954 ra miền Bắc tập kết, nghĩa là trở về quê hương bản quán, ông vẫn tiếp tục đời quân ngũ, lần lươt giữ các chức vụ tham mưu trưởng sư đoàn, lữ đoàn trưởng, rồi theo lệnh Bác Hồ lặng lẽ trở lại chiến trường xưa, năm 1965 là tham mưu trưởng sư đoàn chỉ huy và đánh những chiến dịch đầu tiên ở mặt trận Tây Nguyên. Chính với những kinh nghiệm dặn dày trên chiến trường đánh Pháp đánh Mỹ, ông trở thành sư đòan trưởng 320B, trực tiếp huấn luyện những người chiến sỹ sẽ đi chiến đấu ở những mặt trận đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi được vinh dự làm lính của ông, với những bài học, kinh nghiệm, tinh thần, ý chí, kỹ chiến thuật, binh pháp… ông trao cho vô cùng quý giá… Và rồi từ đây, hàng vạn chiến sỹ đã lên đường tăng cường cho mặt trận, với vinh dự là lính Sư đoàn 320B, lính sư đoàn Hà Vi Tùng…


Tướng Hà Vi Tùng.

Tháng 8 năm 2017, ra Nha trang, tôi gặp những cựu chiến binh cũng là lính của tướng Hà Vi Tùng, chỉ khác là các anh chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên.

Tôi làm lính tướng Hà Vi Tùng ở mặt trận Tây nguyên anh ạ. Lúc ấy anh Tùng tầm tuổi 40, được điều vào làm tham mưu trưởng mặt trận B3. Đây, hồi ký của thượng tướng Nguyễn Hữu An ngày ấy cũng ở Tây nguyên viết rõ: “Khi tới Công Tum, tôi, anh Nguyễn Minh Đức chính ủy và một số anh em trong bộ tư lệnh sư đoàn rẽ vào Đắc Un, nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận B3 (Mật danh chỉ Mặt trận Tây Nguyên). Tưởng Bộ chỉ huy Tây Nguyên là ai xa lạ, hóa ra quen thuộc cả. Các anh Nguyễn Chánh tư lệnh, anh Đoàn Khuê chính ủy, Hà Vi Tùng tham mưu trưởng. Riêng chính ủy Đoàn Khuê là người tôi mới gặp lần đầu. Mọi người mới cũ đều tỏ ra vui mừng xúc động thăm hỏi nhau…”. Thế rồi quân ta tổ chức các chiến dịch lớn đầu tiên tiêu diệt sinh lực Mỹ được trang bị tối tân ở Tây nguyên. Chắc anh vẫn còn nhớ những chiến công vang lừng buổi đấu ấy như PLÂY-ME – IA-ĐRĂNG, những chiến công nức lòng quân dân cả nước và càng khẳng định tinh thần Nguyễn Chí Thanh- Chính ủy quân giải phóng: ”Không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ”. Anh Hà Vi Tùng là tham mưu trưởng chỉ huy trực tiếp những trận đánh này, khiến cho quân thù điên đảo và sau này họ phải viết về anh: “Đại Tá Hà Vi Tùng là Tham mưu trưởng của Vùng IV Chiến thuật Bắc Việt tại Cao nguyên. Vùng hành quân của ông bắt đầu từ lãnh thổ Căm Bốt, cắt ngang qua khúc giữa của Nam Việt Nam, và tận cùng tại Biển Đông. Một con người nhỏ thó với nét mặt khắc khổ phong sương, Tùng chứng tỏ là một cựu chiến binh của nhiều trận chiến với quân lính Pháp”.

Chúng tôi là những người lính tham gia trận đánh, thì càng khâm phục các anh ấy lắm. Lần đầu đụng nhau với thằng Mỹ, chưa hiểu nó ra làm sao, đánh đấm thế nào, chỉ biết vũ khí nó vô cùng hiện đại, tối tân, lại được trang bị tới tận răng, mà chúng ta đã đánh nốc ao chúng nó như thế, làm phấn chấn quân dân cả nước, thì lính chúng ta chẳng dũng cảm, tướng chúng ta chẳng tài giỏi là gì phải không anh?

Tôi cũng xin thưa với anh là Tướng Hà Vi Tùng không chỉ có vậy. Năm 1979 ông lên biên giới phía Bắc, là Tham mưu trưởng Quân khu một, bước vào một cuộc chiến đấu mới, với một kẻ thù mới. Như vậy là cả ba cuộc kháng chiến anh Hà Vi Tùng đều có mặt, đều kiên cường ở vị trí hàng đầu.

Buổi chiếu ấy, theo nguyện vọng của tôi, người cựu chiến binh ấy đã đưa tôi đến dâng hương tại nhà lưu niệm của tướng Hà Vi Tùng.

Ông Hà Vi Tùng là người lính Nam Tiến, chinh chiến giặc giã khắp các mặt trận, nhưng rồi cuối đời ông nằm lại với quê hương chúng tôi, khi đã hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của đời binh nghiệp là Hiệu trưởng Trường sỹ quan lục quân 3 và là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Khánh Hòa. Những người con của ông, mà con đầu lòng là một đại tá quân đội, đã thể theo nguyện vọng của cha, để ông mãi mãi nằm lại Nha Trang, nơi ông đã nhận làm quê hương, bên người vợ hiền là bà Nguyễn Thị Năm. Nơi ông yên nghỉ cũng là cũng là nơi buổi đầu ông Nam tiến vào đây, đóng quân xây dựng lực lượng ở đây và cũng từng lập chiến công ở đây. Năm 1949, tiểu đoàn 360 do ông chỉ huy đã diệt gọn một đại đội Pháp và lực lượng địch tại đồn Xuân Phong này.

Tôi thắp nén nhang dâng lên bàn thờ của ông. Trong khói nhang mờ ảo, gương mặt võ tướng nhưng hiền hòa của ông như từ tấm ảnh linh thiêng bước ra, nhập với hình ảnh của ông ngày nào là sư đoàn trưởng của chúng tôi ở sư đoàn 320 B. Và càng nhớ tới lời lời của Ðại tướng Nguyễn Quyết – nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam nói về ông: “Cách mạng Tháng Tám đem lại cuộc đổi đời lịch sử cho dân tộc Việt Nam, đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những thế hệ người Việt Nam mới. Trong đó có một thế hệ đón nhận cách mạng ở lứa tuổi 20, với sức trẻ và nhiệt huyết của tuổi thanh niên, đã tham gia khởi nghĩa và xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, đã gia nhập đội quân với “thuốc súng kém, chân đi không” để “đem thân liều cho Nước” trong những ngày đầu chống thực dân Pháp và sau đó trải qua những năm tháng ác liệt trên chiến trường chống Mỹ, cứu nước, có mặt ở chiến trường các nước bạn Lào, Cam-pu-chia làm nhiệm vụ quốc tế. Trong cuộc trường chinh oanh liệt ấy, nhiều người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống và cũng qua cuộc tôi luyện ấy, có những người đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cao cấp, thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ðồng chí Hà Vi Tùng là một người thuộc thế hệ đặc biệt ấy!”.

Trên đường trở về Đồng Đế từ Vĩnh Phương, khi đi qua những bãi biến dạt dào sóng vỗ, người cựu chiến binh Nha Trang bất giác nói với tôi một ý nghĩ hằng nung nấu trong lòng anh:

– Tôi cứ ước mong anh ạ, ước mong của một người lính quê hương Khánh Hòa – một ngày không xa trên thành phố quê hương chúng tôi sẽ có những con phố mang tên những vị tướng lĩnh đã chiến đấu hết mình cho quê hương đất nước như tướng Hà Vi Tùng. Những con phố mang tên các vị tướng lĩnh ấy, sẽ án ngữ, sẽ trấn giữ trước cửa biển Đông, không chỉ để con cháu mãi mãi nhớ về các ông, không chỉ để lịch sử ngời sáng mãi tên tuỗi các ông, mà còn để những kẻ nào hòng nhòm ngó đất nước, biển khơi của chúng ta, hãy nhìn vào đấy mà tự răn mình có nên đụng chạm đến hay không, vì dải dất này, đất nước này có những vị tướng, có những người lính như thế, tất “chúng bay sẽ bị đánh bại vong” như các cụ xưa đã truyền.

Lời người cựu chiến binh ấy cháy bỏng. Thật lòng tôi đã nghĩ tới một ngày mai trên thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, sẽ có một con phố mang tên Hà Vi Tùng sẽ án ngữ, sẽ trấn giữ trước cửa biến Đông, không chỉ để con cháu mãi mãi nhớ về các ông, không chỉ để lịch sử ngời sáng mãi tên tuỗi các ông, mà còn để những kẻ nào hòng nhòm ngó đất nước, biển khơi của chúng ta, hãy nhìn vào đấy mà tự răn mình có nên đụng chạm đến hay không, vì dải dất này, đất nước này có những vị tướng, có những người lính như thế, tất “chúng bay sẽ bị đánh bại vong” như các cụ xưa đã truyền…” Đó cũng là ước mong, là nguyện vọng, là kiến nghị chung của những người lính chúng tôi, sư đoàn 320 B, mặt trận Tây Nguyên, Mặt trận Lào, Quân khu 1… dâng lên các cấp có thẩm quyền của Khánh Hòa!

TM các cựu chiến binh F 320 B

Trương Nguyên Việt