Những người thương nhớ dắt nhau đi

954

Ts. Hoàng Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đọc văn khi bắt được cái giọng của nhà văn, sự tiếp nhận văn bản được xem là lý tưởng. Nhà thơ Lê Thanh My đã chọn giọng cho độc giả, khi chị chọn tiêu đề của tập thơ bằng một câu thơ “Những người thương nhớ dắt nhau đi” trong bài thơ “Thức dậy lúc không giờ” (bỏ đi một hư từ “chỉ”).

Bìa tập thơ Những người thương nhớ dắt nhau đi

Tôi đã đọc thơ chị trong một ngày đông mưa phùn, gió bấc, lạnh lẽo của xứ Huế, trong tôi bất ngờ xuất hiện những cuộc đối thoại cùng chị, thi nhân ơi, sao chị viết thơ như đang kể chuyện của nhiều người vậy:

em nhớ anh/ loanh quanh/ dường như không thoát được/ anh quăng lưới vào ý nghĩ/ trói buộc em/ khi thở cũng thơm mùi khói thuốc/ nhìn mây tưởng tượng bồng bềnh/ ngày xa/ tháng xa/ năm xa… chẵn và lẻ xếp hàng chăn gối/ em sờ quanh có chín mươi chín triệu thiên hà/ miền nào cũng lạ/ con kiến bò loanh quanh/ ừ, có lẽ đã điên vì nhớ” (Nhớ)

Loanh quanh vì nhớ, quẩn quanh vì nhớ, tương tư vì nhớ, điên lên vì nhớ… chỉ có những tình yêu đích thực, tình yêu sâu sắc, tình yêu mộng mơ, tình yêu xa ngái… thì mới có cái cảm xúc da diết, dâng tràn, chân thành và giản dị đến thế. Tôi đã từng đọc câu thơ “nàng nhớ mùi thuốc lá của chồng” (Khỏa thu – Phan Thanh Bình), rồi nhận ra, thì ra khi xa nhau người phụ nữ thường nhớ mùi thuốc lá của chồng – một mùi vị đặc trưng của người đàn ông, cho dù bây giờ người ta đang “tẩy chay” thuốc lá, thì mùi khói thuốc như là cái cớ để nhớ về nhau.

Giọng thủ thỉ, tâm tình của chị đã bày tỏ các cung bậc cảm xúc của tình yêu: nhớ nhung, trông mong, chờ đợi, rồi khắc khoải… “biết ngày xa/ hoang phế sẽ khôn lường/ cuồng dại yêu thương dễ tan thành bọt nước/ làm sao anh biết được/ khi hoàng hôn nhấn chìm nửa bầu trời/ biển của em/ sụt sùi/ khóc” (Biển của em). Có lúc nhà thơ tự vấn: “đã có tì vết nào trong lòng mình chưa?” để rồi nhận ra một điều hiển nhiên, giản dị: “Những câu thơ em viết cứ như đùa/ một ngày nắng sẽ phai/ một ngày gió thổi bay/ còn lại sau cùng/ là vòng tay anh rụt rè nơi bậc cửa” (Đã có tì vết nào trong lòng mình chưa?). Như đốn ngộ, như nhận chân giá trị cuộc đời, những vần thơ của chị đã thức tỉnh biết bao tâm hồn còn đắm đuối trong “bến mê”, hãy nhận chân giá trị của tình yêu mà gìn giữ “vòng tay anh”.

Tứ thơ “đêm qua” trùng điệp trong bài thơ “Hỏi thăm” là điểm nhấn trong suốt bài thơ. “Đêm qua/ con đường bỏ tôi một mình… đêm qua/ ghế đá công viên thức trắng rầu rầu… đêm qua/ tôi nghe những bước chân tìm nhau… đêm qua/ tôi nhớ một người ở tận đâu đâu”… Chị viết như không viết vậy, những câu thơ tràn trên giấy, còn lại suy tưởng chìm sâu. Lấy thời gian đêm qua để đo không gian, đo tâm tưởng. Vẫn lối nói quen thuộc của dân gian, nhưng ngữ liệu thì mới, hiện đại, mang âm hưởng nhộn nhạo của phố phường, tâm tưởng thì chìm sâu vào nỗi nhớ. Tưởng chừng cái tôi đang để chuyện ai, nhưng không, cái tôi ẩn giấu đến tận cùng mới thốt ra: Tôi nhớ một người ở tận đâu đâu – mơ hồ mà đa nghĩa, bởi ai đó chắc đã nhận ra; con đường, ghế đá công viên, bước chân… đã từng có kỉ niệm với ai.

Tôi rất thích tứ trong bài thơ “Ngộ”, 6 câu thơ như kể lể, thở than, rồi bất ngờ hạ một câu kết làm sáng cả bài thơ: “em khâu nỗi nhớ từ chiều qua cho đến hôm nay/ bằng sợi chỉ nôn nao/ bằng thở dài bối rối/ bằng nhịp đồng hồ nông nổi/ ngày dại khờ/ đêm mòn mỏi thở than/ thì ra nhớ nhau đâu có dịu dàng”. Đúng vậy, nhớ nhau đâu chỉ dịu dàng, nôn nao, bồn chồn, nông nổi, vội vàng, như chàng trai trong ca dao thuở xưa vừa “trèo lên” lại lúng túng “bước xuống”: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”. Nhưng cái lúng túng của chàng trai trong ca dao là cái lúng túng của thuở ban đầu chưa kịp trao lời để rồi hối tiếc. Còn nỗi nhớ trong bài thơ “Nhớ” là đã từng có kỉ niệm, đã từng dặn dò, chỉ là thời gian quá chậm so với cái nôn nao của lòng người mà thôi, cho nên “nỗi nhớ đâu có dịu dàng”…

Có những vần thơ nhẹ nhàng, êm ái, đọc lên cứ du dương, ru lòng ta nhè nhẹ, ai cũng có một thời tuổi trẻ, ai cũng có một thời mộng mơ, ai cũng có những cái nắm tay thề thốt suốt cuộc đời: “mỗi người bước đi bằng hơi thở của chính mình/ tay nắm chặt để em đừng nghi ngại/ ta chú thích vào tương lai thân ái/ con đường có tên đêm xa…” (Chú thích đêm)

Thơ viết về cõi riêng của tình yêu thật đẹp: “nói gì/ khi ta yêu nhau/ không nói gì/ khi ta yêu nhau/ bóng tối làm lu mờ xác thịt/ lại rực rỡ xúc cảm phần người/ góc nhỏ này của riêng ta thôi/ nhớ nhau ta tự tìm về… ngôi nhà người tình hư hao theo năm tháng nhạt nhòa/ hóa sứ đỏ nở nôn nao một góc/ bao thăng trầm mệt nhọc/ rồi cũng hết trăm năm/ lối thông hành của tim là một con đường hun hút xa xăm/ chờ trong li biệt/ chờ trong da diết/ những dòng tin nhắn như chim bay mỏi cánh/ chẳng có lời nói nào ở ban công/ đêm/ nở lập lòe nụ môi giã biệt” (Góc riêng ta). Những vần thơ tự sự, tâm tình rất nữ tính. Ở góc nhỏ tình yêu người phụ nữ đã tỉ mỉ nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhất, đó là nỗi nhớ trong trái tim đã yêu, đang yêu và vẫn còn yêu. Dù “lối thông hành của tim là một con đường hun hút xa xăm”. Ta nói đó là thủy chung. Ta nói đó là chung tình. Ta cũng nói đó là thất tình. Điều ta nhận ra là tình này thật đẹp. Kỷ niệm thật đáng yêu. Bởi tình yêu khi đã đắm say, dâng hiến thì “lại rực rỡ xúc cảm phần người”, nó như tiểu thuyết, mỗi ngày mở ra mỗi trang là nhớ về một kỉ niệm.

biết làm sao quên/ tiếng chuông vọng vào miền thao thức/ hơi thở gấp truyền qua lồng ngực/ đêm hoang vu trở về// không giờ// dường như tất cả đã ngủ mê/ bóng đèn đường rụt rè bật sáng/ ở giữa lối thông hành lãng mạn/ chỉ những người thương nhớ dắt nhau đi” (Thức dậy lúc không giờ). Cái thao thức của trái tim khao khát yêu thương trở nên đáng yêu bởi có “lối thông hành lãng mạn”; trong cái tĩnh lặng về đêm dường như kí ức và nỗi nhớ cùng ùa về, để trái tim tình yêu nhận ra một điều rất giản dị: “chỉ những người thương nhớ dắt nhau đi”, khi đã trao trái tim thương nhớ cho nhau, dù có xa ngái, cũng chỉ là tạm thời. Nói như ai đó là “tình yêu trong xa cách được ví như ngọn lửa trong gió. Gió thổi tắt những ngọn lửa nhỏ và thổi bùng những ngọn lửa lớn”.

Dường như mỗi sắc màu của nỗi nhớ tình yêu đi vào thơ chị như một câu chuyện kể về một kí ức, một kỉ niệm, với không gian và thời gian đồng hiện. Và rồi, tứ thơ “chỉ khi con tim biết nói lời yêu thương/ hạnh phúc sẽ theo ta đến cuối con đường” như một chân lý hiển hiện trong toàn bộ tập thơ của nhà thơ Lê Thanh My. Một tập thơ không nhiều chỉ với 50 bài, cầm lên tay nhẹ tênh, nhưng chứa đựng sức nặng của một trái tim phụ nữ thi nhân thật chân tình, hồn hậu, chị đã nói thay cho biết bao người phụ nữ đang yêu, đang kháo khát tình yêu, đang đợi chờ, rằng khi yêu thương bằng chính trái tim mình, thì hạnh phúc sẽ mỉm cười.

Đọc thơ của nhà thơ Lê Thanh My, tôi nhận ra giọng thơ của nhà thơ Nam bộ, thủ thỉ, tâm tình, giản dị, chân thành, thẳng thắn khi giải bày các trạng thái cảm xúc của tình yêu… không cố tỏ ra bóng bẩy hay trau chuốt cho cái tôi kiêu hãnh trong tình yêu. Thơ chị như “người đàn bà” kể, câu chuyện kể mỗi ngày làm sáng lên một vùng kí ức, gợi về một vùng kỉ niệm và biết đâu đó cũng là kinh nghiệm riêng cho mỗi người. Con đường tình yêu, chỉ là một hành lang hẹp, nếu ai đó biết nắm tay thật chặt, thật tự tin thì đi đến cuối con đường. Nếu vụng dại, không may hay lỡ lầm thì đó cũng chưa phải là tận cùng, và hãy nhớ “trong lòng người đàn ông/ nụ cười người đàn bà hơn tất cả thế gian”. Bài thơ “Khi con tim biết nói lời yêu thương” với kết cấu đầu cuối tương ứng là sự đúc kết những trải nghiệm của cái tôi thi sĩ trước tình yêu và cuộc đời. Bài thơ thật có giá trị nhân văn cho những ai đã yêu, đang yêu và sẽ yêu.

Đến với tập thơ Những người thương nhớ dắt nhau đi, tôi nhận ra một điều rất giản dị là hãy đọc chậm, đọc kỹ, đọc nhiều lần một văn bản thơ, bởi đặc trưng mơ hồ và đa nghĩa của thơ ca, và cũng bởi lối bày tỏ cảm xúc của nhà thơ từ tốn, chậm rãi… giá trị nhận thức của văn chương chính là ở chỗ giúp ta tự ngộ ra, tự biết thêm về mình, về mọi người; dường như đó cũng là thông điệp của nhà thơ với cuộc sống hối hả hiện nay với những ai có thói quen “bấm” và “lướt” mỗi ngày, nếu chỉ bấm và lướt quá nhanh bạn sẽ không thể cảm nhận hết cái đẹp của tình yêu và cuộc đời bởi vì “ở giữa lối thông hành và lãng mạn/ chỉ những người thương nhớ dắt nhau đi

                                           Huế ngày 6/1/2019

H.T.T.T