Những nhà văn đồng hành cùng mùa Xuân 1968

835

05.02.2018-07:00

NVTPHCM- Tác phẩm của các nhà văn tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân phần lớn viết về chiến tranh và người lính trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật…

Tiễn các nhà văn đi chiến trường – Ảnh tư liệu.

 

Đã tròn 50 năm, đến hôm nay, Bài ca Xuân 68 của nhà thơ Tố Hữu vang lên trong đêm giao thừa năm 1968 vẫn như một hồi kèn xung trận:

 

Anh chị em ơi!

Hãy giương súng lên cao, chào Xuân 68

Xuân Việt Nam

Xuân của lòng dũng cảm.

 

Thật sự là khi ấy, tôi còn hiểu rất hạn hẹp về những câu thơ, chỉ cảm nhận được cái phơi phới, cái hào hùng, vĩ đại của những từ đại thắng, tổng tiến công, tổng công kích, đồng khởi…; chưa biết rằng phía trước, đằng sau nó là máu và nước mắt, là sự hy sinh của hàng chục nghìn người con ưu tú của dân tộc, trong đó có những người cầm bút!

 

Tôi có may mắn được tham gia làm cuốn Chân dung các nhà báo liệt sĩ do Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1996, biết được tên tuổi của hơn 400 nhà báo, nhà văn hy sinh trong những cuộc kháng chiến, trong đó có tới 65 anh, chị đã ngã xuống trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đội ngũ cầm bút, phóng viên mặt trận ra đi từ mùa xuân ấy không về có những anh hùng, những tên tuổi lớn của nền văn học Cách mạng nước nhà. Các anh là những nhà văn – chiến sĩ, một nét độc đáo của văn học, văn hóa Việt Nam. Trước chiến dịch Mậu Thân 1968, theo tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến lớn”, “Vì miền nam ruột thịt”, họ đã vượt Trường Sơn hội quân ở hai chiến trường miền nam chiến đấu và công tác.

 

Khi còn sống, mỗi khi nhớ về một thời cầm súng và cầm bút, nhà văn Thanh Giang thường ngậm ngùi nhắc tới những người đồng chí, đồng nghiệp đã hy sinh, ông gọi đó là “Những hồn văn Quân Giải phóng” (bài đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 2011). Trong đó ông viết: “Tháng 4-1968, Nguyễn Trọng Oánh và Thanh Giang về tới cơ quan bấy giờ mới được tin dữ từ phân khu 2 điện về: Nguyễn Ngọc Tấn hy sinh! Thế là sau Mậu Thân 1968, A6 hy sinh bốn người: Họa sĩ Thu, Bé Nghiệp, Trúc Chi và Nguyễn Ngọc Tấn! Còn Thanh Giang và Võ Trần Nhã bị thương. Biết đạn, bom sẽ hủy diệt, Oánh và Giang soạn trong hai thùng thiếc tư liệu của Tấn, chọn hàng chục tập ghi chép, trong đó có bản thảo ba chương tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa; truyện anh hùng Ước mơ của đất (phần một); hai truyện ký Cô gái đất Ba DừaSen trong đồng… đóng thành hai gói to, chuyển ra Hà Nội cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội”.

 

Ở Nam Bộ, chiến trường miền Trung, những năm kháng chiến dường như năm nào đội ngũ văn nghệ, báo chí cũng có người hy sinh. Riêng dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, từ sườn đông dãy núi Ngọc Linh về tới Cửa Đại thời kỳ 1967-1971, đã có sáu anh em văn nghệ sĩ hy sinh. Đầu nguồn (huyện Nam Trà My) là nơi nhà thơ Nguyễn Mỹ ngã xuống. Xuôi sông Tranh, về tới đồng bằng là nơi Trần Tiến – Chu Cẩm Phong và nhà thơ Nguyễn Trọng Định hy sinh khi đang phục vụ chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 cùng rất nhiều văn nghệ sĩ khác… Nhà thơ trẻ Nguyễn Trọng Định lúc ấy là sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, sau tốt nghiệp về làm việc tại Báo Nhân Dân. Bài thơ có cái tên thật bình dị Mặt trời đã mọc của ông nói về những mơ ước, khát vọng của tuổi trẻ lúc bấy giờ, trong đó có đoạn: Ôi mai này, trên dốc núi, bến sông / Có thể nào quên những tháng năm nồng cháy / Có thể nào quên những trang đời Đảng dạy ta khi ấy / Dạy đứng thẳng người dù vai nặng gian lao / Dạy nơi đọc thơ – phải là giữa chiến hào / Nơi làm toán là sân phơi hợp tác!

 

Trong cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn, đã có hai nhà văn hy sinh và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi và nhà thơ Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân. Lê Anh Xuân viết Dáng đứng Việt Nam trước khi hy sinh. Mặc dù hy sinh từ khi còn rất trẻ, nhưng ông đã kịp để lại cho thơ, cho lịch sử một hình ảnh, một tượng đài “tạc vào thế kỷ”, đó là hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân bình dị mà lẫm liệt, biểu trưng của “dáng đứng Việt Nam” những năm chiến tranh giải phóng chưa xa. Với những cống hiến xuất sắc cùng tấm gương hy sinh ngời sáng, nhà giáo – chiến sĩ Ca Lê Hiến, nhà thơ – liệt sĩ Lê Anh Xuân được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Còn liệt sĩ – nhà văn Nguyễn Thi – Nguyễn Ngọc Tấn là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng; đồng thời cũng là một nhà văn từng sống cảnh “ngày bắc, đêm nam” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội như nhiều nhà văn quê miền nam khác. Hơn 40 năm hy sinh vẫn chưa tìm ra phần mộ, nhưng tên tuổi ông đã được đặt cho đường phố, trường học ở TP Hồ Chí Minh – nơi ông ngã xuống, gửi lại mối tình đầu xót xa cùng đứa con gái mà tận lúc hy sinh vẫn chưa được nhìn thấy mặt…

 

Tác phẩm của các nhà văn tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân phần lớn viết về chiến tranh và người lính trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

 

Trong những sáng tác về năm Mậu Thân 1968, không thể không nhắc tới Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968 của Bác Hồ với những vần thơ rất hào sảng: Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua, / Thắng trận tin vui khắp nước nhà. / Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ / Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!. Đó còn là Bài ca Xuân 68 của nhà thơ Tố Hữu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân…; và tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh mới đây: tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ của nhà văn quân đội Xuân Thiều. Huế mùa mai đỏ là cuốn tiểu thuyết viết theo lối sử thi mô tả cuộc chiến đấu ngoan cường và rất ác liệt ở một vùng đất đói nghèo đầy nắng gió là chiến trường Bình – Trị – Thiên; nhất là vùng ven thành phố Huế trong những năm tháng chiến tranh, cụ thể là trước và sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi nhận: Huế trong mùa Xuân Mậu Thân năm 1968 rất oai hùng và vô cùng quyết liệt. Nhắc về giai đoạn này, tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều và cuốn tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ của ông… (Trích trong Nhà văn Xuân Thiều, Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 – NXB Văn học, 2017).

 

Thiếu tướng Tám Trần – tức nhà văn Văn Phác, nguyên Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin từng kể, cơ quan Cục Chính trị Miền của ông đón Tết đúng vào lúc toàn mặt trận náo nức và hồi hộp bước vào Cuộc Tổng tiến công. Ông viết trong nhật ký: “Ngồi ở Sở chỉ huy – Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng, thấp thỏm đợi giờ G của chiến dịch. Có mặt cùng đông đủ các đồng chí trong Bộ chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần…, đồng chí Bảy Hồng (tức Phạm Hùng) – Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, chắc cũng đang thấp thỏm đón giờ G, đón phút giao thừa. Giờ G được chọn vào đúng lúc giao thừa. Tiếng pháo Tết và tiếng súng cùng tiếng hô xung phong nhất loạt vang lên. Chuông điện thoại cũng reo lên rộn rã. Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên… và cả miền nam cùng đồng loạt làm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy”.

 

Để có một nền báo chí, một tủ sách văn học cách mạng đồ sộ, sáng đẹp về chiến tranh và người chiến sĩ những năm nửa sau thế kỷ 20, chúng ta đã phải đổi bằng bao hy sinh, xương máu của đồng chí, đồng bào, trong đó có các nhà văn, có những người cầm bút. Qua họ, thấy hiện lên, sâu thẳm, cả cuộc chiến tranh gian khổ, hào hùng của dân tộc. Và dẫu sinh thời không chuẩn bị cho mình một chỗ đứng, nhưng họ thật sự đã trở thành những vầng sáng còn mãi in dấu trong nền văn học và lịch sử nước nhà.

 

NGÔ VĨNH BÌNH

 

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…