Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

627

Cơn thịnh nộ của đất trời ngày giông bão rồi cũng sẽ đến lúc phải dừng lại; thế nhưng, nước mắt sau thảm nạn sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) biết đến bao giờ mới ngừng rơi; nỗi đau ở Trà Leng chẳng biết khi nào mới nguôi ngoai trong lòng những người ở lại.

Những đôi mắt đỏ hoe.

Những ánh nhìn thất thần.

Tiếng nức nở trong ngổn ngang, đổ nát.

Ở nơi đây, có những nỗi đớn đau chẳng thể nói ra bằng lời.

Chỉ có tiếng khóc vọng cả núi rừng trong những ngày Trà Leng trong nước mắt.


Những ánh mắt hoang mang của các em nhỏ tại Trà Leng.

Đường đã tạm thông sau những nỗ lực của lực lượng chức năng, nhóm phóng viên Báo Thanh Niên vào với Trà Leng trong hành trình trên thùng sau xe bán tải.

Đường dẫn vào ngôi làng nhỏ dưới nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) giờ đây đã bị khối đất đá khổng lồ san bằng. Khắp nơi là hiểm họa khi đất đá từ trên cao có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào. Vài ngày trước nơi này đã chứng kiến một thảm nạn. Chiều tối 28.10.2020, sau khi cơn bão số 9 vừa tan, một vụ sạt lở núi nghiêm trọng đã chôn vùi nhiều mái nhà ở thôn 1. 8 người chết, 33 người bị thương, 14 người đang mất tích nghi bị bùn đất từ vụ sạt lở vùi lấp. Trong số người mất tích có ông Lê Hoàng Việt, Bí thư đảng ủy xã Trà Leng.


Lực lượng chức năng đang cố gắng lật tìm người mất tích trong đống đổ nát.

Tại điểm trường nóc Ông Lục thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Leng, những người có người thân mất tích vẫn đang mỏi mòn chờ đợi. Lê Thanh Tú (con trai của ông Lê Hoàng Việt) học lớp 11 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My. Nhận được hung tin, Tú được thầy cô đưa từ trường về nhà tìm cha cùng với 4 học sinh khác cũng cùng cảnh ngộ.

Trong thảm nạn, mẹ của Tú đã thoát chết trong gang tấc, tuy nhiên đến tận bây giờ vẫn quá hoảng loạn nên chưa thể kể thêm gì về vụ thảm họa kinh hoàng này. Ngày 28.10, khi bão số 9 đổ bộ Quảng Nam, ông Việt đã đi khắp nơi thông báo cho bà con trong xã di tản tìm nơi an toàn trú ẩn và còn đón thêm nhiều người trong làng đến nhà mình để trú bão. Lúc lũ ống khủng khiếp bắt đầu xé núi đổ về, ông Việt vội vàng chạy ra khỏi nhà để quay hình ảnh báo cáo lên cấp trên để có những phương án chống lũ. Chính lúc đó, ông bí thư xã đã bị lũ cuốn trôi.


Em Lê Thanh Tú khóc nức nở ngóng tin cha là ông Lê Hoàng Việt – Bí thư xã Trà Leng


Chị Lê Thị Duyên (em gái ông Lê Hoàng Việt) cũng thất thần trước thảm họa quá bất ngờ.

Về cùng với Tú còn có cô ruột Lê Thị Duyên (là em gái của Bí thư Lê Hoàng Việt). Chị Duyên là giáo viên ở huyện Bắc Trà My cùng chồng lên hiện trường để chờ tin anh trai.
Thôn 1 xã Trà Leng bây giờ cảnh tượng thật khủng khiếp. Hàng chục ngôi nhà trong làng, dưới chân núi vốn đẹp bình yên, giờ đây là đống đổ nát, hoang tàn. Chưa bao giờ người dân Trà Leng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến thế. Thời tiết đang chuyển biến xấu, lực lượng chức năng đang phải khẩn trương đào bới tìm kiếm, giữa cơn mưa lất phất đầy hiểm nguy của miền rừng núi.


Băng qua bùn đất đặc quánh để đến ngôi nhà của Bí thư xã Trà Leng.

Để vào đến ngôi nhà của Bí thư xã Trà Leng phải băng qua hố sâu bị dòng lũ ống xẻ ngang núi. Khắp nơi đặc quánh mùi nhang khói tìm người thân; ai cũng tự biết phải bước nhẹ chân, vì biết đâu phía dưới lại là máu thịt con người.
Giữa thê lương là những ánh mắt đau đớn;là sự đăm chiêu, thất thần nhìn về hiện trường trong tuyệt vọng.

Trước ngày gặp nạn, ông Lê Hoàng Việt đã điện thoại cho em gái Lê Thị Duyên khuyên em nghỉ làm để về nhà tại thôn 1 xã Trà Leng để tránh bão số 9. Đó cũng là cuộc gọi cuối cùng mà chị Duyên nghe được giọng anh trai.

Giữa hàng trăm người đang nỗ lực đào bới, cứu nạn,vẫn thấy khắp nơi là những nỗi đau không thể nói bằng lời. Người ta cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại, nhất là những kỷ vật gia đình. Người ta cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại, nhất là những kỷ vật gia đình.


Người phụ nữ cố gắng nhặt nhạnh những kỷ vật của gia đình trong bùn đất.


Những tấm giấy khen lấm lem trong bùn đất.

Người ta cũng cố giữ lại những tài sản, gia súc; vì dẫu có đau đớn bao nhiêu thì những người ở lại vẫn phải vượt qua đau thương mà tiếp tục sống.

Cơn thịnh nộ của đất trời ngày giông bão rồi cũng sẽ đến lúc phải dừng lại; thế nhưng, nước mắt ở Trà Leng biết đến bao giờ mới ngừng rơi, nỗi đau ở Trà Leng chẳng biết khi nào mới nguôi ngoai trong lòng những người ở lại.

Theo Thanh niên