T.S Phạm Ngọc Hiền
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ Lục bát múa có nhiều hình thức nghệ thuật mới mẻ, nhất là sự ảo hóa các sự vật hiện tượng và con người. Lạc vào Lục bát múa, ta được chiêm ngưỡng một thế giới huyền ảo được vẽ bằng những sắc màu rất riêng biệt của cây bút Trần Lê Khánh.
Nhân Đọc tập thơ Lục bát múa của Trần Lê Khánh, NXB Hội nhà văn, 2018
Thể loại lục bát đã xuất hiện trong văn chương dân tộc từ ngàn xưa và vẫn đang có một sức sống mạnh mẽ trong thơ hiện đại. Nó không cũ mòn theo thời gian mà thiên biến vạn hóa qua ngòi bút của mỗi nhà văn. Tập thơ Lục bát múa của Trần Lê Khánh là một ví dụ nhỏ cho thấy sự kỳ diệu của thể lục bát trong dòng thơ trẻ Việt Nam đương đại.
Lục bát múa là một tuyển tập thơ gồm ba phần, được đặt tên là quyển 1, quyển 2, quyển 3. Tất cả các bài thơ đều được làm theo thể lục bát. Mỗi bài chỉ có hai dòng, tức là mỗi tác phẩm chỉ có một câu. Thông thường, sau dòng lục phải có dấu phẩy và sau dòng bát phải có dấu chấm hết câu. Nhưng tất cả các bài trong tập không có dấu chấm hết câu và cũng không viết hoa đầu dòng. Một điểm đáng lưu ý nữa là các bài đều không có nhan đề, cũng không đánh số và không tách thành trang riêng. Đó là những tác phẩm… không tên. Hay chúng có tên gọi chung là… Lục bát múa. Đó vũ điệu hình thức. Còn nghệ thuật ngôn từ của tập thơ cũng có nhiều sáng tạo độc đáo, nhất là sự “lạ hóa” sự vật hiện tượng.
Trong Lục bát múa, các hình ảnh thiên nhiên được miêu tả bằng thủ pháp nhân hóa nên có đời sống như con người. Vũ trụ, cây cối, chim muôn có hành động rất kỳ lạ:
“mặt trời ăn sáng qua loa
đàn mây cao chạy xa bay chờ thời”
“một hôm chiếc lá ăn năn
vén nhau tìm giọt sương rằm đêm qua”
“gió ru chiếc lá trên tay
ầu ơ giọt nắng ngủ say lắm rồi”
“trên đồi ngọn gió ngủ vùi
ngàn sao sà xuống thêm mùi cỏ hoang”
Tác giả thường dùng hình thức chuyển đổi cảm giác và thay thế đối tượng miêu tả. Ví dụ, từ “rũ” thường dùng cho con người (rũ áo, rũ bỏ). Nay tác giả lại dùng cho ánh trăng: “trăng rũ chiếc bóng bên thềm”. Từ “da non” được dùng cho động vật và con người. Tác giả lấy từ này gán cho đá: “vết nứt trên đá còn tươi/ rêu phong nằm đó vẫn lười da non”. Các sự vật vô tri vô giác cũng có hành động như con người: “bình minh đem cất mặt trời trên cao”, “sầu đông lát mỏng cơn mê”, “trăng thở ra khói trên trời”. Tác giả thường dùng các sự vật hiện tượng trong thiên nhiên để ám chỉ con người (theo lối ẩn dụ). Hình ảnh gió sương, cánh diều được dùng để chỉ dáng hình gợi cảm của thiếu nữ:
“giọt sương cởi áo trắng tinh
cuộc đời là lúc một mình đơn sơ”
“đêm đêm ngọn gió mịn căng
hồn như bong bóng phải chăng là tròn”
“cánh diều đắng mộng tóc mai
hoàng hôn quảy gánh nắng phai về ngàn”
Tập thơ cũng có rất nhiều câu miêu tả hình tượng thời gian. Qua ngòi bút của Trần Lê Khánh, thời gian cũng có mùi: “trăm năm người chẳng thêm mùi thời gian”. Thời gian cũng có trọng lượng: “kim giờ nặng lúc bước chân/ kim giây chạy chỗ nhẹ dần thời gian”. Thời gian cũng như tài sản, có thể tiêu xài: “thời gian là thứ để tiêu”, “mộng dài là kẻ ăn mày thời gian”. Ngược lại, có khi thời gian cũng biết xin xỏ người khác: “thời gian theo đóm ăn tàn”. Thời gian cũng có hành động như con người: “bình minh đem cất mặt trời trên cao”, “thời gian cũng chẳng biết dừng ra sao”. Thời gian cũng có hình hài, có thể vo lại được: “em đi bỏ lại đêm tròn/ anh vo ngày lại mỏi mòn tay khô”. Thời gian là một hình tượng nghệ thuật dùng để biểu đạt cuộc sống con người. Chúng có thể làm cho con người thích hay không thích. Và con người cũng có thể tác động đến thời gian:
“đừng mang em đến mùa xuân
vì em đã biết mấy lần truân chuyên”
“chiều cõng chiều muộn trên lưng
nếu thương xót em nên dừng bóng đêm”
“mưa thời gian mưa thời gian
em càng tắm gội mình càng khô thêm”
Trong Lục bát múa, ta gặp thủ pháp lấy thời gian định nghĩa thời gian như: “đêm là kiếp trước ngày mai/ giây là kiếp trước phút dài đứng trông”. Nhưng cũng có khi tác giả lấy không gian để định nghĩa thời gian: “bình minh là hạt nắng sâu/ hoàng hôn là hạt nắng lâu mệt nhoài”. Trong mối quan hệ giữa thời gian và không gian, ta thấy có các biểu hiện sau: Không gian làm phương tiện kết nối thời gian: “con đường nhỏ lượn bên triền/ vòng vèo dĩ vãng nối liền mông lung”. Không gian và thời gian cùng tương hỗ với nhau, thời gian buồn thì không gian cũng buồn: “tháng mười chiếc lá buồn so/ con đường phía trước giả đò nằm yên”. Nhưng phổ biến hơn cả là hình thức không gian hóa thời gian:
“em lợp mấy lớp thời gian
mái nghiêng mái dột rộn ràng thiên thu”
“hạt bụi còn nán gì thêm
em đi vóc thả lưng mềm thời gian”
“ngày lìa năm tháng rơi rơi
để cho năm tháng thảnh thơi dần dần”
“mù đường trong giấc chiêm bao
tiếng chuông đổ nứt buổi chiều âm u”
“dòng thời gian chảy miên man
đại dương chứa mãi sóng tràn thiên thu”
Thời gian cũng được cụ thể hóa thành các mùa và được không gian hóa nên có hình hài sinh động. Mùa xuân có hình dáng nghiêng: “mùa xuân nghiêng mùa xuân nghiêng”. Mùa hạ mỏng manh dễ vỡ: “anh đi mùa hạ vỡ choang”. Mùa đông với những cơn mơ dài: “sầu đông lát mỏng cơn mê”. Cũng như nhiều thi nhân khác, Trần Lê Khánh có cảm hứng đặc biệt với mùa thu. Và hình tượng mùa thu cũng được không gian hóa:
“con cá hớp phải mùa thu
vài gợn bong bóng ngục tù đi chơi”
“chiều ngó mây, mây ngó chiều
mây rêu đáy nước tiêu điều gương thu”
“gió nhìn lá, lá nhìn thu
làm người ở lại tạ từ ai đây”
“chiều thu lõm vào màn đêm
bầy mộng mị chưa thả liền bản năng”
Hình tượng mùa thu cũng mang sự sống con người. Mùa thu biết đi hoang: “mùa thu từ bỏ giang sơn/ bơ phờ ngọn cỏ đi hoang chân trời”, “mùa thu chiếc lá bay xa/ tận cùng thế giới đâu là thời gian”. Màu thu cũng biết đi chầm chậm, ra dáng điệu cho bao kẻ say mê: “mùa thu chầm chậm trong anh/ chiếc lá làm bộ rơi nhanh xuống hồ”. Mùa thu mang dáng hình thiếu nữ, có đôi mắt khép hờ để bao chàng trai mơ mộng: “chiều thu đôi mắt khép hờ/ mây bay ra khỏi cơn mơ cuối trời”.
Trên đây, ta đã nói đến thủ pháp lạ hóa các sự vật hiện tượng trong thiên nhiên. Trong Lục bát múa, còn có sự lạ hóa con người. Nhân vật có những hành động lạ thường, mang tính kỳ ảo, không có thực ngoài đời:
“em mang sương khói ra phơi
cho ngày thôi quạnh, cho trời thôi mây”
“người vén lá tìm ngày mai
mây mù che mất đời dài hôm qua”
“em ngồi gọt mỏng sân si
gọt cho giọt nước phẳng lì đêm trăng”
“em mang hạt nắng ra ươm
hỡi người trong mộng đừng lườm giấc mơ”
Chủ thể trữ tình cũng có đủ mọi sắc thái tham, sân, si. Nó cũng biết yêu đương, khao khát dục tình, và theo đuổi những giấc mơ trần tục. Tuy nhiên, đôi lúc, tình yêu của nó cũng nhuốm vị Thiền: “em thề môi tím lâm râm/ thác hồi hướng tiếng ầm ầm từ bi”. Người con trai muốn đi tu nhưng cũng nặng nợ trần gian: “có hạt bụi bỏ đi tu/ nhớ em hóa hạt sương mù lên non”. Tình yêu còn vướng qua nhiều kiếp, nên phải tu nhiều kiếp mới hết nghiệp yêu: “kiếp sau nhặt nhạnh tủi hờn/ để kiếp nữa nữa sạch trơn tình đầu”. Tác giả thường nhắc nhiều đến triết lý nhà Phật. Nhưng cách diễn đạt về kiếp và sự hóa kiếp rất lạ thường: “kiếp sau nhặt độc bóng mình/ nêm vào cho rộng một mình cô đơn”, “lần ve thoát xác đi thiền/ khô con đất nứt thôi miên mây nguồn”. Trong tập thơ, ta cũng gặp rất nhiều câu thể hiện sự băn khoăn của tác giả về kiếp luân hồi: Kiếp trước là gì, kiếp sau là gì, ai là kiếp trước của ai, kiếp này mình đứng ở đâu, nếu kiếp trước tu thì có nhàn kiếp sau?…
“nếu kiếp trước em là trăng
thì kiếp trước nữa ánh rằm buồn không”
“mười phương một lối lên ngàn
tu kiếp trước liệu có nhàn kiếp sau”
“ai là kiếp trước của ai
giống như chiếc bóng đổ dài từ chân”
“kiếp này mình đứng ở đâu
nợ duyên bao cõi xuyên thâu bóng hình”
Ngoài những câu hỏi về kiếp, tác giả cũng băn khoăn về luật nhân quả: “nhãn tiền quả báo thì sao/ thì thêm hờn tủi đeo vào ngón tay”. Tác giả cũng nhắc đến hình ảnh chuỗi hạt, quả chuông… với cách miêu tả rất lạ thường: “chiều xẩm giăng mỏng bóng hình/ tiếng chuông thanh lọc vô minh còn thừa”, “mười hai chuỗi hạt dửng dưng/ tiếng chuông chặt đứt vô chừng tan hoang”. Để cho câu thơ giàu hình ảnh và gợi nhiều ý nghĩa, tác giả ví kẻ đi tu với các sự vật nhỏ nhoi như: con ve, con sóng, ngọn gió, hạt bụi, hạt mưa…:
“đêm mây trăng sáng từ từ
trần gian con sóng đi tu vội vàng”
“khi xưa ngọn gió đi tu
quy y cơn bão thổi vù trăm năm”
“trần gian hạt bụi bay xa
khoác lá vàng nhỏ tưởng là đi tu”
“thương hạt mưa ở kiếp nào
tu lâu thành giọt lệ cao muốn tràn”.
Đến với một tập thơ hiện đại, người ta ít quan tâm đến việc tập thơ nói về nội dung gì mà điều quan trọng là cách thể hiện có mới mẻ không. Tập thơ Lục bát múa có nhiều hình thức nghệ thuật mới mẻ, nhất là sự ảo hóa các sự vật hiện tượng và con người. Lạc vào Lục bát múa, ta được chiêm ngưỡng một thế giới huyền ảo được vẽ bằng những sắc màu rất riêng biệt của cây bút Trần Lê Khánh.