Những sợi dây màu mưa – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Hoàng

499

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc hết tờ này sang tờ khác mà không sao tìm thấy tên mình. Những tờ báo được chờ đợi, háo hức đó rồi quăng bỏ xó đó. Mỗi ngày tôi ngửa tay xin mẹ hai mươi ngàn đồng để mua báo rồi căng mắt tìm, và… vô vọng.

Ảnh minh họa – Nguồn TTXVN

Mười lăm ngày mua báo mà không đọc ấy cũng trôi qua. Không khí nhà tôi lúc nào cũng như có bão. Chiều nay lúc quây quần trên mâm cơm, mẹ nói.

– Học tài thi phận mà, không đỗ năm này thì năm sau. Luyện thi một năm nữa …

Mẹ chưa kịp dứt lời thì chị tôi châm dầu vô bếp tro tắt ngủm một câu cứ như mồi cho đốm lửa tàn bùng cháy trở lại.

– Tính tiền triệu chứ không phải ít nghen mẹ! Tiền học phí nè, tiền nhà trọ nè, tiền sách vở, nước nôi…

Chị tôi làm công nhân ở công ty chế biến cá. Sáng nay chị về thì chiều đã liệt kê ra một lô một lốc khoảng chi phí mà quả thật đã vượt quá kinh tế của gia đình. Làm cho buổi cơm chiều thêm nhạt nhẽo.

Đêm đó, tôi không sao ngủ được. Có lẽ chị tôi nói đúng. Cả nhà đã vất vả rất nhiều để cho tôi được tới trường trong mười mấy năm qua. Trong gia đình có đến sáu anh chị em, chỉ có tôi là được học hành đến nơi đến chốn. Cái xe đạp duy nhất của gia đình cũng được mọi người dành cho tôi đi học ngoài thị trấn.

Thằng con trai mười tám – trưởng thành – trong gia đình như tôi chẳng lẽ cứ phải vịn vào sức mỏi vai oằn của mẹ của cha để mà sống? Muốn vào đại học thì điều đầu tiên trên cả kiến thức của mình là tiền đâu? Câu hỏi ấy cứ xoáy lấy đầu tôi nhiều đêm liền mà không có lời giải đáp. Và cuối cùng thì chị tôi cũng gởi thư về bảo ba mẹ cho tôi lên nhà chú Hoàn – em người bạn cũ của ba – để phụ một công cho mấy bè cá của gia đình chú. Sau mấy ngày tính tới tính lui, cuối cũng thì ba mẹ cũng đồng ý cho tôi lên nhà chú Hoàn như thư của chị. Không biết cuộc sống có mỉm cười với tôi không? Nhưng nghe nói được đi đó đi đây thì tôi cũng thấy vui vui mà thu xếp quần áo ra thị trấn.

*

Ngồi trên tàu nghe sóng vỗ hai bên mạn. Tôi hình dung ra ngôi nhà chú Hoàn mà trước đây đã ít lần tôi theo ba đến chơi. Qua cầu dây đi khoảng một cây số, quẹo trái là nhà chú Hoàn, nơi có mấy đám bạch đàn um tùm của khu Vườn quốc gia, chắc cũng mới trồng được hai năm tuổi. Sau nhà chú là một con sông nhỏ, nằm cách ngã năm của trung tâm huyện khoảng mươi phút bơi xuồng. Chiều đứng nhìn về phía cầu dây, nắng lấp loáng soi bóng xuống dòng sông một màu tím sẫm.

Thị trấn đón tôi bằng cơn mưa chiều tầm tã. Bến tàu le ngoe mấy sạp hàng ế ban chiều. Thiên nhiên phóng túng tặng bộ quần áo dính vào da tôi như chuột lột. Tôi cuốc bộ qua cầu dây, nhìn về phía thượng nguồn, cây cầu đúc mới bắc dở ngang sông. Vậy là cái cầu treo này có thêm một người bạn mới. Tôi lột dép lên xách tay, lội bì bõm theo con đường giờ đã tràn nước lũ, tay còn lại nặng oằn giỏ quần áo và bọc khô cá chạch mà mẹ tôi lựa kỹ càng, phơi năm nắng, để làm quà biếu ông bà nội.

Ngân vừa trông thấy tôi liền reo lên như lâu lắm rồi nó chưa gặp hay sao ấy.

– Ba ơi, anh Lâm xuống!

Ông bà nội đang nằm coi cải lương lật đật ngồi dậy nhìn ra.

– Lâm đó hả con?

Tôi luýnh quýnh không biết để đôi dép dính toàn bùn sình của mình ở đâu, và càng không dám bước chân lên nhà vì cái thềm đất năm rồi đã không còn, thay vào đó là cái nền được tôn cao với những tấm gạch bông láng lức. Thấy tôi tần ngần trước cửa, nội lên tiếng.

– Con nhỏ này không kéo ống nước cho anh mày rửa chân, ở đó mà dỏ mắt ngó hà.

Một đứa con gái lạ hoắc lạ huơ kéo cái ống mủ xanh bên hông nhà ra đưa cho tôi. Ngân cũng kịp lấy cái khăn lông ra cho tôi lau nước. Ông nội rót một tách trà nóng đặt vào tay tôi, bảo.

– Uống một hơi cho ấm đi con.

– Thay đồ ra cho em nó giặt đi con.

Vừa dặn tôi xong bà quay vào gọi lớn.

– Mấy đứa tụi con, coi nấu ấm nước cho anh nghen. Dầm mưa kiểu này hổng chừng bị cảm đó.

Nội mừng quá nên mới lo cho tôi vậy thôi, chớ ở nhà chuyện ngâm nước suốt ngày ngoài đồng của tôi cứ đều đều như cơm ngày ba cữ. Có lẽ ông nội còn nhớ tôi là dân trong miệt đồng nên nên tiếng.

– Bà quên nó quen một nắng hai ba sương rồi sao? Chút đỉnh này nhằm nhò gì, hén con!

Tôi gật đầu và nghe bà hối thúc.

– Nắng sương gì cũng lo thay đồ lẹ đi. Để nước ướt lâu không tốt đâu.

Tôi bước ra sau nhà tắm, thấy chú Hoàn từ mé sông đi lên, trên tay xách theo cái thùng muốt trắng đựng cá mồi.

– Thưa chú con mới xuống.

Chú vỗ đầu tôi.

– Mới có hơn hai năm mà nhổ giò nhanh dữ vậy con. Tắm rửa đi rồi chú cháu mình lai rai nghen út.

Nghe chú nói, tôi không nhịn được cười, tưởng tượng ra cảnh hai chú cháu “cưa nửa ly” mà trong người chưa chi đã muốn toát mồ hôi hột.

Tối hôm đó, cả nhà quây quần nhau trò chuyện. Ông bà nội hỏi tôi đủ thứ chuyện nhà. Chú Hoàn thì thỉnh thoảng chen vào nhắc lại mấy câu chuyện xưa, ngay cả việc tôi bị con Dện nhà chú rượt rách cả quần hồi còn nhỏ cũng được chú kể ra. Tôi mắc cỡ muốn độn thổ, nhất là khi trong nhà còn có thêm ba anh chị sinh viên năm cuối của trường đại học đang “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân” trong chiến dịch mùa hè xanh năm này. Nhiệm vụ chủ yếu của các anh chị là tiếp tay với các giáo viên trường mầm non ở những điểm tập trung giữ trẻ trong mùa lũ để bảo vệ tính mạng và chăm sóc cho các em, tạo điều kiện cho bà con mình an tâm lao động, mưu sinh trong cuộc sống thường nhật. Riêng anh Tạo thì tham gia trong công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên và các em nhỏ vào đời sớm.

Tôi với anh Tạo, chị Hường trò chuyện đến nửa đêm, anh chị hứa sẽ dành thời gian giúp tôi ôn tập những kiến thức cơ bản để dự thi năm tới. Anh Tạo còn nói sẽ rủ thêm mấy đứa bạn của Ngân cùng học chung cho vui. Đêm đầu tiên tôi ngủ cùng với những giấc mơ tươi đẹp nhất của riêng mình.

*

Về quê em đồng xanh bát ngát. Cánh sếu chao nghiêng, hương tràm thoảng đưa dịu êm, nước reo vùi mùa cây trái trĩu thơm đồng vàng. Nhìn cầu treo nối liền bờ kênh, ngã năm ơi xuôi về đâu? Mang câu hò mênh mang khắp một miền quê…

Nhỏ Ngân còn ê… ê… kéo dài chữ “quê” một cách thiết tha, tình cảm, thì ông nội “khà” lên một tiếng, đặt chung trà xuống bàn một cái cốp.

– Khá đó con!

– Nhưng mà chỗ đồng xanh bát ngát thì chưa im.

Bà ngồi trên bộ ván gỏ trước hàng ba nhận xét về cách luyến láy của Ngân đối với bài “Lý Cái Mơn” mà ông nội mới viết lời hồi trưa này.

– Ừa, chỗ đó đừng lên giọng cao quá, nghe hơi chói. Đâu, hát lợi cho ông nghe coi.

Nhỏ Ngân dạ lớn một tiếng, nhưng giọng hơi khàn, vì từ trưa đến giờ nó hát cả chục lần đến nỗi thuộc lòng như cháo gạo rang thường được nấu cho người bị sốt thương hàn ăn.

Ông nội lúc ở chiến khu từng làm rung động biết bao cô giao liên trẻ, trong đó bà nội là người mê hát xướng nhất tiểu đoàn, nên bây giờ mới có kinh nghiệm truyền dạy lại cho Ngân những điệu lý, câu hò rặc mùi sông nước phương Nam. Nhỏ Ngân xem ra cũng rất tự hào về điều này, nên những lúc địa phương tổ chức văn nghệ, bất kỳ hình thức nào nó cũng nhiệt tình tham gia. Lần này thì nó tỏ ra rất can đảm khi đăng ký cả cổ nhạc lẫn tân nhạc để phục vụ trong chương trình “Vì đồng bào Miền Trung” do các anh chị ở huyện Đoàn phát động.

Lúc nhỏ Ngân tranh thủ “xả hơi” chờ chú Sáu qua ráp đờn thì anh Tạo và chị Hường, chị Phúc “mè nheo” về quá khứ của ông bà nội. Những hình ảnh hùng tráng, bi thương của chiến tranh đều được hóa thành tiếng hát. “Hát cho đồng bào tôi nghe” để “Tiếng hát át tiếng bom” luôn hừng hực khí thế xung phong cho một ngày hòa bình thống nhất. Cả nhà như muốn nuốt từng lời, từng câu của ông, bà nội đang say sưa trong câu chuyện kể năm nào. Dù đã vào độ tuổi cuối con dốc đời người nhưng ông, bà nội vẫn còn một trí nhớ tuyệt vời, nhớ cả những chi tiết vụn vặt nhất của người nữ giao liên, hay bài ca tự biên của anh giải phóng quân trong những ngày ngủ cùng muỗi mòng, đỉa vắt. Sức cuốn cút trong câu chuyện của ông đã buộc cả nhà cùng vỗ tay mà hát “Mùa thu rồi ngày hai ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”

– Thề quyết chống quân xâm lăng, ta đem thân ta đền cho nước…

Bất ngờ chú sáu Thành ôm cây ghi-ta vào hát theo với mọi người làm cho không khí trong nhà nóng lên, dù bên ngoài trời rỉ rả mưa, và con nước dưới chân cầu thang phía sau hè đã bắt đầu lé đé.

*

Thời gian không ai để ý đến thì nó bước nhanh qua, mới đó mà đã một tuần tôi xuống nhà chú Hoàn giúp việc. Bè cá ngoài sông chưa lớn được bao nhiêu, nhưng con nước trên đồng thì đã dâng trắng xóa. Chị Hường, chị Phúc thì túc trực suốt ngày ở điểm giữ trẻ ở ấp ba. Anh Tạo lặn lội cắt lúa chạy lũ giúp bà con xóm trên, hôm qua còn phải vật lộn với mưa giông để đắp lại khúc đê vừa bị vỡ. Chiều nay, anh về nhà đã chạng vạng tối, mọi người quây quần trước hàng ba chờ nghe bản tin thời sự.

Tiếng sụt sịt ở gốc này, chỗ nọ vang lên. Nhỏ nhưng rõ quá. Rõ đến nỗi chú Hoàn phải lên tiếng.

– Đứa nào sụt sịt hoài vậy? Để nghe coi!

Vậy là bốn ngày liền căn nhà của chú luôn chật kín người. Cái xóm nhỏ toàn dân lao động nghèo tứ xứ tụ tập về đây lập nghiệp. Mùa nước mọi người lênh đênh trên đồng ruộng đánh lưới, giăng câu, ít ai để ý đến truyền hình, nói chi đến chuyện nghe tin tức. Thế mà lúc này chưa đến bảy giờ, già trẻ lớn bé đã tập trung lại đây. Trước sân nhà nước ngập mênh mông, xuồng đậu thành hàng như những làng chuyên đóng xuồng ở rạch Bà Đài bày bán. Chú Tư Rinh đang rọi đèn cuốn tay lưới sau hè gọi vòng vào.

– Tới thời sự chưa Ngân?

Nhà chú nghèo không có được cái đồng hồ đeo tay, nên bất cứ việc gì có liên quan đến giờ giấc chú đều gọi sang hỏi nhờ.

Chị Hường đun một ấm trà cho ông nội, chú Hoàn, bác năm Long và chú hai Lình trò chuyện.

– Lũ lụt mấy năm 1978, 1983, 1996, 2000 ở mình cũng chưa bằng một lai nào như miền Trung bây giờ.

Chú Hoàn buồn so. Ông nội chậc lưỡi.

– Đói rét kiểu này chịu đời sao thấu. Mình ở đây nói là lũ lụt thường xuyên, nhưng còn biết trước để mà ngừa. Còn ở ngoải thì… Tội nghiệp biết chừng nào, nhứt là mấy cụ già và tụi con nít nhỏ.

Bà nội rót thêm ly trà rồi góp chuyện.

– Năm, sáu ngày trời nước ngập mênh mông, hổng khéo rồi đau bệnh nữa…

Bác năm Long thở dài.

– Biết chia sẻ thế nào bây giờ? Quyên góp như mình thì có thấm thía gì đâu… khác nào cát bỏ biển.

Bình trà cũng buồn theo. Chẳng ai thèm nhấp môi. Nước nguội dần. Nhạt thếch. Tiếng thím Hai Tiết ở dưới mé kinh vọng lên.

– Tới thời sự chưa dì ba?

Bà Nội mời.

– Lên nhà uống ly trà cho ấm cô ơi. Gần tới rồi!

Thím Hai nại cây dầm sang một bên, mũi xuồng vừa chạm vào cây cầu thang sau sàn nước.

Không có lời giới thiệu “Xin kính chào quý vị và các bạn” như mọi ngày. Hôm nay anh pPhát thanh viên của Đài truyền hình mở đầu bằng câu: “Miền Trung hôm nay tiếp tục đương đầu với lũ, hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước, hơn 100 người đã thiệt mạng, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh…“. Bản tin bão số 8 sắp vào bờ như xoáy vào tâm trí của mọi người. Không một tiếng động, ai cũng dán mắt vào màn hình và chăm chú lắng nghe bác Thủ tướng trao đổi những biện pháp cấp bách cứu nguy cho bà con. Những hình ảnh nhòa dần, nhỏ Ngân nước mắt lăn dài mà không sao kiềm chế được.

Nửa đêm, anh Tạo và tôi khó khăn lắm mới chợp mắt. Ở nhà trong, tiếng trở mình của chú Hoàn, tiếng ho húng hắng của nội cứ mãi vang lên, rõ hơn cả tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Không biết giờ này miền Trung đã thế nào rồi? Một ngày nữa lại bắt đầu với những cam go.

Những tia nắng yếu ớt đầu tiên của buổi sáng mai không làm cho đầu tôi bớt nặng nề. Phía chân trời những đám mây đen cứ lớn dần, đe dọa. Tôi đi với anh Tạo ra chợ huyện. Thùng lạc quyên đặt ở cửa đông. Mọi người tự nguyện đến đây, nhón tay góp một ít tiền. Con bé Nga – bạn của Ngân cũng gởi vào một phong bì dày cộm. Tiếng những người bán rong xầm xì. Con bé trả lời tỉnh queo.

– Có thấm thía vào đâu trước bà con mình ngoài kia mất trắng.

Thằng con trai tóc vàng hoe, mặt đen nhẻm chìa ra xấp vé số mời mua, tôi rút một tờ mong cho chiều nay mình may mắn.

Mười một giờ anh em tôi trở về đã thấy chú Hoàn cùng các anh chị bên thị trấn Đoàn đang lên kế hoạch cho chương trình văn nghệ tối nay. Quyển sổ lạc quyên ghi chép chi chít những cái tên, con số. Từ năm ngàn đồng cho đến năm trăm ngàn. Tổng cộng bà con tiểu thương thị trấn cũng góp được trên năm mươi triệu. Một con số không nhỏ so với bà con nghèo nơi đây, nhưng lại quá ít với Miền Trung lúc này. Song ý nghĩa của nó thì thật đáng quý. Anh Út Bình tấp xuồng vào nhà, móc trong túi áo ra mấy tờ mười ngàn còn dính vảy cá, sũng nước.

– Mưa quá chừng. Hồi đêm hôm định sáng nay chắc cũng được cả trăm. Ai dè…

Anh đưa tay quẹt nước đang rỏ xuống từ trên mái tóc ốp sát đầu. Uống vội ly trà rồi chống xuồng ra đồng bủa tiếp hai tay lưới.

*

Sân khấu ngoài trời trước cổng nhà văn hóa huyện đêm nay chật kín người. Những tấm băng-rôn cổ động cho đợt quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung treo ngay ngoài cổng. Chưa khi nào người dân quê tôi lại đến xem văn nghệ cây nhà lá vườn đông như thế. Nhỏ Ngân vừa dứt nhịp 32 câu 6 của bài ca cổ “Miền Trung ơi” của chú Hoàn sáng tác đã nhận được tiếng vổ tay tán thưởng nồng nhiệt của bà con. Mấy đứa nhỏ còn hái bông súng, bông sen, bông điên điển cầm sẵn trên tay, ùa lên sân khấu tặng “hương đồng gió nội” cho ca sĩ nghiệp dư. Đám thanh niên choai choai thường ngày nghịch phá cũng trở nên “văn hóa” hơn, tiếng huýt sao vang lên, yêu cầu Mỹ Ngân hát thêm một bài nữa. Cô Hoa – trợ lý thanh niên bên trường cấp ba dẫn chương trình nháy mắt trong cánh gà, bật đèn xanh cho Ngân hát thêm bài “Thương về miền Trung” thật thiết tha, sâu lắng.

Đêm diễn thành công ngoài sự mong đợi của mọi người. Nồi cháo cá do chính tay các Mẹ Việt Nam anh hùng cũng vừa nấu chín xong. Mẹ Thại ở Phú Cường cứ vỗ đầu nhỏ Ngân mà khen lấy khen để.

Sáng. Nắng đã lên cao. Đám mây đen ngủ lì suốt tuần qua lặng lẽ bay đi. Thiên nhiên vốn hiền hòa, chỉ tại con người nhúng tay khuấy động vào mặt trái của nó, nên nó mới tức giận nổi trận lôi đình như thế. Tôi theo chân các anh gom góp tiền, hàng chuyển về tuyến trên. Chiếc tắt ráng rẽ sóng trên sông. Dòng chữ Đoàn lạc quyên cứu trợ miền Trung trên tấm băng rol ướt dần vì bọt nước. Một bác nông dân lái xuồng máy chạy theo phía sau, tay chụm lại thành loa, gọi lớn.

– Mấy chú gì đó ơi…! Cứu trợ miền Trung ơi…!

Chúng tôi chậm dần. Bác cập xuồng vào bên hông tắt ráng, đưa năm gói mì tôm.

– Thấy mấy chú chạy qua. Tui thấy mà kêu hổng kịp. Của ít lòng nhiều, mấy chú nhận giùm cho!

Tôi đón bọc mì tôm của bác mà tiếng cám ơn không thể bật ra, rưng rưng mắt. Tắt ráng lại lao đi. Nắng trong soi rõ giọt mồ hôi trên trán của mọi người. Ai cũng mong gởi được cái nắng phương Nam về cho ngoài ấy.

Chiếc cầu treo nối liền hai bờ kênh thay cho chiếc xuống ba lá đã một thời chống chèo đưa bộ đội qua sông. Cây cầu đúc hiên ngang nối liền mạch sống đang đổi thay, khởi sắc từng ngày. Con nước lũ quê tôi bỗng hóa ánh nắng vàng, phải chăng nó cũng muốn gởi chút tình cho mưa bão miền Trung? Tất cả đều bắt nguồn từ một sợi dây, dẫu vô hình.

*

Tôi về quê đúng vào những ngày đỉnh lũ. Đường xá bây giờ đã được láng nhựa, bê tông. Các cụm dân cư, tuyến dân cư vượt lũ đã hình thành, bà con nghèo khấp khởi vui mừng vì đã có nơi an cư mà lạc nghiệp. Các bạn sinh viên như tôi giờ đã trưởng thành, thích ứng hơn, quen việc hơn so với ngày đầu tiên chập chững vào chiến dịch mùa hè xanh. Cảm nhận duy nhất của tôi và vui nhất lúc này là trên cây cầu bê tông vừa mới khánh thành, anh Tạo cặp tay chị Hoa đi đầu trong một đoàn người áo xếp khăn the, xôn xao tiếng trống lân mừng cô dâu, chú rể.

Thằng bạn tôi chắc cũng ao ước thầm nên buộc miệng hỏi một câu.

– Có em nào tặng dây tơ hồng cho mày làm kỷ vật chưa?

Nó né cái cú đầu của tôi. Hai thằng rượt nhau chạy rầm rập trên chiếc cầu treo. Bên dưới dòng sông, những chiếc xuồng đang tung chài. Mùa cá linh đã về theo con nước phù sa.

L.N.M.H