(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi quen biết với nhà văn Chi Phan rất tình cờ mà sao cứ như mối lương duyên sắp đặt. Ấy là một buổi trưa hè oi bức năm 1995 ở Đoàn 295 Quân khu 3 bãi biển Đồ Sơn. Khi ấy có nằm mơ thì một cậu binh nhất hăm hai tuổi như tôi chưa ý thức hết sự liên quan, thậm chí là bước ngoặt sau này của đời mình. Tôi khi ấy dút dát, có phần tự ti mà đã được gặp gỡ những bậc đa đề như Lê Lựu, Chu Lai, Vương Trọng, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Trần Đăng Khoa… Đặc biệt ngỡ ngàng khi nhà văn Khuất Quang Thụy đi xe máy từ Hà Nội lên Sơn Tây chỉ vì xin với Trường lái xe cho tôi được đi trại viết văn quân đội. Càng may mắn khi trở về, trường đã đặc cách cho tôi được thi lấy bằng lái xe mặc dù còn nợ môn học trong một tháng dự trại viết. Tấm bằng ấy quả là quý giá, nó là điểm khởi đầu giữ tôi ở lại quân đội đến bây giờ.
Nhà văn Chi Phan (bên phải).
Càng lạ lùng khi được gặp nhà văn Chi Phan, khi ấy là Trưởng Ban biên tập của Truyền hình Quân đội nhân dân, một cơ quan nức tiếng của Tổng cục Chính trị, tiền thân của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam hiện nay.
Mãi sau này tôi mới thấm thía biệt danh mẹ chồng của Chi Phan chứ ngay hôm ấy tôi đã bị mắng phủ đầu khi lơ ngơ rời phòng viết lộng gió xuống sân thấy chiếc xe biển đỏ rất oách xịch trước sảnh và vị Thượng tá mở cửa là quát tháo liên hồi. Không hiểu đầu cua tai nheo thế nào, tôi và anh Hiển lái xe, anh Thanh Tùng biên tập, anh Viết Đức quay phim săm sắm bê máy móc thiết bị nhà đài vào phòng khách còn bị quát thậm chí Chi Phan còn đe kỷ luật khi thấy tôi mặc bộ binh nhất mà không cho áo trong quần. Cơ mà liền đấy dường như ngài thấy có gì sai sai bèn dịu giọng bảo này cậu vệ binh, hãy mau báo thủ trưởng của cậu đến gặp tôi xem lịch khai mạc thế nào? Nghe đâu anh Lê Lựu làm trại trưởng có phải không? Các cậu vệ binh không ở bốt gác là vi phạm điều lệnh tôi tạm tha từ nay không được mắc nữa. Mà cậu tên là gì nhỉ?
Ngày ấy chưa có biển tên nhưng tôi sớm ngã ngũ hóa ra ngài đây ở Truyền hình Quân đội đang xuống làm chương trình về trại viết bèn nhẹ nhàng nhưng rành mạch nói cháu là Phùng Văn Khai không phải vệ binh mà là trại viên, còn nhà văn Lê Lựu đi Hải Phòng gặp lãnh đạo thành phố. Hôm nay là chủ nhật mọi người đều được nghỉ nếu chú cho phép cháu mời để mọi người đưa máy móc tạm thời vào phòng của cháu. Đang ở đơn vị mười hai chiến sĩ một phòng nay bỗng dưng được ở một mình phòng sang trọng nó cứ thế nào ấy.
Chi Phan trợn mắt nhìn tôi như người giời rồi đột ngột ôm chầm lấy reo lên: Phùng Văn Khai à? Chú tìm cháu mãi! Có phải Phùng Văn Khai xuất hiện liên tiếp trên báo quân đội gần đây không?
Mở màn là như thế. Rồi buổi tối hôm ấy Chi Phan nói với tôi rất nhiều chuyện. Ông dường như không tin tôi là cậu binh nhất họ Phùng viết loạt truyện ngắn vừa in trang nhất báo Quân đội cuối tuần. Nhưng sự sốt sắng chân thành của ông đến tận bây giờ tôi còn cảm nhận rất rõ. Ngay buổi gặp đầu tiên ông đã tuyên bố xanh rờn rằng sẽ tìm cách đưa tôi về Truyền hình Quân đội. Thậm chí liền sau đó, không biết ông đã nói những gì với Trung tướng Lê Hai, khi ấy là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mà vị tướng cũng đồng ý còn cho phép tôi chọn ba nơi để chuyển về: Đó là Tạp chí Văn nghệ quân đội, Báo Quân đội nhân dân và Truyền hình Quân đội nhân dân. Sau này, nghe theo lời khuyên của nhà văn Khuất Quang Thụy, tôi về Truyền hình để được đi thực tế và thuận lẽ mưu sinh, đúng mười năm sau mới trở về mái nhà Văn nghệ quân đội. Thế là tôi khá tình cờ nhưng đầy hăm hở có gần mười năm công tác với sếp Chi Phan.
Không hiểu sao Chi Phan rất quý tôi khiến không ít người nghi ngờ động cơ trong sáng của ông. Khi ấy Truyền hình vẻn vẹn mười hai người năm 1998 có anh Duy Thanh hi sinh ở bên Lào quân số vẫn giữ nguyên dù không ít tướng lĩnh cấp cao tìm cách đưa con cháu về đều không được. Nơi ấy là mái nhà có lẽ đẳng cấp nhất mà anh em báo chí toàn quân mơ về nhưng để lọt mắt xanh Chi Phan thật chẳng khác gì mò kim đáy bể.
Trớ trêu thay tôi lại chưa tốt nghiệp đại học mà xem chừng Phòng quân lực Tổng cục rất nguyên tắc với Chi Phan. Ngay cả lời nói của thủ trưởng Lê Hai cho tôi quyền lựa chọn thì nguyên tắc đầu vào vẫn phải là tấm bằng chính quy đại học. Một phép thử không chỉ với Chi Phan mà cả với cá nhân tôi.
Để bảo vệ cậu học trò nông dân tập tọe cầm bút, Chi Phan đã phải vừa khôn khéo vừa quyết liệt, thậm chí phải sử dụng không ít chiêu thức để biên chế tôi ở Truyền hình Quân đội. Một mặt gấp rút đào tạo cậu học trò mà Chi Phan cho rằng có tiềm năng, mặt khác ông trực tiếp tới gặp tướng Đoàn Sinh Hưởng – Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp vốn là người em thân thiết đề nghị ký giấy cho tôi về công tác tăng cường ở Truyền hình Quân đội. Sau này tôi mới biết quyết định chẳng giống ai đó là do Chi Phan nghĩ ra chứ việc điều động bộ đội phải qua Bộ Tổng Tham mưu không thể tùy nghi như thế. Được cái Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng vô cùng quý văn nghệ sĩ và ông cũng nhất quyết cho rằng sau này tôi sẽ là một nhà văn quân đội mà Tăng Thiết giáp rất quý nhà văn. Từ hai con người từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường ấy mà số phận của tôi đã được định đoạt.
Trong tình thế ấy, tôi không những học như cướp nghề thiên hạ mà tất tật những gì làm được ở cơ quan tôi đều xung phong. Bốn giờ sáng tôi đã rời chăn ấm tận Như Quỳnh, Hưng Yên lóc cóc đạp xe ra bến đi xe tuyến sang 84 Lý Thường Kiệt đánh rửa ấm chén, đun nước pha trà, soạn báo, kiểm tra công văn giấy tờ. Chi Phan cũng dậy sớm không kém. Ông không nói một lời chỉ lặng lẽ viết lách gì đó ở phòng trong. Hai chú cháu cứ thế thi đua nhau đến tận bây giờ, Chi Phan đã có tới 35 đầu sách còn tôi cũng được hơn chục cuốn. Tôi học được ở Chi Phan sự chăm chỉ đến tận cùng. Vốn con nhà nông dân, tôi không nề hà bất cứ việc gì, đặc biệt là viết lách. Đến khi tôi tự mình đề xuất sẽ quét vôi ve lại cơ quan Chi Phan chỉ mỉm cười. Ngôi nhà sáng lên sau ngày nghỉ chủ nhật khiến mọi người càng quý mến. Năm nào đầu xuân mới Chi Phan cũng quyết định du xuân về nhà tôi ở Hưng Yên, dù chỉ mấy quả ổi xanh chấm muối nhưng mọi người nâng chén rượu quê vô cùng vui vẻ. Đó cũng là một đặc ân để tôi ghi nhớ và phấn đấu trên dặm đường trường trở thành nhà báo, nhà văn quân đội.
Mãi sau này tôi mới biết Chi Phan có cách bênh vực cấp dưới rất khác người. Sau này tôi mới nghe chuyện ông còn đập bàn với cơ quan chức năng, thậm chí là cấp trên để quyết liệt lấy tôi về, tạo điều kiện cho đi học đại học chính quy, thậm chí nếu tôi chậm lập gia đình vài tháng thôi, có thể lắm Chi Phan sẽ gả con gái cho cậu học trò mà nhiều người hồn nhiên bảo là Nông Văn Dền chính hiệu.
Thời gian cứ thế trôi đi trong sự phấn đấu quyết liệt, sự chạy đua với thời gian, những niềm vui, nỗi khổ, những va vấp, hiểu nhầm, thậm chí là gay gắt ở một cá tính như tôi. Thậm chí khi Chi Phan nghỉ hưu (2003) chắc chắn ông đã căn dặn gì đó với anh Hoài Nam, vị Trưởng ban Biên tập mới, một đàn anh đáng kính của tôi để che chắn những khiếm khuyết của người trẻ tuổi.
Nhà văn Chi Phan không những đi nước ngoài rất nhiều, chuyên đi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phản ánh những vấn đề trọng đại của việc quân, việc nước mà ông còn là nhà báo đi Trường Sa nhiều nhất, sớm nhất với những phóng sự, bộ phim xuất sắc về bộ đội Trường Sa. Trường Sa cuối thập kỷ tám mươi, chín mươi vô cùng cơ cực. Nước ngọt thiếu trầm trọng. Rau xanh càng thiếu. Cả nước thiếu đói làm sao Trường Sa không khó khăn. Nhưng ý chí và niềm tin sắt đá của người lính Cụ Hồ nơi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc lúc nào cũng chói sáng, cũng là tường đồng vách sắt che chở, tạo sự bình yên cho nhân dân. Những hình ảnh nhà báo Chi Phan quay được ở Trường Sa ngày ấy là vô cùng quý hiếm. Chi Phan thậm chí còn đưa cả ê kíp trong đó có những ca sĩ nổi tiếng ra tận Trường Sa làm phim ca nhạc. Đạo diễn Chi Phan với sự say nghề như bị bỏ bùa bỏ ngải sẵn sàng một mình kiêm tất thảy từ đạo diễn, biên tập, xử lý âm nhạc, bố trí đạo cụ, tổ chức hóa trang, quay phim chính… đã trở thành quen thuộc. Thậm chí tôi đã từng thấy ông hát song ca chẳng kém gì ca sĩ nữ nổi tiếng hát cùng. Khuôn mặt Chi Phan lúc ấy cũng tình tứ lắm. Và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú được Nhà nước phong tặng đã nói lên nhiệt huyết và thành công từ những bộ phim ca nhạc, những phim tài liệu xuất sắc, những giải vàng toàn quốc mang tính dấu mốc của nghệ sĩ Chi Phan.
Không chỉ là nhà báo nổi tiếng, ông còn là một nhà quản lý sáng tạo, công tâm và nhiệt huyết. Mười mấy con người ở Truyền hình quân đội là từng ấy cá tính mà để quản lý họ nếu không có tầm và có tâm mọi thứ sẽ nổi lên theo một chiều hướng khó lường. Không ít anh chị từng là những phóng viên từ chiến trường ra, từ các đơn vị nổi tiếng trong toàn quân trở về mái nhà Truyền hình quân đội luôn đòi hỏi sự cao cường của người quản lý mới có thể khơi dậy và nâng tầm cho mỗi tay máy, tay bút trong thời kỳ đổi mới sôi nổi, phức tạp. Chi Phan làm quản lý theo một cách rất riêng. Từng là giáo viên dạy văn Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi nhiều năm, những học trò của ông là những anh hùng dũng sĩ miền Nam: Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng, Đoàn Văn Luyện, Lê Chí Nguyện… đến lớp từ chiến trường khói lửa miền Nam đã cho ông không chỉ sự yêu thương cháy bỏng mà còn là tầm nhìn dài rộng về việc phải cấp bách bồi dưỡng văn hóa mọi mặt trong đó có kiến thức văn học sử cho các thế hệ. Khi trường Trỗi chuyển từ Quế Lâm – Trung Quốc về nước năm 1971 cũng là lúc ông được điều về Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị làm trợ lý môn Văn toàn quân. Thời gian này cũng là thời gian ông đi nhiều đơn vị, giảng dạy, nói chuyện chuyên đề về văn học sử, một sở trường bao quát đầy đủ năng lực nói, viết, thể hiện, trình diễn của Chi Phan. Đây cũng là khoảng thời gian Chi Phan có cái nhìn toàn diện hơn về người chiến sĩ.
Năm 1973, thấy được khả năng toàn diện của ông, Cục Tuyên huấn điều ông làm phóng viên chương trình phát thanh Quân đội nhân dân, đây cũng là lúc ông phát huy tốt khả năng viết và nói của mình. Chi Phan vào chiến trường, những phóng sự nóng hổi từ tuyến lửa mau chóng vang lên trên sóng phát thanh. Ngay từ những ngày đầu làm báo, đã sớm định hình một Chi Phan năng nổ, quyết liệt, nắm bắt vấn đề nhanh, luôn có mặt kịp thời ở nơi nước sôi lửa bỏng phản ánh đời sống chiến đấu của bộ đội trên mọi mặt trận. Chính phong cách người thầy và tâm hồn văn học đã chô ông sự dày dặn, nhân văn, sâu sắc trong mỗi bài viết trên sóng phát thanh.
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Tổng cục Chính trị quyết định thành lập Truyền hình Quân đội nhân dân, Chi Phan được điều động về đó. Vẫn một Chi Phan ấy, nhiệt huyết, đa tài, đam mê cái mới, luôn có tầm nhìn xa và một con người mới xuất hiện ở Chi Phan, đó là khả năng tổ chức và quản lý. 24 năm công tác ở Truyền hình, từ một phóng viên, biên tập viên, ông được tổ chức đề bạt làm Phó trưởng ban biên tập trong 7 năm (1982-1989) và Trưởng ban biên tập trong 10 năm (1990-2001). Khoảng thời gian ấy là khoảng thời gian trưởng thành nhất của nhà báo, nghệ sĩ ưu tú Chi Phan. Ông sống đúng với con người mình, đam mê, đắm say nhưng luôn bình tĩnh, tỉnh táo. Trong cuộc sống đòi hỏi sự công bằng thì trước tiên chính mình phải làm gương. Làm người quản lý, lại là một nghệ sĩ, hẳn không ít lúc ông đã phải khó khăn, thậm chí là gạt nước mắt để đưa ra những quyết định có lợi cho tập thể, vì con đường lớn phía trước. Những câu chuyện, có không ít giai thoại về Chi Phan, nhưng ở nơi sâu nhất trong trái tim các đồng đội, đồng nghiệp xung quanh ông, gần gũi ông vẫn thấy thật rõ ràng một Chi Phan nguyên tắc nhưng mềm mại, sắt đá nhưng chí tình, linh hoạt nhưng luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức. Sự hình thành và phát triển của Truyền hình Quân đội nhân dân cho đến hôm nay có công rất lớn của Trưởng ban biên tập Chi Phan. Ông đấu tranh từng phút hình, đặc biệt giành giật khung giờ vàng trên sóng Truyền hình Việt Nam cho các chương trình Truyền hình Quân đội. Ông là người khai sinh ra chuyên mục Nhắn tìm đồng đội đã đánh thức trái tim của hàng chục triệu con dân đất Việt trong hàng chục năm qua. Chuyên mục Văn hóa Thể thao quân đội cũng do ông khai sinh với biên độ mở rộng từng gây xúc động lớn, tạo sự mong chờ của khán giả. Những văn nghệ sĩ được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1997) và các đợt tiếp theo ông trực tiếp chỉ đạo tôi phải lần lượt làm phim, khẩn trương dựng chương trình vì các cụ đã kề cận tuổi trời. Chính nhờ may mắn đó mà tôi được tiếp xúc và làm việc với những bậc đa đề trong làng âm nhạc, điêu khắc, hội họa, văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh… được kề cận những kho tàng kiến thức khổng lồ trước đó có nằm mơ cũng chẳng nghĩ có ngày được gặp.
Trên cương vị quản lý, nhà báo, nghệ sĩ ưu tú Chi Phan đã tổ chức thành công nhiều Liên hoan truyền hình toàn quân với tiếng vang rất lớn. Ông còn là thành viên ban giám khảo của nhiều cuộc Liên hoan truyền hình toàn quốc. Đừng hòng có hạt sạn, khuất tất, mù mờ nào về chất lượng tác phẩm dự thi che mắt được Chi Phan. Lão luyện trong nghề, mắt tinh tâm sáng, cả những chiêu trò lắt léo đến đâu Chi Phan cũng lập tức chỉ ra. Không phải ông cay nghiệt mà chính là Chi Phan đang nghiêm túc truyền nghề để thế hệ kế cận trưởng thành. Một giải thưởng dù cao đến mấy mà có được từ tiểu xảo, từ sự dàn dựng sai sự thật sẽ lập tức bóp chết tác giả. Thà đau đớn chỉ thẳng cho nhau thấy cùng tiến bộ còn hơn bưng tai bịt mắt, nể nang, thậm chí là ừ ào dấm dúi cho qua. Mỗi kỳ Liên hoan truyền hình toàn quân cũng là khoảng thời gian để anh em làm ngành truyền hình trong quân đội không chỉ được giao lưu, học hỏi về nghề mà còn là cùng nhau học làm người, nâng tầm con người mình lên, góp phần tiếp tục tô thắm hình tượng bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới.
Chi Phan say nghề đến không tưởng. Biệt danh mẹ chồng đành hanh cũng từ đó mà ra. Các cộng tác viên rất sợ ông mà cũng rất khoái ông chính ở một tấm lòng son sắt với nghề. Một khuôn hình không chuẩn, Chi Phan mắng như tát nước. Một câu viết, cách đọc chưa tròn vành rõ chữ, ông lập tức bắt cấp dưới mưa bão đã nộp băng sang Đài truyền hình Việt Nam cũng phải đội mưa gió sang lấy về làm lại. Dẫu hết sức đành hanh song Chi Phan cũng rất công tâm, thậm chí khen thẳng thừng cấp dưới ngay trước các bậc đa đề. Tôi học nghề truyền hình chính yếu từ Chi Phan. Tôi nhiều lúc phát khóc thấy Chi Phan chữa be bét, gạch xóa đỏ rực bài vở của mình. Mỗi khi cầm tập bài đỏ như lá cờ tôi nín thở sợ Chi Phan quát tháo. Nhưng thật lạ lùng, ông lại luôn động viên tôi. Ông thường bảo nghề làm báo hình khắc nghiệt lắm. Quan trên trông xuống người ta trông vào. Kể ra cậu cũng là loại có tài nhưng còn non lắm. Được cái thực thà ăn thật làm thật. Cậu luộm thuộm câu cú con người y như Lê Lựu nhà cậu. Cơ mà còn có thể uốn nắn được. Giao việc cho cậu cũng không đến mức bát nước đổ đi.
Cơ quan ai cũng sợ Chi Phan thành ra không khí có lúc căng thẳng. Nhưng Chi Phan là vậy: quyết liệt, sòng phẳng đến tận cùng nhưng hết sức nhân văn. Có những mùa bão lụt anh em phóng viên ở tâm bão thì Chi Phan cũng đội mưa gió tới tận hiện trường nói lời dẫn trong nước mưa và nước mắt. Ngày đó, những phóng sự nóng hổi từ Truyền hình Quân đội luôn vang trên sóng Truyền hình Việt Nam và hình ảnh đanh sắt lại của Đại tá Chi Phan trong mưa lũ, nơi biên giới, hải đảo là hình ảnh còn ám ảnh tôi tới tận bây giờ.
Nhà văn Chi Phan sinh năm 1943 tại thành phố Nam Định. Ông quê gốc ở thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hiện nay nhà văn đang ở số nhà 19 phố Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chi Phan mồ côi mẹ lúc mới hai tháng tuổi, ông sống trong sự nuôi dưỡng chăm sóc của bà nội, của bố và anh chị em trong gia đình. Chính điều đặc biệt này đã tạo nên những đức tính khác thường, kiên trì, cần cù, không ngừng học hỏi vươn lên ở nơi ông.
Năm nay nhà văn Chi Phan đã ngót tám mươi vẫn miệt mài làm việc. Ở Chi Phan luôn có một nguồn năng lượng tưởng chừng bất tận bền bỉ cháy ở bên trong. Năm giờ sáng gọi điện cho ông vẫn rành rọt trả lời từng việc. Đã từ lâu, rất lâu, cá nhân tôi luôn coi ông như cha mẹ của mình, cho dù nói vui là mẹ chồng tôi cũng cam tâm tình nguyện phận làm dâu như chính ông trên nửa thế kỷ đã làm dâu thiên hạ. Nhà văn Chi Phan là vậy, luôn ngát xanh trong sự đành hanh, quyết liệt của mình.
Phùng Văn Khai