Những thầy giáo bỏ dạy – Tản mạn của Vương Huy

477

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đến căn quán cà phê bình dân quen thuộc và gặp Hiền đã ngồi ở đó. Hiền đang nói chuyện với Quang (chủ quán) về những chuyện thường nhật đời sống. Hiền vốn là một thầy giáo tiểu học, dạy trong một xã ven  huyện.

Nhà Hiền cũng ở gần nhà tôi, nhưng thuộc một xóm khác, cách nhau vài cây cột đèn. Hồi còn đi dạy, Hiền sống nghèo. Căn nhà trống huơ trống hoác. Trước mặt nhà Hiền là nhà thằng Hoa – thằng bạn học của tôi những năm cấp 2. Nó nghỉ học năm lớp 9, làm nghề sửa đồng hồ. Hiền dạy được một thời gian rồi nghỉ, có lẽ vì đồng lương quá thấp lúc đó. Xong, Hiền xoay sang cho thuê bàn ghế làm đám giỗ, đám cưới. Tích lũy được một số vốn nhất định, cộng với mấy công vườn trồng sầu riêng, Hiền mua được chiếc xe 12 chỗ ngồi, chạy chở khách thuê. Một bữa tôi vào quán, ngồi ở bàn sau lưng Hiền, nghe Hiền kể về nghề chạy xe của mình. Hiền kể, Hiền chuyên chở mấy anh công an là học viên trường Chính Trị đi nhậu với thầy của mình. Thầy trò chung nhau ly bia, ly rượu và kể cả những cô em xinh tươi ngồi gác tay. Thời nầy là thế, có lẽ đạo thầy trò đã thay đổi rồi chăng!? Hiền không vợ con vì ít khi nghe Hiền nói chuyện về gia đình. Gương mặt khắc khổ, giọng nói nằng nặng và âm đằng mũi. Lụa thường ghé căn quán bình dân tôi hay ngồi, vì Hiền chơi thân với Quang. Xưa, Hiền cùng Quang chơi vài cơ bi – da, cùng ngồi đồng quán cà phê. Rồi Quang về mướn ruộng trồng rau nhút. Nước ăn lở lói cả móng tay móng chân. Giờ Quang mua được một miếng đất ở đường Bổn Sồ nhỏ hẹp, đầy ổ gà, dựng một căn quán độ nhật, dù sao thì bán quán cũng khỏe hơn trồng rau nhút.

2. Nhà tôi cho thuê dán keo xe. Nhất – chủ tiệm dán keo – có nhiều địa điểm khắp nơi trong tỉnh. Nhất vốn là một tay giang hồ anh chị hoàn lương, làm ăn rất giàu có. Nhất chơi đồ cổ và mua nhà đất rộng rãi ở Thành phố. Trong cái đám chạy giấy tờ có một nhân vật tên là Đạt, là người có trình độ nhất. Đạt vốn là thầy giáo dạy nhạc cấp 2. Nhà Đạt ở đường Cầu Lộ. Nghe kể lại, hồi còn đi dạy, Đạt đi xe đạp, chiều nào dạy về cũng xỉn trất, chạy xe xiêu vẹo. Sau, Đạt lấy con của chủ tiệm xe Honda lớn ở thành phố. Đạt nghỉ dạy, đi chạy giấy tờ xe cho cha mẹ vợ. Nghề nầy có vẻ có tiền và hấp dẫn hơn nghề dạy nhạc. Đạt thường ngồi ở mấy cái ghế con nơi quán cóc của mẹ tôi bán cà phê trước nhà kèm theo. Đạt nói chuyện với phụ nữ rất ngọt. Nếu có người mua xe là Đạt lo tất cả giấy tờ, ăn huê hồng. Đạt liên lạc kỹ với bên Công An. Có lần tiệm Nhất mở tiệc tất niên, Đạt hát những bài nhạc đỏ, giọng rất chuẩn (vì dạy nhạc mà). Hát xong, Đạt nói vọng vào nhà với mẹ tôi: con hát tặng cô bài nầy. Đạt lại hát nhạc lính trước 75 tặng mẹ tôi. Nói chung, Đạt rất mềm dẻo, tùy cơ ứng biến, hoạt khẩu. Đời sống Đạt đỡ buồn chán hơn thời đi dạy. Người anh em cọc chèo với Đạt là Phạm. Phạm lấy cô em, Đạt lấy cô chị. Trước, Phạm thuê nhà tôi thời vỡ nợ để sửa Honda. Sau nầy, đi dạy dành dụm được chút tiền, tôi vào cửa hàng mua xe mới. Phạm chọn cho tôi chiếc Future X đời đầu, còn nguyên trong thùng. Giờ mọi người tìm không có.

3. Tôi vẫn thường chạy trên đường về điểm tiện gỗ của tôi ở xã Long Thành. Mùa nầy những cây phượng bên đường trổ màu hoa huyết. Mặt đất đọng huyết hoa lác đác như những đốm máu của người ho lao. Tôi thường gặp thầy Hải (ngày xưa bọn học sinh chúng tôi gọi là Hải đẹt). Ông là hiệu trưởng trường cấp 1, 2 của chúng tôi thời bao cấp. Tôi còn nhớ ông thường đến trường bằng chân không, quần xắn cao lên ống quyển. Những sáng thứ 2 đầu tuần chào cờ, ông thường đứng trên bục chào cờ, dưới lá quốc kỳ, thuyết giảng cho chúng tôi về nhiệm vụ học tập, nêu gương người tốt, răn đe những học sinh bị phạt, và kể về những tấm gương học giỏi trên toàn quốc mà ông được biết. Nghe nói, hồi đi học, ông học giỏi. Ở đây lúc đó chưa có trường cấp 3, ông phải xuống thành phố học. Ông vốn là giáo viên tiểu học. Dạy chúng tôi một thời gian, ông cũng nghỉ, ở nhà làm ruộng, lam lũ như một người nông dân thật sự trên cánh đồng đời mình.

Hồi tôi vào đại học, có lần ba tôi chở tôi về quê nội, ngang qua nhà ông, tạt ghé vào uống ly nước. Lúc ló ông cởi trần, đang ngồi đan lọp bắt cá ở sân trước nhà mình. Nhìn ông vẫn như ngày nào, thấp nhỏ bé tí như đứa học sinh cấp 2. Bẵng đi một thời gian, đường xá mở rộng, khu ruộng ông lộ ra mặt tiền đường tránh xe ngang quốc lộ. Ông phân lô bán, bạc tỉ. Giờ ông ung dung sống những ngày còn lại đời mình trong sự sung túc. Sáng sớm, tôi về vườn, vẫn thường gặp ông dắt chiếc xe đạp đi uống cà phê gần đó về, vẫn với bộ quần áo cũ kỹ dính đầy mủ chuối. Nhưng ông có hàng tỉ bạc trong tài khoản ngân hàng. Thỉnh thoảng thấy ông dừng lại mua vé số của một cô gái kê bàn bán vé số dưới một gốc cây phượng nở hoa đối diện nhà văn hóa Mỹ Phú. Gặp ông, tôi luôn gật đầu chào, và ông vẫn nhớ đến tôi vì ngày xưa học cấp 2, tôi luôn đứng đầu trong cái lớp đứng đầu của khối.

4. Ba tôi cũng là một thầy giáo lỡ vận. Hồi trước 75, ba tôi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, bằng cấp Giáo sư Trung học đệ nhất cấp. Ngày xưa dạy cấp 2 trở lên người ta gọi là giáo sư, không như bây giờ chỉ gọi là giáo viên. Lúc đi dạy, ba tôi chuyển nhiều trường. Tốt nghiệp Sư Phạm xong, ba tôi bị động viên vào khóa sỹ quan trù bị Thủ Đức, bậc hàm Thiếu úy biệt phái. Cái lý lịch đó gắn với ông suốt đời và lan cả sang đời tôi. Giải phóng xong, ba tôi đi dạy, nhưng làm thêm đủ nghề khác để mưu sinh, vì lương giáo viên lúc đó chỉ đủ tiền uống cà phê. Có lúc làm ruộng, có lúc mua bán thuốc Tây, có lúc làm đồ mộc, và sau cùng ông chọn nghề tiện gỗ để mưu sinh. Tôi nhớ hồi tôi học cấp 3, thường đứng xem ba ngồi tiện trước hiên nhà. Có lần, ông chủ tịch thành phố nhà gần đó ghé vào xem ba tôi tiện và hỏi han chuyện đời sống. Ông chủ tịch cứ đứng nói chuyện và ba tôi vẫn tiện bình thường. Đó là thái độ kẻ sỹ. Sau nầy đọc sách, tôi biết rằng: kẻ sỹ không bao giờ thờ 2 vua dù vua của mình có lầm lạc đi chăng nữa. Như mưu sỹ Phạm Tăng thời Hán Sở, dù biết Hạng Võ không phải chân mệnh đế vương nhưng vì trót nhận lời nên đành ra phục vụ. Sau, Phạm Tăng bỏ Sở mà đi, giả làm người điên trốn thoát. Kẻ sỹ ngày xưa là thế, lòng tự trọng của họ rất cao. Hiện giờ ba tôi vẫn làm nghề tiện gỗ và làm vườn. Ông vẫn lao động hằng ngày. Căn nhà tiện gỗ được cất lên ở Long Thành, trên miếng đất ông nội tôi cho, đất hương hỏa. Ba tôi có 2 nền nhà nằm 2 bên tả hữu của ngôi nhà thờ dòng họ. Một nền ông dựng lên căn nhà tiện gỗ, mái tôn vách tôn. Nền còn lại phía bên kia, ông làm vườn, trồng cây tạp nhạp: cau, bưởi, mít. Cũng đủ kiếm tiền độ nhật. Cuộc sống ông bây giờ đã ổn, nhưng tôi xem rằng số ông cực khổ, hậu vận không tốt bằng bạn bè. Nhưng bù lại ông có một mối tình son sắt là mẹ tôi. Mười hai năm tù, mẹ tôi luôn ra cửa căn tin (lúc đó mẹ tôi làm trưởng căn tin) ngóng chờ ông mỗi thứ 7 cuối tuần. Ông chạy chiếc xe 67 cũ mèm, từ chỗ làm ở Sài Gòn để nuôi thằng em tôi học Đại học Bách Khoa, mỗi tuần đều về thăm mẹ tôi. Ông là một kẻ sỹ lỡ vận.

5. Còn tôi thì sao? Sau một thời gian vạ vật ở Sài Gòn để làm tập thơ Lửa sâu cõi đá, chỉ gồm 20 bài, ghi dấu ấn vào dòng thơ miền Nam đương đại, tôi học Đại học Sư Phạm, khoa Giáo dục Chính trị. Hồi đi học, tôi đạt điểm cao những môn Triết, sau nầy Sở phân công tôi dạy mảng Triết cấp 3. Tôi dạy môn Giáo dục Công dân. Có lúc tôi bọc cả 3 khối 10, 11, 12. Cứ tiết nầy nói về Triết học, sang tiết kia nói về Kinh tế, và tiết sau nữa lại nói về Luật pháp. Sau cùng tôi kiệt lực, xin nghỉ. Lãnh bảo hiểm một lần 50 triệu. Nghỉ dạy, tôi lao động. Trồng mít, tiện gỗ. Thấm thoát mà đã 8 năm. Thời đi dạy, tôi uống rượu suốt, vì buồn đời, vì bất mãn thế sự. Cứ dạy xong là tôi xách cặp ra quán bia ngồi uống cùng thằng bạn dạy chung. Cứ thế, cứ thế. Bệnh hoạn đau yếu triền miên, tâm hồn bất mãn, chìm trong bia rượu. Nhưng được cái tôi dạy học sinh rất thích môn tôi, giờ dạy của tôi. Thì được nầy mất kia mà. Dạy môn Công Dân cực khó, vì khô khan, trừu tượng, lại đụng chạm đền nhiều vấn đề xã hội nan giải. Nghỉ dạy năm 40 tuổi, tôi đáp xuống phi đạo an toàn sau bao nhiêu là sóng gió, giờ không muốn nhắc thêm.

Viết cái truyện ngắn này, tôi không có ý hư cấu, toàn bộ thuật lại sự thật. Sự thật dù trần tụi đến đâu thì nó cũng là sự thật, tức là cái sẽ được nói đến một lúc nào đó, như cây kim trong bọc có ngày lộ ra. Tôi chỉ ghép những mảng đời lại với nhau, là xong cái truyện ngắn. Và tôi cũng không cần biết cái này có phải là truyện ngắn hay không. Không một mẩu đối thoại. Tôi xem nhà văn giai đoạn này là người dám nói lên sự thật, còn nghệ thuật thì nghề dạy nghề thôi. Nghề văn không ai dạy được ai đâu. Đối thoại hay không, không cần thiết, miễn là đời sống sần sùi thô ráp được lên tiếng trên mặt giấy. Xin chào và xin lượng thứ.

V.H