Những thông tin kinh ngạc về hai cây cầu lịch sử Long Biên và Hàm Rồng

571

Đọc Lịch sử những cây cầu – dịch từ tác phẩm cách đây hơn 100 năm của H.G.Tyrrell vừa xuất bản tại Việt Nam cho thấy tác giả đã dày công thu thập dữ liệu về các cây cầu khắp thế giới, trong đó có Long Biên và Hàm Rồng.


Bìa cuốn sách Lịch sử những cây cầu do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành

Đến lúc này đã thấy rõ nét diện mạo cuốn sách Lịch sử những cây cầu (History of Bridge Engineering), trong đó có viết về cầu Long Biên và Hàm Rồng của Việt Nam, nguyên tác bằng tiếng Anh – được chấp bút bởi một kỹ sư xây dựng người Canada, Henry Grattan Tyrrell (1867-1948). Tác phẩm in tại Chicago năm 1911; bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tuấn Bình, một giảng viên trẻ của Đại học Giao thông Vận tải (do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành).


H.G.Tyrrell, bắt đầu cũng bằng sự ham mê tìm tòi khám phá, khi ở độ chín của sự trưởng thành nghề nghiệp đã hướng sự quan tâm của mình về mảng đề tài kỹ thuật công trình cầu một cách nghiêm túc và hệ thống.NXB

Đọc tác phẩm, độc giả dễ dàng thấy được tác giả H.G.Tyrrell đã phải dày công như thế nào mới có thể thu thập được khối dữ liệu to lớn về các cây cầu đã xuất hiện cho đến lúc đó (những năm đầu thế kỷ 20), trên khắp thế giới, vào cái thời chưa có máy tính và việc kiếm tìm tư liệu chỉ có thể tiến hành trong các thư viện truyền thống.

H.G.Tyrrell, bắt đầu cũng bằng sự ham mê tìm tòi khám phá, khi ở độ chín của sự trưởng thành nghề nghiệp đã hướng sự quan tâm của mình về mảng đề tài kỹ thuật công trình cầu một cách nghiêm túc và hệ thống. Đúng là ông đã viết về những cây cầu (có tới ngót 500 cây cầu khắp thế giới đã được kể tới trong quyển sách này) mà ông đã tìm hiểu và ghi chép. Nhưng không chỉ thế, ông đã dụng công đặt những thông tin chọn lọc về chúng, theo cách nào đó của riêng mình, với sự trình bày hấp dẫn và theo một trật tự của tiến trình thời gian – lịch sử, để tự chúng – những thông tin, dữ liệu đấy – nói lên được các đặc trưng của sự tiến hóa: tính kế thừa, sự chọn lọc và cập nhật, ứng dụng kịp thời các thành tựu về vật liệu, kỹ thuật, công nghệ để phát triển lên tầng nấc mới của sự tiến bộ trong lịch sử kỹ thuật cầu.

Chính vì thế ông đã đặt tên sách là History of Bridge Engineering. Cũng cần phải nhắc đến ngay từ thời ấy, tác giả đã lập ra các chỉ mục – Index một cách công phu và đầy tính học thuật, nhờ thế đã tạo thêm tiện ích cho việc đọc, tra cứu, tham khảo cho người đọc.


Anh cũng là tác giả của nhiều đầu sách đã xuất bản.

Nguyễn Tuấn Bình – người dịch có thú đam mê sách c

Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trước khi đọc bản thảo quyển sách, dịp hè năm 2018, tôi có cơ hội đặt chân đến một vài cây cầu lịch sử được đề cập đến trong quyển sách này, trong đó có cây cầu dẫn nước Pont – du – Gard, một di sản thuộc loại tối cổ còn nguyên vẹn của đế chế La mã, xây dựng trong khoảng 70 năm vắt qua dấu mốc bắt đầu Công nguyên, bắc qua sông Gardon gần thị trấn Vers-Pont-du-Gard ở miền nam nước Pháp.

Một cảm xúc thật kỳ lạ, thật khó tả của một người đã gắn bó suốt cuộc đời với ngành cầu, khi đứng trên cây cầu cổ đại này, tay chạm lên mặt những khối đá lớn xây những cuốn vòm do những người thợ La Mã tạo tác từ hơn 2000 năm trước.

Cũng những cảm xúc ấy khi đọc tới những dòng viết về cầu Long Biên (Le Pont Doumer) hay cầu Hàm Rồng (Pont sur le Song – Ma), hai cây cầu được góp tên trong quyển sách của H.G.Tyrrell, nhất là khi đọc thêm các phụ trang kèm theo cuốn sách sẽ biết thêm nhiều thông tin rất đáng kinh ngạc được tác giả tiết lộ xoay quanh hai cây cầu mang đậm dấu ấn lịch sử này của Việt Nam.


Cầu Long Biên lúc đầu có tên là cầu Doumer.

Lịch sử những cây cầu là bản dịch tiếng Việt khá tốt của quyển sách đã được in ra cách đây hơn một trăm năm từ nguyên tác tiếng Anh của H.G.Tyrrell – History of Bridge Engineering. Nhưng nếu có thể gọi một cách chính xác hơn thì có thể coi đây là phiên bản in tiếng Việt của quyển sách này. Bởi lẽ, ngoài việc dịch khá trung thành với nguyên tác từ định dạng, cấu trúc, người dịch còn cất công sưu tầm, cập nhật và bổ sung các thông tin đầy đủ thêm về các cây cầu đã được kể đến trong nguyên tác.

Tất cả các hình ảnh có chỉ số phụ, kèm thêm các phụ chú, đều là những tư liệu được bổ sung. Đọc thêm những điều đó cũng thấy thật thú vị và bổ ích, mặc dù đôi chỗ ngôn ngữ diễn đạt, các thuật ngữ chuyên môn có vẻ hiện đại hơn khá nhiều so với thời của tác giả, giống như màu thời gian trên các đồ cổ đôi chỗ được đánh sáng bóng hơn là nó vốn thế.

Đã từng biết rõ từ khá lâu người dịch quyển sách này – giảng viên đại học Nguyễn Tuấn Bình, người từ những năm sinh viên đại học, rồi học viên cao học trước đây ở Đại học Giao thông Vận tải mà tôi hân hạnh được thụ giảng, nhưng cũng phải thừa nhận đây là người từng gây cho tôi ít nhiều ngạc nhiên.

Ngoài việc say sưa gắn bó với ngành cầu như những người khác trong bộ môn Cầu Hầm, thật lạ là Tuấn Bình còn có thú đam mê sách mà nhất là sách cổ, sách cũ. Đọc những tác giả như Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, rồi Dale Carnegie… hay các loại sách khảo biên, tạp lục, dư địa chí, các tác giả và tác phẩm ở nửa đầu thế kỷ trước… đã trở thành gu (gout) của anh bạn trẻ này. Thậm chí đến mức Bình còn trở thành thành viên tích cực trong nhóm hội chơi và trao đổi sách cổ. Hẳn thế, nên một cách tự nhiên, vốn tiếng Anh, sự say sưa với nghề, thú đam mê sách cổ đã dẫn dắt chàng giảng viên trẻ này đến quyển sách của H.G.Tyrrell.

Nhưng điều đáng nói, những điều thú vị, hấp dẫn và bổ ích có được từ quyển sách Lịch sử những cây cầu, đặc biệt là về hai cây cầu lịch sử Long Biên và Hàm Rồng quá hấp dẫn đối với anh bạn trẻ, trở thành sự thôi thúc, khát khao của người dịch mong muốn được chia sẻ nó với mọi người. Hy vọng rằng bạn đọc, những ai đã từng và vẫn đang gắn cuộc đời mình với những cây cầu, với nghề xây dựng cầu đường, sẽ thấy đây là một đóng góp có ý nghĩa, cũng như cảm được tấm lòng và kỳ vọng của người đã bỏ công để cho ra đời phiên bản tiếng Việt của quyển sách này.

Theo Trần Đức Nhiệm/TNO