Những trang sách của em – Truyện ngắn Lưu Thị Phụng

779

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Em nằm đấy, thiêm thiếp trên chiếc giường đơn trải ga trắng toát, trán lấm tấm những giọt mồ hôi. Bên cạnh là một chồng toàn những quyển sách dày cộp cao ngất ngưởng… Em đam mê công việc mà không biết mình bị trọng bệnh. Chỉ đến khi thấy đi lại khó khăn vì đau nhức và sút nhiều cân, em mới nhập viện. Mỗi khi thức giấc, em thường ngồi trầm ngâm, thỉnh thoảng cười lặng lẽ. Có phải những lúc ấy, em lại nhớ về hồi ức khi xưa?

Tác giả Lưu Thị Phụng 

2. Mỗi tối từ nhà bên cạnh lại vẳng ra tiếng đọc mẫu của bác Hà, tiếng sụt sịt đọc theo của thằng Bảo. Rồi tiếng quát tháo, cả tiếng vun vút của cái roi, tiếng khóc tức tưởi… Bố thường bảo tôi dắt thằng em kém 6 tuổi này đi chơi loanh quoanh cho thoáng, lâu lâu hãy về. Hẳn bố muốn tránh cho em cái cảm giác lúc bắt đầu đi học như cậu bé nhà bên.

Bố xin được ở đâu về một quyển sách tập đọc lớp 1, đem cất vào trong ngăn kéo bàn uống nước. Thỉnh thoảng tôi lại mang ra chỉ cho em xem những hình trong đấy, em có vẻ thích thú lắm. Một hôm, khi hai chị em đang chụm đầu bên trang sách, nhà hàng xóm vẫn ồn ào cuộc học của thằng Bảo. Bỗng thấy em nghiêm trang cầm quyển sách đọc vanh vách: “Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một cái bút chì/ Và mang một mẩu bánh mỳ con con”. Thấy lạ, tôi ngó sang rồi che miệng chạy vội ra ngoài cười khùng khục. Tiếng bác Hà vọng sang: “Thấy chưa? Em nó có ai dạy đâu mà thuộc hết cả bài của mày rồi”. Khi tôi quay vào, quyển sách đã được đặt lại chỗ cũ. Còn em, vẻ mặt rất quan trọng, khoe với tôi: “Em vừa học bài xong rồi”. Trời ạ! Nó cầm sách oai thế, nó nghe bác Hà dạy anh Bảo mà nhớ, chứ đâu đã biết chữ. Sau lần ấy, đi chợ về, bố đã mua cho hai chị em cả một cái bánh đa giòn tan và thơm lừng mùi vừng. Tôi thấy em cất đi một miếng to, rồi mang sang tận nhà cho Bảo khi thấy anh đi học về. Sau này, lúc nó bắt đầu đi học, cô giáo kể cho bố nghe có lần cũng không dám cười vì thấy nó đọc làu làu nhưng lại cầm ngược sách.

Tôi thường dẫn em đến ngắm bao nhiêu là quyển sách vuông vức có in hình những bông hoa, ngôi nhà, hình người trên trang bìa được bày trong Hiệu sách. Thỉnh thoảng mới có người vào xem, lựa chọn rồi mua một quyển, còn thường là hiệu sách vắng teo. Lâu lâu, cô bán sách thấy thế thương tình lại cho mượn quyển truyện tranh hay cổ tích, không quên kèm theo lời dặn: “Phải giữ cẩn thận nhé”. Hai chị em ngồi bệt vào một góc, mắt lim dim cùng hít hà mùi thơm từ quyển sách lan ra rồi mới lật từng trang. Em chụm đầu nghe tôi đọc, có lúc hỏi đi hỏi lại về những hình ảnh trong sách. Lúc về nhà, em ồn ào khác hẳn ngày thường, em khoe với bố, với anh Bảo nhà bác Hà là được chị đưa đi đọc truyện ở hiệu sách. Đi đâu nhìn thấy mảnh sách báo gói đồ, em đều nhặt mang về để chị xem có đọc được không. Những lần như thế, bố thường quay mặt đi, nén tiếng thở dài. Nhà nghèo, cơm nhiều lúc không đủ no, lấy đâu tiền mua những thứ xa xỉ như thế trên hiệu sách cho con cái. Từ đấy, trong bữa ăn hay buổi tối muộn, bố thường kể cho hai chị em nghe những câu chuyện cổ tích bằng cái giọng khàn khàn, đùng đục…

Khi tôi vào học cấp 2, em đã đọc thông viết thạo, nhiều lúc luyên thuyên rằng đã biết cách mượn sách trên cửa hàng để xem. Em làm cháy cái siêu khi đun nước cho bố, làm khét lẹt cả nồi cá kho tôi vừa tranh thủ dãi nắng ngoài đồng bắt về… mà chả ai nỡ mắng. Bố lặng lẽ cắt miếng nhôm cũ gắn vào những lỗ thủng ấy rồi lấy búa đập kỹ, để lại đường chân rết khít khịt nên nồi niêu lại lành lặn, vẫn đun tốt. Trong lúc làm, bố thường kể những câu chuyện khôi hài làm cả nhà thật vui. Lên lớp 3 lớp 4, em viết những câu văn dài, hình ảnh sinh động, luôn được cô giáo khen. Điều ấy như làm cả nhà thêm ấm áp. Có lần ngồi gần, tôi ghé sát má nó hít lên một cái rõ to, nó đẩy ra: “Chị, em lớn rồi đấy”. Ái chà, thằng bé mới được cô giáo khen đã oai, không muốn nép bóng chị nữa rồi.

Cứ như thế, đến năm học lớp 9, những trang sách luôn hút hồn nó. Một hôm đi họp phụ huynh về, bố gọi cả hai chúng tôi lại: “Mẹ đau yếu rồi mất sớm, bố chỉ có hai chị em. Bố nghèo cũng cố nuôi các con ăn học để sau này có cái chữ cho đỡ vất vả. Nhưng hôm nay cô giáo bảo thằng này đi học nhiều khi không làm bài tập, gọi lên bảng không thuộc bài lại còn hay lý sự. Cẩn thận không lên được cấp ba đâu con ạ”. Em lặng lẽ không cãi lại khi thấy bố buồn. Còn tôi, khi ấy đã chạy chợ xào xáo nhì nhằng đỡ bố lúc tuổi già, cũng không nói câu nào. Em là thằng bé ham hiểu biết, thích tìm tòi, đặc biệt là những trang sách. Tôi biết nó không phải đứa học dốt, mỗi khi mượn được của bạn cuốn sách nào là tranh thủ đọc trộm trong lớp nên thiếu tập trung… Tôi thấy thương nó, biết nó thèm sách lắm. Một hôm, tôi mang về một túi sách đầy. Tôi bày ra: Bước đường cùng, Đất rừng Phương Nam, Dế mèn phiêu lưu ký, Thép đã tôi thế đấy, và trọn bộ Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Mắt nó sáng lên, ở đâu thế chị? Mượn được đấy, nhưng em phải giữ gìn cẩn thận. Đương nhiên rồi, là sách mà, không phải nồi niêu đâu. Nhìn em cười rạng rỡ, tôi có cảm giác như thấy mẹ đã trở về, đang vuốt ve những sợi tóc bết mồ hôi nơi vầng trán nhô cao bướng bỉnh của nó.

Thỉnh thoảng nó lại đọc sách cho bố nghe. Bố thích bộ Tam quốc. Hai bố con hay tranh luận về những nhân vật Khổng Minh, Quan Vân Trường, Huyền Đức, Trương Phi, Tào Tháo… Cả ngày đôn đáo chạy chợ xào xáo đỗ lạc, tôi thường ngủ sớm. Nhưng trong mơ màng, tôi vẫn nghe tiếng cãi vã của hai bố con, lúc bất đồng, lúc lại hòa hợp rồi cùng cười rỉ rả. Năm ấy, bố mới có 67 tuổi, nhưng gầy gò, kiệt sức vì cảnh gà trống nuôi con. Bố ho nhiều lắm nhưng vẫn bảo em mang Tam Quốc ra đọc cho bố nghe. Nhiều đoạn làm bố thích thú, bố không ho nữa, im lặng lắng nghe. Rồi bàn tay bố bỗng buông thõng, làm rơi cuốn sách em cầm. Tôi đang băm rau lợn gần đấy chạy vội lại. Bố đã ra đi, ngón tay vẫn chỉ vào trang sách. Hai chị em ôm nhau, nước mắt lăn dài mà không khóc được tiếng nào…

3. Hình ảnh chàng tai Pavel trong cuốn sách của nhà văn lỗi lạc Nga, Nikolai Alekseyevich Ostrovsky dường như là động lực lôi cuốn, để sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, từ mặt trận Vị Xuyên trở về, em đã trở thành một kỹ sư xây dựng ngành lắp máy của trường Đại học xây dựng. Tuổi trẻ đầy đam mê đã cho em cơ hội thỏa sức vẫy vùng ở công trường thủy điện sông Đà – Một công trình trọng điểm quốc gia thập kỷ 70 – 90 của thế kỷ XX. Thời gian thi công không phân biệt được ngày đêm bởi điện sáng trắng và thông 3 ca liên tục… Dẫu bận rộn, những tập tài liệu vẫn kề bên, em như đã cháy hết mình trên những trang sách chứa đầy thông số kỹ thuật. Em, chàng trai kỹ sư mang trong mình bầu nhiệt huyết của Pavel, người thanh niên nước Nga trong “cuốn sách gối đầu giường” của tuổi trẻ Việt Nam, đã là niềm tự hào và đáng trân trọng của tôi suốt bao năm qua. 

4. Một ngày vào đến phòng bệnh, thấy tôi ôm cái túi khệ nệ, em hào hứng: Bộ gì đấy hả chị? Bộ em dặn chị mà. Nó trải ra giường, mắt sáng lên, rồi ôm vào lòng bộ sách quý giá đã gìn giữ mấy chục năm, bộ Tam Quốc ngày nào. Em nhớ làu làu trọn bộ sau ngày bố ra đi vĩnh viễn. Nhiều lúc ngồi nhớ lại khoảng thời gian hai bố con bên nhau, cái vẻ hiếu thắng của tuổi trẻ khiến nó thêm thấm thía sự trầm tư pha chút nhún nhường của bố khi tranh luận. Em bảo suốt những năm dài em ân hận và nhớ bố biết bao.

Bác sĩ cũng không cản được em ngừng lật giở từng trang sách. Em bảo với thằng con trai đang học năm cuối khoa lắp máy: “Cả bố và con còn nhiều việc phải làm lắm. Những ngày ở viện này là quãng thời gian để bố tranh thủ đọc sách và nghỉ dưỡng. Tháng sau bố sẽ bay sang Cộng hòa liên bang Đức, ký hợp đồng cho một dự án sẽ triển khai ở thành phố biển. Đấy là một dự án nâng tầm trình độ kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư những người lắp máy Việt Nam”. Nhìn giọt sáng tươi tắn trên ánh mắt ấy đượm lại nơi khuôn mặt hốc hác, khắc khổ, trái tim tôi đau thắt lại…

Sáng nay, ngó vào phòng bệnh, thấy em đang kề đầu bên thằng con trai – một con mọt sách nữa. Cuốn Tam Quốc định mệnh từ cái ngày bố ra đi đã được giở ra. Tiếng em nói nhẹ nhàng: “Đọc cái này, người ta không chỉ xem các nhân vật đánh nhau hăng thế nào. Mà cái cần rút ra là chiến lược dụng binh, tài cầm quân và ứng xử”. Thằng bé sinh viên gật gật. Tôi bật cười. Hai con mọt sách một già một trẻ ấy vội nhìn ra. Nghỉ ngơi đi. Có món khoái khẩu bác mang vào cho hai bố con này. Tôi nói rồi loay hoay mở nắp cạp lồng, nhấc ra những củ khoai lang nóng nổi, vàng ươm và thơm phức. “Ông nội con rất thích món này”, em nói rồi đưa cho thằng con trai một củ.

Tôi đỡ em nằm xuống. Những giây phút như thế trông em thật thảnh thơi. Nhưng em nhìn thằng con trai rất lạ, nghèn nghẹn: “Chính bác đã thay ông nội nuôi dưỡng bố, thổi hồn vào những trang sách để bố được như ngày hôm nay, con ạ”. Em nói rồi thiếp đi, tay vẫn ôm cuốn sách vào lòng…

Em ơi! Kiên cường lên nhé. Vẫn còn một dự án rất quan trọng và nhiều thứ không thể thiếu em. Tôi thầm xót xa mà vẫn đau đáu một niềm tin khi thấy bên tôi, thằng cháu cũng đang giữ chặt trên tay cuốn sách đã cũ từ thưở nào.

                           L.T.P