(Vanchuongphuongnam.vn) – Gia đình tôi có một tủ sách chung, và không hiểu sao, gặp nhau ở những điểm chung nào đó, mà mấy mẹ con của tôi, lại rất yêu quý cuốn sách “Gió lạnh đầu mùa”. Tập truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam.
“Gió lạnh đầu mùa” là tuyển tập các truyện ngắn xuất sắc được Thạch Lam sáng tác. Trong đó đối tượng nhân vật chính mà tác giả hướng đến là lớp người lao động bần cùng, khắc khổ, những con người của thế kỷ trước đã sống và vượt qua những khó khăn như thế nào. Trong khung cảnh ảm đạm nhạt nhẽo cùng cả những biến động chung của lịch sử, mà chúng ta sẽ cùng bắt gặp những đồng cảm mà xã hội nào cũng phải có. Sách là nhân chứng là tư liệu quý giá của sự phát triển của xã hội loài người. Tôi đọc từng câu chữ trong những truyện ngắn trong “Gió lạnh đầu mùa” tự trong trái tim, cảm nhận được tác giả viết ra không chỉ để mang đến sự phong phú và trải nghiệm thú vị trong tâm hồn mà hơn cả thế, nó giống như tấm gương soi, để mỗi khi chúng ta soi vào đó, sẽ thấy được hình bóng của bản thân, từ đó học được cách chiêm nghiệm về chính mình và biết cách sống tốt đẹp hơn.
Cứ mỗi khi chuẩn bị khai giảng năm học là lòng tôi lại náo nức, phấn khởi khi đọc câu truyện được lấy làm tựa đề của tập truyện ngắn, đó là đoạn văn đã thuộc nằm lòng, thấm trong từng câu chữ, mà vẫn mãi mãi vẹn nguyên trong tâm trong trí của một người giáo viên, đã đi qua rất nhiều lần khai giảng năm học, bởi tôi là một giáo viên mầm non. Tôi đọc để cảm nhận được rằng cái ngày khai trường thật tuyệt vời với một đứa trẻ lần đầu tiên đến trường biết bao nhiêu. Cái điều thiêng liêng giản dị trong tâm hồn, trong nhận biết sâu xa, rất đỗi tâm hồn con người của một nhà văn thế hệ đi trước, sống và quan sát, gửi vào trang sách làm gia tài cho biết bao thế hệ. Làm học sinh, chắc rằng ai ai cũng sẽ thuộc đoạn văn này, đọc và cảm thấy rằng là một phần ký ức, kỷ niệm ngày khai trường không thể có được hơn. Tôi xin được trích dẫn lại đoạn văn:
“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học..”
Nhà văn Hồ Xuân Đà
Chính vì vậy, mà tủ sách nhà tôi tập sách truyện Gió lạnh đầu mùa luôn bận rộn, bởi mẹ đọc, rồi đến các con đọc, trong tập truyện có Hai đứa Trẻ, Đứa con đầu lòng, Nhà mẹ Lê, Một đời người, Hai lần chết, Những ngày mới, Một cơn giận, Duyên số, Cô áo lụa hồng… trong mỗi câu truyện đều ẩn chứa trong đó rất nhiều những suy nghĩ rất con người, những cảm xúc, quan điểm sống, những va chạm đời thường, những cảm nhận về cuộc đời của các nhân vật tự ủi an nâng đỡ chính mình trong cảm xúc, trong hụt hẫng, trong dau khổ. Đó là những mối quan hệ xã hội quanh chúng ta, thời cuộc nào cũng sẽ có. Đến với Hai đứa trẻ, Thạch Lam kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn. Hai đứa trẻ có cốt truyện đơn giản, một kiểu truyện ngắn trữ tình để diễn tả tâm trạng nhân vật, qua đó, tác giả đã gửi gắm một cách kín đáo, nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp nghèo cơ cực quanh phố huyện nghèo nàn, xơ xác trong không gian ngày tàn, chợ tàn, những kiếp người tàn tạ nơi phố chợ chờ đợi một chuyến tàu đi qua, quét chút ánh sáng mơ hồ rồi cũng tàn lụi vào đêm đen. “Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc… Văn Thạch Lam đọng lại nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Xúc cảm của Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê…”– (Nhận xét của nhà văn Nguyễn Tuân).
Còn với suy nghĩ và quan điểm văn chương của mình, Thạch Lam viết: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác; vừa làm cho lòng người thêm được trong sạch và phong phú hơn.”. Trái tim nhân hậu của nhà văn đã ước mơ con người xích lại gần nhau, gần nhau hơn nữa và đặc biệt tác giả đã có cái nhìn đầy trân trọng đối với thế giới tuổi thơ, những tâm hồn trong trẻo tuyệt vời, giàu tình thương, không phân biệt đẳng cấp xã hội. Nhà văn như thì thầm với chúng ta hãy bồi dưỡng và phát huy lòng nhân ái, hãy sống bằng tình người bao dung. Đọc Gió lạnh đầu mùa, nó như một cái gì đó xoa dịu, làm lành lại những tổn thương, những ẩm ức, cũng như ủi an, động viên nhỏ to với chúng ta, với người đọc, ừ thì từ từ thôi, khó khăn nào cũng sẽ qua đi mà. Không sao đâu, hãy yêu từng cái đẹp trong từng cảm xúc của con người, có như vậy, chúng ta mới biết quân bình cuộc sống. Đọc cuốn sách mà như được lời như mở tấm lòng. Đến đây, thì các bạn biết vì sao cuốn sách này mẹ con tôi cứ cầm theo mỗi khi đi làm, khi đi học, khi đi chơi, đi tàu xe, ngồi quán cà phê, chỉ cần đọc vài trang thôi, là cảm hóa cái tính tình, suy nghĩ đang theo chiều hướng tiêu cực, trở lại vị trí cũ ngay liền.
Chính vì vậy, mà qua từng trang sách Gió lạnh đầu mùa, tôi và các con vẫn thường an ủi động viên nhau, cuộc đời này ai chẳng khổ, người không khổ vì cái này, thì cũng sẽ khổ vì cách khác. Nói tóm lại, là mẹ con chúng ta cần có cách nhìn tích cực lên để nỗ lực mà sống vui vẻ có ích cho bản thân và xã hội. Và câu nói ấy cũng là câu nói của nhà văn Thạch Lam. Vậy đến đây, các bạn có cảm nhận được rằng vì sao những áng văn xưa, câu chữ người đi trước để lại cho chúng ta là tài sản vô giá hay không? Cảm nhận được, thì hãy chia sẻ cùng nhau như mẹ con tôi vẫn thường hay lấy chuyện làm quà sau những buổi chiều tan học tan làm, về nhà nghỉ ngơi, động viên chia sẻ những điều về sách cho nhau nghe. Một trang sách mở ra cả chân trời, một câu văn hay cứu rỗi và là động lực của con người trong xã hội hiện nay. Chẳng tìm phương thuốc đâu xa, mà tìm ngay trong tủ sách gia đình mình, và chia sẻ thói quen đó cùng nhau. Những trang sách trong gió lạnh đầu mùa đã sưởi ấm trái tim của gia đình tôi.
Hồ Xuân Đà