Những trang văn đậm chất lính và tình đời – Bài của Nhà văn Lê Xuân

987

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Huyền Văn từ những năm 80 của thế kỷ 20 đã có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 2014 tác giả trình làng tập truyện ngắn đầu tay “Không phải lần đầu” (NXB Hội Nhà văn, 2014). Và tám năm sau, chị mới xuất bản tiếp tập truyện ngắn thứ hai “Con đường anh đi” (NXB QĐND, 2023). Chị viết chậm và chắc với nhiều đề tài, nhưng thành công hơn cả là những truyện viết về người lính, về tình yêu. Có lẽ chất lính đã thấm vào chị từ những ngày còn trong quân ngũ, sau giải phóng miền Nam.

  Nhà văn Huyền Văn

        Rời quân ngũ, chị trải qua nhiều ngành nghề, dù ở đâu niềm đam mê văn chương cũng luôn âm ỉ trong chị. Dù bận bịu với cuộc mưu sinh trong thời buổi “gạo châu, củi quế” nhưng đêm đêm chị vẫn trãi lòng trên những trang văn. Nếu ở tập truyện ngắn đầu tay “Không phải lần đầu” chị thiên về đề tài tình yêu với nhiều cung bậc ái, ố, hỉ, nộ, thì tập truyện “Con đường anh đi” chị lại viết về đề tài người lính, với nhiều “hóa thân” trong chiến đấu, lao động, tình yêu trong mối quan hệ với Tổ quốc, với quê hương, gia đình và bè bạn.

          Với mười một truyện ngắn: Con đường anh đi, Tôi đi bộ đội, Ba Đời, Bức tranh định mệnh, Cánh chim không mỏi, Ông lão mù thổi sáo, Vì một câu nói, Bến đò Ô Môi, Hương mận, Đi hay là chết, Đưa anh qua bến Ninh Kiều…, bạn đọc sẽ bắt gặp những nhân vật trong những hoàn cảnh, và giai đoạn lịch sử khác nhau trước và sau 1975.

          “Con đường anh đi” là truyện ngắn tiêu biểu, được lấy làm tên cho tập truyện. Đó là con đường mà nhân vật Linh đi làm cách mạng, trong bối cảnh Sài Gòn đang nổi lên phong trào đấu tranh quyết liệt. Tình yêu vừa chớm nở với Thương thì Linh phải ra chiến trường, chờ cơ hội để đưa Thương vào chiến khu theo con đường mà anh đã chọn – con đường cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Linh chưa kịp thực hiện ý định thì anh đã ra đi vĩnh viễn, không thể chứng kiến cảnh Sài Gòn giải phóng trưa ngày 30/4/1975 mà anh hằng ao ước, Ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam chắc chắn không còn xa nữa. Ngày ấy chúng ta sẽ gặp nhau!…”

          Đề tài về người lính có sức lan tỏa từ “Con đường anh đi” tới những truyện khác xuyên suốt tập truyện mang âm hưởng hào hùng, lạc quan cách mạng, khí thế tuổi trẻ dâng trào niềm tin yêu vào cuộc sống mới, xây dựng quê hương được thể hiện một cách tự nhiên, không cường điệu, tô hồng mà có sức thuyết phục, đi vào lòng người.

          Sau ngày thống nhất đất nước, cả hai miền Nam Bắc ra sức xây dựng lại quê hương, cô gái, nhân vật chính trong “Tôi đi bộ đội”, đã phải gác lại việc học để lên đường nhập ngũ với suy nghĩ ban đầu là giảm bớt  gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, khi khoác lên mình chiếc áo màu xanh của lính, cô đã nhận thức được trách nhiệm với quê hương, với gia đình, khẳng định lập trường dù khó khăn gian khổ cũng không lùi bước, Hân cùng với mình kiên trì, nhẫn nại, vượt qua khó khăn để làm cô bộ đội cho tốt, để khi hoàn thành nghĩa vụ về quê, mình sẽ ngẫng cao đầu mà bước.

          Viết về đề tài người lính, đã có nhiều cây bút gạo cội khai thác ở nhiều khía cạnh. Nếu không vững tay, không có vốn sống thực tế và chiến đấu trong thời chiến mà chỉ tưởng tượng và hư cấu thì rất dễ có những miêu tả, phát ngôn và suy nghĩ thay cho nhân vật một cách cứng nhắc, hoặc sa vào hô khẩu hiệu. Với Huyền Văn, chị đã từng là chiến sỹ, từng tham gia ở chiến trường Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia, nên những gì chị gửi gắm vào nhân vật, vào địa danh và con người Nam Bộ đều gần gũi với thực tế.

        

        Ở đây, người đọc được xem nhiều truyện như những “đoạn phim” quay cận cảnh, bằng ngôn từ và cảnh sắc gợi hình, gợi cảm ở các vùng miền, với những nhân vật khác nhau. Có nhân vật tác giả được nghe kể lại như “Ba Đời”, hoặc gặp gỡ ở ngoài đời như truyện  “Đi hay là chết”… Có truyện đan xen giữa tình người, tình yêu lứa đôi, tình yêu nước nồng nàn: “Hương mận”, Bến đò Ô Môi”, “Bức tranh định mệnh”, Cánh chim không mỏi”, “Ông lão mù thổi sáo”… Mỗi truyện là một lát cắt về cuộc sống, trong đó có thương yêu hờn giận, có hoa lá tươi xanh và ngọn lửa bừng cháy, có tiếng cười và tiếng súng, có cái ác và cái thiện. Tất cả đều toát lên tính nhân văn cao đẹp.

          Hay một nữ du kích còn rất trẻ, yếu đuối mà kiên cường như chị Kiển, trong “Đi hay là chết”, bị địch chặt mất một chân vẫn không hề khai báo, chị dũng cảm như một anh hùng, “Mày có giết tao, tao cũng không sợ, bọn mày là Việt gian, là bán nước, lấy quyền gì mà xử tội tao, cho dù tao có chết, tao cũng không tha cho bọn mày, nhân dân ở làng xã này cũng không tha cho bọn mày!”.

          Song, cũng có những nhân vật trong chiến đấu thì làm nên công trạng, nhưng sau hòa bình làm lãnh đạo công ty, xí nghiệp làm ăn kinh tế thì thất bại, do trình độ, do máy móc, mệnh lệnh rập khuôn. Những mâu thuẫn giữa những thế hệ chưa hiểu nhau tạo ra những nốt lặng buồn đau, hoặc đó sẽ là một ngòi nổ cho một cuộc tranh luận, sa thải đồng nghiệp, do độc đoán hay vị kỷ cá nhân. Truyện “Vì một câu nói” là những tình huống éo le, đầy kịch tính về một nhân vật lính sau hòa bình.

          Đọc tập truyện “Con đường anh đi” tuy là đề tài người lính, nhưng không quá khô khan, không tô hồng, người đọc vẫn thấy được bản chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong chiến đấu, trong đời thường cũng như trong tình yêu đôi lứa. Có truyện như một phóng sự ghi nhanh nơi khói lửa nóng bỏng, có truyện như bút ký, tùy bút với ngôn từ tươi xanh, rất đời thường nhưng rất văn chương. Nhiều truyện tác giả khéo lồng những chi tiết về tình yêu, quê hương vào các nhân vật và tạo ra những thắt nút, những mâu thuẩn làm cuốn hút người đọc.

          Đọc “Con đường anh đi” của Huyền Văn, đôi khi ta không dửt ra được, đọc liền mạch từ đầu cho đến hết truyện để nắm bắt sự chuyển biến của nhân vật, qua lối hành văn gọn và nhanh. Với đề tài về người lính, tác giả đưa người đọc dõi theo những bước chân quân hành của anh bộ đội Cụ Hồ và ta cảm xúc theo những cung bậc thăng trầm trong mỗi buồn vui. Có được tập truyện mang màu sắc mới này và không lập lại chính mình ở những truyện trước là một sự thành công của cây bút khởi nghiệp từ môi trường quân đội và chị từng bước khẳng định mình.

                                                                                                                              L.X