Nguyễn Thánh Ngã
(Vanchuongphuongnam.vn) – “Hòa Âm Đêm” là cái tên thật đẹp. Và ấn tượng biết bao, khi chúng ta hiểu đây là ấn phẩm nghệ thuật của một “nhạc sĩ làm thơ”!
Tập thơ được chia làm 3 phần: – phần 1. Chút nhện giăng, – 2. Nồng nàn lời thương, – 3. Lặng thầm lời yêu vv…
Tôi đăc biệt chú ý “chút nhện giăng”, trong cảm thức mong manh thấm đẫm chất thi sĩ với lối viết kiệm lời, nén ý mà dung chứa những điều lớn lao. Phải chăng với tuổi 80, một tay đàn, tay bút cho Khúc “hòa âm đêm” ngân lên tha thiết, thi sĩ đã phải chịu “phép hôn phối” trong nghi lễ thi ca? Vâng, nghĩa là thi sĩ cầm “chiếc nhẫn thơ” đeo vào ngón tay âm nhạc trong thánh lễ “Misa Tình yêu”, để những đứa con “thiên bẩm” ra đời. Và khi ra đời, những đứa con, tức những tác phẩm hôn phối ấy luôn trổi lên giữa nhân gian những ngân âm tuyệt bút. Giờ đây những ngân âm ấy là “Niệm khúc trầm” cho một đời tài sắc Trương Tuyết Mai – người được mệnh danh đa mang, đa tài, đa diện, và đa đoan…
Bởi thế, chị viết “Hòa Âm đêm”:
“Tiếng lá trên sân/ lào rào gió cuốn/ đơn lạnh nỗi niềm/ xao xác lòng ai…”. Vâng, một tiếng lá rơi cũng bàng hoàng xac xác, nó khơi dậy “cái nghe” sâu thẳm của người nghệ sĩ. Ví như trong kinh Phật dạy con người có lục căn tức mắt tai mũi lưỡi thân ý, ứng với lục trần sắc thinh hương vị xúc pháp, thì cái nghe (nhĩ thức) đứng thứ 2 trong lục thức. Nó cho chúng ta hiểu, người nghệ sĩ lắng cái nghe trong thi ca, nhạc họa. Cái tài ở đây là chị “nghe” được tiếng lá. Bởi trong tiếng lá có những tiết tấu thơ, ngân rung thành giai điệu riêng gọi là “hữu nhạc”. Rồi “gió cuốn”, rồi “đơn lạnh” vv…, đều có màu sắc riêng của nó mà chỉ có cảm thức mới vẽ được thành tác phẩm mỹ thuật. Từ trong cái nghe có chất thiền ấy giúp chúng ta nhận ra trong “nghe mà thấy”, ấy là lúc thấy được chiếc lá đến lúc phải rơi, đến lúc “gió cuốn lào rào” thì khuôn mặt của nó (là chiếc lá hiển thị), sẽ đau khổ như thế nào, để thơ đi tìm ý nghĩa của đa đoan, tức người phụ nữ có nhiều duyên nợ trần ai…
May mắn cho chúng ta, cái duyên ở đây là cái duyên kết nối với loại nghệ thuật cao cấp bậc nhất của CON NGƯỜI. Thi ca, nhạc họa chính là thứ đa đoan đó, khiến chúng ta có muốn cũng không gỡ ra được, và không thể ra khỏi vùng phủ sóng của nó.
Vậy cho nên “Hòa Âm đêm” có nhiều tầng thức. Hiểu theo thức bình thường, thì nó là bản hòa âm trong đêm. Hiểu theo tầng thức nghệ sĩ, thì nó là những “Niệm khúc trong đời”… của một người có tài hoa khác người!
Nhạc sĩ – thi sĩ Trương Tuyết Mai là người tài hoa đó, mà hôm nay chúng ta nói đến như cách Voltaire cảm thức:“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả và đa cảm”. Nhận diện tính đa cảm trong thơ Trương Tuyết Mai, không có gì hơn là những lời thơ chị đã viết cho cuộc đời rằng:“Ta mơ hồ hóa kiếp/ khỏa trần/ Tan chảy cùng trăng”. Câu đó cho ta thấy, nàng thơ đã sống hết mình, tan chảy hết mình, để hòa vào vạn vật. Sự tan chảy, sự hòa mình ấy đã tạo nên chất men:“Có tiếng chim lạ/ Ríu ran vườn nhà/ Nghe trong trẻo quá/ Men dậy hồn ta…”. Men ấy là tình ấy, đã quyến dụ nhà thơ nhìn ra “ngoài kia”:“Ngoài kia/ ngoài kia/ Tiếng gọi mềm tha thiết/ Dìu dặt ngân nga/ Chan chứa tình tôi…”
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai
Quả thật, với men tình bao la chan chứa ấy, thi sĩ đã nghe thấy một câu nói vô cùng lắng đọng, ẩn chứa sự “thiền mật” mênh mông qua nhân vật thứ hai, ngoài chị và chiếc lá rơi:“Chiều buông lộng gió/ Lả tả lá vàng rơi/ Mẹ tôi bỗng dừng chổi/ Nhủ thầm: “cũng phải thôi”…
“Cũng phải thôi” là một nhận thức, đưa chị về với an lặng trong tâm. Người ta thường nói hạnh phúc chính là sự an lặng trong tâm hồn. Ý thiền ấy (thiền cũng là đời), giúp chị lau khô nước mắt, rồi tự thấy rằng “chiếc gối hằng đêm không còn nước mắt” như đoạn thơ này:“Nắng tràn qua cửa sổ/ nhảy nhót trên gối mềm/ gối ta không nước mắt/ cần chi nắng hong khô”.
Không còn nước mắt nữa, không có nghĩa là hết yêu thương. Ngược lại, theo Phật đạo càng phải yêu thương nhiều hơn, như TCS đã nói:“Một hôm, lòng chợt từ bi bất ngờ”, thì từ bi bất ngờ chính là nỗi niềm Trương Tuyết Mai mà trong “Gom lá” chị đã viết:“Cảm ơn em tặng chị cây xiên/ để dọn vườn/ khỏi khom lưng quét lá/ nhưng em ơi cây xiên nhọn quá/ mỗi lần xiên lá vỡ xót xa…”
Bài thơ hay ở cấu tứ “lá vỡ xót xa”. Lá vỡ hay lòng mình đang vỡ, là câu hỏi thi sĩ dành cho người đọc. Riêng tôi, xin nâng sự xót xa này lên thành “lòng từ bi” bất ngờ như nhạc Trịnh đã viết. Nhưng trong sâu thẳm, tôi có cảm tưởng Trương Tuyết Mai thường đi như lời kệ trong nghi lễ sám hối, chị quán chiếu cuộc đời rằng:“Biết không thể xanh hơn được nữa/ Lá buông mình/ Vô tư/ Rơi…” Cái rơi thật nhẹ như không, bởi đã đến lúc “Ngày ấy sẽ đến” trong niệm khúc tri chứng của “Hòa Âm đêm” rằng:“Ngày ấy sẽ đến”/ Ta ngồi một mình mơ màng/ giữa muôn vàn âm thanh tha thiết/ Nhưng không thể nào bay lên được nữa…”
Trong khúc bi ca gờn gợn nỗi buồn ấy, thì Trương Tuyết Mai bình tĩnh đi qua giấc mơ nhuộm màu đêm, một màu buồn cô độc. Và thơ chị truyền vào tôi nỗi cô độc thầm thì, như lời kinh kệ thấm thía sinh mệnh đời người, mà người có đôi “mắt ghe bầu mẹ cho“ đã sống, đã viết như một nỗi tiên cảm về nguồn ánh sáng mới, mà thơ đem lại:“Ta bỗng vỡ ra điều giản dị/ ánh sáng hướng về đâu thì ở đó long lanh…”
Cuối cùng, tôi nhận ra, tâm hồn nhạc sĩ trong tâm hồn thi sĩ ở Trương Tuyết Mai là cây “thạch cầm”, luôn vang lên những niệm khúc để tục huyền thân phận và tục huyền nỗi đau….
Sài gòn tháng 8.2024
N.T.N