Niềm thao thức và hy vọng trong thơ Trúc Linh Lan

512

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trúc Linh Lan và nhiều nhà thơ nữ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là lớp nhà thơ thành danh sau 1975, như: Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Thanh Nguyên, Thu Nguyệt, Ngọc Phượng, Lê Thanh My, Nguyễn Lập Em, Huỳnh Thúy Kiều, Thái Hồng… Các chị mỗi người mang một vẻ đẹp trong thơ và in đậm dấu ấn của miệt vườn sông nước giàu hoa trái và tình người đôn hậu.

Trúc Linh Lan hầu như suốt đời luôn trăn trở với những mảnh đời cơ cực khốn khó, luôn thao thức và hy vọng về cái đẹp, cái thiện lương ở mỗi con người. Tấm lòng chị lộng gió bốn phương với bạn bè và những con người, những vùng đất đã đặt chân tới từ đồng bằng sông Cửu Long tới Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc, và sang tận nước bạn Cam-pu-chia. Tất cả sự từng trãi đó được phổ vào thơ, vào tiểu thuyết và phê bình văn học.


Nhà thơ Trúc Linh Lan.

Trúc Linh Lan là bút danh (tên thật là Thạch Thị Liễu – người dân tộc Khmer), chị còn có bút danh khác là Nguyễn Thị Đồng Bằng. Là một giáo viên dạy Văn giỏi, đam mê văn chương và lúc nào cũng tận tâm tận lực với học sinh. Sau khi nghỉ hưu, người bạn đời của chị – nhà thơ Võ Minh Đường rời “cõi tạm” về miền cực lạc, chị dồn hết tâm trí làm việc thiện nguyện. Chị là “người mẹ” của mấy chục trẻ mồ côi ở nhà “Nuôi dạy trẻ Hoa Mai”, Tp. Cần Thơ. Hiện nay chị là Chủ tịch Hội nhà văn Cần Thơ, đồng thời là Chủ nhiệm Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Cần Thơ, và là ủy viên Ban nhà văn nữ của Hội nhà văn Việt Nam.

Trúc Linh Lan như “con tằm rút ruột nhả tơ” cho ra đời nhiều tác phẩm với đủ thể loại: thơ, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học… Có thể kể đến: hai tập tiểu thuyết Cuối đường tình yêuPhượng tím (Văn nghệ Châu Đốc, 1989), hai tập biên soạn Nói với tuổi mới lớnNgười phụ nữ thanh lịch, 3 tập thơ Khoảnh khắc chiêm bao (NXB Văn nghệ, 2004), Đêm trầm tích (NXB Văn nghệ, 2005), Người đàn bà ngồi nhặt ký ức (NXB Hội Nhà văn, 2014) và 2 tập Tiểu luận và Phê bình văn học Lời tự tình của những trái tim thao thức (NXB Hội Nhà văn – Tập I, 2019 và Tập II, 2020)…

Nhưng theo tôi, chị thành công hơn cả vẫn là ở mảng Thơ. Với chị thơ luôn là hơi thở, là máu thịt, là điệu tâm hồn thổi vào câu chữ để vẽ nên những bức tranh nhiều gam màu về cuộc sống miền sông nước vùng đất Chín Rồng. Chị đã đạt nhiều giải thưởng thơ: Giải Ba thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4 năm 2010, giải Khuyến khích cuộc thi thơ An Giang, giải Khuyến khích tập thơ Người đàn bà ngồi nhặt ký ức của Hội Văn Nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2015…

Đọc bài thơ đạt giải “Thương nhớ đồng bằng” nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết có những nhận xét rất chí lý: Bằng tấm lòng người con của đồng bằng, tác giả đã đưa người đọc đến với một thời “mở cõi” đầy gian khổ, hào hùng của người xưa, những người đi qua những thử thách khắc nghiệt và dữ dội của vùng đất mới để làm nên “khí phách người đồng bằng”.

Niềm thao thức, nỗi băn khoăn về cuộc sống nhọc nhằn của những người xa xứ vẫn không làm mất đi tâm hồn cao đẹp của con người. Vẫn là “nụ cười bể trời thật thà chân chất”, vẫn là nỗi nhớ, nỗi thương những cảnh đời phiêu bạt. Chị đã đưa người đọc đi từ lịch sử khẩn hoang, mở đất của Đồng bằng sông Cửu Long đến đời sống hiện thực đương đại với những câu thơ hào sảng thể hiện tính cách đặc trưng của người dân vùng châu thổ:

Đùm bọc bạn bè không nói chuyện nghĩa ơn
Trải hết lòng cùng nhau cạn chai rượu đế…
Người đồng bằng đâu cũng gọi anh em…

Bài Tâm sự với dòng sông là những lời tự sự giãi bày về cuộc đời của ba má và của chính mình.

Tôi sinh ra từ cuối thượng nguồn
Con sông mẹ oặn mình sinh nở
Tôi chào đời giữa bên bồi bên lở
Con đò khuya chếch bóng khách thương hồ.

Chị sinh ra và lớn lên ở vùng đất mang vẻ đẹp hào sảng của cha ông lắng đọng trong từng điệu lý, trong câu vọng cổ đậm điệu buồn ly hương:

Con trâu cõng tiếng sáo trên lưng
Điệu buồn ly hương của người đi mở đất
Câu thơ hóa thành câu vọng cổ,
Một miền quê để lại sau lưng
(Đêm trầm tích)

Và hình ảnh người cha ra đi kháng chiến không bao giờ trở về nữa cứ ám ảnh người mẹ, người con:

Cha qua sông rồi không về sau đêm giông bão
Mẹ ngồi chờ lõm khuyết bóng trăng khuya.

Nhưng niềm hy vọng thao thức của mẹ đã được bù lấp khi quê hương có nhiều đổi mới, chiếc cầu dây văng hiện đại Cần Thơ đã nối đôi bờ thỏa lòng mong mong ước bao đời nay:

Cầu Cần Thơ nối hai bờ thắp sáng bình minh
Ngày mai anh dẫn em đi qua đời tôi hò hẹn
Mẹ già vui, cứ tưởng một giấc mơ.

Nỗi buồn, nỗi lo và sự thao thức cứ lặp đi lặp lại ở nhiều bài viết về mùa nước nổi. Đó là cảnh nước cuốn phăng đi nhà cửa ruộng vườn, trâu bò, cá chết:

Nước tràn về cuồn cuộn cuồn cuộn
Cuốn phăng đi nhà cửa rộng vườn
Thương hạt gạo không kịp mùa sinh nở
Con cá chết chìm khóc tiếng bi thương
(Những triền đê vỡ )

Chị thương cảm và ngợi ca những con người lam lũ chống trọi với thiên nhiên quái ác để bảo vệ sự sống: “Tay đan chặn lũ trong mưa/ Mặc đói lạnh thi gan cùng thần nước”. Những lúc khó khăn nhất thì hình ảnh ông bà, ba má lại hiện lên tiếp cho nhân vật trữ tình thêm sức mạnh: “Ba chống chiếc xuồng nước mắt rưng rưng/ Trắng đồng mênh mông”.

Mỗi lần xa cố hương, nỗi nhớ lại đong đầy thì trong tâm tưởng vọng lên một tiếng đờn thật da diết gắn với hình ảnh người mẹ già với con đò, bến nước:

Người xa quê nhớ một tiếng đờn
Câu tài tử vọng miền cố xứ
Nơi có mẹ già có bến sông nắng dội
Có con đò tím ngát cuối hoàng hôn.
… Người xa quê thèm gõ nhịp song lang
Buồn đứt ruột đêm hoa cau ngan ngát
Con vạc thả ngang trời tiếng kêu lưu lạc
Khúc đờn kìm nước mắt bỗng mưa rơi
(Vọng một tiếng đờn)

Đây là sự hoài vọng về quê hương về ba má trong những năm kháng chiến gian khổ:

Tôi lớn lên bên dòng Xà No
Chiều tím biếc cánh hoa lưu lạc
Nơi mẹ tiễn chân ba ra trận
Bằng chiếc xuồng con cơm nắm mo cau.
(Câu chuyện bên dòng Xà No)

Nỗi nhớ cứ dâng đầy trong lòng người xa quê khi mùa xuân về, và những hình ảnh khắc sâu vào tâm khảm từ hồi còn bé. Một ngọn gió bấc, một cơn lũ đầu nguồn hay ngọn khói đốt đồng cùng làm xao xuyến hồn thơ:

Gió bấc tràn về… nhớ quá phương Nam
Cơn lũ đầu nguồn nghe mà thắt ruột
Ngọc khói đốt đồng qua mùa nước ngập
Em có còn nhóm lại nùn rơm?
(Xuân về trên đồng bằng Nam Bộ)

Và dù có đi đâu thì hồn thơ chị vẫn hướng về miệt vườn sông nước mà thương mà nhớ, câu “Dạ cổ hoài lang” cứ khác khoải trong tim:

Có đi đâu? Vẫn thương nhớ đồng bằng
Nơi câu dạ cổ hoài lang vang danh một vùng đất.

Sự thao thức và hoài vọng trong trái tim người thơ giàu nữ tính luôn day dứt về nỗi cô đơn sầu lắng, về “cố nhân”:

Gió thổi ngọn đèn phố đêm
Lẻ loi bóng ai trên phố
Người cũng như ta đang nhớ
Một người đã thành cố nhân.
(Gió)

Khi người yêu xa vắng hoặc khi anh đã về cõi bồng lai, nỗi nhớ dâng tràn trái tim khao khát đam mê trong nhiều đêm không ngủ, rồi biết bao câu hỏi hiện lên chỉ một mình đi tìm ẩn số, nhưng tất cả chỉ còn lại hư vô, một ảo ảnh thoáng hiện trong giấc mơ: “Vòng tay trống không/ Giọt lệ đắng cay vỡ ra thành những mảnh thủy tinh cứa vào trái tim em ứa máu” (Sinh nhật buồn)

Và từ đó, nhà thơ tự trách mình và trách người:

Tơ hồng ai bán chợ đông?
Lỡ mua vôi bạc… em cầm truân chuyên 
(Cúi nhặt nhân duyên )

Hoặc:

Người không từ biệt một lời
Áo xưa mùi cũ em ngồi ngẩn ngơ 
(Em ngồi mơ nắng những ngày sa mưa).

Đọc những vần thơ này ta càng cảm phục biết bao người phụ nữ khát khao yêu thương, chịu nhiều bất hạnh. Song họ vẫn không bị “hóa đá” như những nàng Tô Thị ngày xưa, mà vẫn giấu đi những nghẹn ngào, vượt lên bao nghịch cảnh để sống và hy vọng với cuộc đời. Nó bộc lộ một cái Tôi chân thành, rất đời thường của người phụ nữ Nam Bộ:

Kiếp hường nhan lắm lao đao
Luồn kim se chỉ nghẹn ngào tâm tư.

Biết bao hồi tưởng đẹp và buồn cứ ám ảnh trong tâm tưởng “Người đàn bà ngồi nhặt ký ức”. Nó hiện lên suốt đêm trường vò võ cô đơn suốt “hai mươi mùa xuân trôi”. Nhân vật trữ tình cứ ngồi đếm thơi gian, đếm lá rơi, đếm sương, đếm gió, đếm từng sợi tóc rơi, đếm từng chùm hoa sầu đông “lất phất sợi buồn”, “lất phất sợi hy vọng” mong tìm kiếm một niềm vui an ủi dù nhỏ nhoi: “Cày lên hạt mầm tình yêu/ Ủ trong men nồng/ Ủ trong lửa nóng/ Hãy tan ra/ Trái tim ấm áp một thời để yêu thương, để rung lên những cung bậc ái ân/ Nửa đời người nuối tiếc”. Tôi có cảm giác như nhân vật trữ tình đang muốn phá tung cái ẩn ức lâu nay bị nhốt trong lồng tưởng đã chai sạn, đã đóng băng của những đêm tối mùa đông để vươn mình bước ra ánh sáng mùa xuân, thổi bùng lên ngọn lửa ấm áp của tình yêu, cho dù ngọn lửa ấy đã tắt lâu rồi. Nhưng cuối cùng chỉ thấy “tàn tro” mà vẫn làm bỏng rát bàn tay, bỏng rát trái tim cô đơn yếu đuối. Cái buồn lại dâng cao:

“Những giọt nước mắt,
rơi…
Sợi tóc hoàng hôn,
rơi…
Người đàn bà ngồi nhặt,
Ký ức”.

Biết bao nỗi buồn không tên, cứ ùa về nhưng người thơ cố “gấp lại ký ức”, xếp nỗi buồn, “đặt nụ cười vào hộp , “cất niềm vui nắng mưa”… để lắng nghe một tiếng chuông chùa xa xăm tưởng như một kiếp luân hồi, và trở về thực tại, bừng tỉnh bước tới cõi Thiền, mong “lật từng tràng hạt” để nghe “Một hồi kinh… ngậm ngùi”. Nhưng cuối cùng nỗi buồn cũng “đập cánh” bay đi để người thơ nhận làm người “phu chữ”, làm kẻ “ăn mày văn chương”, “gói kỷ niệm ném vào chùm mây trằng”, “nhắm mắt trong đêm nguyệt thực” và trở về “cõi thực” vui với “mùa chim sáo gọi”, vui với bạn thơ…

Đúng như nhà thơ Phùng Quán đã nói: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ và đứng dậy”. Và đôi chân của chị lại “chân cứng đá mềm” cùng bạn văn đi khắp mọi miền đất nước tìm cảm hứng cho thơ, và lao vào công việc để quên đi những nghịch cảnh của cuộc đời.

Những niềm thao thức và hy vọng trong thơ Trúc Linh Lan cứ đan xen như một bức tranh nhiều sắc màu, đôi khi như tranh siêu thực. Càng đọc, càng ngẫm thì tiếng vọng xa xăm của những cung bậc ký ức cứ hiện về văng vẳng bên tai khi da diết như điệu buồn phương Nam, khi chập chờn như đàn cá nhảy mùa nước nổi và neo lại trong tâm trí ta một vẻ buồn và đẹp. Đó là cái buồn không bi lụy, nó luôn thắp sáng niềm tin và hy vọng ở con người và cuộc sống.

Thơ Trúc Linh Lan luôn có sự kết hợp giữa tính hiện thực và cảm hứng lãng mạn, không cầu kỳ đánh bóng hay làm dáng làm duyên mà chỉ bằng những câu chữ đời thường đậm chất dân gian Nam Bộ được chọn lọc, được nâng lên theo cảm xúc để truyền đi thông điệp về tình yêu quê hương, gia đình, bè bạn và trách nhiệm công dân trước nhiều vấn đề của xã hội, con người và đất nước. Thơ chị dung dị như hơi thở, như tiếng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, đôn hậu đầy nữ tính của người con gái vùng đất Chín Rồng.

L.X