Niềm vui được dạy học của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký

1077

1. ‘Khó lắm, anh dạy học thế nào được’

Dù từng là học sinh giỏi toàn quốc, học Đại học Tổng hợp, Nguyễn Ngọc Ký vẫn bị từ chối khi xin việc. Người ta viện lý do ông không thể cầm phấn viết lên bảng.

Chỉnh trang lại y phục sau một đêm xộc xệch ngủ bụi, theo kế hoạch, chúng tôi khẩn trương hỏi thăm đường đến Ty Giáo dục Nam Hà. Tới nơi, chúng tôi được chỉ dẫn gặp ông Trần Nguyên Phả, trưởng phòng tổ chức.

Ông có dáng người đậm chắc. Khuôn mặt rắn đanh đượm nét khắc khổ. Mái tóc đã hai phần muối tiêu. Con người ông toát lên vẻ nghiêm nghị, khó tính. Sau phút xã giao chào hỏi, Hòa chủ động đưa trình ông giấy giới thiệu của trường. Ông đọc qua, lắc đầu buông một câu củn lủn:

– Khó lắm! Anh dạy học thế nào được!

Im lặng giây lát, ông lên giọng diễn giải cho lời khẳng định của mình bằng những lời khá mạch lạc:

– Các anh biết đấy! Nghề dạy học bao giờ cũng gắn với phấn trắng bảng đen. Anh Ký tay không cầm phấn được thì dạy dỗ sao được… Theo tôi, anh chỉ có thể làm nghiên cứu thôi!

– Thưa thầy – Tôi lên tiếng – Đây không phải chỉ là ý nguyện của cháu, của trường Tổng hợp mà là của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đấy ạ!

Ông Phả nói luôn:

– Của ai thì cũng thế thôi. Cái gì cũng phải gắn với thực tế. Từ xưa đến nay, từ Đông qua Tây, tôi biết có nhiều người liệt chân vẫn làm thầy giáo như thầy Cảnh ở Đại học Sư phạm; mù vẫn làm thầy như cụ Đồ Chiểu; nhưng chưa bao giờ thấy có trường hợp nào làm thầy giáo mà không có tay cả. Theo tôi, anh nên suy nghĩ lại. Tôi khẳng định với anh, anh không thể nào dạy học được đâu.

– Nhưng thưa thầy, nguyện vọng của Ký là về dạy ngay ở quê với học sinh cấp hai thôi ạ. Như vậy, Ký vừa tận dụng được nguồn hậu cần tại chỗ là gia đình, làng xóm lại vừa có vốn sống tuổi thơ để viết cho thiếu nhi như gợi ý của Thủ tướng đấy ạ! – Hòa thanh minh giúp tôi.


Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Ông Phả xua tay:

– Ồ, ồ! Dạy cấp hai mà không viết bảng càng không thể được.

– Vậy thưa thầy! Nếu cháu nghĩ ra cách viết bảng được thì sao ạ?

Trước ý tưởng mới của tôi, ông Phả một giây suy nghĩ rồi hỏi luôn:

– Sao? Anh dùng chân giơ lên bảng viết ư? Sao chuẩn được! Đấy là chưa nói đến chuyện mô phạm đó. Các anh biết rồi đấy. Người thầy khi lên lớp tất tật mọi cử chỉ, hành vi đều phải mẫu mực, phải mô phạm. Ông thầy không bao giờ cho phép mình làm bất cứ điều gì gây ra phản cảm trước mắt học trò. Đó là một nguyên tắc sư phạm bất di bất dịch mà ai cũng phải tuân thủ anh Ký ạ!

– Vâng, cháu biết mà! Cháu sẽ không bao giờ viết bảng theo cách thầy vừa nói đâu. Ý cháu là nếu cháu nghĩ ra cách viết bảng khác mà học sinh có thể chấp nhận được thì thầy có ưng thuận cháu vào làng giáo dục tỉnh ta không ạ?

– Cách viết khác là cách viết thế nào? Anh thử nói tôi nghe?

Đến đây, tôi thấy mặt bừng nóng, đâm lúng túng thực sự. Quả thật, tôi cũng chưa hình dung ra được mình sẽ tìm cách nào để viết được bảng. Song nghĩ đến thì tương lai tôi vẫn mạnh dạn đặt ra vấn đề như vậy để xem thái độ của ông ra sao. Thấy tôi ngập ngừng khó nói, ông Phả liền chốt vấn đề bằng một câu chắc nịch:

– Tôi biết mà. Anh chỉ có thể viết trên giấy, chứ viết trên bảng là bất khả thi. Tôi khuyên anh nên xin vào công tác ở một cơ quan nghiên cứu nào đó là phù hợp nhất.

– Dạ thưa bác, vậy nghĩa là Ty ta không chấp nhận việc Ký về công tác dạy học tại quê nhà? – Hòa cũng chốt vấn đề bằng câu hỏi rành rẽ.

– Thế thì bác vui lòng ghi ý kiến vào giấy giới thiệu của trường đây để chúng cháu về báo cáo lại.

Ông Phả chau mày ngẫm nghĩ hồi lâu, cầm bút lên rồi lại đặt bút xuống bàn:

– Thôi! Không cần tôi viết gì đâu. Các anh cứ mang về nói lại với trường ý của chúng tôi thế là được.

– Không được thầy ơi. Không có ý kiến của thầy ghi vào đây làm sao chứng minh được rằng chúng cháu đã về gặp Ty ta ạ? – Hòa đanh thép phản biện.

Trước yêu cầu kiên quyết của chúng tôi, ông Phả đành chấp nhận. Nhưng ông hoàn toàn không ghi gì về ý kiến của mình mà chỉ ký tên, ghi ngày tháng và chụp dấu.

Tôi và Hòa rời Ty Giáo dục Nam Hà với tâm trạng nặng nề khó nói. Để động viên nhau, Hòa vỗ vai tôi cười:

– Chẳng có gì phải buồn Ký ơi. Thua ván này ta bày ván khác.

2. Niềm vui được dạy học của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký

Sau trắc trở, anh sinh viên Nguyễn Ngọc Ký đã chính thức trở thành thầy giáo.

Kết thúc chuyến giao lưu ấn tượng ngoài mong đợi tại thành phố cảng, trên đường về La Khê, Hà Đông, chiếc xe chở chúng tôi ghé Hà Nội thăm thầy Hoàng Như Mai.

Thầy vui lắm khi vị cán bộ ty giáo dục hồ hởi chia sẻ:

– Thưa thầy! Chúng em không ngờ chuyến đi của anh Ký về Hải Phòng lại thành công đến vậy. Lâu nay, các em và cả các thầy cô giáo chỉ biết anh Ký đi học qua trang sách. Nay thì bằng xương bằng thịt, anh xuất hiện ngay tại sân trường khiến ai cũng trầm trồ háo hức.

Nhiều trường theo kế hoạch, anh chỉ đến giao lưu buổi sáng. Thấy xúc động, họ nài nỉ mời anh bằng được cả buổi chiều. Có trường ở huyện Vĩnh Bảo thấy anh vừa đến cổng, học sinh đã ùa ra vây kín, ríu ran hô lớn: “Nguyễn Ngọc Ký! Nguyễn Ngọc Ký!”.

Nhóm bảo vệ, giám thị và cả giáo viên vất vả lắm mới mở được lối đưa anh vào văn phòng. Trong lúc ban giám hiệu đang tiếp chuyện anh, mọi người bất ngờ thấy một khoảng sáng từ trên mái nhà cùng tiếng trẻ trầm trồ ríu ran. Hóa ra, một tốp học sinh hiếu kỳ đã manh động trèo lên mái nhà văn phòng dỡ ngói ra để sớm được nhìn thấy anh.

Mọi người cùng cười ồ vui vẻ. Vị cán bộ ty giáo dục chờ xong tràng cười, nhẹ nhàng mở cặp lấy ra một văn bản có lẽ tới gần bốn trang đánh máy, trịnh trọng đưa thầy Mai:

– Thưa thầy, còn đây là bản báo cáo tổng kết về toàn bộ chuyến đi vừa qua của anh Ký về với Hải Phòng. Xin gửi thầy như một lời tri ân sâu sắc của lãnh đạo ty giáo dục cũng như của thường vụ Thành Đoàn. Đúng là nhờ thầy chắp nối giúp đỡ quê hương đất cảng chúng em mới có được một đợt ngoại khóa giàu sức lan tỏa và ý nghĩa đến vậy. Cảm ơn thầy, cảm ơn anh Ký và anh Hòa nhiều lắm ạ!

– Hải Phòng chu đáo quá. – Thầy Mai cười xởi lởi – Thực ra trong chuyện này, anh Ký phải cảm ơn các anh nhiều. Nhờ các anh mà Ký có chuyến tập việc thật tuyệt vời đấy. Trước khi đến với bục giảng chính thức, đây là cơ hội Hải Phòng đã giúp Ký làm quen với sân trường, với học sinh và biết nhập vai người thầy thế nào cho tốt nhất trước hàng trăm, hàng nghìn con mắt tò mò háo hức của tuổi thơ. Chỉ ít ngày nữa thôi, Ký sẽ trở thành ông giáo chính thức. Kỷ niệm về chuyến giao lưu ở đất cảng chắc sẽ mãi là hành trang quý để Ký thêm tự tin, nhất là ở giai đoạn chập chững bước lên bục giảng nay mai.

– Dạ! Vậy Ký sắp có quyết định về quê dạy rồi hả thầy? – Hòa cắt lời thầy bằng một câu hỏi khấp khởi mừng vui.

Không để mọi người phải thắc thỏm lâu, thầy mở tủ lấy ra tờ quyết định vừa đưa Hòa cầm giúp tôi vừa tươi cười thông báo:

– Đây! Quyết định về Ty Giáo dục Nam Hà nhận việc của Ký đây. Văn phòng trường mới chuyển về cho thầy chiều hôm qua.

– Dạ, thưa thầy! Để có tờ quyết định này chắc là đã có sự can thiệp của bác Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng – PV) phải không ạ? – Hòa tự tin hỏi thầy.

– Thì thầy đã nói với hai cậu ngay trước ngày đi Hải Phòng rồi đấy. Khi anh Việt Phương báo cáo sự việc với bác Đồng, bác đã cho người về làm việc ngay với Tỉnh ủy Nam Hà và cả Bộ Giáo dục nữa. Nghe đâu Thứ trưởng Lê Liêm còn trực tiếp viết thư tay cho Trưởng ty Giáo dục Hoàng Trung Tích yêu cầu giúp đỡ Ký đấy. Thôi, mọi chuyện vậy là tốt đẹp rồi.

Thầy Mai dừng lời, ra nước mời tiếp mọi người. Thầy cũng nâng ly nhấp một ngụm. Tay vẫn cầm ly, thầy nhìn thẳng mắt tôi thong thả nói với giọng tâm tình vừa có ý dặn dò, vừa thể hiện nỗi băn khoăn lo lắng như nỗi lòng một người cha đầy trách nhiệm trước ngưỡng cửa vào đời của đứa con yêu:

– Thực ra lâu nay, thầy cũng như nhiều người luôn quan tâm muốn tìm cho Ký một chỗ làm thích hợp. Thầy đã nói với giáo sư Ngụy Như Kon Tum muốn giữ Ký ở lại khoa để phụ trách dạy một mảng văn học hiện đại. Giáo sư rất ủng hộ. Song, nay thì mọi chuyện đã ngã ngũ.

Được Thủ tướng quan tâm tạo điều kiện đưa Ký về dạy cấp 2 ngay tại quê hương mình, suy cho cùng, thế là thuận lợi, phù hợp nhất đấy. Vấn đề là Ký sẽ dạy như thế nào để có hiệu quả, để học trò yêu say, để khẳng định được bản thân khi điều kiện giảng dạy của mình hoàn toàn không giống ai. Khó lắm đây.

Thử thách lắm đấy. Song thầy tin với tính sáng tạo và kiên trì vốn có, Ký sẽ vượt qua tất cả và sẽ thành công như cậu đã thành công trên bục giảng đường những năm qua.

3. Tiết lên lớp đầu tiên của thầy Nguyễn Ngọc Ký

Buổi đứng lớp đầu tiên, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị “cháy giáo án”, nhưng nó giúp ông xác lập niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể dạy tốt nếu khắc chế được nhược điểm.

Ngày 15 /12/1970, tôi chính thức nhận quyết định về dạy Văn tại trường cấp 2 xã Hải Thanh quê hương. May mắn và thuận lợi cho tôi là thời điểm này, thầy Trần Ngọc Châu – người thầy tâm huyết tri kỷ đã dày công dạy dỗ, bồi dưỡng tôi trở thành học sinh giỏi Toán miền Bắc năm học lớp 7 ở xã Hải Phương (tôi đã kể nhiều trong tự truyện Tôi đi học), nay đang dạy và làm tổ trưởng tổ Toán của trường Hải Thanh.

“Mình tin anh Ký sẽ dạy tốt”

Thầy mừng lắm:

– Tốt rồi! Không gì bằng được về với quê hương trong hoàn cảnh của Ký. Mấy hôm rồi dư luận cũng xôn xao khi hay tin cậu về công tác ở trường. Nhiều giáo viên băn khoăn không hiểu Ký sẽ dạy thế nào.

Có người còn nói rằng Thủ tướng ưu ái cho cậu về quê dạy là để có chỗ xếp lương thôi chứ cậu thì dạy dỗ gì… Riêng L. thì khăng khăng: Mình tin anh Ký sẽ dạy tốt.

L. là tổ trưởng tổ Văn, cậu biết rồi đấy. Cô ấy xem ra quý trọng và có cảm tình với Ký lắm. Có gì cần trao đổi chuyên môn cứ gặp L. nhé! (L. tốt nghiệp sư phạm 7+3 Nam Định, kém tôi 2 tuổi, quê xã Hải Hà liền kề xã tôi).

Thầy Châu dẫn tôi tới gặp cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuần. Cô cũng trạc tuổi thầy Châu, quê Nghệ An. Chồng cô là kỹ sư ở phòng Nông nghiệp huyện. Gia đình cô gồm năm người: Hai vợ chồng, hai con và bà mẹ già cùng tá túc ở một gian phòng tuềnh toàng, chật hẹp trong khu nhà tập thể vách đất, mái rạ đơn sơ.

Tính cô rất thẳng thắn, cương trực nhưng lại vô cùng tâm lý, tế nhị. Biết tôi không học sư phạm, mọi chuyện lên lớp đều bỡ ngỡ, cô thống nhất bước đầu chỉ giao tôi dạy một lớp văn 6. Hầu mong tôi làm quen với các kỹ năng sư phạm và chuyên môn cần thiết, cô cho phép tôi một tháng tự do đi dự giờ, dạy tập để học hỏi, tích lũy trước khi chính thức nhận lớp.

Sau hai tuần, mọi chuyện đã thấy quen quen, tôi quyết định trao đổi với cô tổ trưởng L. bố trí để tôi dạy thử một tiết. Cô đồng ý ngay, và cho tôi tùy chọn lớp dạy, bài dạy. Suy đi tính lại, tôi quyết định chọn lớp 7B do chính L. dạy Văn và làm chủ nhiệm.

Lý do thật đơn giản: Đây là lớp học sinh có nề nếp. Dự giờ, tôi thấy các em có cảm hứng văn chương, song cái ngầm ý sâu xa là sẽ trực tiếp nhận được sự chỉ dẫn chu đáo và những góp ý sáng suốt của L. – người mà thầy Châu “bật mí” là đang rất có “cảm tình” với tôi.

Nhưng cái lo không phải không có. Nếu tiết dạy thất bại thì uy tín, niềm tin và danh dự của tôi sẽ ra sao dưới mắt của L.? Khi đó, liệu tôi có còn đủ tự tin và bản lĩnh để lên lớp những tiết tiếp theo nữa không?

Về bài dạy, tôi quyết định chọn bài Gửi lòng con đến cùng cha của Thu Bồn. Đây là bài thơ giàu âm hưởng ca dao, nồng nàn cảm xúc về Bác, được ra đời trong những ngày tang Bác mới được chọn in trong phụ lục Văn tuyển 7 mà tôi tâm đắc.

Để chuẩn bị cho tiết dạy có ý nghĩa lịch sử này, suốt mấy ngày tôi suy nghĩ, trăn trở. Việc đầu tiên tôi quyết định học thuộc lòng bài thơ. Từ đó, ngày cũng như đêm, lúc ở trường cũng như ở nhà; khi đứng, khi đi, khi nằm, khi ngồi, tôi luôn nhẩm đọc lại bài thơ, suy nghĩ khám phá để hiểu thấu nó ở mọi cung bậc tình cảm cũng như ở các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc.

Được L. chỉ dẫn tỉ mỉ chu đáo, tôi tập trung soạn giáo án khá công phu. Ngoài mực xanh đen, các tiêu mục và các ý cần khắc sâu, tôi cẩn thận dùng mực đỏ nên nhìn vào khá bắt mắt. L. xem xong nhoẻn cười:

– Anh soạn gì mà kỳ công thế? Bọn em như bài này soạn dài lắm cũng chỉ 2 trang là đã thấy oải lắm rồi. Đằng này anh lại dùng chân nắn nót từng chữ mà dài cả hơn 10 trang thế này em phục anh quá đấy.

Dừng giây lát như để ngẫm ngợi điều gì L. nói tiếp với giọng vừa như e dè lại vừa như dứt khoát:

– Nhưng em nói thật nhé. Bài soạn nội dung đầy đủ và sâu sắc, các ý khai thác khám phá độc đáo sáng tạo. Song em rất lo nếu không “liệu cơm gắp mắm”, giờ dạy của anh coi chừng sẽ cháy giáo án đấy.

Niềm tin được xác lập

Quả thật lời cảnh báo của L. không thừa. Vì trung thành với giáo án lại quá mải mê với dòng chảy cảm xúc dâng trào, chi tiết hình ảnh thơ nào cũng muốn giảng tận cùng để các em hiểu thấu nên khi tiếng trống “Tùng!Tùng tùng!” vang lên báo giờ học đã hết mà bài dạy của tôi vẫn còn dang dở cả một phần nội dung quan trọng.

Trong lúc tôi đang lúng túng không biết nên dừng lại hay giảng tiếp thì cả lớp bỗng đồng thanh hô vang: “Thầy cứ dạy tiếp đi ạ! Dạy tiếp đi ạ!”. Song nghĩ việc ảnh hưởng đến tiết học sau của giáo viên khác, tôi đành xin tạm biệt, chào các em trong tâm trạng của người có lỗi.

Tôi nhận ra L. ngồi ở bàn cuối lớp nhoẻn miệng cười khá tươi vừa có vẻ như hài lòng lại vừa đượm nét băn khoăn khó nói.

Chiều đó, L. ra thăm nhà tôi, trực tiếp trao đổi về tiết dạy ban sáng. Cô hồ hởi khen tiết dạy có hồn, học sinh được cuốn hút từ A đến Z. Cô đặc biệt tâm đắc về khâu đọc mẫu và triển khai bình giảng mở rộng nâng cao các câu thơ, ngữ thơ, từ thơ và hình ảnh thơ tiêu biểu.

Cô nói, nghe tôi đọc mà cứ ngỡ chính tác giả bài thơ đang đọc. Ở câu “nhẹ nhàng nên Bác đi xa”, cô rất thích cách gợi ý dẫn dắt để các em trao đổi phân tích thấm thía về đức hy sinh cùng công lao cao cả của Bác và lòng tự hào về Bác kính yêu.

– Sở dĩ Bác đi xa, tên tuổi sự nghiệp của Bác không chỉ lan tỏa làm xúc động triệu triệu con tim người dân đất Việt mà còn vượt xa tới mọi xứ sở khắp năm châu bốn biển vì một lẽ: Bác “Cho con núi rộng sông dài / Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm / Cho con những ánh trăng rằm / Có quà có bánh lời thăm ân tình”.

Trong khi đó, hành trang của Bác chỉ là “một đôi dép mỏng đã lì chông gai”; một đôi dép mà đã có lần người trợ lý thấy nó bị hư trầm trọng, Bác đã phải dùng chỉ khâu rồi dùng 23 chiếc đinh nhỏ đóng cho các lớp chuồn ở đế khỏi bong tróc, quai dép khỏi tuột nên quyết định thay đôi mới cho Bác, Bác kiên quyết không chịu với lý lẽ: “Hiện nay, dân ta còn nghèo. Biết bao cụ già em nhỏ còn phải đi chân đất. Bác có dép để đi thế này là hạnh phúc lắm rồi!”.

Nghe anh giảng đến đây, em thấy cả lớp em nào cũng lặng đi xúc động; còn em thì không thể không đưa mùi xoa lên thấm mắt. Nhìn chung, tiết dạy của anh còn dang dở nhưng thế là thành công rồi. Nếu tiết Văn nào cũng dạy được thế thì không có lý do gì học sinh lại chán học Văn được.

Có lẽ cô L. khen thế là để động viên tôi đấy, chứ thực tình sau tiết dạy, tôi còn nhiều băn khoăn lắm. Vì phụ thuộc quá nhiều vào giáo án nên tiết dạy thiếu sự thanh thoát, khoáng đạt.

Sự tự chủ trong biểu đạt cảm xúc, trong triển khai mở rộng các ý bình giảng cũng luôn bị gò gẵng, cứng nhắc. Việc phụ thuộc vào giáo án soạn quá dài còn dẫn đến một hệ lụy rất dễ nảy sinh phản cảm: Phải dùng chân để lật quá nhiều lần trang giáo án đặt trên bàn trong một tiết giảng.

Một điều băn khoăn lớn nữa là chuyện viết bảng. Ở tiết dạy này, L. đã giúp tôi viết tên bài và một vài tiêu mục chính. Còn những tiết dạy khác thì sao? Chẳng lẽ tiết nào cũng có một người phụ mình viết bảng ư? Sao lại có chuyện đó được! Dứt khoát trước sau gì mình cũng phải tìm ra cách tự viết bảng thôi.

Tóm tại, sau tiết dạy tôi mới vỡ ra nhiều điều phải giải quyết, khắc phục. Song cái quý nhất ở tiết dạy đầu tiên này là niềm tin trong tôi bước đầu đã được xác lập. Tôi hoàn toàn có thể dạy tốt nếu từng bước tìm ra cách khắc chế những nhược điểm vừa lộ diện.

Và tôi biết, để hiện thực hóa điều đó trong hoàn cảnh của mình, chắc chắn tôi sẽ phải đối đầu với không ít bài toán hóc búa không dễ gì tìm ra đáp số trong một sớm một chiều.

“Tâm huyết trao đời”: là tự truyện của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – người không chịu khuất phục trước thiệt thòi của số phận. 50 câu chuyện trong sách kể hành trình cậu sinh viên tật nguyền Nguyễn Ngọc Ký trở thành người thầy ưu tú, một tấm gương về trí tuệ, tinh thần.

Theo Zing