Ninh Kiều, nhớ mãi một chiều xuân

550

Huyền Văn

(Vanchuongphuongnam.vn) “Ninh Kiều em gái Cần Thơ/ Bao năm anh vẫn thương chờ đợi mong”. Vẳng nghe câu hát một chiều bâng khuâng trên bến Ninh Kiều, hoàng hôn giăng mắc những sợi “nắng chiều lung linh in mái chèo ai đẩy nhịp nhàng”, thấp thoáng chiếc áo bà ba dịu dàng, của những cô gái chèo đò chịu thương chịu khó, giản dị đơn sơ mà lấp lánh cả dòng sông.

Mối lương duyên của dòng sông và các cô gái chèo đò đã khiến ai đó phải thốt lên “Cần Thơ có bến Ninh Kiều/ Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân”. Tấm chân tình ấy chạm vào những trái tim rung cảm, để rồi trên bước dặm dài ai đó lỡ tương tư bến nước Ninh Kiều với thật nhiều thương nhớ.


Bến Ninh Kiều lung linh ánh đèn lúc về đêm.

Khiến cho người ta say đắm như vậy, cho nên từ hồi thế kỷ XIX, bến Ninh Kiều đã trở thành biểu tượng đẹp nhất của Cần Thơ. Đây là nơi không thể chối từ của du khách mỗi khi đến Cần Thơ, thủ phủ miền Tây, đô thị miền sông nước, dịu dàng cây xanh bóng mát, rộn ràng tiếng hát từ đất, từ sông, từ những con người chân chất, thật thà.

Bến Ninh Kiều khi xưa có tên là bến Lê Lợi, nghiêng về phía dòng sông, nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, tiếp giáp với đường Lê Lợi. Đến năm 1958, đường Lê Lợi đổi tên đường Hai Bà Trưng, bến Lê Lợi từ đó cũng đổi tên thành bến Ninh Kiều, dựa theo tên của một trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn. Khi ánh mặt trời lặn khuất, du khách đứng trên bờ đón gió sông lồng lộng, dưới hàng dương liễu nghiêng mình soi bóng nước lung linh, tâm hồn thư thái, một chút mơ màng gửi theo những chiếc xuồng bồng bềnh, ngắm nhìn các cô gái chèo đò duyên dáng trong chiếc bà ba, tay thoăn thoắt mái chèo thả xuôi theo dòng nước, để mà thương mà nhớ…

Nhớ chuyện xưa, thuyền của chúa Nguyễn Ánh đang lênh đênh trên dòng sông Hậu, giữa đêm thanh vắng lại nghe có tiếng ngâm thơ ngân nga, hòa cùng tiếng sáo du dương, tiếng đàn ca trầm bổng từ xa vọng lại, ngài cảm thán mà đặt tên con sông này là “Cầm Thi Giang”. Con sông Cầm Thi ấy trải qua thăng trầm vẫn một dòng trong trẻo, ngọt ngào, nếu ai đã đến một lần thì khó mà quên được.

Làm sao quên được, cũng trên con sông này, khi đất nước còn chiến tranh, những cô gái chèo đò dáng dấp mảnh mai, nhưng lại rất kiên cường, bất chấp hiểm nguy chèo đò đưa bộ đội qua sông, đánh đuổi quân thù. Khi đơn vị từ biệt bà con lên đường đi chiến đấu, anh bộ đội Nguyễn Nhiều đã cảm xúc viết nên bài ca cổ Đưa anh qua bến Ninh Kiều kể lại câu chuyện tiễn đưa đầy lưu luyến ấy: “Nhớ không em giữa một chiều mùa xuân năm ngoái có một cuộc tiễn đưa bộ đội sang sông qua bến Ninh Kiều. Già trẻ gái trai ríu rít dập dìu. Những bà mẹ lệ tràn khóe mắt, những cô gái Ninh Kiều bẽn lẽn nón che nghiêng”.

Khi nước nhà được thống nhất, bến Ninh Kiều được tôn tạo đẹp đẽ, khang trang hơn ngày xưa. Nhiều cây cảnh được cắt tỉa tạo hình mỹ thuật công phu, làm điểm nhấn cho công viên rực rỡ sắc màu. Tất cả các lối đi được lót gạch hoặc tráng xi măng bằng phẳng. Nhiều thùng rác công cộng đặt ở những vị trí thuận lợi, xung quanh luôn được giữ gìn sạch sẽ, thông thoáng. Đã không còn hình ảnh các cô gái “buôn hương” chào mời khách qua đường, cũng không có người lang thang, bụi đời vất vưởng trên các băng đá nữa.

Bến Ninh Kiều đẹp nhất là khi về đêm. Du khách đến đây, thường đến viếng tượng đài Hồ Chí Minh trước rồi sau đó thong thả tản bộ dọc bờ sông, chiêm ngưỡng khung cảnh nên thơ hữu tình. Bên kia sông là xóm Chài, ánh đèn tỏa ra từ những ngôi nhà nối tiếp nhau như một dãy lụa mềm mại. Đứng bên này sông, dõi mắt xa xăm về phía cồn Ấu ẩn hiện trong dãy cù lao chập chùng. Xa xa là chiếc cầu dây văng rực rỡ ánh đèn ngũ sắc như một lẵng hoa huyền ảo, khiến tâm hồn nhẹ tênh, quên hết muộn phiền thế gian.

Từ khi có chiếc cầu đi bộ, rạch Khai Luông được nối liền hai bờ thương nhớ, bến Ninh Kiều càng thêm lộng lẫy, mê đắm lòng người. Đứng trên chiếc cầu trẻ trung ấy, ta sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé giữa không gian trời nước bao la, gửi niềm thương vào chiếc du thuyền nhè nhẹ trôi trên dòng sông phẳng lặng, gửi niềm nhớ vào những câu hò chứa chan tình nghĩa. Nếu đi dạo trong công viên Ninh Kiều vào mỗi tối thứ Bảy, ta sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật truyền thống, nung đúc ý chí hào hùng của cha ông thời đi mở cõi. Đó là một sân khấu nhỏ, những tiếng hát lời ca, những câu hò, điệu múa có sức lan tỏa, tạo thêm một dấu nhấn – một nét đẹp mới – đậm tính nhân văn. Bởi nó không những mang đến cho người xem niềm hứng khởi và sự ngưỡng mộ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, của xứ sở Tây đô, mà còn góp phần nâng cao tình yêu quê hương, đất nước; nuôi dưỡng và phát triển tình yêu nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng, trước tình hình văn hóa nghệ thuật du nhập vào Việt Nam trong thời hội nhập.

Mùa Xuân nữa lại về trên quê hương Cần Thơ. Xuân năm nay bến Ninh Kiều không náo nhiệt trên bến dưới thuyền như những xuân qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Nhưng bến Ninh Kiều không vì thế mà mà mất đi vẻ đẹp mỹ miều, duyên dáng ngày nào. Ninh Kiều! Tình yêu của tôi! Vẫn nên thơ hữu tình, vẫn tràn đầy sức sống hướng tới tương lai.

Năm xưa, những cô gái chèo đò đưa bộ đội qua sông ra chiến trận, nay đưa những chiến sỹ áo xanh, áo trắng qua sông ra tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Bến Ninh Kiều đón xuân trong mùa dịch vẫn lấp lánh một dòng sông, xuồng ghe đầy ấp cây trái miệt vườn, ngan ngát hương hoa, đậm đà nghĩa nặng tình sâu của vùng đất phù sa, tiếng đàn tiếng hát ngân nga “Đưa anh qua bến Ninh Kiều, quê em nhớ mãi một chiều mùa xuân”.

H.V