(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời gian gần đây, nhiều cây phượng trong khuôn viên trường học ở một số địa phương bỗng nhiên bật gốc, ngã đổ khi mùa mưa vừa chớm.
Nhà văn Nguyễn Duy Xuân
Ai đó bảo đây là điềm gở, báo hiệu “năm xung tháng hạn” của loài thảo mộc vốn bao đời nay gắn bó thân thiết với nhà trường, với tuổi học trò.
Bởi vì sau vụ tai nạn thương tâm ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) khi cây phượng già bật gốc vào sáng sớm ngày 26/5, khiến một học sinh tử vong và hơn mười em khác bị thương, hàng loạt cây phượng vỹ trong khuôn viên trường học ở một số địa phương bị đốn hạ, chặt bỏ không thương tiếc. Loài thảo mộc bấy lâu nay chọn sân trường làm nơi an cư, chọn các cô cậu tuổi học trò làm bạn vong niên, bỗng dưng đối mặt với thảm họa không phải do mình gây ra.
Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh làm nhói lòng những ai đã từng một thời cầm trên tay “Cánh phượng hồng ngẩn ngơ” mà lưu luyến với kỉ niệm “Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây”.
Vào Google, chỉ cần gõ cụm từ “chặt bỏ cây phượng” là cho ra ngay hơn 3 triệu kết quả. Chọn mục hình ảnh, đập vào mắt mọi người là hàng loạt cảnh tang thương được báo chí, mạng xã hội đăng tải. Khắp nơi phượng – và cả những cụ xà cừ bao năm bền bỉ, cứng cỏi trước mưa bão – bị cắt tỉa trơ gốc, bị đốn hạ không thương tiếc. Cảnh ấy gợi nhớ nỗi ám ảnh còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ thời chiến tranh ác liệt. Bom đạn giặc ném xuống làng tôi, không chỉ giết hại dân lành mà còn tàn sát cả cây cối vô tội. Chỉ có cái ác mới hủy diệt môi trường sống như vậy.
Đã từ lâu, rất lâu, phượng là loài thảo mộc gắn bó với trường học như hình với bóng; trở thành biểu tượng của mùa hè, của tuổi thơ; thành hình ảnh đậm chất thi ca, nhạc họa. Cho nên cũng rất tự nhiên, phượng đã là một phần của văn hóa, của đời sống trong môi trường giáo dục.
Bởi thế, đối xử thiếu nhân văn với nó, sẽ là một thảm họa văn hóa. Vô hình trung, chúng ta đang góp phần làm nghèo đi đời sống tinh thần và tâm hồn của lớp trẻ chỉ vì nỗi ám ảnh trách nhiệm của người lãnh đạo – cái trách nhiệm quái gở đang triệt tiêu mọi sự năng động, sáng tạo và niềm phấn khích của con người, thay vào đó là thói vô cảm, co mình lại trong vỏ ốc cá nhân để giữ an toàn cho chiếc ghế quyền lực.
Phượng đổ nơi sân trường, cây không có tội. Tội chăng là nó đã già – quy luật sinh tồn của tự nhiên – chẳng còn sức mà chống chọi với thời gian và môi trường sống ngày càng khắc nghiệt. Đáng lẽ ra, con người nhân từ, độ lượng thì hãy suy ngẫm sâu xa hơn để dũng cảm nhận lấy phần trách nhiệm của mình trong những vụ cây đổ, từ đó mà có thái độ và hành động ứng xử nghĩa tình đối với loài cây vốn rất thân thiện với môi trường giáo dục.
Trách nhiệm đó là gì? Ai còn lạ, thời hiện đại người ta trồng cây cũng rất “hiện đại”. Hầu hết cây xanh ở những công trình mới xây dựng trong đó có cả trường học được bứng từ nơi khác đến khi chúng đã là cổ thụ. Người ta đào bới nó lên, chặt hết bộ rễ, cành lá, đóng bầu, kích thích cho nó ra mầm rồi đem trồng theo… dự án. Như một phép mầu, trụ sở, trường học, công viên, đường sá vừa làm xong đã có cây cao tỏa bóng.
Nhìn những cây phượng bật gốc, đổ sập mà không khỏi xót xa. Thân cây hai người ôm không xuể nhưng bộ rễ lại ẻo lả, nông choèn. Đó chính là hệ quả thói láu cá của con người; của sân trường và công sở bê tông hóa khiến cây luôn trong tình trạng ngộp thở, bộ rễ không còn đủ sức vươn xa, luồn sâu trong lòng đất.
Bây giờ, sau cơn giận dữ của người đời, sân trường nhiều nơi trơ trọi, cháy nắng. Chẳng còn cảnh đùa giỡ vô tư của những cô cậu học trò quanh gốc phượng sần sùi trong những giờ ra chơi. Chẳng còn tiếng ve réo rắt trên tán cây cao cùng những nụ hoa đỏ thắm báo hiệu một mùa hè sắp đến. Những hình ảnh nao lòng bao thế hệ học sinh không còn nữa, ít ra cũng trong vòng năm bảy năm khi người ta chưa tìm được giải pháp thay thế.
Nhưng hệ lụy của nó còn khủng khiếp hơn, chẳng đo chẳng đếm được. Điều gì sẽ diễn ra trong tâm hồn non nớt, trong trẻo của bọn trẻ khi phải chứng kiến cảnh máy móc rú lên ghê rợn hạ sát cây xanh, xéo nát những chùm hoa phượng đỏ vừa hé nở trên sân trường mà chúng vẫn coi như người bạn? Rồi đây, khi từ biệt mái trường để vào đời rộng lớn, điều gì đọng lại trong hành trang theo suốt cuộc đời họ một khi đã từng chứng kiến cảnh tượng tang thương kia? Bao nhiêu bài học đạo đức, bài học về tình yêu thiên nhiên và cuộc sống mà thầy cô đã dày công dạy dỗ học sinh bỗng chốc trở nên vô nghĩa bởi một phút hoảng hốt vì nỗi sợ trách nhiệm. Có nỗi đau nào hơn thế?
Tại sao? Tại sao người ta không chọn những giải pháp nhân văn hơn dù rất có thể để vừa giữ được loài cây trân quý đối với tuổi học trò lại vừa thêm được một bài học bổ ích về cách đối nhân xử thế trong môi trường sư phạm cho thế hệ trẻ?
Chẳng còn phượng vỹ
Chẳng còn tiếng ve
Chẳng còn sắc đỏ khi hè chớm sang
Ai đã mang “mùa hè đi qua còn tôi đứng lại”
Giữa sân trường nắng cháy, người ơi!
Nguyễn Duy Xuân