Nỗi buồn tím biếc trong thơ Võ Thi Nhung

638

Nguyễn Ngọc Hạnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vô tình tôi “nhặt” trong thơ của Võ Thi Nhung một nỗi buồn. Thật ra mấy khi thơ mang lại niềm vui bao giờ, nhưng nỗi buồn trong tập thơ nhỏ này ẩn chứa một thế giới cô độc với một sắc màu tím biếc trên “Dốc chiều lửng gió”*, dường như tác giả muốn gửi gắm nỗi lòng mình, giãi bày với cuộc đời này khi tâm hồn bất chợt bùng vỡ, tan chảy…


Tác giả Võ Thi Nhung trong buổi ra mắt tập thơ “Dốc chiều lửng gió”.

Sắc màu là một dạng thức nghệ thuật văn chương, đôi khi nó chín lịm từ trong vô thức rồi rơi rơi lặng thầm mà chính nhà thơ đôi khi cũng mơ hồ không nhận ra nỗi buồn đang tan chảy. Từ Lời ru màu xoan tím ngày xưa trên tóc mẹ đã khơi dậy nỗi đau đời mình: “Màu xoan giờ vẫn tím/ Tóc mẹ đã phai màu/ Trên chặng đường đắng đót/ Lời ru dịu cơn đau”. Màu tím ấy lẫn khuất đâu đó trong những hoài niệm một thời bên dòng sông Hương êm đềm thời cắp sách: “Xa anh rồi, em yêu màu tím biếc/ Lá thu bay mờ bóng chiều rơi/ Vắng anh mà đọng cả bầu trời/ Thướt tha trên áo em màu tím”. Cái màu tím ấy cứ lan dần, tan dần cả trời chiều phủ kín nỗi buồn mối tình đầu thời thơ trẻ: “Mây mờ giăng tím hoàng hôn/ Chạnh lòng vương vấn phủ buồn dáng ai”. Vẫn biết màu tím Huế tự bao đời đã đi vào thơ ca với nhiều cung bậc khác nhau. Thế mà ngày trở lại, khi Thi Nhung chạm tay vào Hoàng thành thì cảm xúc ấy vỡ òa:

“Chạm nhau ở phía cuối chiều 
Tầng tầng lá khép lệch xiêu gió cuồng 
Ta về uống ngụm trăng suông 
Vân vê tà áo đã dường tả tơi

Chạm nhau ở phía không lời 
Đêm le lói một nụ cười rong rêu
Lẽ đời cứ mải trớ trêu
Vườn xưa sót mảnh trăng nghèo khuyết hao”

(Chạm)

Từ ngọn gió đầu đời ngày hai mươi tuổi “thướt tha trên áo em màu tím/ là một ngày mây phủ tím trời”. Võ Thi Nhung thêu dệt giấc mơ đầu đời trong thơ từ nỗi buồn rất Huế. Và, ai ngờ cuộc đời xô đẩy, dạt trôi, cát bụi phận người, niềm vui thời áo trắng sớm phôi phai, để rồi “chạm nhau ở phía cuối chiều/ tầng tầng lá khép lệch xiêu gió cuồng”, “Chỉ còn nỗi nhớ thẳm sâu/ ngu ngơ hoài niệm nhuốm màu thời gian”. Và một nỗi buồn lớn hơn, sâu nặng hơn từ ngọn gió cuồng phong ập đến, làm tan vỡ những hạnh phúc nhỏ nhoi khi “tiếng chim kêu thao thiết lạc bầy”, đó là lúc Võ Thi Nhung bơ vơ mất đi người chồng trẻ đầy thương mến: “Anh về bến không rồi/ Em đường trần mê lụy/ Chơ vơ giữa cuộc người/ Duyên tình xa vạn lý”. Có phải vì thế mà trong bài Độc ẩm, một khúc ru buồn của người thiếu phụ, Thi Nhung đã ví mình như “người đàn bà đã cũ/ huyễn hoặc mình thui chột những niềm đau?”.

Đọc Dốc chiều lửng gió, tôi bắt gặp nỗi buồn của một người đàn bà đầy hệ lụy, tâm trạng cô đơn trong mỗi câu thơ, thế mà chính Thơ lại vực dậy tâm hồn người thiếu phụ, Nhung đã vượt qua nỗi buồn, vượt lên số phận, để “mai mốt bụi về nơi cát bụi/ hư danh cũng để lại bên đời”. Khi đọc mấy dòng trích dẫn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha giới thiệu trong tập thơ này, tôi càng cảm nhận ra rằng “Bằng năng lượng nén chặt của cô đơn, Võ Thị Nhung đã hồn nhiên để thơ tràn từ trái tim mình, chầm chậm thấm vào nhân gian, phảng phất đâu đó mùi thiền của miền tịnh không – mang máng đâu đó mùi thơm của mùa cổ điển”, có lẽ đó cũng là những sẻ chia đầy giao cảm của nhà thơ:

“Đôi chân lấm luốc bụi hồng
Miệt mài gánh phận trăm năm đàn bà
Ta tìm sao chẳng thấy ta
Ngủ vùi trong những la đà phù hư”

(Miền tịnh không)

Với màu tím ấy, với cái nhìn tinh khiết của nỗi lòng người cô phụ, Võ Thi Nhung đã “lật từng trang quá khứ/ chiêm bao anh hiện về/ người đàn ông giấu lửa/ lời yêu chìm lặng vào trong”. Màu tím ấy là màu thời gian, là dấu vết của Dốc chiều lửng gió, là nắng mưa thân phận nhuốm màu bể dâu: “Còn đây nỗi nhớ thẳm sâu/ Ngu ngơ hoài niệm nhuốm màu thời gian”… Và, bỗng nhiên tôi nhớ Đoàn Phú Tứ: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát”. Và tôi nhớ Võ Thi Nhung, hồn thơ tím biếc…

N.N.H

* Thơ Võ Thi Nhung – NXB Hội Nhà văn, 2019