Nỗi cô đơn vô vọng trong “Nỗi niềm gối lẻ”

1378

Mai Ngọc Phát

(Vanchuongphuongnam) – Nỗi cô đơn trong thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương là hai mảng màu tương phản. Trong thơ chữ Nôm của bà, nỗi cô đơn có sắc thái đáo để, chủ động quậy phá, sẵn sàng phá tung mọi xiềng xích, vượt qua mọi rào cản để đấu tranh cho bình đẳng, tự do. Trong thơ chữ Hán, nỗi cô đơn ấy lại bị động, cô lẻ, yếm thế, buông tay phó mặc cho số phận… Người viết xin dẫn bài thơ “Nỗi niềm gối lẻ” (Bán chẩm thư hoài) trong mảng thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương để chứng minh nhận định trên.

Tác giả Mai Ngọc Phát

Nỗi niềm gối lẻ

“Nửa trời mưa gió nửa trời thanh,

Đất khách thê lương mộng khó thành.

Bạn hát có thần cùng họp mặt,

Ma tình không sức đuổi sầu binh.

Trong chăn gầy nửa thân thanh lịch,

Trên chiếu chia đều phận nổi nênh.

Một nỗi mênh mông lời chẳng siết,

Cõi trần được mấy mắt đôi xanh.”

(Bùi Hạnh Cẩn  dịch)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Bán chẩm thư hoài

“Bán thiên phong vũ bán thiên tình,

Lữ huống thê lương nhập mộng tinh.

Ngâm khách hữu thần lai sắc tướng,

Tình ma vô lực khước sầu binh.

Khâm trung bán sấu phong lưu cốt,

Tháp thượng bình phân hải giác tình.

Nhất phiến vô liêu ngôn bất tận,

Trần hoàn an đắc nhãn song thanh.”

Bài thơ “Nỗi niềm gối lẻ” rút từ cuốn sách “Hương đình Cổ nguyệt thi tập” của Hồ Xuân Hương, được Bùi Hạnh Cẩn tìm thấy năm 1973 tại tủ sách gia đình ông Trần Văn Hào, tại xã Quần Phương, huyện Hải Hậu, Nam Hà, hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Thi tập này gồm 9 bài thơ không có trong tập “Lưu hương ký”.

Cô đơn vốn là trạng thái tâm lý khó gọi thành tên của con người. Nó trở thành một chủ đề văn học bất tận được khám phá trong suốt chiều dài lịch sử, và mỗi ngày lại có thêm những phát hiện mới lạ. Với những người mang đức tin vào Thượng Đế, thì cô đơn là một giá trị cho đời sống thuộc linh, để giúp thanh tẩy bản thân, thanh luyện tâm tình, hướng tới sự thông giao mầu nhiệm. Với các nghệ sĩ nói chung, cô đơn luôn tạo thêm năng lượng cho sáng tạo, giúp nghệ sĩ tỉnh táo, mẫn cảm hơn khi khám phá thế giới xung quanh và thế giới nội tâm. Họa sĩ thiên tài P. R. Picasso  đã nói: “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”.

Nỗi cô đơn trong bài thơ “Nỗi niềm gối lẻ” của Hồ Xuân Hương chính là nỗi “cô độc lớn lao” ở thi sĩ tài năng, đầy bí ẩn này. Bài thơ được tác giả viết nơi đất khách quê người trong một khung cảnh mang nhiều nét dị biệt, bầu trời chia hai, một nửa vẫn trong mưa gió, và nửa kia đã tạnh. Khi ấy, bạn bè cố tri, xướng họa văn chương với nhà thơ đều trốn biệt. Mối tình với người đã chết mà bà gọi là “ma tình” (tình ma) không đủ sức xua đuổi nỗi sầu muộn ùa đến như lũ âm binh.

“Trong chăn gầy nửa thân thanh lịch

Trên chiếu chia đều phận nổi nênh.”

Trạng thái “nửa thân” và thân phận chìm nổi được “chia đều” trong hai câu thơ này tương ứng với bối cảnh bầu trời chia hai ở trên. Bài thơ gồm tám câu, viết theo thể “thất ngôn bát cú” Đường luật. Tác giả sắp xếp cứ hai câu thơ lại làm thành một cặp tương xứng hình ảnh tương xứng, đối lập và bổ sung cho nhau về ngữ nghĩa, diễn tả sự cô lẻ của con người. Xin liệt kê từng cặp hình ảnh diễn tả nỗi cô đơn , chia hai trong bài thơ này: Nửa trời >< Đất khách, Bạn hát >< Ma tình, Trong chăn >< Trên chiếu, Một nỗi mênh mông >< Cõi trần.

Bài thơ “Nỗi niềm gối lẻ” được Hồ Xuân Hương viết sau khi vụ án của chồng bà là Quan Tham hiệp Trần Phúc Hiển chưa được minh oan. Trần Phúc Hiển người Đàng Trong, con nhà thi thư. Năm Gia Long thứ 2 (1803), ông được bổ chức Hàn lâm thị thư , sau đó được thăng Tri phủ Tam Đái thuộc trấn Sơn Tây. Năm Gia Long thứ 12 (1813), Trần Phúc Hiển được thăng chức Tham hiệp trấn Yên Quảng, trấn lị Yên Quảng, bấy giờ đóng tại Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Trần Phúc Hiển có lẽ là người tình cuối cùng của Hồ Xuân Hương, đã ông lấy bà làm lẽ rồi hai người, sống với nhau ở Quảng Yên, vào khoảng năm 1814 – 1818. Tháng Năm5 năm 1818, Trần Phúc Hiển bị bắt giam và bị xử tử vào năm 1819 vì bị tố cáo nhận hối lộ để giải quyết việc ruộng đất ở châu Hải Ninh.

Trở lại với “Nỗi niềm gối lẻ”, nỗi cô đơn trong bài thơ này cho thấy vẻ đẹp đặc trưng của tâm hồn phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, đằm thắm và thủy chung với người mình yêu dấu. Nhưng nếu so sánh bài thơ này với loạt bài thơ chữ Nôm của bà có chung tâm trạng, hoàn cảnh cô lẻ tương tự, ta thấy chúng khác nhau, khác từ tính cách, thái độ, đến bút pháp, ngôn từ…

“Một nỗi mênh mông lời chẳng siết

Cõi trần được mấy mắt đôi xanh.”

Trong nỗi quạnh hiu không thể diễn tả bằng lời, nhà thơ không tìm thấy người sáng suốt “mắt đôi xanh” để phân xử điều trắng đen, oan khuất lúc bấy giờ. Hai câu thơ kết như vĩ thanh của nỗi cô đơn đã choán trong tâm trí người đọc từ đầu bài thơ “Nỗi niềm gối lẻ”. Nó là nỗi bi phẫn vô vọng mà tác giả đã gánh chịu và giờ, buông xuôi.

Cũng mô tả tương tự hoàn cảnh người đàn bà mất chồng, nhưng trong bài  thơ chữ Nôm có tên “Dỗ người đàn bà khóc chồng” , ta thấy như Hồ Xuân Hương đã lột xác trong một tâm thế khác hẳn, tung hoành, chủ động, bỡn cợt lạnh lùng.

 “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng,

Nín đi kẻo thẹn mấy non sông.

Ai về nhắn nhủ đàn em nhé,

Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung.”

Hoặc trong bài “Thơ tự tình”, ta thấy Hồ Xuân Hương thật đáo để, đầy thách thức:

“Tài tử văn nhân ai đó tá

Thân này đâu đã chịu già tom.”

Thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương tựa hai tính cách “Nhu”  và “Cương” cùng tồn tại song hành trong một con người. Ngay trong một hình mẫu thơ của bà, ta vẫn dễ nhận ra sự pha trộn hai tính cách này. Trong thơ chữ Hán của nữ sĩ, đằng sau với vẻ ngoài nhu thuận, đằm thắm, nhân hậu vẫn có một số câu thơ pha lẩn khuất nét cứng cỏi, lấp lánh ánh kim: “Trong chăn gầy nửa thân thanh lịch” – “Khâm trung bán sấu phong lưu cốt.”. Chữ “thanh lịch” đặt cạnh hình ảnh một thiếu phụ nằm trong chăn mà vóc dáng đã gầy đi nửa phần, thì chỉ Hồ Xuân Hương mới có thể viết được như vậy. Hoặc trên chiếc giường hạnh phúc giờ đã chia đôi mối tình nơi góc biển: “Trên chiếu chia đều phận nổi nênh” – “Tháp thượng bình phân hải giác tình”. Hình ảnh này mang cho bạn đọc cảm nhận nỗi cô đơn đã mở ra một khoảng không vô tận.

“Nỗi niềm gối lẻ” cùng những bài thơ tình về lứa đôi, chồng vợ hoặc ẩn dụ phong tình đều gắn với những mối tình cụ thể trong cuộc đời lênh đênh, bạc phận của thi sĩ nhất mực tài hoa Hồ Xuân Hương. Phải Có lẽ chăng những giọt nước mắt lung linh này đã làm nên những vần bài thơ bất hủ trong sự nghiệp vẻ vang của bà.

M.N.P